Bức tranh toàn cảnh về một thế kỷ kiểm soát thế giới của dầu mỏ

Không quá khi nói rằng các nguồn năng lượng đã làm xoay chuyển bánh xe lịch sử hiện đại. Và sau hơn 1 thế kỷ, tới nay dầu mỏ và khí đốt vẫn đang năm giữ ngôi vua của các nguồn năng lượng.

Bức tranh toàn cảnh về một thế kỷ kiểm soát thế giới của dầu mỏ

Trong suốt hơn 1 thế kỷ, từ cuối thế kỷ 18 tới đầu thế kỷ 20, động cơ hơi nước và nền công nghiệp khai thác than đá là những trụ cột cho sự phát triển thần kỳ của chủ nghĩa tư bản và 2 cuộc Cách mạng công nghiệp. Tuy vậy, sự ra đời của động cơ đốt trong cuối thế kỷ 19 và nhất là động cơ diesel đã phế ngôi của than đá và đưa dầu mỏ (và các chế phẩm của nó như dầu diesel, xăng, dầu mazut…) lên vị thế bá chủ của các nguồn nhiên liệu. Được phát hiện từ hàng ngàn năm trước Công Nguyên và bắt đầu khai thác trên quy mô công nghiệp từ giữa thế kỷ 19, trong thời gian đầu dầu mỏ được sử dụng tương đối hạn chế trong lĩnh vực cơ khí, y tế và chiếu sáng. Phải tới đầu thế kỷ 20, sự thương mại hóa động cơ diesel và nhu cầu phát triển khí tài quân sự phục vụ chiến tranh đã giúp đẩy vọt quy mô khai thác dầu mỏ và biến nó trở thành mặt hàng quan trọng bậc nhất trên thế giới.

John Davison Rockefeller – ông hoàng dầu mỏ, trở thành tỷ phú USD đầu tiên trên thế giới vào năm 1916. Dầu mỏ đã không chỉ biến Rockerfeller trở thành người giàu có nhất lịch sử hiện đại (tổng tài sản 336 tỷ USD theo thời giá 2016), nó thậm chí còn ảnh hưởng tới hầu hết các sự kiện địa chính trị lớn nhất thế giới trong thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21.

Vậy bằng cách nào dầu mỏ, được ví như “vàng đen”, đã và đang trở nên quan trọng đến thế?

Tài nguyên quân sự chiến lược

Đầu thế kỷ 20, hầu hết các tàu chiến vẫn chỉ sử dụng động cơ hơi nước. Để so sánh, động cơ đốt trong có hiệu suất nhiệt gấp đôi do đó giúp thu hẹp kích thước buồng đốt, giảm kích cỡ tàu, tăng tốc độ và nâng tầm hoạt động lên gấp đôi. Nhưng chỉ có Hoa Kỳ và Anh thực sự quan tâm tới việc nâng cấp tàu chiến của mình. Tới năm 1912, thời điểm căng thẳng ở châu Âu leo thang và chiến tranh đang ở ngưỡng cửa, Bộ trưởng Nội vụ Anh Churchill đã ra một quyết định chiến lược là chuyển sang sử dụng động cơ đốt trong cho toàn bộ các tàu chiến thuộc hạm đội Hải quân Hoàng gia Anh, bất chấp thực tế là Vương quốc Anh sở hữu lượng than đá và hệ thống trạm tiếp than khổng lồ, nhưng hoàn toàn không có dầu mỏ.

Thực tế chiến trường đã chứng minh cho tầm nhìn của Churchill: các tàu chiến Anh chiếm ưu thế gần như tuyệt đối trên mặt biển. Tuy vậy, dưới lòng đại dương lại là một câu chuyện khác. Người Đức không bỏ qua động cơ đốt trong, họ chỉ chyển sự tập trung cho 1 loại khí tài khác: tàu ngầm. Những tàu ngầm U-boat thời kỳ đầu của Đức đã gây cho người Anh không ít khốn đốn và thậm chí làm phát sinh nạn đói tại đây do các tàu chở hàng cung cấp lương thực và nhu yếu phẩm cho Anh thường xuyên trở thành miếng mồi ngon cho tàu ngầm Đức.

