⠀
Chiến lược thâm nhập Mỹ Latinh của Trung Quốc và phản ứng từ Mỹ
Những người phát ngôn của Nhà Trắng thường xuyên tố cáo mục đích đế quốc của Trung Quốc tại Mỹ Latinh, họ cảnh báo về chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh…
Tác giả: Claudio Katz, giáo sư kinh tế và nhà nghiên cứu cánh tả người Argentina. Bài được đăng trên trang bình luận Rebelion.org.
Biên dịch và biên tập: Uyển My.
Trung Quốc rất chủ động trong cuộc “đổ bộ” rầm rộ của mình vào Mỹ Latinh. Họ đã đề ra một chiến lược mở rộng với chủ trương được nêu trong 2 phiên bản Sách trắng xuất bản các năm 2008 và 2016. Đầu tiên, Bắc Kinh chú trọng tới việc ký kết các Thỏa thuận tự do thương mại với các nước nằm bên bờ Thái Bình Dương vốn thuận tiện cho vận tải hàng hải, và sau đó khuyến khích việc triển khai các hiệp định này, đặc biệt với nhóm nước nằm trong khối khu vực Liên minh Thái Bình Dương.
Những bước tiến về thương mại này được tiếp nối bằng làn sóng tài chính, mà trong thập kỷ qua đã đạt mức 130 tỷ USD dưới hình thức tín dụng ngân hàng và 72 tỷ USD qua hoạt động mua bán sát nhập doanh nghiệp. Quá trình củng cố tài chính này còn bao gồm những khoản đầu tư trực tiếp được rót liên tục, tập trung vào các công trình hạ tầng cơ sở để nâng cao tính cạnh tranh nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc.
Mạng lưới khổng lồ các cảng biển, đường bộ, hành lang liên lục địa đồng thời giảm bớt chi phí cho việc thu mua tài nguyên từ Mỹ Latinh này cũng như việc xuất khẩu hàng hóa công nghiệp dư thừa của Trung Quốc sang khu vực này. Mỹ Latinh giờ đây đã trở thành khu vực đứng thứ 2 về tiếp nhận các khoản đầu tư vào các hạng mục này từ Trung Quốc, khi các công trình này đang mở rộng với tốc độ phi mã. Bắc Kinh đang hỗ trợ việc xây dựng các cây cầu chiến lược tại Panama và Guyana, tầu điện ngầm tại Colombia, nạo vét mở rộng cảng tại Brasil, Argentina và Uruguay, sân bay tại Ecuador, các tuyền đường sắt và đường thủy tại Peru và đường cao tốc tại Chile.
Trong khi đó, hoạt động mua sắm và sát nhập doanh nghiệp tập trung chủ yếu vào các đơn vị chiến lược trong ngành khí đốt, dầu lửa, khai mỏ và luyện kim. Trung Quốc thâu tóm nhiều doanh nghiệp đồng tại Peru, lithium tại Bolivia và dầu mỏ tại Venezuela. Các doanh nghiệp nhà nước của cường quốc thế giới mới đóng vai trò nổi bật trong hoạt động dạng này tại khu vực. Khu vực quốc doanh Trung Quốc vạch ra lộ trình theo đuổi khác nhau tại từng nước, để thực hiện kế hoạch tổng thể của Bắc Kinh.
Cơ quan tài chính thực hiện chiến lược này – Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á – cấp vốn đều đặn cho các dự án cần thiết và nâng mức đầu tư trực tiếp (FDI) vào khu vực này lên mức kỷ lục. FDI bình quân hàng năm của Trung Quốc vào Mỹ Latinh nhẩy vọt từ mức 1,357 tỷ USD/năm trong giai đoạn 2001 – 2009 lên mức 10,817 tỷ USD/năm trong giai đoạn kế tiếp, 2010 – 2016, biến khu vực thành điểm tiếp nhận FDI từ Trung Quốc lớn thứ 2 thế giới.
Trung Quốc cũng đang bắt đầu nâng tầm sự thâm nhập kinh tế toàn diện vào Mỹ Latinh với việc cung cấp công nghệ, khi tranh giành ưu thế trong việc cung cấp mạng 5G thông qua 3 doanh nghiệp biểu tượng: Huawei, Alibaba và Tencent bằng các cuộc đàm phán nước rút với từng nước trong khu vực để chạy đua với các đối thủ phương Tây. Bắc Kinh đã giành được những thỏa thuận có lợi tại Mexico, Cộng hòa Dominica, Panama và Ecuador, trong khi vẫn đang đua tranh tại Brasil và Argentina.
Nhạy bén địa chính trị
Trung Quốc nắm bắt các thị trường Mỹ Latinh bằng cách kết hợp sự táo bạo trong kinh doanh với tính nhạy bén về địa chính trị. Trung Quốc không đối đầu công khai với đối thủ Mỹ, nhưng để ký kết các thỏa thuận họ yêu cầu tất cả các đối tác của mình phải cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.
Sự công nhận nguyên tắc “một Trung Quốc” này là điều kiện bắt buộc của bất kỳ thỏa thuận thương mại và tài chính tầm cỡ nào của cường quốc mới từ châu Á. Qua con đường gián tiếp này, Bắc Kinh củng cố trọng lượng toàn cầu của mình và gặm nhấm quyền thống trị truyền thống của Washington đối với các chính phủ Mỹ Latinh.
Tốc độ thay đổi mà Trung Quốc tạo ra tại khu vực này là rất đáng chú ý. Ảnh hưởng mà Đài Loan còn duy trì được tới năm 2007 tại Trung Mỹ và Caribe bị nền ngoại giao Bắc Kinh bào mòn nhanh chóng, khi xoay trục về phía mình được Panama, Cộng hòa Dominica, El Salvador và mới đây nhất là Honduras. Phản ứng dây chuyền này gần như làm sụp đổ hệ thống các cơ quan đại diện ngoại giao của Đài Bắc tại khu vực (vốn là nơi có sự hiện diện ngoại giao của Đài Loan rõ nét nhất trên thế giới), khi chỉ còn giữ được văn phòng đại diện tại một số nước quy mô nhỏ bé và xa xôi trong tình trạng mong manh.
Kết quả này là rất ấn tượng trong một khu vực luôn nhạy cảm với các lợi ích của Mỹ. Siêu cường phương Bắc luôn ưu tiên sự gần gũi của khu vực này và sức nặng của nó trong thương mại thế giới. Trung Quốc đã thâm nhập vào “trái tim” vùng ảnh hưởng của Mỹ, xóa bỏ các phái đoàn của Đài Loan và trở thành đối tác thứ hai của khu vực.
