Chiến lược ‘án binh bất động’ của Trung Quốc ở Trung Đông

Trung Quốc đã án binh bất động trước nhiều diễn biến phức tạp đã diễn ra ở Trung Đông, từ khủng hoảng biển Đỏ cho tới tình hình căng thẳng ở Dải Gaza. Trước những diễn biến mới vừa diễn ra, liệu Bắc Kinh có tiếp tục duy trì cách tiếp cận mơ hồ này hay không?

Biên dịch: Nguyên Nguyễn.

Tác giả: Lauren Barney, chuyên gia tại Văn phòng Điều phối Trung Quốc của Bộ Ngoại giao Mỹ; Aaron Glasserman, nghiên cứu viên chuyên về Trung Quốc tại Trung tâm Wilson.

Kể từ cuối năm 2023, lực lượng Houthi ở Yemen đã đặt ra một thách thức vô cùng lớn đối với ngành vận tải biển toàn cầu. Do những cuộc tấn công không ngừng của nhóm này, được Iran hậu thuẫn, nhắm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ để gây áp lực lên Mỹ và các đồng minh liên quan đến cuộc chiến của Israel ở Gaza. Nhiều công ty vận tải biển lớn trên thế giới đã buộc phải chuyển hướng tàu của mình vòng qua châu Phi để tránh các cuộc đụng độ. Với tuyến đường như vậy, ước tính, chi phí vận chuyển hàng hóa từ châu Á sang châu Âu đã tăng gần 300% chỉ trong vài tháng kể từ tháng 10/2023. Để kiềm chế khủng hoảng và bảo vệ hành lang thương mại quan trọng này, Mỹ và Anh đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào các địa điểm của Houthi ở Yemen.

Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia có thương mại toàn cầu lớn chiếm một phần đáng kể trong lưu lượng giao thông qua Biển Đỏ, hiện vẫn đứng ngoài cuộc. Bắc Kinh chuyển lượng hàng hóa trị giá 280 tỷ USD mỗi năm qua eo biển Bab el Mandeb của Biển Đỏ, chiếm gần 20% tổng thương mại hàng hải của Trung Quốc. Và do các cuộc tấn công của Houthi, Trung Quốc phải đối mặt với chi phí vận chuyển tăng vọt và sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong bối cảnh nền kinh tế nước này đã chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên Bắc Kinh đã làm rất ít để đối phó. Trong các tuyên bố công khai, các quan chức Trung Quốc chỉ giới hạn việc khẳng định tầm quan trọng của các vùng biển an toàn và tự do. Trong khi đó, trong các cuộc đàm phán riêng tư, họ đã cố gắng thương lượng với Houthi và các nhà ủng hộ Iran để đảm bảo sự an toàn cho các tàu liên quan đến Trung Quốc, mặc dù nhiều tàu như vậy đã bị tấn công.

Sự kiềm chế của Trung Quốc ở Biển Đỏ đặt ra những câu hỏi quan trọng về chiến lược lớn hơn của nước này tại Trung Đông. Trước khi cuộc chiến hiện tại ở Dải Gaza bùng nổ, Bắc Kinh dường như đang khẳng định vai trò ngày càng tăng trong khu vực, bao gồm cả việc làm trung gian cho quá trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Xê-út và mở rộng quan hệ thương mại với các nước vùng Vịnh. Với việc tuyên bố ủng hộ người Palestine, lực lượng Houthi nhằm nâng cao vị thế của mình trong thế giới Ả Rập. Một số nhà quan sát cho rằng sự do dự của Bắc Kinh trong việc đối đầu với nhóm này xuất phát từ nỗ lực thực dụng tương tự nhằm tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Trong khi Mỹ và các đồng minh phải gánh vác gánh nặng và rủi ro tiềm tàng về mặt uy tín từ việc can thiệp quân sự, Trung Quốc có thể đóng vai trò là người bảo vệ cho các nước ở Nam bán cầu. Một số nhà quan sát khác còn đi xa hơn, cho rằng Trung Quốc ngầm chấp thuận các cuộc tấn công của Houthi và đang cố ý tạo điều kiện cho họ thông qua việc tiếp tục thương mại với Iran, đồng minh chính của Houthi, như một phần của kế hoạch lớn hơn nhằm gây rối trật tự quốc tế do Mỹ lãnh đạo.

