Campuchia ở trung tâm của một cuộc chiến tranh lạnh mới

Khi cuộc cạnh tranh siêu cường giành tầm ảnh hưởng khu vực đạt tới một cường độ mới, có lẽ Campuchia sẽ nhận thấy mình ở trung tâm của một cuộc chiến tranh lạnh mới ở Đông Nam Á.

Bài viết của tác giả David Hutt, nhà phân tích Đông Nam Á của tờ The Diplomat trụ sở tại Campuchia. Shawn W. Crispin là nhà phân tích Đông Nam Á của tờ The Diplomat trụ sở tại Bangkok, Thái Lan. Bài viết được đăng trên Asia Times.

Người ta cho rằng Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đưa ra vấn đề Trung Quốc lập căn cứ hải quân ở Campuchia tại các hội nghị thượng đỉnh khu vực, một phát hiện có thể đặt Phnom Penh vào trung tâm của những căng thẳng ngày càng tăng giữa các siêu cường.

Kể từ năm 2017, Trung Quốc đã vận động hành lang Campuchia để xây cảng ở Koh Kong trên Vịnh Thái Lan, cũng có thể được sử dụng để làm căn cứ hải quân, mặc dù vẫn còn chưa rõ việc xây dựng cảng nước sâu này đã tiến triển đến đâu.

Các nguồn tin ngoại giao đã nói với tờ Asia Times rằng một căn cứ hải quân Trung Quốc xuất hiện tại Campuchia có thể sớm bị Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nêu ra theo một cách chỉ trích.

Mỹ đã củng cố quyết tâm chống lại hành động quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, trong đó mới đây có lời kêu gọi Bắc Kinh dỡ bỏ tên lửa khỏi các cấu trúc địa hình mà nước này chiếm đóng trong vùng biển tranh chấp. Một số nhà phân tích nhận thấy một cuộc khủng hoảng tên lửa tiềm tàng đang âm ỉ.

Một căn cứ hải quân tại Campuchia do Trung Quốc kiểm soát sẽ làm thay đổi động lực chiến lược của khu vực theo hướng có lợi cho Trung Quốc, bằng việc đem lại cho Bắc Kinh vị trí ở phía Nam mà họ hiện không có trong bất kỳ kịch bản xung đột nào. Các nhà phân tích cho rằng dựa vào thông điệp của Pence, điều đó có thể kéo Campuchia vào mớ hỗn độn ở Biển Đông và đặt nước này vào vị trí là đối thủ trực tiếp hơn của Mỹ.

Điều đó cũng có khả năng đặt nước láng giềng Thái Lan vào tình trạng báo động cao độ, đáng chú ý là khi nước này đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm 2019.

Trung Quốc hiện là nước cung cấp tài trợ và vốn lớn nhất cho Campuchia, và vẫn là một đồng minh chủ chốt khi Chính quyền Phnom Penh phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) sau cuộc tổng tuyển cử gần đây bị cộng đồng quốc tế đánh giá là bất hợp pháp.

Người ta cho rằng địa điểm có khả năng đặt căn cứ hải quân sẽ nằm trong vùng đất rộng 45.000 hecta tại tỉnh Koh Kong ở phía Tây Nam của Campuchia, gần biên giới Thái Lan nhìn ra Vịnh Thái Lan.

Năm 2008, Tập đoàn phát triển liên hiệp Thiên Tân (UDG) của Trung Quốc được nhà nước Campuchia cho thuê trong 99 năm một địa điểm chiếm 20% toàn bộ chiều dài đường bờ biển của nước này. Dự án phát triển trị giá 3,8 tỷ USD bề ngoài có vẻ là một dự án phát triển du lịch được biết đến là Khu nghỉ dưỡng ven biển Dara Sakor.