Bắc Kinh đã thiết lập được dấu mốc khu vực sau khi khẳng định được sự hiện diện của mình tại Panama, bẻ gẫy được quyền thống trị tuyệt đối mà Washington từng áp đặt tại quốc gia Kênh đào then chốt về địa chính trị này. Một chính phủ thân Mỹ và công khai theo đuổi tư tưởng tự do mới đã thắt chặt quan hệ kinh doanh với Trung Quốc sau khi chịu sức ép kinh tế mang tính răn đe từ “con rồng châu Á”, với dự án xây dựng một kênh đào thay thế tại Nicaragua. Quyết định từ bỏ dự án này của Bắc Kinh được nối tiếp bằng động thái cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan của Panama, cùng với việc quốc gia Kênh đào trở thành nước Trung Mỹ nhận nhiều đầu tư của Trung Quốc nhất và được chọn để xây dựng một tuyến đường sắt cao tốc. Những dữ liệu này là những cú sốc không hề nhẹ đối với “bá chủ” lâu nay của Panama là Mỹ.
Bắc Kinh cũng mở rộng chiến lược này ra Nam Mỹ và đàm phán một cách kiên quyết với Paraguay, 1 trong 15 quốc gia trên thế giới còn công nhận Đài Loan, về thừa nhận nguyên tắc “một Trung Quốc”. Trong trường hợp này, Bắc Kinh một lần nữa hành động với sự nhẫn nại đáng khâm phục, khi từng bước giành những không gian lớn hơn mà không đối đầu công khai với Washington, chào mời giới tinh hoa cầm quyền thân Mỹ những đề nghị kinh doanh thuần túy, kêu gọi ưu tiên lợi nhuận kinh tế thay vì giá trị tư tưởng hệ.
Trong đại dịch COVID-19, Trung Quốc đã bổ sung thêm một quân bài đầy sức nặng vào thực đơn hấp dẫn của mình trước đó với các chính phủ Mỹ Latinh, khi triển khai, trong bối cảnh nguy nan và cần kíp nhất, những bước đi ngoại giao thông minh qua các đợt cung ứng vaccine khối lượng lớn, chu cấp các vật phẩm y tế mà chính quyền Trump đã gây cản trở cho những nước luôn được coi là nằm trong vòng bảo hộ truyền thống của Mỹ.
Bắc Kinh đã cung cấp gần 400 triệu liều vaccine chống COVID-19 và 40 triệu dụng cụ y tế các loại, đúng vào lúc các sản phẩm này khan hiếm trên trường quốc tế và Washington thờ ơ với những yêu cầu giúp đỡ từ những người láng giềng phía Nam. Sự đối lập giữa thiện chí, cho dù có mang động cơ gì, của Tập Cận Bình và thói ích kỷ cực độ và công khai của Donald Trump đã tạo thêm một lực đẩy cho Mỹ Latinh xích lại gần Trung Quốc.
Tránh xa bóng ma quân sự
Tại Mỹ Latinh, Trung Quốc tập trung tinh lực của mình vào lĩnh vực kinh tế và né tránh những va chạm về địa chính trị và quân sự, nói cách khác là lựa chọn “chiến trường” phù hợp nhất với diện mạo đang có và tập trung mọi quân bài vào xây dựng Con đường tơ lụa mới hay Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Hướng đi này đặt cường quốc mới này ở một ví trí xa rời quy luật phát triển kiểu đế quốc, vốn thường sử dụng các sức mạnh ngoài kinh tế để giành lấy ưu thế trong cuộc tranh giành thị trường thế giới. Nỗ lực cách xa chủ nghĩa đế quốc truyền thống này là nét khác biệt lớn với con đường mà các cường quốc trong quá khứ từng đi qua, và Trung Quốc đã học được bài học từ thất bại của Nhật Bản và Đức trong thế kỷ trước khi lựa chọn đối đầu quân sự.
Về sách lược, Trung Quốc bảo vệ các biên giới của mình (bao gồm nhiều vùng tranh chấp), hiện đại hóa quân đội và gia tăng chi phí quốc phòng cùng với nhịp độ phát triển sản xuất, nhưng không tiến hành triển khai lực lượng quy mô toàn cầu đồng thời với với tốc độ quốc tế hóa nền kinh tế của mình. Bắc Kinh khá triệt để trong việc tách rời hoạt động kinh doanh của mình với giá đỡ quân sự và không đi theo công thức bảo đảm các khoản đầu tư của mình bằng sức mạnh quân sự.
Bắc Kinh đặt cược vào mạng lưới các hoạt động kinh doanh tự chủ thay cho hình thái bảo hộ kiểu đế quốc, và chờ đợi quá trình toàn cầu hóa kinh tế vượt qua nhưng xu hướng về phân mảnh và đối đầu. Tính khả thi của chân trời này vẫn còn rất đáng ngờ về trung hạn, nhưng trong giai đoạn chuyển tiếp hiện tại đã tạo ra một bối cảnh chưa từng có. Một cường quốc với tỷ trọng rất lớn trong kinh tế thế giới không có sức mạnh quân sự tương ứng là một thách thức kiểu mới và Mỹ, một đế quốc điển hình, vẫn chưa tìm ra lời giải nào thực sự phù hợp.
Trung Quốc đáp trả mạnh mẽ bất kỳ đe dọa nào đối với biên giới trên bộ và mở rộng sự hiện diện trên các vùng biển mà họ cho mình có đặc quyền, và cũng thường xuyên nhắc nhở qua việc phô trương sức mạnh lập trường rằng Đài Loan là một phần lãnh thổ và công việc nội bộ của Trung Quốc. Nhưng sự cứng rắn quân sự đó không được “xuất khẩu” sang các khu vực địa lý khác trên thế giới, nơi mà Bắc Kinh đã trở thành nhà đầu tư và/hoặc bạn hàng hàng đầu. Tại các khu vực xa xôi của châu Á, châu Phi hay Mỹ Latinh, Bắc Kinh vẫn ưu tiên các thỏa thuận tự do thương mại, các chiến dịch thu mua và sát nhập doanh nghiệp hoặc tích lũy tài nguyên thiên nhiên đơn thuần.
Trong vài thập kỷ mở rộng liên tục về quan hệ kinh tế, Trung Quốc chỉ lập duy nhất một căn cứ quân sự xa lãnh thổ, tại điểm chiến lược tại châu Phi (Djibuti) và không tham gia vào bất kỳ xung đột vũ trang nào. Đúng là trong những năm 1960, Trung Quốc từng có những căng thẳng vũ trang với Ấn Độ và thập kỷ sau đó va chạm quân sự với Việt Nam tại vùng biên giới sau cuộc khủng hoảng tại Campuchia. Nhưng những dữ liệu quá khứ này không còn tái xuất hiện trong chiến lược phòng thủ hiện tại của nền kinh tế thứ 2 thế giới.
