Chủ nghĩa kết cấu – dấu ấn Đỏ trong nền kiến trúc nhân loại

Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất và Cách mạng Tháng Mười, nước Nga đã hoàn toàn đổi sắc. Một làn gió mới ùa vào đã làm thay đổi tư duy và sáng tác của giới văn nghệ sỹ nói chung và của giới Kiến trúc sư nói riêng. Trong bối cảnh đó xuất hiện một trào lưu kiến trúc mới với cái tên thật hào hùng – Chủ nghĩa Kết cấu (Constructivism).

Chủ nghĩa kết cấu – dấu ấn Đỏ trong nền kiến trúc nhân loại

Người ta có thể thấy những xuất phát đầu tiên của Chủ Nghĩa Kết Cấu từ lý thuyết của những công trình của hai anh em nhà điêu khắc người Nga, tên là: Naum Gabo và Antoine Pevsner. Vào năm 1920, họ đã công bố một “ Trào lưu chủ nghĩa hiện thực’’nội dung của nó giải thích những ý tưởng của Chủ Nghĩa Kết Cấu trong kiến trúc. Trào lưu này đã liên kết được rất nhiều những nhà nghệ sỹ Nga như : Vladimir Tatlin, Kasimir Malevitch và Eissitzky. Vào năm 1932, nhóm hai anh em Naum Gabo, đã nêu lên những quan niệm rõ rệt nhất của mình, trong một bài viết với cái tên là “Trừu tượng-Sáng tạo”, họ đã hùng hồn tuyên bố rằng:“ tham vọng của Chủ Nghĩa Kết Cấu không phải là sáng tác những bức tranh, hay tạc những bức tượng mà sáng tạo những không gian công trình kiến trúc”

Trong kiến trúc, Constructivism theo đúng tinh thần của chủ nghĩa Cộng sản, lý tưởng Cộng sản với việc đề cao nhân dân lao động đã tác động đến các KTS Liên Xô lúc đó. Chủ nghĩa cấu tạo chú trọng tới công năng của công trình, loại bỏ những chi tiết trang trí thừa mứa lãng phí, công trình chủ yếu là hệ kết cấu chịu lực. Hệ kết cấu, như những người lao động chính là tâm điểm mới của trào lưu này. Chính vì thế chủ nghĩa kết cấu hoàn toàn khác với tất cả lý thuyết kiến trúc thời đó. Sau này người ta đã nói Constructivism đã đi trước thế giới khoảng 1 thế kỷ. Đáng tiếc là trào lưu này chỉ tồn tại được 10 năm: 1920-1930, quá ngắn ngủi cho 1 chủ nghĩa kiến trúc !

Chủ Nghĩa Kết Cấu là trào lưu đã gây một ảnh hưởng sâu rộng cho tất cả các nghành nghệ thuật tạo hình ở Nga, đầu tiên là trên nghệ thuật điêu khắc, sau đó nó xuất hiện trên nghệ thuật tạo hình khác. Trên công trình kiến trúc, nó tìm ý tưởng trong phép tích hợp của một vài thành phần cấu trúc tương ứng. Để tạo hình, chủ nghĩa tạo dựng sử dụng các vật liệu như : thuỷ tinh, kim loại, nilông, chất dẻo. v.v và những vật liệu mới nhất của nghành công nghiệp hiện đại .

Chủ Nghĩa Kết Cấu có một quan hệ mật thiết với trường phái lập thể trong hội hoạ và điêu khắc. Cũng vì vậy nghệ thuật của nó biểu hiện lên sự liên quan của các hình thức đơn giản trong hình học và dẫn đến việc đúc kết lại những hình ảnh của thiên nhiên, trên cơ sở một tỷ lệ có kích thước rất hùng vĩ, đồ sộ. Theo lời nói của Cezanne, trong thiên nhiên mọi thứ đều có những hình ảnh giống với hình cầu, hình nón, hình trụ. Đối với kiến trúc, Chủ Nghĩa Kết Cấu được xem như một lĩnh vực mở rộng của chủ nghĩa công năng, nó chiếm một vị trí quan trọng trong việc biểu hiện hình thức của nghành xây dựng và nó đã từ bỏ thuật trang trí rườm rà mà trong một số trào lưu Kiến trúc khác là phương tiện sử dụng chính.

Hiệu quả nghệ thuật của nó, chỉ duy nhất là sự quan hệ giữa hình khối và không gian, mỗi một chức năng điều tương ứng với một mục đích yêu cầu ban đầu. Điều này tương tự như những giải thích của Kiến trúc sư Le Corbusier trong tác phẩm “Hướng tới một nền kiến trúc hiện đại” (Toward a New Architecture), ông quan niệm một công trình kiến trúc phải phù hợp với con người, nó như một cỗ máy, một chiếc ôtô hay là một chiếc máy bay tại, bản thân nó phải là một sự tổng hợp có lý giữa các thành phần và tổng thể.

