Chuyện về cô dâu Việt Nam đầu tiên được gả đến Nhật Bản thế kỷ 17

Người Nhật gọi cô bằng cái tên trìu mến – Anio (アニオ). Nguồn gốc của cái tên kỳ lạ này được cho là khi cô gọi chồng mình là “Anh ơi”, người dân Nagasaki tưởng đó là tên thật của cô.

Chuyện về cô dâu Việt Nam đầu tiên được gả đến Nhật Bản thế kỷ 17

Hôn lễ của công chúa Nguyễn Phúc Ngọc Hoa và thương gia Araki Soutarou được tái hiện tại Giao lưu văn hóa Hội An – Nhật Bản lần thứ 17 ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam năm 2019.

Nhật Bản là đất nước bị bao bọc bởi đại dương. Để giao thương với bên ngoài hoặc ngược lại, người Nhật phải băng qua biển cả mênh mông và dữ tợn. Chính vì thế mà đảo quốc này hầu như không có quan hệ thân thiết và bang giao sau đậm với đất nước nào.

Thế nhưng, cách đây 350 năm, giữa Việt Nam và Nhật Bản đã có một bước ngoặt lịch sử trong mối quan hệ, làm tiền đề cho các hoạt động giao lưu sau này. Đó là một đám cưới.

Theo tư liệu, chú rể tên gọi Araki Soutarou xuất thân từ gia đình Samurai tỉnh Kumamoto.

Sau khi chuyển đến tỉnh Nagasaki, ông trở thành một thương nhân. Bấy giờ, Nhật Bản đang trong thời kỳ Bế quan toả cảng nên việc giao thương tuyệt đối bị cấm. Thế nhưng chỉ có một phần Nagasaki được phép hoạt đông.

Thế rồi, từ năm 1619 đến năm 1632, Araki Soutarou đi lại Việt Nam rất nhiều lần. Mối thâm tình trở nên sâu sắc khi ngài nhận được sự quý mến của nhà vua triều Nguyễn và được ban hôn với cô con con gái rượu của nhà Vua.

Tên nàng là Nguyễn Phúc Ngọc Hoa (阮福玉華). Trong sử sách còn gọi là công chúa Ngọc Hoa. Nàng là Quận chúa nhà Nguyễn, được biết đến là con nuôi của chúa Sãi, Nguyễn Phúc Nguyên (cũng có tài liệu cho rằng Ngọc Hoa là con gái ruột).

Người Nhật gọi cô bằng cái tên trìu mến – Anio (アニオ). Nguồn gốc của cái tên kỳ lạ này được cho là khi cô gọi chồng mình là “Anh ơi”, người dân Nagasaki tưởng đó là tên thật của cô.

Và đó là truyền kỳ về đám cưới đầu tiên trong lịch sử quan hệ Nhật- Việt.

Sau khi kết hôn, hai vợ chồng chuyển đến sống ở Nhật Bản. Từ đó, cũng không có lần nào nàng quay lại quê hương Việt Nam nữa. Có thể nói, công chúa Anio cũng là người Việt đầu tiên đặt chân lên nước Nhật.

Sau khi Araki Soutarou mất, công chúa Anio sau 10 năm thương nhớ người chồng quá cố cũng ra đi, ngay vào ngày giỗ thứ 10 của chồng.

Để ca ngợi một giai thoại tình yêu đẹp trong quá khứ, cứ bảy năm một lần, người dân Nagasaki lại tái diễn nghi thức đám cưới của hai vợ chồng sắt son thuở ấy trong lễ hội Nagasaki Kunchi (7-9 tháng 10). Hoạt động này là một phần của chương trình âm nhạc truyền thống “Goshuinsen” hay “tàu đóng dấu đỏ”, tên gọi các tàu buôn bán do shogun ủy quyền thời xưa.

Ngày nay, du khách cũng có thể ghé thăm mộ phần công chúa Anio và thương nhân Araki Soutarou tại khu nghĩa trang gia tộc Araki ở chùa Daionji, thành phố Nagasaki.

Thời nay, chỉ cần ngồi máy bay 6 tiếng là đã đến được Nhật Bản. Thế nhưng thời ấy, chỉ có thể vượt biển bằng tàu. Rất nhiều nguy cơ và tai hoạ có thể ập đến. Vậy mà Araki Soutarou đã mạo hiểm vượt mọi chông gai để đi lại giữa Việt nam- Nhật Bản.

Cũng như công chúa triều Nguyễn vượt đại dương theo chồng đến nơi đất khách.

Không biết, trên chuyến tàu đưa cô đến xứ người ấy, cô đã có tâm trạng như thế nào…

Theo VN.JAPO.NEWS / TỔNG HỢP

Tags: , , ,