Cách ứng xử của Bắc Kinh tại Mỹ Latinh là một ví dụ điển hình khác của hướng đi này. Bắc Kinh hiểu rõ sự nhạy cảm của Washington trước bất cứ sự hiện diện từ bên ngoài nào tại khu vực mà Mỹ luôn coi là “sân sau” hay lãnh địa của riêng mình, và do đó luôn thể hiện sự thận trọng tối đa tại đây, khi tránh mọi sự can thiệp từ góc độ chính trị và tự giới hạn trong việc nâng cao vị thế thông qua các thương vụ kinh doanh thành công. Yêu cầu ngoài kinh tế duy nhất của “con rồng châu Á” với các đối tác Mỹ Latinh cũng liên quan chặt chẽ tới quyền lợi cốt lõi là tái khẳng định chính sách “một Trung Quốc”, đồng nghĩa với việc cắt đứt quan hệ chính thức với Đài Loan.
Sự độc đáo của chính sách này càng hiện rõ nếu so sánh với chiến lược mà Moskva áp dụng tại đây. Mặc dù các quyền lợi kinh tế của Nga tại Mỹ Latinh nhỏ bé hơn nhiều những liên kết của Trung Quốc, Putin đã vài lần phô bầy sự hiện diện của binh lính Nga tại khu vực thông qua các cuộc tập trận chung với Venezuela, hay nói cách khác là vẫn sử dụng tư duy địa chính trị có đi có lại để răn đe những hoạt động quân sự của Washington gần biên giới quốc gia Á – Âu rộng lớn nhất thế giới này. Công thức hiện diện quân sự tượng trưng tại khu vực ảnh hưởng của một đối thủ chính trị này là hoàn toàn xa lạ với Trung Quốc, khi họ giới hạn những hành động quân sự hoàn toàn trong vòng quỹ đạo xung quanh lãnh thổ của mình. Chí ít đây là quân bài cho tới lúc này của Bắc Kinh.
Những luận điệu tố cáo hai mặt
Những người phát ngôn của Nhà Trắng thường xuyên tố cáo mục đích đế quốc của Trung Quốc tại Mỹ Latinh, họ cảnh báo về chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh trong khi chính Washington đang nỗ lực tái lập quyền thống trị lâu đời tại miền đất phía Nam sông Rio Grande này (ám chỉ Mỹ Latinh, Rio Grande hay Sông Cái là biên giới tự nhiên giữa Mỹ và Mexico); đồng thời nhấn mạnh rằng sự thâm nhập thương mại của Trung Quốc là tiền đề cho bước tiến tiếp theo về chính trị và quân sự.
Điều đáng nói là những lời cảnh báo này không bao giờ đi kèm với bằng chứng thực tế nào. Điều dễ hiểu là các nhân viên chuyên trách của Mỹ cần quan sát đối thủ của mình, nhưng giả định mà họ đưa ra lại không có cơ sở thực tế. Ở thời điểm hiện tại, giữa sự mở rộng của Trung Quốc và cơ chế bảo hộ của Mỹ tại Mỹ Latinh vẫn còn một khoảng cách một trời một vực: Bắc Kinh không có căn cứ quân sự tại Colombia, không duy trì một hạm đội tại Caribe, không sử dụng các đại sứ quán của mình làm tổng hành dinh cho các âm mưu đủ loại, và cũng chẳng tài trợ cho các hoạt động lật đổ như của Juan Guaido tại Venezuela, các cuộc đảo chính như của Jeanine Añez tại Bolivia, các cuộc phế truất như với Manuel Zelaya tại Honduras, Jean-Bertrand Aristide tại Haiti hay Fernando Lugo tại Paraguay.
Trung Quốc cũng không ngang nhiên thực hiện các điệp vụ đẫm máu như của CIA (Cục Tình báo Trung ương Mỹ), các chiến dịch càn quét của DEA (Cơ quan bài trừ ma túy Mỹ) hay các vụ bắt giữ ngoài lãnh thổ của FBI (Cục Điều tra liên bang Mỹ). Những đại diện của nền kinh tế thứ 2 thế giới chỉ thúc đẩy các vụ kinh doanh với mọi chính phủ mà không can thiệp vào chính trị nội bộ, và điều này tạo ra sự tương phản với chủ nghĩa can thiệp thô bạo của Washington.
Và những khác biệt đó thường được che đậy trong những luận điệu coi Trung Quốc như một cường quốc đang khôi phục lại những tham vọng đế quốc của mình. Thiếu những dữ liệu thực tế, những người lên án Mỹ thường thay thế bằng những dự báo về tương lai: họ thừa nhận đối thủ của mình không có căn cứ quân sự tại Mỹ Latinh, nhưng lại dự báo về việc thiết lập các cơ sở này trong “thời gian tới”; họ đồng ý rằng kinh tế là công cụ chủ đạo của quốc gia cạnh tranh với mình nhưng lại cảnh báo về hiệu ứng thực dân của mô hình này; họ đòi hỏi sự tôn trọng của Trung Quốc đối với chủ quyền của các nước Mỹ Latinh, một nguyên tắc mà chính họ chẳng mấy khi đếm xỉa tới.
Một số diễn giả của những lập luận ngược đời này còn khẳng định rằng sự thống trị của Trung Quốc sẽ thẩm thấu thông qua văn hóa, ngôn ngữ và phong tục, nhưng họ lại không giải thích sự xoay trục đột ngột đó sẽ diễn ra ra sao khi những giá trị phương Tây vẫn đang thống trị tuyệt đối cuộc sống xã hội và tinh thần các nước Mỹ Latinh như hiện tại, thậm chí thiểu số người châu Á tại khu vực đã phải gánh chịu từ hàng thế kỷ qua những định kiến phân biệt chủng tộc không dễ xóa bỏ.
Chiến dịch chống “chủ nghĩa thực dân kiểu mới” của Trung Quốc gần đây còn đặc biệt kệch cỡm khi truyền bá một báo cáo về nguy cơ này của lực lượng không quân Mỹ, đơn vị với bề dầy truyền thống “chuyên môn” đánh bom các cộng đồng dân sự tại khắp các châu lục. Chỉ cần điểm lại những cuộc tấn công quân sự của Mỹ kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai sẽ thấy được thói đạo đức giả trong những tuyên truyền dạng này: Triều Tiên (1950-1953), Guatemala (1954, 1960), Indonesia (1958), Cuba (1959 – 1961), Congo (1964), Lào (1964-1973), Việt Nam (1961-1973), Campuchia (1969-1970), Granada (1983), Liban (1983, 1984), Libya (1986, 2011, 2015), El Salvador (1980), Nicaragua (1980), Iran (1987), Panama (1989), Iraq (1991, 2003, 2015), Kuwait (1991), Somalia (1993, 2007-2008, 2011), Bosnia (1994, 1995), Sudan (1998), Afghanistan (1998, 2001-2015), Nam Tư (1999), Yemen (2002, 2009, 2011), Pakistan (2007-2015) và Syria (2014-2015).