Thực tế, cả hai cách giải thích này đều bỏ qua những ưu tiên sâu xa hơn của Bắc Kinh trong khu vực. Mặc dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc vui mừng khi tránh được việc sa lầy vào các cuộc xung đột quân sự và ghi điểm ngoại giao dễ dàng với các chính phủ khu vực khi làm như vậy, họ không muốn thấy các cuộc tấn công ở Biển Đỏ tiếp diễn. Họ biết rằng đất nước của họ có quá nhiều lợi ích kinh tế và quân sự có thể sẽ bị ảnh hưởng. Thay vì để khủng hoảng leo thang, họ muốn cuộc khủng hoảng kết thúc. Nhưng không phải bằng cách tiêu tốn các nguồn lực ngoại giao, kinh tế hay quân sự của chính mình để đạt được kết quả đó. Để mở rộng ảnh hưởng của mình ở Trung Đông, Trung Quốc cuối cùng phụ thuộc vào sự ổn định, chứ không phải hỗn loạn. Một mục tiêu mang lại những ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với Mỹ khi nước này cố gắng kiểm soát cuộc chiến ở Gaza.

Kinh doanh rủi ro

Trong bối cảnh vị thế kinh tế của Trung Quốc ngày càng trở nên bất ổn, tình hình bất ổn ở Trung Đông đang tạo ra một mối đe dọa lớn đối với sự ổn định kinh tế của họ. Với tầm quan trọng của khu vực đối với thương mại quốc tế của Trung Quốc, Bắc Kinh đã phát đi tín hiệu rằng họ muốn đảm bảo chuỗi cung ứng đến các quốc gia trong khu vực. Trong cuộc phỏng vấn với Al Jazeera vào tháng 4, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã gọi Biển Đỏ là “một hành lang vận tải quốc tế quan trọng cho hàng hóa và năng lượng” và tuyên bố rằng “việc bảo vệ hòa bình và ổn định của nó giúp duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu không bị cản trở và đảm bảo trật tự thương mại quốc tế.”

Thực tế, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi vào các tàu thương mại đang đe dọa các chuỗi cung ứng của Trung Quốc trong khu vực. Chiến dịch này đã buộc nhiều công ty vận tải quốc tế phải chuyển hướng tàu của họ sang tuyến đường dài hơn quanh mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Điều này làm tăng thêm nhiều ngày so với thời gian vận chuyển bình thường và làm tăng chi phí nhiên liệu lên khoảng 40%. Hơn nữa, khoảng 70% lượng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ thường đi qua Biển Đỏ, và thương mại này hiện phải chịu chi phí vận chuyển cao hơn đáng kể cùng với sự chậm trễ kéo dài. Đối với Bắc Kinh, thời điểm này không thể tồi tệ hơn. Đối mặt với tiêu dùng trong nước trì trệ và ngành bất động sản đang sụp đổ, chính phủ Trung Quốc đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng thông qua các sản phẩm xuất khẩu có giá trị cao như ô tô, pin xe điện và pin mặt trời. Vận chuyển chiếm tỷ lệ tương đối cao trong cấu trúc chi phí tổng thể của những sản phẩm này, khiến chúng đặc biệt dễ bị tác động bởi các cú sốc giá.

