Chùm ảnh: Bảo vật lá đề chim phượng đẹp nhất thành Thăng Long thời Lý

Bảo vật quốc gia – lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long là tư liệu quý giúp tái hiện diện mạo kinh thành Thăng Long những thế kỷ đầu tiên sau khi được thành lập.

Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long là tên gọi của một cổ vật có giá trị đặc biệt đang được được lưu giữ tại không gian trưng bày di vật khảo cổ ở Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long – Di sản văn hóa thế giới của thủ đô Hà Nội.

Hiện vật là một chiếc ngói nóc lớn, được dùng để trang trí tại chính giữa mái, được phát lộ từ năm năm 2002 trong lớp đất chứa nhiều gạch ngói và các thành phần trang trí kiến trúc thời Lý – Trần tại khu di tích khảo cổ học số 18 Hoàng Diệu.

Hồ sơ khảo cổ cho thấy khi đó lá đề còn đủ dáng bao gồm thân và bệ. Phần bệ bị vỡ và mất một số mảnh nhỏ, thân bị nứt vỡ do áp lực đất phía trên đè xuống. Các nhà khoa học đã phục chế hiện vật và đưa vào khu trưng bày.

Là hiện vật nguyên gốc, độc bản, đóng góp giá trị quan trọng trong nghiên cứu nghệ thuật thời Lý thế kỷ 11-12, lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long đã được công nhận là Bảo vật quốc gia của Việt Nam vào cuối năm 2021.

Theo hồ sơ Bảo vật quốc gia, hiện vật mang hình ảnh hai con chim phượng nhún nhảy, chầu ngọc, được khắc họa trên một hình tượng lá đề lớn. Phần thân lá đề cao tổng cộng 77 cm, bề ngang rộng nhất 74 cm.

Theo quan niệm truyền thống của các quốc gia Đông Á, chim phượng là một trong tứ linh (bốn linh vật cao quý nhất). Linh vật huyền thoại này tượng trưng cho lửa, mặt trời công lý và lòng trung thành, được coi là “vua” của các loài chim.

Hình dáng, màu sắc và tiếng hót của chim phượng được coi là sự báo hiệu điềm lành, đánh dấu một kỷ nguyên mới an vui, thịnh trị. Trong các đồ án kiến trúc xưa, phượng được được tạo hình với nét duyên dáng, mềm mại thanh lịch, xuất hiện ở những vị trí quan trọng của công trình.

Hình tượng phượng của thành Thăng Long có nhiều nét giống công và trĩ, là những loại chim đẹp thuộc họ trĩ sống phổ biến ở Đông Nam Á, trong đó có Đại Việt. Lối tạo hình này khác biệt so với chuẩn mực tạo hình chim phượng Trung Quốc.

Còn lá đề được coi là biểu tượng của Phật giáo, quốc giáo của Đại Việt thời Lý. Tương truyền, Thái tử Tất đạt đa Cồ đàm đã ngồi thiền dưới gốc Bồ đề và giác ngộ thành Đức Phật Thích Ca.

Lá đề kết hợp đồ án trang trí phượng vừa phản ánh giá trị biểu trưng của hoàng gia, vừa phản ảnh giá trị biểu trưng của Phật giáo. Điều này tạo nên sự kết hợp hài hòa giữa biểu tượng và triết lý của Phật giáo với biểu trưng uy quyền của hoàng gia.

Theo các nhà nghiên cứu, trang trí trên bộ mái kiến trúc thời Lý hết sức cầu kỳ với nhiều thành tố khác nhau. Những thành tố trang trí căn bản trên bộ mái thời Lý thường có: Lá đề cân ở giữa bò mái, đầu rồng/đầu phượng, lá đề lệch…

Lá đề chim phượng Hoàng thành Thăng Long là một trong những minh chứng quan trọng giúp các nhà nghiên cứu nhận diện bộ mái kiến trúc thời Lý, là tư liệu quý giúp tái hiện diện mạo kinh thành Thăng Long những thế kỷ đầu tiên sau khi được thành lập.

Theo TRI THỨC & CUỘC SỐNG

Tags: , , , ,