Tuy nhiên, theo một báo cáo gần đây về dự án này, kế hoạch tổng thể của nó dự định xây dựng “một nền kinh tế gần như hoàn chỉnh, với các trung tâm chăm sóc y tế, các tòa căn hộ, khu nghỉ dưỡng, khách sạn, cơ sở sản xuất, một cảng nước sâu và một sân bay quốc tế”. Các nhà phân tích nói rằng cảng mới ở Koh Kong, một cảng nước sâu theo kế hoạch, sẽ đủ lớn để các tàu khu trục và khinh hạm của Trung Quốc cũng như các tàu khác của Hải quân Quân giải phóng nhân dân (PLA) cập cảng. Sophal Ear, phó giáo sư ngành ngoại giao và các vấn đề thế giới thuộc Đại học Occidental, Los Angeles, cho biết: “Người Trung Quốc coi các cảng thương mại là bước khởi đầu thuận lợi cho hải quân của họ dù bằng cách nào đi nữa. Bất kỳ cảng thương mại nước sâu nào cũng có thể được sử dụng cho các tàu hải quân, vì vậy mục kép luôn là ở đó”.

Công trình này đã gây tranh cãi ngay từ lúc đầu. Quy mô của công trình có vẻ trái với luật pháp Campuchia, vốn giới hạn diện tích cho thuê trong phạm vi 10.000 hecta. Cảng này mở rộng vào tận Vườn quốc gia Botum Sakor, một khu vực bảo tồn tự nhiên mà chỉ được chuyển giao theo sắc lệnh hoàng gia.

Những tin tức về việc thu hồi đất và xua đuổi người dân địa phương đã đeo bám dự án này ngay từ lúc bắt đầu. Công ty đứng sau công trình này, UDG, lúc bắt đầu được sáng lập là một tập đoàn hoàn toàn thuộc sở hữu của Trung Quốc, nhưng đã chuyển thành một công ty của Campuchia nhằm nhận được hợp đồng cho thuê dài 99 năm. Tuy nhiên, sau đó, công ty này đã quay trở lại dưới quyền sở hữu hoàn toàn của Trung Quốc.

Trương Cao Lệ, ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan ra quyết định của giới tinh hoa Bắc Kinh, đã chủ trì quy trình ký kết khoản đầu tư này hồi năm 2008. Mới đây hơn, Liêu Khả Đạc, khi đó là chính ủy Bộ Chỉ huy Thiên Tân của PLA, đã gặp gỡ với Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Banh, tại đó ông đã miêu tả dự án phát triển này là “đóa hoa hữu nghị được hai nước Trung Quốc và Campuchia chăm bón”.

Các nhà phân tích nói rằng đại diện của Hội nghị hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc, một cơ quan tư vấn, đã bắt đầu các chuyến thăm cấp nhà nước và đặt hàng đưa tin về diễn biến trong năm 2015, một năm trước khi việc thuê đất trở thành một phần trong chiến lược đầu tư trị giá hàng nghìn tỷ USD của Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).

Dự án này khi đó được đổi tên thành “Khu vực thí điểm đầu tư và phát triển toàn diện Campuchia-Trung Quốc”. Người ta cũng cho rằng Ban công tác mặt trận thống nhất, một cơ quan quan trọng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã đóng một vai trò then chốt trong việc giám sát dự án này.

Ban công tác mặt trận thống nhất được giao nhiệm vụ phát triển “sức mạnh mềm” của Trung Quốc ở các nước khác, mặc dù một số nhà phân tích tuyên bố rằng ban này cũng tham gia hoạt động gián điệp và tuyên truyền ở nước ngoài. Công trình Koh Kong đã được kể đến trong báo cáo gần đây có tên “Những tham vọng được ấp ủ” của Devin Thorne và Ben Spevack thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc phòng tiên tiến (C4ADS), một nhóm nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở đặt tại Washington D.C, đăng vào tháng 4. Báo cáo này tuyên bố rằng “Các bệnh viện và khu giải trí được quy hoạch trong Khu vực thí điểm về lý thuyết có thể đón thủy thủ đoàn của Hải quân Quân giải phóng nhân dân tuần tra Vịnh Thái Lan và ở phần phía Đông của Eo biển Malacca. Năng lực công nghiệp trong tương lai mà khu vực này đề ra trên lý thuyết cũng có thể đem lại sự hỗ trợ hậu cần cho các tàu chiến Trung Quốc, phù hợp với các chiến lược được những nhà phân tích của Trung Quốc đề xuất”. Thorne và Spevack, đồng tác giả của báo cáo “Những tham vọng được ấp ủ”, đã nói với tờ Asia Times qua thư điện tử rằng “việc xây dựng trên cảng nước sâu đó được cho là đã bị trì hoãn ít nhất là từ năm 2017, nếu không nói là sớm hơn”. Họ nói thêm rằng hình ảnh vệ tinh có sẵn phục vụ lĩnh vực thương mại gần đây cho thấy từ tháng 9, không có bất kỳ tiến triển nào trong việc xây dựng cảng.

