Chuyện về ba người phụ nữ đổi thân mình lấy đại cục của nhà Trần

Vốn là những công chúa, ái phi được sống trong nhung lụa của triều đình, họ đã hi sinh tất cả vì lợi ích của dân tộc…

Chuyện về ba người phụ nữ đổi thân mình lấy đại cục của nhà Trần

Sự hi sinh bị lãng quên của công chúa An Tư

Đầu năm 1285, quân Nguyên đã đánh tới Gia Lâm, vây hãm thành Thăng Long của nhà Trần. Chiến sự diễn ra rất bất lợi. Tướng Trần Bình Trọng đã hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc, cùng lúc nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng, kể cả hoàng thân Trần Ích Tắc đều qui hàng.

Quan đại thần Đỗ Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của Nguyên, nhưng không có kết quả. Trong lúc đó, nhà Trần rất cần có thời gian hòa hoãn để củng cố lại lực lượng. Không còn lựa chọn nào khác, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã phải dùng đến kế mỹ nhân.

Công chúa An Tư, em gái của Trần Thánh Tông đã được triều đình dâng cho tướng Thoát Hoan của nhà Nguyên như một cử chỉ nhượng bộ, để quân Thoát Hoan chùng tay trong một thời gian.

Khi đã sốc lại được tinh thần, quân Trần bắt đầu phản công. Quân Nguyên bị đánh cho đại bại, đến mức Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để được toàn mạng khi chạy về phương Bắc.

Trớ trêu thay, sau chiến thắng lẫy lừng của nhà Trần, sử sách hầu như chỉ nhắc đến công chúa An Tư trong vài dòng ngắn ngủi. Không rõ số phận công chúa ra sao, đã chết cùng đám tàn quân Thoát Hoan hay được đưa về Trung Quốc.

Theo cuốn An Nam chí lược của sử gia thời Trần lưu vong ở Trung Quốc là Lê Tắc, Thoát Hoan có lấy một người con gái nhà Trần và sinh được hai con. Nhưng chưa thể khẳng định người đó có phải là công chúa An Tư hay không.

Dù không được sử sách chú ý, nhưng các thế hệ sau này vẫn dành cho công chúa An Tư một sự kính trọng sâu sắc vì sự hi sinh thầm lặng của bà trong chiến thắng của nhà Trần.

Vào thập niên 1943, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã viết một cuốn tiểu thuyết lịch sử về công chúa An Tư. Trong cuốn tiểu thuyết, do nặng lòng với đất nước, công chúa đã tự sát ở sông Cái khi bị đưa về phương Bắc sau thất bại của Thoát Hoan.

Huyền Trân công chúa đổi thân lấy đất Chiêm Thành

Công chúa Huyền Trân sinh năm 1287, là con gái của vua Trần Nhân Tông và em gái vua Trần Anh Tông.

Vào năm 1293, vua Trần Nhân Tông thoái vị, trở thành Thái thượng hoàng và lên tu ở núi Yên Tử. Năm 1301, ông nhận lời mời du ngoạn Chiêm Thành, được vua Chiêm là Chế Mân tiếp đãi nồng hậu và ở lại trong cung điện Chiêm Thành gần 9 tháng.

Trước khi về nước, Trần Nhân Tông đã hứa gả Huyền Trân cho Chế Mân. Khi đó ông vua Chiêm Thành đã có chính thất là hoàng hậu Tapasi, người Java.

Năm 1306, vua Chế Mân dâng hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế ngày nay) cho nhà Trần làm của hồi môn để lấy Huyền Trân. Vua Trần Anh Tông đã đồng ý gả công chúa.

Về Chiêm Thành, Huyền Trân được phong làm hoàng hậu Paramecvari. Một năm sau, bà sinh cho Chế Mân một hoàng tử, đặt tên là Chế Đa Đa. Ít lâu sau Chế Mân băng hà, nhà Chiêm sai sứ sang Đại Việt báo tang.

Theo tục lệ Chiêm Thành, khi vua chết hoàng hậu phải lên dàn hỏa thiêu để chết theo. Vua Trần Anh Tông biết điều này bèn sai sai Trần Khắc Chung vờ sang viếng tang rồi tìm cách cứu Huyền Trân. Trần Khắc Chung đãbày kế thành công và cứu được Huyền Trân, đưa công chúa về Đại Việt bằng đường biển.

Theo một số nguồn sử liệu, cuộc hành trình về nước của công chúa Huyền Trân đã kéo dài tới một năm, và bà đã tư thông với Trần Khắc Chung trong khoảng thời gian đó. Thực hư của điều này ra sao mãi mãi là một ẩn số trong lịch sử Việt Nam.

Huyền Trân mất vào năm 1340. Các triều đại sau này đều sắc phong bà là thần hộ quốc. Vua triều Nguyễn ban chiếu đền ơn công chúa trong việc giữ nước giúp dân, có nhiều linh ứng, tôn bà làm “Trai Tĩnh Trung Đẳng Thần”

Cung phi Nguyễn Thị Bích Châu dâng mình cho thần biển

Nguyễn Thị Bích Châu là con gái cưng của một cận thần dưới triều Trần, từ thời niên thiếu đã nổi tiếng xinh đẹp, lại thông tuệ, giỏi văn chương, âm nhạc. Năm 16 tuổi (khoảng 1372) bà vào cung, được vua Trần Duệ Tông rất đỗi thương yêu, phong là ái phi.

Năm 1376, Đại Việt liên tục bị quân Chiêm Thành gây hấn. Vua Duệ Tông nổi giận ngự giá thân chinh đi dẹp giặc. Bích Châu thấy bất an, khuyên can vua không được, đành xin đi theo hộ giá.

Khi đoàn thuyền chiến vừa đến cửa biển Kỳ Hoa (Kỳ Anh, Nghệ Tĩnh) trời bỗng nổi bão lớn. Đoàn thuyền chiến va vào nhau, nhiều cái bị đứt dây, dạt vào đá vỡ toang, quân lính chết vô số… Vua Duệ Tông nhất quyết đợi bão tan sẽ tiến binh tiếp.

Bích Châu rất lo lắng. Bà chợt nhớ về truyền thuyết thần biển đòi mỹ nữ và nghĩ đến việc liều mình để giúp đất nước. Bà liền xin vua được hiến thân cho thần biển để thần phù hộ nhà vua chiến thắng.

Vua còn sững sờ thì Bích Châu đã quay ra truyền lệnh sửa soạn lễ vật cúng thần biển. Mặc những lời can ngăn, bà vẫn một mực xin thực hiện ý nguyện của mình. Vua quan đành nén đau thương chấp thuận.

Sau khi tiến hành các nghi lễ và từ biệt nhà vua, Bích Châu ngồi vào chiếc thuyền nhỏ nhắn có cắm đại hoàng kỳ. Không lâu sau khi được thả xuống biển, chiếc thuyền lập tức bị sóng dữ nhấn chìm…

Sau hài khi bão ngớt và đoàn chiến thuyền của vua Trần Duệ Tông đã đi khá xa, thi hài Bích Châu mới nổi trên mặt biển và trôi dần vào bờ. Bà được dân làng rước đi an táng tại làng Kỳ Hoa. Đến nay, ngôi làng này vẫn thờ thần phi Bích Châu.

Theo KIẾN THỨC

Tags: , ,