Chiến tranh thế giới thứ nhất là cuộc “chiến tranh chiến hào”, trong đó hai bên giao chiến phòng thủ trong một hệ thống hào sâu với súng máy, dây thép gai, bãi mìn… và chờ đợi bên kia tiến công trong những cuộc chiến đẫm máu, dai dẳng và vô cùng tiêu hao nhân lực. Cục diện trên chiến trường do đó có rất ít đột biến và kết quả thường phụ thuộc chủ yếu vào độ dẻo dai của các bên tham chiến. Tuy vậy, trong giai đoạn cuối cuộc chiến, sự xuất hiện của xe tăng, dù chỉ trong giai đoạn sơ khai, đã đặt dấu chấm hết cho phong cách chiến tranh chiến hào. Chiến tranh cơ giới lên ngôi, xe tăng (và các loại xe thiết giáp) nhanh chóng phát triển với tốc độ chóng mặt và trở thành ông hoàng vũ khí trên mặt đất. Mỗi chiếc xe tăng tiêu thụ trung bình từ 300-500 lít xăng/dầu cho 100 km, do đó yêu cầu một nhu cầu dầu khổng lồ.

Tới giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai, dầu mỏ đã thực sự gây ảnh hưởng lên rất nhiều các chiến lược quân sự. Trong giai đoạn đầu, Hoa Kỳ vẫn đứng ngoài cuộc chiến và giữ thái độ vừa phải, chỉ sau cuộc đánh úp Trân Châu Cảng của quân đội Nhật Bản, Hoa Kỳ mới chính thức tham chiến. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới Cuộc tấn công vào Trân Châu Cảng là do Hoa Kỳ cấm vận dầu mỏ và thương mại với Nhật Bản, đồng thời Đế quốc Nhật e ngại hải quân Mỹ sẽ cắt đứt con đường giao thương trên biển nối Nhật Bản với khu vực Đông Ấn vốn có rất nhiều các giếng dầu. Trên mặt trận châu Âu, trong cuộc xâm lược Liên xô, các mỏ dầu ở Baku là một trong những mục tiêu đánh chiếm đầu tiên của Đức quốc xã thông qua chiến dịch Caucasus. Thậm chí khi chiến sự tại Stalingrad lên tới đỉnh điểm, Hitler đã từ chối gửi quân tiếp viện từ Caucasus (cách đó 700 km) và khẳng định “Nếu không chiếm được các mỏ dầu tại Baku chúng ta sẽ thua cuộc chiến này”. Sau cùng, như chúng ta đều biết, Đức quốc xã thua cả 2 trận Stalingrad và Caucasus, cũng như thất bại trong toàn bộ cuộc chiến, đúng như lời tuyên bố của Hitler.

Có thể nói, dầu mỏ đã góp phần không nhỏ trong việc thay đổi diện mạo chiến tranh và ngành công nghiệp vũ khí. Góp phần quan trọng trên chiến trường, dầu mỏ cũng khiến các quốc gia tham chiến trở nên lệ thuộc vào những nguồn cung cách xa hàng ngàn cây số. Trước khi dầu nổi lên thành mặt hàng chiến lược số một, khu vực Trung Đông khô cằn vốn khá yên ổn và gần như không đóng nhiều vai trò trong bản đồ địa chính trị quốc tế. Nhưng kể từ khi công nghệ thăm dò cho biết ẩn dưới những sa mạc cát mênh mông là hàng tỷ tỷ thùng dầu chiếm 60% trữ lượng dầu mỏ toàn thế giới, vùng đất của những cây chà và, những đoàn lạc đà và những người Ả Rập vụt trở thành một khu vực chiến lược và có tiếng nói vô cùng quan trọng.

Dầu mỏ đã đặt nền tảng cho sự giàu có xa hoa ở Trung Đông ngày nay, nhưng cũng là nguyên nhân khởi phát cho vô vàn những căng thẳng quốc tế và những cuộc xung đột tại khu vực này trong tương lai.

