⠀
Các công ước về bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới
Hiện nay đã có hàng chục công ước liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học trên thể giới, một số là công ước liên quan đến việc bảo tồn chung của cả thế giới, ví dụ như Công ước đa dạng sinh học, Công ước CITES, nhưng cũng có nhiều công ước chỉ liên quan đến một số đối tượng cụ thể hay một số vùng cụ thể như Công ước về Bảo tồn Sinh vật hoang dã và các nơi cư trú tự nhiên châu Âu, Công ước về Bảo tồn thiên nhiên Nam Thái Bình Dương, Công ước về quy chế săn bắt Cá voi…
Sau đây là một số công ước quan trọng liên quan đến công việc bảo tồn đa dạng sinh học.
Công ước đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity – CBD)
Là công ước toàn cầu về đa dạng sinh học đã được thông qua tại Nairobi ngày 22/05/1992. Công ước được thoả thuận vào ngày 05/06/1992 tại Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Môi trường và Phát triển tại Rio de Janeiro vào năm 1992 đến nay đã được 183 nước phê chuẩn, trong đó có Việt nam và có hiệu lực vào ngày 29/12/1993.
Nội dung của công ước là bảo tồn các dạng tài nguyên sinh học, sử dụng một cách hợp lý các thành phần của đa dạng sinh học và chia sẻ một cách đúng đắn, hợp lý và công bằng lợi nhuận thu được do sử dụng các nguồn tài nguyên di truyền, việc chuyển giao kỷ thuật tiên tiến một cách thích hợp, lưu ý đến các quyền sở hữu về các tài nguyên đó và các kỷ thuật và có nguồn kinh phí thích hợp.
Để thực hiện nội dung của công ước, yêu cầu các bên ký kết công ước thực hiện các công việc: thành lập các khu bảo tồn thiên nhiên; hồi phục các hệ sinh thái bị suy thoái; bảo vệ các loài có nguy cơ bị tiêu diệt bằng pháp luật; hạn chế và quản lý các hành động gây nguy hại đến đa dạng sinh học; ban hành công tác đánh giá tác động môi trường; xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển quốc gia, kế hoạch hành động về bảo tồn và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học trong và ngoài các khu bảo tồn.
Bản Công ước đa dạng sinh học gồm : lời mở đầu, 42 điều và 2 phụ lục. So với các công ước có liên quan trước đây, Công ước đa dạng sinh học có những điểm mới: đề xuất trong phạm vi toàn cầu; đa dạng sinh học được xem xét một cách toàn diện, đầy đủ tất cả các mặt của vấn đề từ nghiên cứu cơ bản (phân loại, di truyền, sinh thái) đến công nghệ (chọn giống, khai thác, chế biến) và kinh tế xã hội (thị trường, chia sẻ công bằng lợi ích, và các mức độ tiếp cận từ phân tử gen, loài đến hệ sinh thái); gắn phúc lợi của con người với công tác bảo tồn đa dạng sinh học.
Hội nghị thành viên chịu trách nhiệm thi hành Công ước đa dạng sinh học. Một ban thư ký của Công ước bao gồm những thành viên được tuyển chọn trên khắp thế giới và có nhiệm vụ:
– Tổ chức Hội nghị thành viên;
– Lập báo cáo theo yêu cầu của Công ước;
– Bảo đảm việc phối hợp với các tổ chức khác trên thế giới;
– Hoàn thành tất cả các chức năng mà Hội nghị thành viên đã định ra;
– Nghiên cứu những đề nghị sửa chữa của tất cả các biên bản gửi đến;
– Nghiên cứu và thông qua những phần phụ lục bổ sung của Công ước;
– Thành lập những cơ quan hỗ trợ cần thiết để thi hành Công ước;
– Thông qua trung gian của Ban thư ký, đối chiếu với các cơ quan thực thi những công ước khác để xem xét những vấn đề liên quan đến nội dung của Công ước đa dạng sinh học;
– Nghiên cứu và sử dụng tất cả những kết quả quan trắc, theo rõi được xem là cần thiết để thực hiện mục tiêu của Công ước.
Công ước Ramsar (Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của chim nước – The Convention on Wetlands of International Importance, especially as Waterfowl Habitat)
Là công ước về các khu đất ngập nước quan trọng được xác định dựa theo Chỉ tiêu Ramsar, dựa trên tính đặc biệt và những giá trị về đa dạng sinh học. Ban đầu Công ước Ramsar tập trung và bảo tồn và sử dụng khôn ngoan các khu đất ngập nước là sinh cảnh của các loài chim nước quan trọng. Trọng tâm này ngày càng được mở rộng và hiện nay đất ngập nước đã được xác định là hệ sinh thái rất quan trọng cho bảo tồn đa dạng sinh học nói chung và cho sự tồn tại của con người.
Công ước Ramsar được bắt đầu thực hiện từ năm 1975 và tính tới ngày 04/04/2002, đã có 131 thành viên tham gia ký kết vào Công ước và bảo vệ 1150 khu ĐNN trên thế giới. Công ước này được bổ sung bằng một Nghị định thư tại Paris năm 1982.
Việt Nam đã tham gia vào Công ước này từ 20/9/1988 và đã thành lập một Khu bảo tồn Đất ngập nước Xuân Thuỷ và khu này đã được đưa vào ‘Danh sách các khu Đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế’ để bảo vệ các loài chim di cư, trong đó có loài cò thìa (Platalea minor).
