Chảy máu chất xám đang đe dọa đến tăng trưởng tại Đông Nam Á

Chảy máu chất xám là thuật ngữ bắt nguồn từ những năm 1960 khi hàng loạt các nhà khoa học và trí thức Anh đổ xô sang Mỹ, qua đó bòn rút nguồn nhân lực trình độ cao của nước này.

Anh Nyl Patangan, một cựu sinh viên điều dưỡng từ Philippines đã rời bỏ quê hương để sang làm việc tại Dubai và giờ đây công tác ở một bệnh viện ở Chicago. Nhờ những khoản tiền hỗ trợ mà anh Patangan gửi về nhà mà gia đình của anh hiện đã mua được cả xe hơi.

Trường hợp của anh Patangan chỉ là một trong số rất nhiều những trường hợp chảy máu chất xám tại các nước đang phát triển. Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho thấy số lao động có trình độ đại học rời quê hương đến làm tại những nước giàu hơn trong Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã tăng 66% trong 10 năm tính đến năm 2011 lên 2,8 triệu người.

Hơn một nửa số lao động trình độ cao rời quê hương đến từ Philippines với hàng trăm nghìn người đang làm việc tại các khu vực ngoài OECD như Trung Đông.

Tình hình tiếp tục trở nên tồi tệ hơn khi số lao động trình độ cao rời Philippines tiếp tục tăng 27% trong khoảng 2011-2015.

Chảy máu chất xám là thuật ngữ bắt nguồn từ những năm 1960 khi hàng loạt các nhà khoa học và trí thức Anh đổ xô sang Mỹ, qua đó bòn rút nguồn nhân lực trình độ cao của nước này.

Hiện nay, thuật ngữ này đã quá quen thuộc với mọi người trên thế giới khi hầu như tất cả các nước mới nổi không giữ chân được các người tài. Rất nhiều những lao động trình độ cao thà làm việc vất vả tại nước ngoài hơn là kiếm một công việc dễ dàng trong nước.

Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) cho thấy lượng kiểu hối gửi về các nước đang phát triển lên tới 429 tỷ USD năm 2016. Riêng Philippines đạt 30 tỷ USD, tương đương 10% GDP.

Báo cáo cũng cho thấy gần 10% lao động trình độ cao của Philippines, Singapore, Việt Nam sống tại các nước thành viên của OECD, trong khi tỷ lệ này là 15% đối với Lào và Campuchia.

Thậm chí, tình hình còn trở nên phức tạp hơn khi các nước Đông Nam Á tăng cường đầu tư cho giáo dục trong vài thập niên trở lại đây. Càng nhiều sinh viên ra trường thì số lao động di cư dang nước ngoài lại càng đông.

Hiện nay, hơn 50% số người Philippines, Malaysia, Singapore ở các nước thuộc OECD là lao động có trình độ cao, lớn hơn rất nhiều so với mức bình quân 30% của các quốc gia khác.

Theo ADB, lao động nhập cư từ Đông Nam Á cũng thường có trình độ cao hoặc kinh nghiệm vượt yêu cầu so với công việc họ đang làm. Tỷ lệ này là 52% với lao động Thái Lan và 40% cho lao động Việt Nam, Philippines, Lào, Campuchia và Myanmar.

Bất chấp việc nhiều nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Lào, Campuchia hay Myanmar có tăng trưởng kinh tế hơn 6%, nhiều lao động trình độ cao vẫn muốn tìm kiếm cơ hội việc làm tại nước ngoài.

Báo cáo của ADB cho thấy nguyên nhân chính của thực trạng trên là do mức lương tại nước ngoài cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, cơ hội phát triển sự nghiệp lớn, có khả năng học tiếp cũng như được làm việc với nhiều lao động trình độ cao khác.

Quay trở lại trường hợp của anh Patangan. Bệnh viện nơi anh đang làm việc có rất nhiều lao động nhập cư từ Campuchia, Lào, Thái Lan… Hiện đang làm 2 công việc một lúc, anh Patangan đã trở thành một công dân Mỹ và đang có kế hoạch bay sang Châu Âu vào tháng này để du lịch và đón gia đình sang Mỹ chơi vào tháng 9 tới đây.

“Bạn phải làm việc rất vất vả tại đây, nhưng ít nhất thì bạn cũng kiếm được”, anh Patangan nói.

Theo THỜI ĐẠI / BLOOMBERG

Tags: ,