Những người tố cáo Trung Quốc đã “quên mất” chuỗi thành tích bất hảo ấn tượng đó để nhấn mạnh về những hiệu ứng tiêu cực của “nền ngoai giao bẫy nợ” của Bắc Kinh, và cảnh báo đối thủ của họ sẽ dùng công cụ này để đưa các nền kinh tế trong khu vực vào cảnh vỡ nợ. Trên thực tế thì mối nguy hiểm này có tồn tại, nhưng lời cáo buộc này không có chút tính khả tín nào khi xuất phát từ quốc gia chuyên “thu nợ” bằng các đợt triển khai lính thủy đánh bộ hay qua các điều chỉnh của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); nói cách khác là điều mà họ chỉ ra là mối đe dọa từ Trung Quốc vốn đã là một thực hành thường xuyên của Mỹ trong cả thế kỷ qua.
Một số tiếng nói bài Trung Quốc từ Mỹ còn cố làm nổi bật sự đối nghịch giữa mô hình dân chủ kiểu Mỹ và chủ nghĩa toàn trị của Bắc Kinh, nhưng chí ít tại Mỹ Latinh, câu chuyện đẹp về tư tưởng dân chủ đó không gây được nhiều ấn tượng khi va chạm trực diện với con số kỷ lục các nền độc tài mà Bộ Ngoại giao Mỹ đã dựng lên tại khu vực. Một số phát ngôn khác từ Nhà Trắng thì khéo léo né tránh việc ca ngợi Mỹ trong những lời tố cáo sự thâm nhập ủa Trung Quốc; với mục đích tránh bộc lộ tiêu chuẩn kép và hiệu ứng phản tác dụng, họ chỉ đơn thuần ra những tuyên bố kêu gọi ngăn chặn đà mở rộng đó và kêu gọi các ngạch quyền lực khác chú trọng hơn tới nhiệm vụ “giữ lại Mỹ Latinh” sau khi đã đánh mất châu Phi. Những lời thừa nhận này đã khắc họa mức độ thụt lùi của siêu cường số 1 thế giới và trong giới tinh hoa Mỹ, một tỷ lệ không nhỏ đã ý thức được điều này và quan sát một cách thực dụng hơn những mất mát chiến lược về vị thế của Washington tại “sân sau”, nhưng bản thân họ cũng lúng túng không tìm ra công thức hữu hiệu nào đảo ngược xu hướng phát triển đó.
Nguy cơ thực sự
Những cáo buộc giả dối về Trung Quốc như một cường quốc tương tự Mỹ đôi khi dựa trên sự tầm thường hóa khái niệm về chủ nghĩa đế quốc. Với mục đích thu hút sự quan tâm của độc giả, bất kỳ bước tiến nào của Bắc Kinh trong lĩnh vực thương mại hay tài chính đều được “xếp hạng” vào dạng tham vọng này, và được mặc nhiên khoác lên chiếc áo ý đồ xấu, mà không đào sâu tới bản chất khái niệm.
Chính cách nhìn này thường gây nhầm lẫn giữa sự phụ thuộc về kinh tế, mà các thỏa thuận bất lợi mà các nước Mỹ Latinh đã ký kết với “con rồng châu Á” gây ra, với sự đàn áp chính trị kiểu đế quốc. Cả hai tiến trình này đều duy trì những quan hệ tiềm năng hiện tại, nhưng có thể phát triển theo những con đường riêng biệt và cần phải xác định những thời điểm giao thoa hay tách biệt của cả 2 tiến trình.
Chủ nghĩa đế quốc hướng tới việc sử dụng sức mạnh, theo cách bộc lộ hoặc răn đe, để bảo đảm ưu thế cho các doanh nghiệp của mình trên lãnh thổ của một nền kinh tế bị thống trị. Không thể đếm xuể những bằng chứng cho hình thái xâm phạm này từ phía Mỹ nhưng ít ra cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu tương tự với Trung Quốc. Sự khác biệt này được ghi nhận tại tất cả các nước Mỹ Latinh.
Hành động quân sự nước ngoài là một ứng xử đế quốc điển hình mà tới nay Trung Quốc vẫn né tránh, và chừng nào còn giữ được trạng thái này thì họ vẫn tách biệt được với con đường đế quốc. Không ai nghi ngờ xu hướng mở rộng ra khắp thế giới, với hệ quả trở thành một cường quốc thống trị trong nhiều lĩnh vực, sẽ thúc đẩy tham vọng biến mình trở thành một thế lực đàn áp của Bắc Kinh (trong quan hệ quốc tế). Nhưng tới nay, đây cũng mới chỉ là một khả năng, một dự báo hay một tính toán mà chưa phải là một thực tế đã kiểm chứng, và do vậy, việc xếp Trung Quốc vào “trung đội” những đế quốc mà thế giới từng có trong lịch sử là chưa hợp lý.
Việc chuyển mình sang trạng thái đế quốc công khai sẽ phụ thuộc vào quy mô mà giới tư bản Trung Quốc vươn tới. Trong hai thế kỷ trước, việc các Nhà nước hùng mạnh triển khai quân sự ngoài lãnh thổ để hỗ trợ các đối tác tư bản của mình là khá thường xuyên. Nhưng trong cơ chế vận động hiện tại của Trung Quốc, giai cấp tư bản thống trị vẫn còn cách rất xa khả năng gây sức ép cho nhà cầm quyền Bắc Kinh sử dụng vũ lực quân sự để bảo vệ lợi ích kinh tế của mình.
Những vận động theo hướng này là khá thường xuyên tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản, nhưng Trung Quốc vẫn chưa đối diện bối cảnh tương tự, vì chế độ chính trị của Bắc Kinh dẫu sao vẫn bắt nguồn từ một trải nghiệm xã hội chủ nghĩa và hiện vẫn duy trì những đặc điểm lai tạp mà chưa chuyển thể hẳn sang hình thái tư bản chủ nghĩa. Chính vì thế, cho tới nay thế giới vẫn chưa quan sát thấy những hành động điển hình đế quốc chủ nghĩa từ Trung Quốc.