Năm 1921, El Lissitzky đã chuyển đến Berlin và năm tiếp sau đó ông thành lập một “Chủ Nghĩa Tạo Dựng Thế Giới” (International Constructivist). Thời gian này ở Hà Lan, Theo van Doesburg cùng một số Kiến trúc sư khác như Cor van Eestren, Gerrit Tomas Rietveld, Mart Stam, Piet Mondrian và Georges Vantongerloo đã thành lập một phong trào (De Stijl ) trong đó ông có đề cập lên sự nặng nề của máy móc trong cuộc sống hiện đại và những hậu quả nghiêm trọng chủ nghĩa công năng trong kiến trúc. Phong trào này cũng đề cập đến sự có hại của học thuyết nguyên tố “Elementalis”. Đó là hàng loạt triết lý về những thành phần mà cùng phối hợp lại tạo nên cấu trúc của công trình. Họ nêu lên sự bất hợp lý nếu người ta đặt niềm tin vào việc tạo nên những hình thức nghệ thuật của các cỗ máy và chắc chắn là nó sẽ hoàn toàn bị cô lập khi đối mặt với thiên nhiên. Chính nhóm Stijl này đã làm đơn giản hoá lại xu hướng Kết Cấu.

Trào lưu Kết Cấu ở Nga trải qua hai giai đoạn chính. Trong giai doạn đầu tiên, có sự xuất hiện hàng loạt của các cấu trúc bằng gỗ, tuy nhiên các cấu trúc này chỉ thể hiện trên những hình khối nghệ thuật nhỏ với mục đích triển lãm, trong các sân khấu hoặc trên các đường phố. Giai đoạn thứ hai đánh dấu sự chuyển biến nhanh chóng của Chủ Nghĩa Kết Cấu vào nghành xây dựng cơ bản. Trong giai đoạn này các công trình Kiến trúc được xem như những thực thể nửa giống các cỗ máy nửa giống các cấu trúc sinh học. Chính những lý thuyết khoa học nêu trên là động lực cho những phát minh mới trong Kiến trúc mà cụ thể là các mặt cắt của công trình trở nên phức tạp hơn, các phần của toà nhà thường được cài đan xen hoặc khớp vào nhau, hệ thống thang máy và đường dốc được sử dụng nhiều hơn. Không những thế lý thuyết này còn là nguồn gốc ra đời của các yếu tố Kiến trúc phụ như: đèn pha rọi, ăng ten phát thanh truyền hình, bảng điện tử, loa đài, khẩu hiệu, biển quảng cáo .v.v Đây là nét đặc trưng đồng thời là vẻ đẹp thẩm mỹ của Chủ Nghĩa Kết Cấu. Trên thực tế những nỗ lực của Chủ Nghĩa Kết Cấu nhằm mục đích tìm tòi những hình thức, cấu trúc và sự sắp xếp của một trật tự xã hội mới. Những phương án Kiến trúc thời đó là sự tổng hợp của các hình khối nghệ thuật đơn giản và trong sáng dựa trên những cơ sở tỷ lệ hùng vĩ, khổng lồ.

Chủ nghĩa kết cấu được châu Âu biết đến lần đầu tiên vào năm 1925 tại Hội chợ quốc tế Paris. Gian hàng Liên Xô với sự đơn giản đến không còn gì có thể đơn giản hơn, đã nổi bật giữa những gian hàng các nước châu Âu khác: phù hoa, phô trương sự giàu có, thừa mứa của chủ nghĩa tư bản.

Nhiều KTS châu Âu lúc đó đã ngỡ ngàng trước gian hàng bé nhỏ này. Le Corbusier, cây đại thụ của nền kiến trúc thế giới, đã có cảm tình với Chủ nghĩa kết cấu khi thấy công trình này. Sau này Le Corbusier đã tham gia thiết kế Cung văn hoá Xô viết tại Moskva.

Nhận xét về Chủ nghĩa kết cấu, Le Corbusier nói: “Một phong cách hoàn toàn độc đáo, đi trước thời đại chúng ta.”

Chủ nghĩa kết cấu đề cao công năng, tính sử dụng, hướng tới con người, hướng tới sự đơn giản , cái đẹp của hình khối, của sự chuyển động, của kết cấu. Đó là 1 bước tiến rất lớn so với thế giới thời đó vẫn đang say sưa với chủ nghĩa phục cổ , chủ nghĩa hình thức với những công trình đầy tính xa hoa , phô trương. Các nghệ kiến trúc sư thuộc trào lưu Chủ nghĩa kết cấu luôn chống tính hình thức. Chúng ta hãy cùng ngắm nhìn công trình này, đó là Đài tưởng niệm Quốc tế 3.

Nghĩ tới 1 đài tưởng niệm Chủ nghĩa Marx, trong đầu chúng ta chắc chắn hiện lên: hình ảnh búa liềm, Lênin, Mác, C.C.C.P, ….Nhưng công trình này hoàn toàn không có những hình ảnh đó. Đây là công trình đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Chủ nghĩa kết cấu,do Vladimir Tatlin sáng tác.

