⠀
Cái hài trong thơ Senryu Nhật Bản và ca dao Việt
Văn chương Nhật Bản có truyền thống trào lộng từ lâu dài, từ những huyền thoại trong tác phẩm lớn đầu tiên là Kojiki thế kỷ thứ tám đến những hài kịch Kyogen thế kỷ mười bốn cho đến đỉnh cao nhất của thơ ca trào lộng là thơ SENRYU mà những tuyển tập đầu tiên xuất hiện từ năm 1765.
Senryu là thể thơ có hình thức giống như haiku, nghĩa là cũng là bài thơ mười bảy âm tiết chia thành ba vế 5, 7, 5 nhưng khác nhau về tinh thần và cảm thức.
Senryu gần với thơ ca dân gian vì giàu tính hài và thường không có tên tác giả, nhất là thơ senryu cũ (trước thời hiện đại).
Thơ senryu có nguồn gốc từ cuối thế kỷ mười bảy và lan truyền nhanh chóng trong xã hội vào thế kỷ mười tám đến nỗi số lượng vượt hẳn haiku dù haiku có từ hàng trăm năm trước.
Thể thơ có tên là senryu do phát xuất từ bút danh Senryu của Karai Hachiemon (mất năm 1790) người đứng ra làm các tuyển tập thơ trào lộng mười bảy âm tiết. Ông có viết một bài thơ tuyệt mệnh, trong đó có nhắc đến “liễu bên sông” (kawayanagi) có ngày sẽ nở hoa. Mà tên hiệu của ông là Senryu chính là “xuyên liễu”.
Đồng thời với giai đoạn hoàng kim của senryu thì ở Tây phương cũng là trao lưu văn chương trào lộng với những tác giả như A.Pope, J.Swift, H.Fielding, Beaumarchais,…
Senryu cũ khuyết danh có khoảng 120.000 bài. Các bài senryu thời Meiji trở đi là senryu mới (hiện đại).
Cái hài mà senryu có được là do senryu thích nhìn sâu vào bản tính con người trong khi haiku lại đưa mắt nhìn sâu vào thiên nhiên.
Theo Blyth, “Senryu đi với dục tính và tiếng cười. Nó quan tâm đến mọi bước đi của chúng ta trong đời sống.”
Cái gọi là thói đời có trong mỗi con người, từ trẻ đến già. Dễ dàng bắt gặp từng thói đời trong senryu và ca dao:
Kashi no aru
ko e asobou yo
asobou yo
“Chơi chung! Chơi chung!”
đứa trẻ có bánh
được rủ rê chơi cùng
Có thể nhìn thấy hình ảnh “đứa trẻ có bánh” (Kashi no aru ko) có quyền lực đến thế nào.
Ca dao Việt Nam thì nói:
Sự đời nghĩ cũng nực cười
Một con cá lội, mấy người buông câu.
Cái bánh, con cá trở thành món mồi hấp dẫn khôn cùng. Chơi chung hay tranh giành sẽ diễn ra quanh đó, xưa cũng như nay. Cách diễn đạt giản dị mà tài tình về biểu tượng là đặc điểm của senryu Nhật Bản cũng như ca dao Việt Nam.
Là thơ ca đậm màu sắc dân gian, senryu có nguyên lý thẩm mỹ của nó.
Sakai Kuraki là nhà thơ cùng với Kenkabo đã chấn hưng thơ senryu trong suốt thời Meiji. Ông nêu lên ba nguyên lý thẩm mỹ của senryu cũ mà theo ông vẫn còn có tác dụng với senryu mới. Đó là các nguyên lý Ugachi, Okashimi và Karumi.
UGACHI
Có nghĩa là “biếm” (satire)
Đây là cách thức nhìn một sự vật cá biệt và cụ thể như thế nào đó để trong nó người ta nhìn thấy ẩn tàng một nguyên lý chung, cái nguyên lý bao quát và chi phối cuộc sống.
Theo Kuraki thì đây là bài senryu tiêu biểu cho cách nhìn ấy:
Nyôbo no
jireru hodo niwa
motenu nari
Các cô nàng khác
mê gì hắn đâu
mà vợ hắn càu nhàu
Đối với vợ hắn và có thể với chính hắn, hắn có giá trị lắm lắm, đáng mê. Cái nguyên lý chung ở đây là không phải người ta ngộ nhận về người khác mà là ngộ nhận chính mình. Cái gì thuộc về mình dường như đều có giá trị!
Nếu người chồng thật sự đào hoa thì lại chẳng thuộc riêng ai, kể cả người vợ. Ca dao Việt Nam có câu:
Ao sâu thì lắm ốc nhồi
Chồng mình lịch sự, nửa người nửa ta.
