Choáng ngợp trước quy mô của nền điện ảnh Ấn Độ

Không có một quốc gia nào mà điện ảnh lại ảnh hưởng mạnh mẽ đến quảng đại quần chúng như ở Ấn Độ. Những năm gần đây, mỗi năm nước này đã sản xuất trên dưới 1000 phim truyện (để so sánh “kinh đô điện ảnh” Hollywood chỉ sản xuất chừng 200 phim), quay gần 2.000 phim ngắn (tài liệu, khoa học, quảng cáo…), chưa nói đến dòng phim ngày càng ăn khách trên hệ thống truyền hình nhà nước.

Choáng ngợp trước quy mô của nền điện ảnh Ấn Độ

Trong khoảng 7.000 rạp chiếu bóng, hàng ngày có trên 13 triệu khán giả thường trực. Nhiều thập niên nay Ấn Độ luôn dẫn đầu danh sách các nước sản xuất nhiều phim nhất trên hành tinh.

Lịch sử riêng của màn bạc Ấn Độ bắt đầu hầu như cùng lúc với việc phát minh ra kỹ thuật chiếu bóng. Ngay từ năm 1913, D.G.Pkhalke có công lớn đã làm bộ phim đầu tiên hoàn toàn là của người Ấn Độ. Cho tới khi “Hoàng hôn lụi tàn” của nền điện ảnh câm (bộ phim Ấn Độ có lồng tiếng đầu tiên được quay vào năm 1931), trong nước phim ngoại quốc lộng hành – khoảng 80%. Nhưng mối tương quan này ngày càng thay đổi nhanh chóng có lợi cho điện ảnh Ấn Độ. Ba thập niên sau, phim nước ngoài chỉ còn chiếm độ 1/10 số tác phẩm điện ảnh được trình chiếu ở Ấn Độ, còn bây giờ là không đáng kể.

Sự vượt trội của nền điện ảnh dân tộc trước hết là nhờ vào việc thiết lập các trường quay tổng hợp lớn tại Mumbai (tên cũ là Bombay), Calcuta và Madras. Ngoài 3 trường quay lớn (Prabhat, Bombay Tokis và New Theater), trong những năm 30 đã hiện hữu 7 Majorcompany – những cơ sở làm phim riêng biệt, với mỗi hãng chuyên sâu về một đề tài nhất định trong điện ảnh.

Các hãng này có tất cả những điều kiện thích hợp để dựng phim: trường quay riêng, các phòng thí nghiệm, trang phục, thiết bị… cũng như đội quân biên chế thường trực (dàn nhạc, phông cảnh, đội ngũ diễn viên và đạo diễn). Khi Majocompany này dành ưu tiên sản xuất phim về các nhân vật huyền thoại dân gian và nghi lễ tôn giáo, các hãng khác lại chuyên sâu với các vấn đề xã hội gay gắt và bi kịch gia đình, các Majocompany còn lại thì chuyên quay về các sự kiện lịch sử và cổ tích…

Ở Ấn Độ người ta coi phim phương Tây là “phim lạnh”. Không một khuôn mẫu nào, không một đề tài nào theo lối Tây phương thực sự phù hợp với khán giả Ấn. Phim Ấn Độ phổ biến là sự kết hợp giữa nét sâu lắng, hài hước và bi ai. “Phim kiểu Ấn” là phim các nhân vật chính – người hùng nói tiếng Hindu – thứ ngôn ngữ phổ thông ngay cả ở những vùng heo hút nhất, trở thành dạng “phim chuẩn” nhờ có lời Hindu.

Cho tới những năm 50, phim dạng Hindu chiếm tới 80% lượng phim sản xuất hàng năm, sau ngày càng giảm. Giờ đây người ta làm phim với đa phần các thứ tiếng khác. Trong các thập niên 50 và 60, điện ảnh Ấn Độ lại thêm phong phú nhờ những thử nghiệm đầu tiên về dạng phim – tác giả, mang đậm dấu ấn nhằm hoàn thiện các cá nhân. Ví dụ điển hình cho dạng này là Guru Date – vừa là nhà sản xuất, vừa là đạo diễn kiêm diễn viên chính, đã vượt qua được cái “giới hạn cố hữu” giữa phim kiếm lời và phim nghệ thuật. Hai tác phẩm nổi tiếng của ông “Kẻ khát” (1957) và “Những bông hoa giấy” (1959) đã khẳng định vai trò của người nghệ sĩ trong xã hội Ấn Độ.

Tiếp nối G.Date là những thế hệ đạo diễn lừng danh khác: V.Santaram, R.Pkhatik, B.Roy, R.Kapur… – các “đại diện lấp lánh” báo trước sự hưng thịnh của nền điện ảnh Ấn Độ, khi đưa các nhân vật chính của mình lên màn ảnh lớn, nói bằng thổ ngữ địa phương, giúp “mở đường vào màn bạc” cho những nền văn hóa khác nhau, cũng như các chính kiến tôn giáo, lịch sử, xã hội và các sự kiện chính trị tiêu biểu. Đó là nền “điện ảnh Ấn Độ mới”, trở thành phương tiện bóc trần những vấn đề sâu sắc trong đời sống dân tộc. Ngoài ra, các nhà làm phim trẻ tuổi cũng thường xuyên giữ mối quan hệ mật thiết với các xu hướng, các “dòng điện ảnh” muôn màu muôn vẻ trên thế giới, nhằm hoàn thiện thêm định hướng của mình.

Các cơ quan quản lý nhà nước cũng ủng hộ hiện tượng này. Như Liên hiệp Cung cấp tài chính làm phim, được thành lập đầu năm 1960, đã đầu tư sản xuất cho hơn 2.000 bộ phim của các nhà làm phim độc lập, ngoài ra họ còn kiêm thêm trách nhiệm phổ biến – phát hành chúng nữa. Song song là sự xuất hiện của Viện Điện ảnh và Truyền hình Ấn Độ ở Puna và Viện Phim quốc gia tại New Delhi, những nơi chuyên bảo quản theo dạng lưu trữ các tác phẩm màn bạc của Ấn Độ và nước ngoài, đồng thời phục chế các phim cũ, giúp hoàn thiện tốt hơn công việc của các nhà làm phim Ấn Độ.

Sự cạnh tranh mãnh liệt của truyền hình và hệ thống video gia đình đã khiến kỹ nghệ điện ảnh Ấn Độ thêm lo lắng. Đài Truyền hình nhà nước đã “lôi kéo” hơn 50 triệu khán giả, ngoài những chương trình thường lệ là các chương trình giải trí đủ kiểu cho mọi giới khác nhau – được trình chiếu suốt ngày đêm.

Nhưng dòng khán giả tại các rạp giảm đi là còn vì sự “bùng nổ bão táp” của kỹ nghệ video và đĩa DVD. Nạn ăn cắp bản quyền, ăn trộm phim gốc vừa quay xong, chưa kịp phát hành đã thấy bày bán nhan nhản ngoài đường phố. Đó là một thực trạng nan giải mà nền điện ảnh thế giới nói chung, cũng như Ấn Độ nói riêng đang gặp phải.

Theo AN NINH THẾ GIỚI

Tags: , ,