Công trình là 1 khối chóp có 2 đường xoắn ốc lên tới độ cao 400m. (Hãy nghĩ tới độ cao này- vào năm 1919). Bên trong có treo 3 khối lớn là 3 phòng trưng bày hình lập phương, tứ diện tam giác và hình trụ. 3 phòng này quay quanh trục của chúng với nhịp điệu khác nhau. Không có những hình tượng Búa Liềm, không có ảnh, tượng đài Lênin, Marx, Engels, vậy đâu là cái làm nên Đài tưởng niệm Quốc tế 3 ? Vladimir Tatlin đã sáng tác 1 công trình có tính tư tưởng cao: 2 dầm xoắn ốc thể hiện sự phát triển của xã hội theo quy luật biện chứng của chủ nghĩa Marx: sự phát triển theo hình xoắn ốc, tuần tự và có các bước nhảy vọt. Chủ nghĩa kết cấu là như thế đó! Người Cộng sản đâu có nghĩa là “xăm” hình búa liềm lên khắp mọi nơi.

Chủ nghĩa kết cấu là sự đơn giản, như đơn giản ở đây không phải là nhỏ bé 1 cách tầm thường. (Đài Quốc tế 3 cao 400m, cao hơn toà nhà Empire Building ở Mỹ). Chủ nghĩa cấu tạo sau này có 1 nhánh phát triển là Chủ nghĩa Siêu Việt (Suprematism).

Toà cao ốc trên được thiết kế bởi Kazimir Malevich, một trong những người khai sinh Constructivism. Không phải là những toà nhà chọc trời dựng đứng 1 cách cao ngạo, đè bẹp con người như những toà cao ốc ở New York, cao ốc theo kiểu Chủ nghĩa kết cấu gồm nhiều khối, nâng đỡ nhau , những khối từ từ phát triển cao lên, theo đúng tinh thần chủ nghĩa tập thể XHCN.

Sau đây là công trình của Ivan Leonidov: Học viện Lenin, thiết kế năm 1927.

Quả cầu lớn là 1 giảng đường, được giữ bằng hệ cáp treo. Tới thời điểm hiện nay, những kết cấu kiểu này vẫn còn đang trong giai đoạn thực nghiệm.

Những kết cấu của Chủ nghĩa kết cấu đến nay vẫn làm cho nhiều người ngạc nhiên, 1 công trình thiết kế từ năm 1920, nếu được xây dựng vào năm nay, hoặc là đến 2020 hay lâu hơn, vẫn mang tính hiện đại rất cao, đó là Toà nhà cao tầng “Vòng đạp mây” của Lissitzky.

Chủ nghĩa kết cấu phát triển chỉ trong vòng 10 năm, 1920-1930. Nó đã kết thúc cùng những định hướng thiên về chủ nghĩa hình thức của nhà lãnh đạo Stalin trong thập niên 1930. Dù vậy, sức lan tỏa của chủ nghĩa kết cấu vẫn hết sức mãnh liệt.

Thập niên 1970, Mỹ nhận thấy sự năng động của Chủ nghĩa kết cấu, họ rất ngạc nhiên khi thấy những thiết kế cao ốc của các KTS Liên Xô, đặc biệt là Kazimir Malevich, từ đó Mỹ đã cho xây dựng hàng loạt toà cao ốc mà hình dáng của nó gần giống những thiết kế ở Liên Xô từ những năm 1920s!

Người Mỹ đã rất thán phục và gọi Constructivism bằng 1 cụm từ khác: “Nghệ thuật tiên phong” (Avant-garde Art). Chủ nghĩa cấu tạo từ đó phát triển mạnh mẽ với những nhánh khác nhau Hiện nay chúng ta thấy Chủ nghĩa cấu tạo phát triển mạnh mẽ dưới cái tên Chủ nghĩa tối giản (Minimalism).

Ngày nay ở Châu Âu người ta gọi chủ nghĩa kết cấu là “Chủ nghĩa Tiên Phong”

Năm 1922, 1 đoàn gồm những nhà nghệ thuật thuộc Trào lưu Chủ nghĩa cấu tạo đi thăm các nước châu Âu, Maiakovsky đã nói: “Họ đi với tư cách là người chủ để xem và kiểm tra nghệ thuật phương Tây”

Năm 1972, KTS thiết kế toà tháp đôi WTC đã dành những lời thán phục vô biên đối với Toà cao ốc Arkhitectonics của Kazimir Malevich. Chính ông thừa nhận mình thiết kế toà tháp đôi WTC đã lấy lại hình thức phổ biến của Chủ nghĩa kết cấu những năm 1920.

Những nhà nghệ thuật Xô viết đã đi trước thời đại hàng trăm năm, nhưng thật tiếc đứa con đẻ của họ đã chết yểu. Tuy nhiên chủ nghĩa kết cấu vẫn tồn tại và phát triển dưới các hình thức khác nhau. Những trào lưu lớn hiện nay trên thế giới: Chủ nghĩa Hữu cơ, Chủ nghĩa Công năng, Chủ nghĩa Tối giản, Chủ nghĩa Siêu Việt, tất cả đều bắt nguồn từ Chủ nghĩa kết cấu.

Theo HỘI QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ VIỆT NAM

Tags: ,