Biếm ở đây là cái gì tốt đẹp thì ta khó mà chiếm hết cho mình. Cái biếm lộng ở ca dao còn đi xa hơn nữa:
Áo người mặc đoạn, cởi ra
Chồng người ấp mượn, canh ba lại hoàn.
Biếm lộng còn có thể biểu hiện sâu hơn trong bài senryu sau:
Fukikeseba
waga mi ni modoru
kagebôshi
Thổi tắt nến rồi
cái bóng của tôi
lại trở về trong tôi
Cái bóng mà tôi có hay mọi ảo ảnh trong đời mà tôi tưởng tượng rồi sẽ biến mất trong đêm tối. Vạn sự cũng như cái bóng ấy.
Ca dao hay giễu cợt những người than thân với bóng. Đúng hơn, bỡn mà vẫn thương xót:
Đêm qua rót đọi dầu đầy
Than thân với bóng, bóng rày chẳng thương
Canh thâu bế bóng lên giường
Ngọn đèn thấp thoáng nửa thương nửa sầu.
Cách nói “bế bóng lên giường” khá là độc đáo. Đêm ngày Ta cứ bế những cái bóng như thế mà sống với đời, đáng thương và đáng sầu!
OKASHIMI
Là “tiếu” (humour)
Đấy là những gì có thể gợi dậy cảm thức trào tiếu. Cuộc sống không thiếu gì những dịp đẩy ta rơi vào tính huống trào tiếu. Ta không cười nhưng người quan sát sẽ cười.
Temijikani
Ieba kudori mo
mushin nari
Thì như thế
buông lời tỏ tình
một lối ăn xin
Van lơn ai đó yêu mình: xin hãy yêu tôi dù một chút thôi. Nghe có hài hước không? Xin yêu thì cũng như mọi thứ xin xỏ khác, kể cả xin Trời.
Như ca dao nói:
Lạy trời, lạy Phật, lạy vua
Để tôi sức khỏe tôi xua con ruồi.
Cái cười ở đây là xin xỏ những cái không đáng, không ra gì. Ấy vậy mà cứ hạ mình van lơn.
Và tình trai gái cũng giống như ca dao nói:
Phải rằng người thử người thương
Hay là người thử trăm đường rồi chê!
Xin ở đây là xin người ta thử thương mình!
KARUMI
Nghĩa là “nhẹ” (lightness)
Khi bàn về thơ haiku, Bashô về cuối đời cũng hay nhắc đến đặc tính này. Ở haiku, “nhẹ” là trở về với đời thường, tục thế, thõng tay vào chợ (qui tục).
Ở senryu thì “nhẹ” có phần nghiêng về hình thức, về ngôn ngữ. Nhẹ là không mờ tối hay rối rắm. Phải giản dị như một dòng nước trôi. Một đặc tính rất dân gian.
Oyaji mada
nishi yori kita e
yuku ki nari
Ông lão ấy luôn luôn
ham lên miệt phía bắc
hơn là về Tây phương
Tây phương là Cực lạc, là Thiên đàng mà mọi tôn giáo hứa hẹn. Còn phía Bắc là Yoshiwara, là chốn cực lạc của sắc tình, ở phía Bắc Edo.
Bài senryu trên một mặt cười nhẹ thiên đàng hư không tôn giáo, một mặt cười nhẹ ông già háo sắc đến chết cái nết không chừa.
Ca dao nói về ông lão như sau:
Bảy mươi chống gậy ra đi
Than thân rằng thuở đương thì không chơi
Bảy mươi chống gậy ra ngồi
Xuân ơi, xuân có tái hồi được chăng?
Cái cười nhẹ ở đây không nặng tính phê phán mà chỉ muốn nhìn vào cái hiếu sắc như một dục vọng, một bản năng khó cưỡng lại được của con người và nó kéo dài trong cuộc sống ngắn ngủi của cõi người ta và dường như không có gì mạnh hơn nó.
Ba cái cười trên (ugachi, okashimi và karumi hay biếm, tiếu, nhẹ) là xét theo quan điểm senryu.
Ở ca dao thì ta có thể thấy hai cách cười chủ yếu là “nực cười” và “ẩn ý”.
Nực cười là cái cười thiên về trực tiếp khi ca dao chỉ thẳng vào những hiện tượng lạc hậu và đáng chê bai (cái nực cười: funniness).
Ẩn ý (implication) là cái cười gián tiếp thiên về những hiện tượng có thể gợi lên những ý nghĩa tâm lý và triết lý.
NỰC CƯỜI
Nực cười sao mọc ban ngày
Đào non mới tượng, dấu tay ai quào.
Đó là cười những ai quá tham đào non, nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, bất kể thời gian.
