Cái nhìn tâm lý học về chuyện ‘người tốt làm điều xấu’

Nguyên nhân gì đã khiến cho những người thành công, thông minh lại lún vào các hoạt động bất hợp pháp và hành vi phi đạo đức?

Tiến sĩ Muel Kaptein công tác tại Đại học Quản lý Rotterdam (Hà Nam) đã giải đáp câu hỏi này trong một bài viết đăng trên tờ Business Insider.

1. Hiệu ứng Galatea (năng lực của sự tự kỳ vọng)

Những người có ý thức mạnh mẽ về bản thân mình là người ít có khả năng làm những việc phi đạo đức. Ngược lại, khi người lao động ít có trách nhiệm cá nhân thì họ thấy bản thân mình bị định đoạt bởi môi trường hoặc bản thân sẽ thực hiện các lựa chọn có khả năng luồn lách các quy tắc.

2. Lý thyết về sự ràng buộc xã hội

Trong các tổ chức lớn, nhân viên có thể cảm thấy mình giống như các con số hoặc bánh răng trong một cỗ máy hơn là một cá thể. Khi mọi người cảm thấy bị tách ra khỏi mục tiêu và sự lãnh đạo ở nơi làm việc, họ thường sẽ gian lận, ăn cắp, hoặc làm tổn hại cho công ty khi bị lờ đi.

3. Sức mạnh của tên gọi

Khi hối lộ được gọi thành “việc bôi trơn các bánh xe” hoặc gian lận kế toán trở thành “kỹ thuật tài chính”, các hành vi vô đạo đức có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn. Việc sử dụng cách gọi riêng và lối nói giảm nói tránh cho những hành vi đáng đặt câu hỏi này có thể giải thoát chúng khỏi ý nghĩa đạo đức, làm cho những hành vi đó có thể dễ dàng chấp nhận hơn.

4. Ảnh hưởng từ môi trường

Người lao động phản ánh chính môi trường làm việc của họ. Nếu sự tham nhũng – dù lớn hay nhỏ – là một phần của nơi làm việc, người lạo động sẽ trở nên mù quáng trước sự xuất hiện của nó và lợi ích mà nó có thể mang tới. Một nghiên cứu mới có sự tham gia của nhiều quốc gia khác nhau phát hiện rằng, những nước nào càng thiếu minh bạch và nhiều tham nhũng, thì càng sẵn sàng chấp nhận hoặc đút hối lộ.

5. Hiệu quả đền bù

Đôi khi người ta trở nên có đạo đức và thẳng thắn hơn trong các giao dịch dài hạn, cảm giác như thể họ đang tạo dựng một số loại “tín dụng đạo đức” – thứ họ có thể sử dụng để biện minh cho các hành vi vô đạo đức trong tương lai. Một thí nghiệm của Nina Mazar và Chen-Bo Zhong thấy rằng, những người mới mua các sản phẩm lâu dài thường có xu hướng nói dối và ăn cắp sau hơn so với những người mua các sản phẩm tiêu chuẩn.

6. Chấp nhận trộm vặt

Có hàng chục các cám dỗ nhỏ tại bất kỳ nơi làm việc nào. Các nhân viên thường mang đồ văn phòng phẩm, gói đường, giấy vệ sinh về nhà. Những vụ trộm vặt nhỏ như vậy thường được bỏ qua. Vì vậy, sẽ có những vụ trộm lớn hơn một chút, chẳng hạn như nâng cao chi phí so với thực tế bỏ ra, hoặc nhận quà tặng kinh doanh trái phép. Sẽ không mất nhiều thời gian để mọi người bắt đầu gia tăng các giới hạn như vậy.

7. Lý thuyết về sự phản kháng

Các quy định được thiết kế để ngăn chặn các hành vi phi đạo đức, nhưng khi các quy tắc đó được cho rằng có tính bất công hoặc quá mức thì có thể tạo ra các hiệu ứng ngược lại. Điều này được gọi là lý thuyết về sự phản kháng. Mọi người phẫn nộ với các mối đe dọa đối với sự tự do của mình, và họ thường biểu hiện sự phản kháng bằng cách coi thường một số quy định nhất định.

8. Tầm nhìn trong đường hầm

Việc thiết lập và đạt được các mục tiêu là hết sức quan trọng, tuy nhiên, khi chỉ chuyên tâm chú trọng đến các mục tiêu đó có thể sẽ làm con người trở nên không để ý đến các vấn đề về đạo đức.