Sự gián đoạn trong thương mại toàn cầu cũng có thể đe dọa an ninh năng lượng và lương thực của Trung Quốc. Hiện tại, nhập khẩu của nước này trong hai lĩnh vực chiến lược này đủ đa dạng để làm cho một cuộc khủng hoảng lớn khó có thể xảy ra, ngay cả khi Houthi có thể làm gián đoạn hoàn toàn hoạt động vận chuyển qua Biển Đỏ. Các vụ mùa ngũ cốc bội thu trong những năm gần đây và việc ngày càng sử dụng xe điện và năng lượng sạch sản xuất trong nước mang lại cho Trung Quốc thêm các lớp bảo vệ chống lại tình trạng khủng hoảng năng lượng do chuỗi cung ứng gây ra. Tuy nhiên, lương thực và hydrocacbon được giao dịch trên thị trường toàn cầu và do đó rất nhạy cảm với tình trạng bất ổn ở bất cứ nơi nào nó xảy ra. Cùng với khủng hoảng Biển Đỏ, cuộc xung đột của Nga ở Ukraine đã gây ra sự gián đoạn lớn trong việc vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen. Hạn hán cùng với mức nước thấp đã hạn chế tất cả các hình thức thương mại qua kênh đào Panama. Càng kéo dài các cuộc tấn công của Houthi, những điểm áp lực này càng đẩy giá lương thực và năng lượng lên trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Trung Quốc.

Bắc Kinh biết rằng một cuộc khủng hoảng kéo dài có thể đe dọa các lợi ích kinh tế đang gia tăng của mình xung quanh Biển Đỏ. Trung Quốc nắm giữ các cổ phần quan trọng trong hoạt động cảng gần kênh đào Suez—20% tại cảng Said ở phía bắc và 25% tại Ain Sokhna ở phía nam, và có kế hoạch đầu tư vào các bến cảng mới ở cả hai bờ biển. Sự giảm sút trong hoạt động vận chuyển đồng nghĩa với việc giảm doanh thu cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tham gia vào hoạt động cảng và cho các công ty tư nhân Trung Quốc vận chuyển hàng hóa giữa Trung Quốc và châu Âu. Tổn hại đến nền kinh tế của Ai Cập, nơi mà giao thông qua kênh đào Suez đã trở thành một nguồn sống trong những năm gần đây, cũng là tin xấu đối với Trung Quốc, quốc gia hiện là chủ nợ lớn thứ tư của Ai Cập. Bắc Kinh có hàng tỷ USD đang bị đe dọa ở nước này.

Hơn nữa, Trung Quốc đã định vị mình là một nhân tố quan trọng trong việc chuyển đổi năng lượng sạch ở Trung Đông. Điều này khiến họ có lợi ích đáng kể trong việc duy trì sự ổn định kinh tế và chuỗi cung ứng của khu vực. Vào tháng 6 năm 2023, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc Human Horizons đã ký hợp đồng trị giá 5,6 tỷ USD với Ả Rập Saudi. Và vào mùa xuân này, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Trung Quốc đã ký một bản ghi nhớ mới trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh để làm sâu sắc thêm sự hợp tác kinh tế của họ, đặc biệt là về công nghệ xanh.

Cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ cũng đã làm lộ rõ sự do dự của Bắc Kinh đối với sự hiện diện quân sự của mình trong khu vực. Kể từ năm 2008, Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã triển khai một hạm đội tại vùng biển này, bao gồm một tàu khu trục và một tàu hộ vệ, để thực hiện các nhiệm vụ chống cướp biển và củng cố vị thế của mình như một cường quốc khu vực đang nổi lên. Trung Quốc cũng duy trì căn cứ hải quân duy nhất của mình ở nước ngoài tại Djibouti, trên vịnh Aden gần đó. Về lý thuyết, Trung Quốc có thể sử dụng lực lượng của mình trong khu vực để trả đũa các cuộc tấn công của Houthi hoặc để hộ tống các tàu thương mại vào và ra khỏi Biển Đỏ. Tuy nhiên, sự do dự của Trung Quốc trong việc bảo vệ các tàu thương mại của mình làm nổi bật sự chống đối chung của họ đối với can thiệp quân sự, ngay cả trong trường hợp họ có một căn cứ gần với cuộc xung đột và lợi ích kinh tế của mình đang bị đe dọa. Càng kéo dài các cuộc tấn công, nguy cơ Bắc Kinh phải đối mặt với tình huống buộc phải triển khai lực lượng hải quân của mình và trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột càng lớn. Một cách nghịch lý, xét về ưu tiên của Trung Quốc trong việc tránh sự ràng buộc quân sự, tài sản hải quân của Trung Quốc trong khu vực có thể trở thành một gánh nặng, nếu chiến dịch của Houthi kéo dài.