Công ước CITES (Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật thực vật hoang dã đang bị nguy cấp – Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora)
Công ước CITES được hoàn thành vào ngày 03/03/1973 tại Washington với 13 thành viên ban đầu và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1975. Hiện nay có 158 quốc gia tham gia vào Công ước CITES. Đây là một công cụ để hỗ trợ các nước ngặn chặn nạn buôn bán quốc tế bấp hợp pháp và không bền vững động thực vật hoang dã. Khi nhận thức được là “mỗi nhà nước chính là người bảo vệ tốt nhất động thực vật hoang dã của chính nước mình”, Công ước CITES sẽ giúp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong khuôn khổ luật pháp quốc tế. Hội nghị các nước thành viên được tổ chức hai năm một lần để quyết định những vấn đề chính về thực hiện Công ước (quyết định dựa vào bỏ phiếu chiếm đa số) và duy trì liên lạc thường xuyên với Ban Thư ký của Công ước và với nhiều nước thành viên khác.
Để đáp ứng yêu cầu quốc tế về tầm quan trọng của các loài hoang dã và vai trò của Việt Nam trong hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã tại Đông Dương, Việt Nam đã tham gia vào Công ước CITES và trở thành thành viên chính thức (số 121) vào ngày 20/01/1994. Công ước CITES và thừa nhận rằng:
– Các loài động, thực vật hoang dã là một bộ phận không gì thay thế được của hệ thống sinh thái tự nhiên trên trái đất và phải được bảo vệ cho hôm nay và cho cả ngày mai;
– Các loài động, thực vật hoang dã có giá trị khoa học, văn hóa, giải trí và kinh tế ngày càng cao;
– Nhân dân và Chính phủ các nước là, và phải là những người bảo vệ tốt nhất các loài động, thực vật hoang dã có ở các nước;
– Hợp tác quốc tế là một yếu tố quan trọng trong công tác bảo vệ một số loài động, thực vật hoang dã nhất định khỏi bị khai thác quá mức vì buôn bán quốc tế.
Công ước CITES là một hành lang pháp lý, một cơ chế thủ tục đang được áp dụng ở 147 nước thành viên. Công ước quy định và đảm bảo rằng các nước sản xuất và tiêu thụ có chung một trách nhiệm như nhau trong việc quản lý và bảo tồn nguồn lợi thiên nhiên. Các hoạt động thương mại sẽ được theo dõi qua việc thu nhập và phân tích các thông tin liên quan; các loài sẽ được phân tích dựa trên các tiêu chí quản lý buôn bán của công ước.
Công ước CITES có ba phụ lục động, thực vật hoang dã:
Phụ lục I. Bao gồm các loài bị đe doạ tuyệt chủng như Hổ (Panthera tigris). Việc buôn bán mẫu vật của các loài này bị cấm hoàn toàn trừ khi việc xuất, nhập, tái xuất khẩu những mẫu vật này phục vụ những mục đích phi thương mại (như nghiên cứu khoa học, trao đổi giữa các vườn thú, quà tặng của Chính phủ);
Phụ lục II. Bao gồm những loài không bị đe dọa tuyệt chủng nhưng việc buôn bán các mẫu vật của những loài này phải được kiểm soát để tránh cho chúng khỏi tình trạng bị đe doạ tuyệt chủng. Buôn bán các loài này phải có giấy phép xuất khẩu và tái xuất khẩu.
Phụ lục III. Bao gồm những loài được bảo vệ ở ít nhất là một nước và nước đó yêu cầu các nước thành viên khac giúp đỡ kiểm soát việc buôn bán loài này. Buôn bán các loài này phải có giấy phép xuất khẩu và chứng nhận xuất xứ của con vật.
Công ước CITES quy định việc buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã (bao gồm xuất khẩu, nhập khẩu hay tái xuất các loài động vật sống, chết, các loài thực vật, các bộ phận và mẫu vật của các loài động, thực vật hoang dã) bằng cơ chế giấy phép và giấy chứng nhận. Giấy phép được cấp khi một số điều kiện được bảo đảm và phải xuất trình trước khi ra hay vào một nước.
Việc thực hiện và tuân thủ các điều khoản của Công ước CITES là một nhiệm vụ khá khó khăn đối với nhiều quốc gia, nhất là đối với các nước đang phát triển do thiếu nguồn lực về mặt kỷ thuật, trang thiết bị và cơ sở vật chất. Sự tham gia của Việt Nam vào Công ước CITES và sự nỗ lực trong những năm qua đã góp phần làm giảm buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã và đã nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ loài, nhất là các loài quý, hiếm. Hành vi buôn bán, săn bắt, giết hại và sử dụng các loài động thực vật hoang dã làm thức ăn đã bị chỉ trích.
Hiện nay việc ngăn chặn còn ít hiệu quả do còn thiếu nhiều văn bản pháp quy phù hợp. Nhiều tổ chức và cá nhân đã tuân thủ theo các quy định của Công ước CITES trong việc nhân nuôi một số loài hoang dã đã thu được kết quả và dần trở thành một sản phẩm có giả trị cao về xuất khẩu.
———————–
Tài liệu tham khảo: Đa dạng Sinh học và Bảo tồn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2005.
Theo BIODIVN.COM
Tags: Luật pháp quốc tế, Đa dạng sinh học