Tuy nhiên, Paul Chambers, một nhà phân tích chính trị trường Nghiên cứu cộng đồng ASEAN thuộc Đại học Naresuan tại Thái Lan, nói rằng công trình về cảng này, và khả năng là căn cứ hải quân, gần đây đã bắt đầu được triển khai. Chambers nói: “Mặc dù Trung Quốc trợ cấp cho Hun Sen, nhưng Hun Sen đã cho Trung Quốc quyền kiểm soát kinh tế, chính trị và quân sự đối với Campuchia tới chừng mức mà nước này đã trở thành nước phụ thuộc vào Bắc Kinh theo mô hình thuộc địa kiểu mới. Bước đi tiếp theo là một căn cứ hải quân của Trung Quốc ở Campuchia như chúng ta thấy hiện nay”.

Người phát ngôn Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền đã không phản hồi gì sau nhiều lần được mời đưa ra bình luận trong bài viết này. Một số nhà phân tích suy đoán rằng mặc dù công trình Koh Kong là vị trí có nhiều khả năng Trung Quốc sẽ đặt căn cứ hải quân nhất tại Campuchia, nhưng có khả năng Trung Quốc có kế hoạch xây dựng nó ở nơi khác dọc theo bờ biển phía Nam của nước này.

Khi Mike Pence gặp gỡ các nhà lãnh đạo Đông Nam Á và các nhà lãnh đạo khu vực khác tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN và hội nghị cấp cao APEC, người ta mong đợi ông sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ của Mỹ với một khu vực mà giờ đây bị kéo căng bởi “sức mạnh mềm” ngày càng lớn của Trung Quốc.

Mối quan hệ giữa Campuchia và Mỹ đã xấu đi nghiêm trọng trong những năm gần đây. Năm 2017, Campuchia đã hủy một số cuộc tập trận quân sự chung với các lực lượng vũ trang Mỹ, trong khi đó nước này cũng đã trục xuất nhân viên khỏi Viện dân chủ quốc gia do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ. Thay vào đó, Campuchia đã ưu tiên hợp tác quân sự với Trung Quốc và trong năm tiếp theo thậm chí còn lên kế hoạch tham gia các cuộc tập trận quân sự chung lớn hơn, được gọi là các cuộc tập trận Rồng Vàng. Chính phủ Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt có giới hạn đối với một số quan chức Campuchia, cũng như cấm thị thực và hạn chế viện trợ, trước cuộc tổng tuyển cử bị xem là gian lận của Campuchia hồi tháng 7. Cơ quan lập pháp gần đây trong Thượng viện Mỹ, nếu được đưa ra, có thể tăng cường các biện pháp trừng phạt tài chính đối với các quan chức cấp cao bên trong chính quyền Đảng nhân dân Campuchia, trong đó có Thủ tướng Hun Sen và gia đình ông.

Sam Rainsy, cựu chủ tịch Đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia, khi đề cập đến các thỏa thuận hòa bình dẫn tới việc một phái đoàn gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc nắm quyền điều hành Campuchia trong 2 năm đã nói: “Việc xây dựng một căn cứ hải quân ở Campuchia và bất kỳ cơ sở nào mà Chính phủ Campuchia trao cho quân đội Trung Quốc cũng sẽ vi phạm Hiệp định hòa bình Paris năm 1991 và vi phạm Hiến pháp Campuchia”. Ông bổ sung thêm rằng “bằng cách từ bỏ thái độ trung lập và trở thành một phần của mối đe dọa có thể có chống lại các nước láng giềng, Hun Sen đang đùa với lửa”.