Hạn chế hỗn loạn, gia tăng khả năng kiểm soát tình hình

Mặc dù Bắc Kinh sở hữu các tài sản kinh tế và quân sự trong khu vực, một số người ở Washington đã cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang thu lợi từ tình trạng khủng hoảng ở Biển Đỏ. Trong một bài tiểu luận đăng trên Foreign Affairs vào tháng 4, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Matt Pottinger và cựu nghị sĩ Mỹ Mike Gallagher đã lập luận rằng sự bất động của Bắc Kinh đối với các cuộc tấn công của Houthi là một phần trong “chính sách gây ra hỗn loạn toàn cầu” của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Theo lý thuyết này, Trung Quốc được cho là hưởng lợi và tìm cách tiếp sức cho các cuộc khủng hoảng toàn cầu làm Mỹ vướng vào. Từ đó phơi bày điểm yếu của Washington trong việc quản lý trật tự quốc tế do phương Tây lãnh đạo.

Tuy nhiên, lý luận này làm sai lệch các tính toán của Trung Quốc. Không thể phủ nhận rằng Bắc Kinh xem mình là một cường quốc đang nổi lên, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã rõ ràng bày tỏ sự không hài lòng với sự lãnh đạo của Mỹ trong các vấn đề toàn cầu. Trong ngắn hạn, Trung Quốc có thể thu được một số lợi ích từ việc đứng ngoài các can thiệp quân sự gây tranh cãi của Mỹ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc muốn khuyến khích xung đột trên toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng ở Trung Đông. Nếu cuộc khủng hoảng ở Biển Đỏ hoặc cuộc chiến ở Gaza leo thang thành một cuộc chiến rộng lớn hơn, điều này có thể làm đảo lộn thêm thương mại và đầu tư của Trung Quốc trên toàn khu vực.

Lý thuyết cho rằng Bắc Kinh cố tình gieo rắc hỗn loạn hiểu sai sự hiểu biết của họ về sự trỗi dậy của mìnhTrong những năm gần đây, các viện nghiên cứu hàng đầu và các viện tư vấn của Trung Quốc đã công bố các lý thuyết về “các quy luật tổng quát” điều chỉnh sự trỗi dậy và suy tàn của các cường quốc. Theo các mô hình này, thế giới đã trải qua một loạt các “chu kỳ” của các cường quốc lớn trong khoảng nửa thiên niên kỷ qua. Bao gồm chu kỳ của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16, Hà Lan vào thế kỷ 17 và 18, và Anh vào thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Mỗi chu kỳ này, theo quan điểm của Trung Quốc, kéo dài khoảng 100 năm và kết thúc trong sự hỗn loạn và xáo trộn. Quyền bá chủ của Mỹ được thiết lập sau Thế chiến II đang tiếp tục xu hướng này. Trong một bài tiểu luận năm 2021, Wang Honggang, một học giả tại Viện Quan hệ Quốc tế Đương đại Trung Quốc ở Bắc Kinh, đã mô tả giai đoạn cuối của chu kỳ này là “khủng hoảng thế giới,” một thời kỳ kéo dài hàng thập kỷ của sự tàn phá và cạnh tranh khốc liệt giữa các quốc gia.

Tập Cận Bình đã làm rõ rằng ông đồng tình với lý thuyết này. Kể từ năm 2018, ông đã liên tục nhắc đến “những thay đổi chưa từng thấy trong một thế kỷ,” ám chỉ rõ ràng về sự biến động và đổi mới liên quan đến sự xói mòn quyền lực của Mỹ. Từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và sự phản đối chủ nghĩa dân túy đối với nền dân chủ tự do, đến những tiến bộ nhanh chóng gần đây trong công nghệ sinh học và trí tuệ nhân tạo. Các quan chức và học giả hàng đầu của Trung Quốc hy vọng và có thể thực sự tin rằng những thay đổi này sẽ giúp quốc gia của họ đạt được ưu thế trong chu kỳ hậu Mỹ. Nhưng họ cũng nhận thức sâu sắc về những thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt để sống sót qua sự biến động này. Tập Cận Bình đã huy động cơ quan tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc để thúc đẩy “nhận thức về tai họa” – một sự chuẩn bị bình tĩnh nhưng cảnh giác để nắm bắt cơ hội từ những thảm họa. Đảm bảo rằng các quan chức Đảng đã sẵn sàng đối phó với “những rủi ro và thách thức lớn” phía trước.