Sự củng cố tuyệt đối chủ nghĩa tư bản bên trong Trung Quốc và tương quan đế quốc bên ngoài hiện vẫn đang bị giới hạn bởi hai yếu tố. Một mặt, vẫn còn đó vai trò chủ đạo của thành phần kinh tế nhà nước (từ cấp trung ương, tỉnh tới huyện) khi chiếm tới 40% GDP và mặt khác là quyền lãnh đạo thể chế của Đảng Cộng sản. Hiện Trung Quốc đã có một giai cấp tư sản thống trị hùng mạnh và vững chắc, nhưng vẫn chưa hoàn toàn kiểm soát được nhà nước và vẫn chưa nắm được khả năng điều động quân đội can thiệp bảo vệ cho các lợi ích của mình.
Mức tăng trưởng GDP – đã gấp 86 lần trong giai đoạn 1978 – 2020 và đưa 800 triệu người ra khỏi tình trạng nghèo đói – đã tạo ra hiệu ứng trái ngược cho sự tiến triển này. Một mặt, đà tăng trưởng đó tạo không gian phát triển cho một thiểu số tư sản ngày càng tập trung nhiều của cải và quyền lực, nhưng mặt khác cũng đã củng cố vai trò của sự can thiệp nhà nước, thường được xem như đối trọng của đa số quần chúng chống lại xu hướng tuyệt đối hóa lợi nhuận và bóc lột. Tính chất riêng biệt độc đáo của mô hình phát triển Trung Quốc buộc các nhà phân tích phải nhìn nhận một cách thận trọng, và những dự báo về sự tiếp diễn của một nền kinh tế lai tạp đền từ vai trò điều tiết lớn của Nhà nước.
Sự phân biệt thiết yếu
Việc so sánh đồng bộ Trung Quốc và Mỹ cũng là sai sót thường xuyên của một chính một số nhà phân tích cánh tả, khi cho rằng cả hai đều chia sẻ trạng thái nhà nước đế quốc và tranh giành những lợi ích giống nhau tại các nước bên lề.
Một cách đánh giá theo hướng này cho rằng Trung Quốc từng là một nước xã hội chủ nghĩa trong quá khứ, sau đó áp dụng mô hình tư bản và hiện tại đang trong giai đoạn chín muồi thành nhà nước đế quốc. Họ cho rằng trong trạng thái mới, nền kinh tế thứ 2 thế giới đã chuyển từ vai trò xuất khẩu hàng hóa sang đầu tư tư bản, và dự đoán sự chuyển đổi này thúc đẩy giai đoạn củng cố “quyền lực mềm”, bổ trợ bằng sự phát triển sức mạnh quân sự. Các hiệp định tự do thương mại và Con đường tơ lụa mới được nhìn nhận như những công cụ đàn áp rất giống với những dự án hay mô hình mà Mỹ từng đưa ra.
Góc nhìn này gây nhầm lẫn các mối quan hệ thống trị mà Washington đan dệt được tại khắp “sân sau” của mình với hệ thống phụ thuộc mà Bắc Kinh đang có gắng thiết lập tại cả khu vực. Trong trường hợp đầu, những nguồn lợi kinh tế được tạo dựng trên cơ sở kiểm soát về địa chính trị – quân sự, yếu tố hoàn toàn vắng mặt trong hệ thống thứ hai. Sự khác biệt này thường bị che đậy hoặc tương đối hóa, với khẳng định rằng Trung Quốc đang dựng lên trong thời gian kỷ lục “công trình” mà Mỹ đã vun đắp trong cả thế kỷ. Thế nhưng Bắc Kinh còn cách mạng lưới quyền lực đó rất xa, và nếu họ có ý tưởng xây dựng “công trình” đó, thì điều đó cũng chứa đựng khả năng không thể hoàn thành được tham vọng này, và không hợp lý khi đề cập tới họ như một đế quốc đã thành hình, vì đơn giản là chủ nghĩa đế quốc không phải là khái niệm thuộc về thế giới của những giả thuyết.
Việc xếp ở thế ngang bằng cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung chỉ giới hạn các bằng chứng trong lĩnh vực kinh tế, và sự so sánh trên cơ sở này trên thực tế làm nổi bật sự tương đồng hơn là những điểm khác biệt lớn trong ứng xử giữa 2 cường quốc này. Những khoản đầu tư của Trung Quốc vào khai mỏ, nông nghiệp và nhiên liệu cho thấy nhiều điểm tiếp cận với các hành lang khai khoáng trong siêu dự án Sáng kiến Mạng lưới hạ tầng khu vực Nam Mỹ, mà chính Mỹ từng khuyến khích từ vài thập kỷ qua; nhưng trong trường hợp thỏa thuận với Bắc Kinh, hoạt động quản lý các công trình hạ tầng này phụ thuộc trước hết vào các doanh nghiệp và các chính phủ quốc gia ký kết hợp đồng, mà không có các yếu tố quân sự, tư pháp, chính trị và truyền thông mà Mỹ thường huy động trong cả khu vực để đảm bảo các mối kinh doanh của mình.
Không nghi ngờ rằng trong cả hai trường hợp cần phải tìm hiểu kỹ các chính sách bảo vệ những tài sản và quyền lợi cộng đồng, hướng tới các tiến trình hội nhập khu vực, cho phép sử dụng các nguồn lực này để phục vụ sản xuất. Các lực lượng tiến bộ tại Mỹ Latinh không có khác biệt trong các mục tiêu chung này, mà sự bất đồng xuất hiện trong việc xác định lập trường của các tiến trình chính trị tự chủ trước cường quốc thống trị Mỹ và quốc gia cung cấp tài chính, khách hàng và nhà đầu tư Trung Quốc, và chỉ riêng việc đánh giá và xử lý ngang bằng 2 trường hợp này cũng đủ cản trở cuộc đấu tranh vì tình đoàn kết khu vực.
Cũng gây ra vấn đề tương tự là việc không thừa nhận những xung đột giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, với quan điểm rằng các doanh nghiệp lớn của 2 nước đều tham gia đồng nhất vào nguồn vốn tư bản xuyên quốc gia và cùng hưởng lợi từ đó. Nhưng cái gọi là nguồn vốn tư bản xuyên quốc gia này trên thực tế chỉ ám chỉ việc pha trộn ngân quỹ từ một vài quốc gia khác nhau, và chúng không thay thế được các đại doanh nghiệp vẫn đóng vai trò trung tâm trong chủ nghĩa tư bản hiện tại, và cũng không giảm thiểu vai trò của các chính phủ quốc gia trong điều hành kinh tế đất nước. Ngay cả trong giai đoạn rực rỡ nhất của toàn cầu hóa, cũng chưa bao giờ diễn ra trào lưu sát nhập xuyên quốc gia các nguồn tư bản chủ chốt, hay nảy nở các giai cấp thống trị hay các nhà nước xuyên quốc gia.