Chính quyền Hun Sen đã tìm cách khắc phục các biện pháp trừng phạt của phương Tây, trong đó có việc EU đe dọa rút Campuchia khỏi một thỏa thuận thương mại ưu đãi. Các nhà phân tích nói rằng sự hào phóng và sự ủng hộ về địa chính trị của Trung Quốc đã phần nào bảo vệ giới tinh hoa Campuchia khỏi tổn hại trước các biện pháp trừng phạt này, trong đó có việc mất trợ cấp phát triển. Cho đến nay, Trung Quốc hiện là nhà đầu tư lớn nhất tại Campuchia, trong đó có cả các khoản tài trợ đáng kể cho quân đội nước này. Phần lớn hoạt động phát triển cơ sở hạ tầng diễn ra trên khắp cả nước là do Trung Quốc hỗ trợ, khiến một số nhà phân tích tin rằng Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền hiện đang phục tùng thái quá các mong muốn của Bắc Kinh, kể cả mong muốn về một căn cứ hải quân có thể có.

Sophal Ear nói rằng mối quan hệ song phương này đã đạt đến điểm “không còn thấy rõ giới hạn đỏ nằm ở đâu nữa. Có sự khác biệt thế nào giữa việc quay trở lại năm 1863 với việc Campuchia là nước thuộc địa của Pháp? Cái cũ lại là mới”.

Đồng thời, sự tức giận của dân chúng đang tăng lên do tác động của đầu tư Trung Quốc tại một số khu vực của Campuchia, trong đó có Sihanoukville, một thành phố ven biển cạnh tỉnh Koh Kong. Hồi tháng 1, Tỉnh trưởng tỉnh Preah Sihanoukville đã viết một bức thư gửi Bộ Nội vụ, bị rò rỉ cho giới truyền thông, phàn nàn về tình trạng du khách Trung Quốc phạm tội gia tăng.

Nhưng khả năng Trung Quốc đặt một căn cứ hải quân ở Campuchia sẽ làm thay đổi đáng kể động lực. Hiện tại, Trung Quốc mới chỉ có một căn cứ quân sự ở nước ngoài. Năm 2017, Hải quân Quân giải phóng nhân dân đã đặt một căn cứ ở Djibouti tại Sừng châu Phi mà họ tuyên bố rằng nó được thiết lập để tham gia các sứ mệnh gìn giữ hòa bình tại châu Phi. Nhưng cũng có những tuyên bố rằng Bắc Kinh muốn các cảng thương mại do Trung Quốc vận hành ở các nơi khác trên thế giới, như cảng Hambantota của Sri Lanka và cảng Gwadar của Pakistan, có khả năng hoạt động như các tiền đồn hải quân.

Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao thuộc Tập đoàn RAND, một tổ chức tư vấn chiến lược đặt tại Mỹ, nói: “Trung Quốc tìm cách xây dựng các năng lực hải quân biển khơi nhằm triển khai sức mạnh vượt xa khỏi bờ biển của họ đối với những tình huống bất trắc về quân sự và nhằm bảo vệ các tuyến liên lạc trên biển trong những tuyến đường thủy chiến lược, đặc biệt là ở Biển Đông và Ấn Độ Dương. Ông nói thêm rằng “như chúng ta đã thấy với việc Trung Quốc thiết lập căn cứ hải quân đầu tiên tại Djibouti, Bắc Kinh rõ ràng đang suy nghĩ về thách thức này, và do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi thấy các căn cứ hải quân khác bỗng chốc xuất hiện trong tương lai”.

Cho đến nay, chỉ có một suy đoán duy nhất về lý do tại sao Trung Quốc muốn phát triển một căn cứ hải quân tại Campuchia. Theo Grossman, một khả năng là nó sẽ gây áp lực cho cơ sở hải quân của Việt Nam đặt tại vị trí chiến lược ở Vịnh Cam Ranh. Việt Nam hiện là đối thủ hàng đầu trong khu vực đối với sự bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi mà Philippines và Malaysia, trong số những bên khác, cũng có tranh chấp với các đảo và các cấu trúc địa hình. Quan hệ Việt-Mỹ đang có xu hướng tiến bộ, một phần là do việc Hà Nội chống lại các tham vọng của Bắc Kinh ở những vùng biển gần kề. Grossman nói: “Một căn cứ tác chiến của Trung Quốc tại Koh Kong sẽ buộc Hà Nội phải hướng sự chú ý nào đó sang phía Tây. Do đó, Koh Kong chắc chắn có thể gây phức tạp cho việc lập kế hoạch của Việt Nam cho một cuộc xung đột vũ trang trong tương lai chống lại Trung Quốc ở Biển Đông”.