Do vậy, Bắc Kinh đã cố gắng giảm thiểu sự tiếp xúc của mình với bất ổn toàn cầu và tối đa hóa khả năng sinh tồn và thích ứng của mình. Ở cấp độ chiến lược lớn, điều này có nghĩa là đa dạng hóa chuỗi cung ứng và các tuyến đường thương mại để cung cấp các phương án thay thế cho các cuộc xung đột địa phương hoặc khu vực hoặc để hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế tiềm tàng. Như nhà phân tích địa chính trị Parag Khanna gần đây đã lập luận, các cuộc tấn công của Houthi vào các tuyến hàng hải ở Biển Đỏ là một ví dụ điển hình về rủi ro mà Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh nhằm giảm thiểu. Bằng cách xây dựng nhiều chuỗi cung ứng đa dạng hơn, Trung Quốc có thể bảo vệ mình tốt hơn khỏi bất kỳ cú sốc cung ứng nào, dù là do sự kiện địa chính trị hay biến đổi khí hậu gây ra. Quốc gia này cũng đang thúc đẩy các tuyến thương mại qua đất liền, chẳng hạn như hành lang đường sắt qua Trung Á đến châu Âu, có thể đóng vai trò dự phòng cho các sự gián đoạn dọc theo các tuyến đường hàng hải chính. Tương tự, Bắc Kinh đã nỗ lực trong suốt thập kỷ qua để giảm sự phụ thuộc vào ngô, lúa mì và thịt bò của Mỹ bằng cách mở rộng thương mại hàng hóa với Argentina, Brazil và các quốc gia Mỹ Latinh khác, cũng như châu Á.

Những chiến lược này thể hiện rõ ràng trong ngoại giao của Bắc Kinh ở Trung Đông. Năm 2021, Trung Quốc đã ký hiệp ước năng lượng và kinh tế giá trị với Iran, một quốc gia chỉ trích mạnh mẽ hệ thống do phương Tây chi phối. Bắc Kinh cũng đã thiết lập và nâng cấp các “quan hệ đối tác chiến lược” với các đối tác của Mỹ trong khu vực, bao gồm UAE vào năm 2012 và Ả Rập Xê-út vào năm 2022, và tiếp tục củng cố ảnh hưởng của mình đối với các quốc gia Ả Rập thông qua Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Ả Rập. Ngoài việc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao của mình, như được thể hiện qua việc họ làm trung gian hòa giải quan hệ Iran-Ả Rập Xê-út vào tháng 3 năm 2023, Bắc Kinh coi những thỏa thuận này là một phương tiện để đảm bảo quyền tiếp cận năng lượng đáng tin cậy và xây dựng cơ sở hạ tầng.

Sự trốn tránh chiến lược

Hiện tại, Houthi không có dấu hiệu nới lỏng sự kiểm soát của mình trên Biển Đỏ. Trong phiên điều trần trước ủy ban Thượng viện vào đầu tháng 5, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ, Avril Haines dự đoán rằng mối đe dọa tấn công sẽ “vẫn còn hoạt động trong một thời gian.” Công ty vận tải biển quốc tế Maersk dự kiến các gián đoạn vận chuyển sẽ tiếp tục kéo dài đến năm 2024 và đã báo cáo rằng “khu vực nguy cơ đã mở rộng, và các cuộc tấn công đang lan rộng ra xa bờ biển hơn.” Thực tế, trong một loạt các cuộc tấn công vào tuần đầu tiên của tháng 6, tên lửa và máy bay không người lái của Houthi đã tấn công nhiều tàu thương mại. Nhóm này cũng đã tiến hành một cuộc tấn công vào một tàu sân bay của Mỹ, mặc dù các quan chức Mỹ cho biết cuộc tấn công không thành công.