Senryu cũng cho thấy cái tham đó không những có ở người lớn mà bộc lộ ngay cả ở trẻ thơ:
Katachichi o
nigiru ga yoku no
deki hajime
Bíu lấy bầu vú khác
đứa bé
bắt đầu tham
Đứa bé sợ có ai tranh mất bầu sữa này trong khí nó bận với bầu sữa kia. Senryu nhìn thấy điều ấy rất nực cười và lập tức lên tiếng chế giễu.
ẨN Ý
Con kiến vàng bò ngang bông bí
Thấy miệng em cười ẩn ý, anh thương.
Ẩn ý ở đây cũng có nghĩa là ẩn tình. Nụ cười của cô gái thay đổi vận mệnh của anh, có thể làm đổ thành trì, những nụ cười ẩn một quyền lực vô biên, tạo nên những giấc mơ.
Và có giấc mơ đáng cười nhạo trong thơ senryu
Zashiki-rô
yume wa kuruwa wo
kake-meguri
Không thể trốn đi
mộng đành phiêu lãng
trên phố ca nhi
Đây là khi senryu trở thành một thứ thơ nhại (parody) nhại theo haiku và các loại thơ văn khác, thành một phản-haiku.
Chúng ta từng biết bài haiku từ thế nổi danh của Bashô:
Tabi ni yande
yume wa kareno wo
kake – meguru
Đau yếu hành trình
mộng đành phiêu lãng
trên cánh đồng hoang
Senryu đã thay thế cánh đồng hoang của cái chết thành khu phố của sắc tình, thay Thanatos thành Eros.
Cái cười ẩn ý trong ca dao thường cho thấy những cái lầm chết người:
Tung tăng như cá trong lờ
Trong ra không được, ngoài ngờ là vui.
Cá trong lờ trong chậu, chim trong lồng mà vui được sao?
Trong senryu, ta cũng nhìn thấy bi kịch của một con cá vàng, từng con một:
Kingyo-bachi
ne no ϋ no kara
shinde yuki
Chậu cá vàng
con đáng yêu chết trước
rồi chết từng con
Thế giới cá dường như không khác cõi người ta. Hồng nhan chết trước, người hiền chết trước. Đó là ẩn ý của senryu?
Thơ hài như ca dao và senryu quan tâm đến bất kỳ điều gì mà con người có thể có hay có thể làm.
Những gì mà haiku không đả động tới, senryu đều nhặt lên, chẳng hạn như tình dục và tiền bạc.
Cũng thế, ca dao ôm hết những gì mà văn học bác học lẩn tránh. Trong văn học Việt nam, cái táo bạo về sắc dục hầu như chỉ tìm thấy trong ca dao.
Nước chảy láng linh chảy ra Vàm Cú
Thấy dạng em chèo cặp vú muốn hun.
Và khi tôn giáo trộn lẫn với sắc dục:
Một tay gõ mõ gõ chuông
Một tay bóp vú cô nàng nghe kinh.
Thơ senryu nói về chuyện vượt rào của một góa phụ:
Mô goke wo
yameneba naranu
hara ni nari
Mang bầu rồi
nàng đành thôi
làm góa phụ
Cái “tiết hạnh khả phong” ở đây không còn cần thiết, senryu chỉ nói thế. Và nó chỉ ra tính tương đối của luân lý:
Keisei no
makura hitotsu wa
haji no uchi
Với nàng kỹ nữ
gối chiếc chăn đơn
là điều ô nhục nhất
Ca dao thì thử so sánh “chính chuyên” với “lẳng lơ”:
Chính chuyên cũng một anh chồng
Lẳng lơ cũng chẳng nằm không đêm nào.
Đề tài “đồng tiền” tất nhiên là gần với cái hài không thua bất kỳ đề tài nào:
Kuroyaki ni
sezu to koban wa
horegusuni
Không cần thiêu đốt đâu
đồng kôban vẫn cháy
thành thuốc yêu nhiệm mầu
Ở Nhật xưa, để chế thuốc yêu, người ta thiêu con sa giông. Tất nhiên đồng vàng mạnh hơn. Ca dao nói:
Đồng tiền không phấn không hồ
Mà sao khéo điểm khéo tô mặt người.
*
* *
Cái cười trong thơ senryu nhẹ nhàng và sâu sắc, cười người mà cũng là cười ta. Đó là cười với người.
Cái cười trong ca dao mang tính châm biếm mạnh hơn và nhiều sắc độ. Đó là cười vào thói đời.
Mang bản sắc ít nhiều khác nhau, cả hai làm nên cuộc giao lưu tiếng cười đầy dư tình ở Đông Á.
Theo NHẬT CHIÊU / TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU VĂN HỌC