Một khả năng khác là Bắc Kinh muốn có một căn cứ hải quân để họ có thể bảo vệ Hoa kiều trong trường hợp khẩn cấp, như việc sơ tán công dân nước họ khỏi nước khác. Các nhà phân tích lưu ý rằng việc bảo vệ công dân của mình ở nước ngoài đã là một chủ đề chung trong các bài phát biểu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Cũng có những tuyên bố rằng căn cứ hải quân ở Campuchia sẽ là công cụ bảo vệ các tuyến đường thương mại trên biển của Trung Quốc. Trung Quốc phải đối mặt với cái gọi là “thế tiến thoái lưỡng nan Malacca”, trong đó các lộ trình vận tải bằng tàu của họ qua eo biển Malacca, giữa Malaysia và Indonesia, có khả năng bị Hải quân Mỹ cản trở trong một cuộc xung đột.

Phần lớn hàng hóa xuất nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó có tới 80% là nhập khẩu nhiên liệu, đi qua eo biển này và bất kỳ sự bao vây thương mại nào cũng sẽ bóp nghẹt nền kinh tế. Một con kênh qua eo Kra chật hẹp của Thái Lan đã nhiều lần được đưa ra kể từ thế kỷ 16, nhưng các nhà phân tích cho rằng đầu tư BRI có thể biến nó trở thành hiện thực.

Quả thực, hồi tháng 10, đại sứ Trung Quốc tại Thái Lan đã đưa ra triển vọng về một con kênh như vậy được cấp vốn theo kế hoạch này, mà Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-ocha đã đặt hàng một cơ quan lập kế hoạch quốc gia nghiên cứu dự án này.

Một con kênh qua Thái Lan sẽ hạn chế sự phụ thuộc của Trung Quốc vào con đường đi qua eo biển Malacca, và xét tới việc đường bờ biển của Koh Kong nằm gần như đối diện vị trí đặt con kênh qua Thái Lan như kế hoạch, thì sự hiện diện quân sự của Trung Quốc tại Campuchia sẽ hợp lý về mặt tài chính và địa chính trị.

Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc có thể đáp ứng được khoản đầu tư vào một căn cứ hải quân tại Campuchia ngay cả khi chẳng có gì xảy ra với con kênh ở Thái Lan và, cuối cùng thì, căn cứ này hầu như không có tầm quan trọng về địa chính trị. Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia đã không trả lời các câu hỏi của tờ Asia Times về căn cứ hải quân được đồn đoán.

Tờ Asia Times được biết Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, Hùng Ba, đã rời chức vụ này hồi giữa tháng 10, điều vẫn chưa được đại sứ quán công bố. Người ta tin rằng một lễ kỷ niệm nhỏ đã được tổ chức tại Đại sứ quán Trung Quốc nhằm đánh dấu sự kiện này và ông hiện là Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam.

Điều vẫn chưa được biết đến là ai sẽ là đại sứ Trung Quốc tiếp theo tại Campuchia. Nhưng nếu những tin tức về một căn cứ hải quân do Trung Quốc vận hành tại Koh Kong hóa ra là sự thật, thì điều đó chắc chắn sẽ đặt Campuchia ở phe chiến lược của Trung Quốc vào thời điểm căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng tại các vùng biển gần kề.

Một số người lập luận rằng Hun Sen nhắm mục tiêu đóng vai trò lớn hơn trong Phong trào không liên kết, một nhóm các nước không có quan hệ địa chính trị với bất kỳ siêu cường nào, ngay cả khi chính phủ bị quốc tế chỉ trích của ông ngày càng nghiêng về phía Trung Quốc để sinh tồn. Chamber nói, nhưng khi cuộc cạnh tranh siêu cường giành tầm ảnh hưởng khu vực đạt tới một cường độ mới, “có lẽ Campuchia sẽ nhận thấy mình ở trung tâm của một cuộc chiến tranh lạnh mới ở Đông Nam Á”.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,