Mặc dù các cuộc tấn công như vậy cũng đe dọa đến lợi ích của Trung Quốc trong khu vực, nhưng các lựa chọn của Bắc Kinh bị hạn chế. Họ biết rằng bất kỳ phản ứng quân sự nào mà họ thực hiện cũng sẽ không thành công hơn so với những nỗ lực của Mỹ và Anh. Trung Quốc cũng cần duy trì sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo Trung Đông trong nỗ lực lấp đầy những khoảng trống mà phương Tây để lại trong khu vực. Do đó, Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục áp dụng các biện pháp tương tự như trước đây, làm những gì có thể để bảo vệ lợi ích của mình, tránh các ràng buộc thêm và chống chọi với những bất ổn trong tương lai.

Phù hợp với quan điểm rằng quyền lực của Mỹ đang suy giảm, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ tiếp tục ghi điểm ngoại giao dễ dàng ở Trung Đông khi có thể. Vì vậy, vào tháng 4, họ đã mời các thành viên của các tổ chức đối lập Palestine là Hamas và Fatah đến Bắc Kinh để thúc đẩy hòa giải và đề xuất một chính phủ thống nhất có thể có cho Gaza và Bờ Tây sau chiến tranh mặc dù hiện tại kế hoạch này có thể còn xa vời. Theo các cuộc thăm dò do Michael Robbins, Amaney Jamal và Mark Tessler thực hiện vào cuối năm 2023 và đầu năm 2024, quan điểm của người dân Ả Rập về Trung Quốc đã được cải thiện kể từ ngày 7 tháng 10, mặc dù ít người đồng ý rằng Trung Quốc thực sự cam kết bảo vệ quyền lợi của người Palestine.

Cuối cùng, Trung Quốc đang tìm kiếm ở Trung Đông những gì họ đang tìm kiếm ở các khu vực khác. Đó là việc mở rộng quan hệ thương mại, đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu năng lượng và lương thực, khẳng định ảnh hưởng ngày càng tăng của mình như một cường quốc, trong khi tránh xa các cuộc xung đột quân sự. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thấy rằng việc phản đối bằng lời nói đối với sự thống trị của phương Tây trong khu vực là một cách ít tốn kém để thu hút sự ủng hộ rộng rãi hơn, đặc biệt là ở các nước thuộc Nam bán cầu. Ưu tiên lớn nhất của họ không phải là gây thêm bất ổn mà là bảo vệ lợi ích của Trung Quốc và thích ứng với môi trường địa chính trị đầy thách thức. Để đạt được điều đó, họ có thể sử dụng những phương pháp cơ hội và thực dụng, nhưng những phương pháp này dựa trên việc quản lý khủng hoảng chứ không phải tạo ra chúng.

Đối với Mỹ, điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ vẫn là một đối thủ cạnh tranh ngoại giao ở Trung Đông. Washington nên kỳ vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục phản đối quyền bá chủ của Mỹ và tự coi mình là một cường quốc ôn hòa và xây dựng hơn. Tuy nhiên, những lời lẽ gây tranh cãi không nên làm các nhà hoạch định chính sách Mỹ chùn bước trong việc nhận ra rằng lợi ích thực sự của Trung Quốc nằm ở việc tránh xa xung đột và thu về lợi ích có thể đạt được, để lại trách nhiệm khôi phục ổn định khu vực cho các quốc gia khác. Trung Quốc sẽ không sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để đạt được hòa bình, nhưng họ cũng sẽ không cản trở quá trình này.

Với những biểu hiện như vậy, việc dự báo chính sách của Trung Quốc đối với các diễn biến mới ở Trung Đông cũng có thể có được nhiều cơ sở tham khảo đáng tin cậy.

Theo NGHIENCUUCHIENLUOC.ORG

Tags: , ,