Khi Enron đặt ra vấn đề chia một lượng cổ phần lớn cho nhân viên để mang lại doanh số bán hàng, họ trở nên quá tập trung vào mục tiêu đó mà quên đi việc phải đảm bảo vẫn mang lại lợi nhuận hoặc đạo đức.

Enron là một tập đoàn năng lượng hùng mạnh của Mỹ được thành lập năm 1985, đến năm 1995 đã được tạp chí Fortune đánh giá là “Công ty sáng tạo bậc nhất Hoa Kỳ”. Tuy nhiên, công ty này đã phá sản rất nhanh chóng vào năm 2001 do chính sách sai lầm khi công ty gặp khó khăn.

9. Quyền lực làm cho mù quáng

Những người có quyền lực dường như hay tham nhũng hơn vì họ bị bắt giữ công khai hơn. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy rằng, khi được trao quyền lực, mọi người thường thiết lập các quy tắc đạo đức cho người khác khắt khe hơn cho chính bản thân mình. Nếu một người có ảnh hưởng và thiết lập các quy tắc cho những người khác, họ có thể sẽ cho rằng mình có sự khác biệt về mặt đạo đức đối với các nhân viên, và mình không phải là đối tượng cần tuân theo những quy tắc đó.

10. Học thuyết ô cửa sổ bị vỡ

Cựu thị trưởng của thành phố New York – Rudy Giuliani đã phổ biến rộng rãi “học thuyết cửa sổ bị vỡ” khi ông lãnh đạo một nỗ lực sâu rộng để giảm tỉ lệ tội phạm. Ý tưởng này là trấn áp các tội phạm nhỏ và làm sạch thành phố để làm ra vẻ thành phố trật tự và ngăn cản các tội ác lớn hơn. Khi mọi người nhìn thấy sự rối loạn hay mất tổ chức, họ thường cho rằng ở đó không có chính quyền thực sự. Và trong môi trường đó, ngưỡng của họ về việc đi quá giới hạn của ranh giới giữa pháp lý và đạo đức sẽ thấp hơn.

11. Áp lực về thời gian

Trong một nghiên cứu, một nhóm sinh viên nghiên cứu về thần học đã được giảng dạy câu chuyện về những người hay làm phúc, sau đó họ phải đi sang một tòa nhà khác để quay phim. Trên đường đi, họ đã nhìn thấy một người đàn ông bị tai nạn. Trong trường hợp có thời gian dư dật, hầu như tất cả đều giúp đỡ người bị nạn. Trong trường hợp họ đang bị muộn, thì chỉ có 63% giúp đỡ. Và trong trường hợp được nhắc nhở phải đi càng nhành càng tốt, thì có tới 90% đã lờ đi người đàn ông gặp nạn đó.

12. Vấn đề kẻ hưởng thụ miễn phí

“Nếu không có người nào khác ăn cắp các đồ văn phòng phẩm, công ty sẽ không nhận ra là tôi làm điều đó. Nếu không có ai khác gây ô nhiễm trong khu vực, họ sẽ không nhận ra là có một lượng rất nhỏ chất thải đã được thải ra”. Các hành vi tích cực và đạo đức có đôi khi lại gây ra một phản ứng trái ngược. Nếu tổng thiệt hại là có hạn, mọi người dường như cảm thấy rằng họ có thể tùy tiện hơn.

13. Nhận thức lạc điệu và hợp lý

Khi hành động của một người khác với quan điểm đạo đức của họ, họ bắt đầu đưa ra những lý do hợp lý để vừa bảo vệ bản thân khỏi những mâu thuẫn đau đớn, và vừa để xây dựng nên sự bảo vệ chống lại những cáo buộc. Hành động càng lạc điệu với đạo đức, thì sẽ càng được hợp lý hóa hơn, và nó kéo dài càng lâu, thì có vẻ như sự vô đạo đức càng giảm xuống.

14. Hiệu ứng Pygmalion

Hiệu ứng Pygmalion hay Hiệu ứng của sự kỳ vọng được mô tả là “khi chúng ta hy vọng những hành vi nhất định ở người khác, thì dường như chúng ta sẽ hành động theo những cách có thể khiến cho hành vi đó xảy ra ra”

Cách mà mọi người được nhìn nhận và đối xử sẽ ảnh hưởng tới cách họ hành động. Khi nhân viên bị nghi ngờ và liên tục đối xử như những kẻ trộm tiềm năng, thì có nhiều khả năng họ sẽ trở thành kẻ trộm. Thậm chí, hiệu ứng này cũng xảy ra ở những nhân viên mà ngay từ đầu không nghiêng về các hành vi phi đạo đức.

Theo DÂN TRÍ / BUSINESS INSIDER

Tags: ,