Những người bảo vệ cho lập luận này đã đánh mất ảnh hưởng từng có trong thập kỷ trước và các vấn đề nổi cộm nhất về quan điểm của họ bộc lộ chính trong những giả thuyết hài hước về sự sát nhập các tập đoàn lớn của Trung Quốc và Mỹ. Triển vọng về sự pha trộn này hoàn toàn bị bỏ qua trong bối cảnh cạnh tranh đối đầu hiện tại, và sự cạnh tranh giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới này cũng phản ánh bối cảnh mới của các lập trường khác nhau về tự do thương mại.
Trong những năm 1990, Mỹ là nước giương cao ngọn cờ trao đổi thương mại phi thuế quan, và khẩu hiệu này sau đó có chút điều chỉnh về sắc thái khi mở rộng thành quan điểm của châu Âu và Nhật Bản, nhưng đã biến đổi hoàn toàn khi Trung Quốc biến nó thành chủ trương lớn của mình. Diễn đàn kinh tế Davos – hay vẫn được xem như hội nghị thượng đỉnh về tự do thương mại, giờ đây tràn ngập khen ngợi của Trung Quốc và Mỹ đã mất phương hướng dẫn dắt, khi tới nay vẫn chưa thể xác định dứt khoát đường lối cho chính mình.
Hai trường phái hướng nội – bảo hộ và toàn cầu hóa đấu đá nẩy lửa bên trong nước Mỹ và làm Nhà Trắng tê liệt về chính sách kinh tế. Sự va chạm dai dẳng này nguyên nhân dẫn tới sự bất lực của Obama, những cú đảo chiều liên tục của Trump và những dao động mơ hồ của Biden. Hệ quả là, những thỏa thuận tự do thương mại trở thành những vũ khí kinh tế nửa mùa mà không vị nguyên thủ Mỹ nào vừa nêu định hướng rõ ràng được. Trong khi Trung Quốc có mục đích rõ ràng và cụ thể trong chiến lược thúc đẩy các hiệp định này, thì đối thủ của họ vẫn loay hoay quanh những đấu đá nội bộ.
Những nan đề với Trung Quốc
Việc chỉ ra những khác biệt căn bản giữa Trung Quốc và Mỹ không đồng nghĩa với việc phủ nhận tiến trình dần xa rời triển vọng xã hội chủ nghĩa, cùng với đó là vị thế ngày càng được củng cố của giai cấp tư sản tại nền kinh tế thứ 2 thế giới. Lập trường phê phán xu hướng phát triển này là nhiệm vụ thiết yếu của lực lượng tiến bộ trên thế giới, để hỗ trợ cuộc đấu tranh đang diễn ra tại Trung Quốc chống lại sự khôi phục toàn phần của chủ nghĩa tư bản tại đây.
Việc xác định rõ quan hệ đối kháng này là điều cần làm trước khi xu hướng phát triển hiện tại của Trung Quốc trở thành một hiện trạng đã rồi và không thể đảo ngược. Sai lầm chính của cánh tả thế giới với Liên Xô trước đây là sự im lặng trước mối đe dọa tương tự, và thái độ thụ động đó đã hủy hoại những nỗ lực đổi mới chủ nghĩa xã hội.
Nhiều tác giả nhìn nhận và quảng bá Trung Quốc như một trung tâm mới của các lực lượng xã hội chủ nghĩa hiện tại và đây là một sai lầm. Cách nhìn này không chỉ giới hạn trong việc nêu bật những thành tựu kinh tế và xã hội không thể phủ nhận của cường quốc mới nổi này, mà còn trù liệu rằng tiến trình mà “con rồng châu Á” đang theo đuổi là giai đoạn quá độ tất yếu mà chủ nghĩa xã hội cần phải trải qua trong thế kỷ mới.
Những đánh giá dạng này gợi nhớ lại những lập luận tiêu chuẩn trước đay của chủ nghĩa cộng sản chính thống, mà trong thế kỷ trước từng ca ngợi một chiều những bước tiến của Liên Xô mà không có những quan sát mang tính phê bình nào, để rồi tất cả đều bặt tiếng trước sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống từng được coi là hình mẫu đó.
Trung Quốc đang đi qua một con đường rất khác với Liên Xô trước đây. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ý thức rất rõ những gì đã diễn ra với quốc gia láng giếng và trong mỗi quyết định của mình họ đều đánh giá nguy cơ lặp lại các sai lầm đó. Nhưng tới nay sự đóng góp đáng giá nhất từ bên ngoài cho những cảnh báo đó chỉ là việc chỉ ra những tình thế khó xử của “con rồng châu Á”. Thay vì sao chép những gì đã diễn ra với Liên Xô trước đây hoặc tiến bước theo hướng cập nhật thuần túy chủ nghĩa xã hội, Trung Quốc thường xuyên đối mặt lựa chọn khó khăn giữa việc đổi mới mô hình đó hoặc quay trở lại với chủ nghĩa tư bản.
Tình thế nan giải này hiện hữu trong từng bước đi của “con rồng châu Á” kể từ khi giai cấp tư sản mới thực sự thành hình và thực hiện tích lũy tư bản, khai thác giá trị thặng dư, kiểm soát doanh nghiệp và phô bầy tham vọng chinh phục quyền lực chính trị. Hiện nay, những sợi dây cương của hệ thống chính trị vẫn nằm trong tay Đảng Cộng sản và giới tinh hoa vẫn duy trì sự cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và cải thiện xã hội. Nhưng những đối trọng này có thể sẽ bị đứt gẫy nếu các nhà đại tư sản Trung Quốc mở rộng được vai trò chính yếu trong nền kinh tế của mình sang hệ thống chính trị.
Đổi mới chủ nghĩa xã hội giờ đây chỉ là một khả năng trong số các lựa chọn đang được cân nhắc, mà chúng phụ thuộc phần lớn vào khả năng lôi cuốn của các trào lưu cánh tả. Triển vọng này đòi hỏi những chính sách tái phân chia thu nhập, giảm thiểu bất bình đẳng và giới hạn chặt chẽ quá trình làm giầu của các tỷ phú mới tại quốc gia Đông Á này.
