⠀
Chuyện giang hồ đi vào nghệ thuật ở Sài Gòn trước 1975
Hiện tượng có một không hai xảy ra ở Sài Gòn trước năm 1975: Tội phạm trong thế giới giang hồ thông qua giới nghệ thuật, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp trẻ.
Ông trùm mafia Ý ở đảo Sicin trở thành bất hủ khi thành nhân vật chính trong tác phẩm Bố già (The Godfather) nổi tiếng của nhà văn Mỹ gốc Ý tên Mario Puzo.
Tác phẩm sau đó được dựng thành phim cũng nổi tiếng không kém. Nhân vật chính Don Vito Corleone trong phim là hiện thân của ông trùm tên Don Vito Cascio Ferr di cư từ Ý qua Mỹ những năm đầu thế kỷ 20, đã gây dựng nên tổ chức maphia đầu tiên trên xứ cờ hoa.
Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng đã lấy nguyên mẫu một tội phạm ngoài đời đi vào tác phẩm “Bỉ vỏ”. Đây là tác phẩm văn học đầu tiên ở nước ta viết về thế giới giang hồ ở đất Hải Phòng.
Thế nhưng, tội phạm trong thế giới giang hồ thông qua thế giới nghệ thuật, ảnh hưởng mạnh mẽ đến tầng lớp trẻ là hiện tượng có một không hai lại xảy ra ở Sài Gòn trước năm 1975.
Đó là băng giang hồ của Đại Cathay cũng các quân sư và người tình đều trở thành những nhân vật nổi tiếng trong các tác phẩm nổi tiếng ở miền Nam thời bấy giờ.
Tác phẩm “Điệu ru nước mắt” của nhà văn Duyên Anh lấy nguyên mẫu trùm Đại Cathay làm nhân vật chính, được thi vị hóa thành kẻ giang hồ hào hoa, lãng tử.
Tương truyền, trong quá trình cuốn “Điệu ru nước mắt” được viết, Đại Cathay đã cung cấp thuốc phiện và khách sạn yên tĩnh cho nhà văn.
Tuy nhiên, sách ra đời, dù bán rất chạy nhưng Đại Cathay không hài lòng vì vài tình tiết không được như ý, nhà văn Duyên Anh phải trốn lên Đà Lạt sống một thời gian.
Đại Cathay ngoài đời tuy không được ăn học nhưng có đội ngũ quân sư là những trí thức, nghệ sĩ có tên tuổi giúp và băng nhóm của y bớt vẻ cục súc, độc ác như băng ba tàu Huỳnh Tỳ, Hoàng Cái Thế… Quân sư Hoàng là một nhạc sĩ ghi-ta cũng là nhân vật chính trong tiểu thuyết “Vết thù trên lưng ngựa hoang”.
Tác phẩm này nổi tiếng đến mức được dựng thành phim. Nhạc sĩ tài ba Phạm Duy đã phổ nhạc bài hát cùng tên cho bộ phim này.
Lệ Hải, người tình của Đại Cathay là nhân vật xuất thân từ nhà giàu, theo tiếng gọi giang hồ đã chọn thế giới này làm lẽ sống. Cuộc tình ngắn ngủi giữa Đại Cathay và Lệ Hải được giới giang hồ đồn đại đẹp như bài thơ tình lãng mạn.
Sau đó, người đẹp Lệ Hải qua tay bao nhiêu đấng mày râu khác, có kẻ là trí thức giang hồ, có kẻ là anh hùng hảo hán và có cả …nhà thơ!
Bài hát “Loài yêu nữ mang tên em” do ca sĩ Elvis Phương trình diễn nổi tiếng một thời xuất thân từ bài thơ của nhà thơ Văn Mạc Thảo: “Ta gọi tên em là yêu nữ – Là loài yêu mị gái hồ ly” được nhạc sĩ Ngọc Chánh phổ nhạc.
Nữ văn sĩ nổi tiếng ăn khách Lệ Hằng cũng vào cuộc, từ nhân vật Lệ Hải đã viết nên tiểu thuyết “Bản tăng gô cuối cùng” xuất bản nhiều lần trước năm 1975!
Ngoài những người trong băng Đại Cathy lên sách, tiểu thuyết, thơ và phim thì các nhân vật khác như Điềm Khắc Kim, Bạch Hải Đường là những nhân vật trong các vở cải lương cùng tên. Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Hùng Cường, Minh Vương đã vào vai tướng cướp Bạch Hải Đường.
Tuy nhiên, cần nói thêm, nhân vật tướng cướp Bạch Hải Đường trong vở cải lương và ngoài đời cách nhau rất xa!
Theo VIETNAMNET
Tags: Việt Nam Cộng hòa, Trào lưu nghệ thuật