⠀
Chùm ảnh: Máy bay MiG-21 số hiệu 5121 – chiến công phi thường
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, chiếc MiG-21 số hiệu 5121 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã làm được một việc mà cho đến nay chưa có chiếc máy bay chiến đấu nào khác trên thế giới làm được.
Được bảo quản và trưng bày Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, chiếc máy bay chiến đấu MiG-21 số hiệu 5121 của Không quân Nhân dân Việt Nam đã lập một chiến tích vô song trong lịch sử quân sự thế giới.
Được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ, chiếc tiêm kích phản lực này từng thuộc biên chế Trung đoàn 921, Sư đoàn 371, là Trung đoàn tiêm kích đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không, vào đêm 27/12/1972, chiếc MiG-21 số hiệu 5121 do anh hùng Phạm Tuân lái, xuất kích từ sân bay Yên Bái đến vùng trời Sơn La thì phát hiện máy bay B-52.
Do địch chưa biết có MiG-21 bám đuôi, anh hùng Phạm Tuân nhanh chóng vượt qua hàng rào máy bay tiêm kích yểm hộ cho B-52, điều chỉnh đường ngắm và bắn liền hai quả tên lửa hạ siêu pháo đài bay. “Kỳ quan kỹ thuật” của quân đội Mỹ bốc cháy ngùn ngụt rồi lao xuống đất.
Sau đó, phi công Phạm Tuân điều khiển chiếc MiG quay về sân bay Yên Bái an toàn. Ngay trong đêm 27/12, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng – Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã điện khen ngợi bộ đội không quân lập công xuất sắc.
Ngoài kỳ tích bắn rơi pháo đài bay B-52, chiếc MiG-21 5121 còn bắn rơi thêm 4 chiếc máy bay các loại của Mỹ khi được hai phi công Vũ Đình Rạng và Đinh Tôn điều khiển.
Phía đầu máy bay sơn 5 ngôi sao đỏ, tượng trưng cho 5 chiến công bắn rơi máy bay Mỹ.
Cho đến nay MiG-21 số hiệu 5121 là chiếc máy bay tiêm kích duy nhất trên thế giới bắn hạ được B-52 trên bầu trời bằng tên lửa không đối không. Trong phần lớn các trường hợp khác, B-52 bị bắn hạ bằng tên lửa đất đối không.
Sau thời gian dài tham chiến, MiG-21 5121 được chuyển làm nhiệm vụ huấn luyện, tuần tiễu, diễn tập. Đến năm 1985, chiếc chiến đấu cơ này được điều về Trung đoàn không quân 920, thuộc trường Sĩ quan chỉ huy kỹ thuật không quân (nay là Trung đoàn 490 – Trường Sĩ quan không quân).
Tại đây, “cánh én bạc” 5121 tham gia huấn luyện, đào tạo hàng chục phi công với gần 300 giờ bay, đào tạo nhân viên kỹ thuật, phục vụ tham quan ngoại khóa cho học viên.
Tháng 10/2007, khi đang làm nhiệm vụ huấn luyện trong Nha Trang, chiếc MiG-21 từng bắn hạ “pháo đài bay” B-52 được Trường Sỹ quan không quân xử lý an toàn, vận chuyển từ Khánh Hòa về lắp ráp và trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Khi đưa về Hà Nội, máy bay có chiều dài 15,5 mét, sải cánh hơn 7 mét, được tháo rời và vận chuyển bằng xe chuyên dụng. Để chuyển vào bên trong bảo tàng, chiếc MIG đi qua cổng sau của Hoàng thành Thăng Long rồi được cẩu qua bờ rào và nằm ở vị trí trưng bày như hiện nay.
Vào năm 2012, chiếc máy bay MiG-21 số hiệu 5121 huyền thoại đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam.
Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG
Tags: Kháng chiến chống Mỹ, Hiện vật lịch sử, Vũ khí, Bảo vật quốc gia, Điện Biên Phủ trên không, Bảo tàng, Chiến tranh Việt Nam