Ở cấp độ toàn cầu, để khôi phục dự án chủ nghĩa xã hội cần phải phân tích những căng thẳng này, bắt đầu bằng các trào lưu cách mạng và tránh lặp lại những diễn văn nghi thức chính thống. Minh bạch hóa những căng thẳng tại Trung Quốc trong giai đoạn giằng xé giữa các xu thế xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa tại quốc gia này cũng là yếu tố thiết yếu để các khu vực đang thắt chặt quan hệ thương mại với Bắc Kinh hoạch định ra những chiến lược hợp lý.
Nếu chỉ đơn giản cho rằng Bắc Kinh là hiện thân của cơ chế xã hội chủ nghĩa đương đại, thì lập trường này phù hợp cho các ý kiến ủng hộ các đặc tính hiện có trong mối quan hệ mang đậm tính hậu tư bản chủ nghĩa của đa phần các nước với Trung Quốc. Chính sách này cũng giống như chiến lược mà phần lớn cánh tả thế giới từng có với Liên Xô trước đây, khi cho rằng “anh cả đỏ” này là cột trụ không thể động chạm chống đỡ cả khối xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên, khác với chính quyền Bolshevik trước đây, Trung Quốc giờ đây không đưa ra những tuyên bố mang tính ý thức hệ và tránh va chạm chính trị với các chính thể khác nhau trên thế giới; họ chỉ đơn thuần đề cao thương mại, đầu tư và quan hệ kinh doanh với mọi chính phủ cho dù đó là tự do mới, phi truyền thống, tiến bộ hay phản động. Chỉ riêng đặc điểm này cũng đã đủ để phản bác nhận định rằng Bắc Kinh là hình mẫu của chủ nghĩa xã hội mà thậm chí còn khuyến khích việc xem xét các chiến lược không tương đồng với chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Những nan đề mà các hiệp định thương mại và Con đường tơ lụa mới minh họa thế giằng co này. Cả hai dự án này đều bao hàm một nội dung kép là mở rộng năng lực sản xuất toàn cầu của “con rồng châu Á” và làm giầu cho giới tư sản của nước này. Sự cân bằng của 2 tiến trình này được quyết định bởi những người điều hành các thỏa thuận và hệ thống giao thông vận tải. Thật khó để cho rằng với định dạng hiện tại, các sáng kiến này hướng tới một chân trời chủ nghĩa xã hội cho thế giới. Những trường phái tả khuynh tại Trung Quốc cũng cố đả phá niềm tin này ở trong nước, và những nghi ngại thậm chí còn trực diện hơn ở bên ngoài, đặc biệt là ở các nước thế giới thứ 3 nơi các sáng kiến này được thúc đẩy mạnh mẽ nhất. Mỹ Latinh chính là một ví dụ điển hình của “sự bất tiện” (đối với nhà cầm quyền Trung Quốc) đó.
Tất cả các hiệp ước mà Trung Quốc thúc đẩy đều mang tính gia tăng sự phụ thuộc và phân cấp kinh tế. Quốc gia Á Đông này củng cố vị thế chủ nợ của mình, làm giầu bằng những trao đổi bất bình đẳng và vơ vét lợi nhuận.
Trung Quốc không hành động như một đế quốc thống trị, nhưng cũng chẳng bênh vực quyền lợi của Mỹ Latinh. Những thỏa thuận hiện tại giữa hai bên làm trầm trọng thêm tình trạng thô sơ hóa nền kinh tế và gia tăng bóc lột giá trị thặng dư. Cường quốc mới này không chỉ là một đối tác đơn thuần và cũng chẳng phát triển mối quan hệ Nam – Nam như tự quảng bá. Hoạt động mở rộng của họ tại khu vực này được định hướng bởi những nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận chứ không qua những nguyên lý về hợp tác.
Bắc Kinh sử dụng nhiều khuôn mẫu khác nhau cho các thỏa thuận với từng nước trong khu vực để đạt được cùng một mục tiêu chung nói trên. Tại Peru và Venezuela, họ ưu tiên thành lập liên doanh với các doanh nghiệp nhà nước; còn tại Argentina và Brasil, họ lại chọn lựa hình thức thu mua lại các công ty đã có vị thế. Sự linh hoạt về kịch bản thỏa thuận với từng nước này được quyết định tại Bắc Kinh sau những tính toán kỹ lưỡng về lợi ích.
Trước tình thế đó, các lực lượng xã hội chủ nghĩa tại Mỹ Latinh cần xây dựng có một chiến lược riêng mang tính khu vực để quay lại con đường hội nhập phát triển và tạo ra những nền tảng chắc chắn cho hướng đi tiến bộ này. Những cột trụ của chiến lược đó có thể có những điểm tương đồng, nhưng không được trùng khớp với chính sách đối ngoại của Trung Quốc. “Con rồng châu Á” này có thể là một đối tác tiềm năng trong chiến lược đó, nhưng không phải là một đồng minh tự nhiên và một nhiệm vụ trọng yếu là xác định những khác biệt đó qua những quan sát, nghiên cứu những gì đã diễn ra tại những khu vực khác trên thế giới.
Bài học từ thỏa thuận RCEP
Trung Quốc tiến bước tại nhiều nơi trên thế giới và khẳng định sức hút kinh tế của mình trước đối thủ Mỹ. Hướng vận động này có khả năng mang lại sự phát triển cho các nước bên lề, nếu các thỏa thuận nền tảng thực sự hướng tới mục tiêu phát triển chung thay vì tạo ra lợi nhuận thuần túy cho giới tư sản bản địa và đối tác Trung Quốc, nói cách khác là mang tính giải phóng con người thực sự.
Đáng tiếc rằng chiến lược mà Trung Quốc theo đuổi ngay trong không gian khu vực xung quanh họ không được định hướng theo những nguyên tắc này, khi nó tạo ra tiến bộ và thành tựu giúp gia tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh, nhưng không tạo ra những liên kết hữu hình với tương lai xã hội chủ nghĩa.
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một ví dụ điển hình của mô hình này, khi thông qua siêu thỏa thuận này, Trung Quốc không chỉ cam kết tự do thương mại với các nước ASEAN, mà còn với một vài đồng minh quan trọng của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Bắc Kinh đạt được thỏa thuận này qua một đợt công kích kiên trì về kinh tế: đầu tiên là vô hiệu hóa dự án bế tắc của Obama dành cho khu vực Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương này (TPP hay Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) và cả nỗ lực cứu vãn của Nhật Bản sau đó với một dự thảo thay thế (CPTPP hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương); rồi kìm hãm bước xoay trục theo hướng bảo hộ của Trump; và cuối cùng là “vạch đất” giới hạn không gian của sáng kiến thương mại chưa thành hình của Biden (IPEF hay Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương vì Thịnh vượng).
Bắc Kinh đã gạt từng chướng ngại mà Washington dựng lên để bảo tồn ưu thế kinh tế vốn có của mình tại khu vực chiến lược này bằng cách tận dụng những bất đồng lớn trong giới hoạch định chiến lược của Mỹ về các hiệp định tự do thương mại và sự bất lực rõ nét của các đối tác của Nhà Trắng. Đặc biệt, “con rồng châu Á” đã vô hiệu hóa được Nhật Bản, vốn có vai trò với Trung Quốc như Đức trước Nga tại “mặt trận” châu Âu. Tokyo đôi khi muốn thực hiện các bước đi tự chủ trước “cấp trên” Washington, nhưng lại “quay về hàng ngũ” phương Tây ngay lập tức khi bị “nhắc nhở”.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra với Australia, New Zealand và Hàn Quốc, những nước đã bị Lầu Năm Góc gây sức ép để ký kết một thỏa thuận quân sự (QUAD hay Thỏa thuận Đối thoại an ninh bốn bên) nhằm ứng phó với sự xích lại gần Trung Quốc về kinh tế vừa nêu. Nhà Trắng tái kích hoạt những xung đột về Đài Loan và vấn đề tự do hàng hải tại Biển Đông (Nam Trung Hoa) cũng chính là để ngăn chặn thành công của Trung Quốc với RCEP. Hiệp định IPEF mang tính ứng biến của Biden chỉ là một sự bổ trợ cho sức ép quân sự nói trên.
Hiện tại, trong số các quốc gia “có trọng lượng”, Ấn Độ là nước duy nhất còn duy trì được tự chủ thực sự giữa 2 cường quốc đối thủ này. Quan hệ địch thủ có tính lịch sử của họ với Trung Quốc khiến New Delhi từ chối RCEP, các thỏa thuận trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, và đặt cược vào một dự án riêng để cất cánh về kinh tế. Ấn Độ tham gia vào QUAD do Mỹ khởi xướng để đối trọng với sự nồng ấm mới đây giữa Trung Quốc và Pakistan, và dù những chính phủ nhiệm kỳ vừa qua tại quốc gia Nam Á này lựa chọn một con đường thân phương Tây hơn, Ấn Độ vẫn giữ một lập trường địa chính trị riêng biệt.
Indonesia và Malaysia trong khối ASEAN cũng đang tiến tới một lập trường tự chủ lớn hơn khi từ chối tham gia QUAD, nhưng họ đã không cưỡng lại được áp lực thương mại của Trung Quốc qua việc tham gia RCEP. Cần nhớ để thiết lập RCEP, Bắc Kinh đã áp đặt việc chuyển hóa các thỏa thuận tự do thương mại song phương thành đa phương, phá vỡ ý định hợp nhất hải quan và ngăn chặn mọi bước đi theo hướng tạo ra một đồng tiền chung của ASEAN.
Những nhà lãnh đạo Nam Mỹ có thể nhìn thấy kết quả này để dự đoán những gì sẽ diễn ra với khối MERCOSUR (Thị trường chung Nam Mỹ), nếu các thỏa thuận tự do thương mại với Trung Quốc tiếp tục phát triển dưới định dạng hiện tại. Một biến thể của RCEP tại Tây Bán Cầu có thể chôn vùi các dự án hội nhập khu vực của Mỹ Latinh.
Những diễn biến tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là bài học cho Mỹ Latinh: tại đó, những bước tiến kinh tế của Trung Quốc và câu trả lời địa chính trị – quân sự của Mỹ đều thể hiện rõ nét hơn. Những xu hướng tương tự cũng đang chớm nở tại Mỹ Latinh, với khác biệt duy nhất là tại khu vực “sân sau” của mình này, Washington sẽ không bao giờ tha thứ những động thái của Bắc Kinh khi chúng có vươn tới mức độ táo bạo hơn những gì diễn ra tại không gian bao quanh Trung Quốc.
Nhưng điều quan trọng hơn không phải đánh giá cường quốc nào sẽ vươn lên “dẫn trước” tại mỗi khu vực, mà là tìm kiếm những chính sách ưu tiên sự phát triển của nhân dân các nước “bên lề”, và định hướng cho các chính sách này tại Mỹ Latinh chính là kháng cự lại bá quyền Mỹ và tái thương lượng những thỏa thuận bất bình đẳng với Trung Quốc.
Hướng đến một dạng thỏa thuận khác
Trung Quốc cạnh tranh bằng những quan hệ kinh doanh không liên quan tới áp lực quân sự, trước một đối thủ ưu tiên triển khai quân sự để đảm bảo những sáng kiến đang ngày càng yếu ớt hơn của mình. Nhưng khác biệt này không làm “con rồng châu Á” trở thành một cường quốc thúc đẩy phát triển cho Mỹ Latinh như những phát biểu ngoại giao thường đề cập. Những lời ca ngợi về “mô hình hợp tác Nam – Nam”, qua các hiệp định “cùng thắng” hay những trao đổi “học hỏi lẫn nhau” là những cách diễn đạt thông cảm được trong ngôn ngữ ngoại giao, nhưng không phải là những mô tả thực tế về bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Mỹ Latinh.
Nhiều nhà phân tích đã nhắc lại những đánh giá đầy ngoại giao đó do sự ngưỡng mộ dễ hiểu trước thành tựu phát triển to lớn của Trung Quốc và mong ước rằng những kết quả đó sẽ lan tỏa sang Mỹ Latinh qua những thỏa thuận hợp tác giữa 2 bên, và cách nhìn đó cũng nuôi dưỡng những niềm tin về một quan hệ hợp tác cùng có lợi, nhưng tiếc rằng đó không phải là đặc tính của mối quan hệ song phương hiện tại.
Chấp nhận thiếu sót đó là bước khởi đầu phải có cho việc thúc đẩy một dạng thỏa thuận hợp tác khác với Trung Quốc, hướng tới sự phát triển thực sự của Mỹ Latinh, cùng với khát vọng của quần chúng khu vực về một tương lai bình đẳng hơn khi miền đất trải dài từ sông Rio Grande (biên giới tự nhiên phía Bắc của Mexico) tới Tierra del Fuego (vùng đất cực Nam của Argentina và Chile) vẫn là khu vực ghi nhận mức độ bất bình đẳng cao nhất thế giới. Mục tiêu tiến bộ đó cũng đòi hỏi một cuộc chiến về lý luận chống lại chủ nghĩa tự do mới mà Trung Quốc chính là một đại diện, dù không tuyên bố, ở cấp độ toàn cầu.
Theo NGHIÊN CỨU CHIẾN LƯỢC
Tags: Trung Quốc, Chủ nghĩa đế quốc, Mỹ Latinh, Bá quyền Mỹ