OPEC và cuộc Khủng hoảng dầu mỏ 1973

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới chia thành 2 cực Xô – Mỹ, chiến tranh lạnh bắt đầu. Nếu như Liên xô có các mỏ dầu dồi dào khắp lãnh thổ thì các nguồn dự trữ dầu mỏ của Hoa Kỳ gần như cạn kiệt sau chiến tranh. Căng thẳng ngày càng tăng cao trong việc giành quyền kiểm soát nguồn tài nguyên chiến lược này khiến CIA, trong các đời Tổng thống Mỹ từ Eisenhower tới Kennedy, đã chuẩn bị sẵn sàng một kế hoạch tối mật (chính sách khước từ dầu mỏ – oil denial policy) theo đó nếu Liên Xô giành được ảnh hưởng tại Saudi Arabia (Ả Rập Xê Út), Iran, Iraq, Lebanon hay Kuwait, Hoa Kỳ và Anh sẽ lập tức gửi máy bay ném bom hạng nặng nhằm tiêu diệt hoàn toàn các giếng dầu nơi đây.

Ý thức được tầm quan trọng của mình, 4 nước Ả Rập có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất là Saudi Arabia, Iran, Iraq và Kuwait, cùng Venezuela thành lập Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC vào năm 1960 tại Baghdad, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các nước xuất khẩu dầu và nâng cao vị thế trên trường quốc tế. Trong 10 năm đầu, OPEC liên tục mở rộng và chiếm hơn nửa tổng sản lượng khai thác dầu trên thế giới.

Ảnh hưởng đậm nét đầu tiên của OPEC tới tình hình thế giới là trong cuộc chiến Yom Kippur do liên minh các nước Ả Rập phát động nhắm vào Israel. Khi đó, nhằm ủng hộ liên quân Ả Rập, OPEC quyết định cấm vận xuất khẩu dầu mỏ sang các nước ủng hộ Israel, bao gồm Hoa Kỳ và một số nước đồng minh khác. Các nền kinh tế tại đây bị ảnh hưởng trực tiếp do nguồn cung dầu lớn nhất bị cắt, giao thông vận tải trì trệ, giá dầu tăng 4 lần từ 3$ lên 12$/gallon.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành công nghiệp xe hơi, đặc biệt là tại Hoa Kỳ. Kỷ nguyên của những chiếc xe “cơ bắp” phong cách Mỹ siêu trường siêu trọng siêu tốc độ và cũng siêu ngốn nhiên liệu kết thúc, xe hơi Nhật Bản với triết lý bền bỉ tiết kiệm nhiên liệu nổi lên, bắt đầu chiếm lĩnh thị trường Mỹ và quốc tế. Toyota từ một nhà sản xuất với thị trường chính yếu là nội địa, đã tăng hơn 3 lần tổng doanh thu trong 10 năm kể từ sau cuộc Khủng hoảng 1973, và ngày nay đang là nhà sản xuất xe hơi số một thế giới.

Cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973 cũng đồng thời làm thay đổi nhận thức của rất nhiều quốc gia về việc giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. Cộng đồng quốc tế lần đầu tiên ý thức được tầm quan trọng của việc tiết kiệm năng lượng. Các nguồn năng lượng sạch như mặt trời và gió được tập trung nghiên cứu. Năng lượng hạt nhân được đầu tư phát triển trên quy mô lớn, đặc biệt tại Pháp và Nhật Bản. Đầu tư nghiên cứu các nguồn nhiên liệu tái tạo, nhiên liệu “sạch” chính thức trở thành một xu hướng phát triển đầy hứa hẹn trên quy mô toàn cầu.

Sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào dầu mỏ

Thấm thía bài học sau cuộc khủng hoảng dầu mỏ 1973, Hoa Kỳ nhận thức rõ ràng tầm quan trọng chiến lược của Trung Đông và cố gắng biến các nước Ả Rập thành đồng minh thân cận với mình. Tháng 6/1974, Tổng thống Nixon ký với Quốc vương Saudi Arabia Faisal thỏa thuận tiêu chuẩn hóa giá dầu theo USD (hệ thống petrodollar), theo đó tất cả dầu khai thác tại Saudi Arabia đều chỉ được bán ra thị trường theo giá USD. Đổi lại, Mỹ sẽ cung cấp cho Saudi Arabia sự bảo trợ về quân sự, cung cấp vũ khí, trang bị cho quân đội Saudi Arabia và bảo đảm an toàn cho nước này trước mối đe dọa từ Israel. Saudi Arabia là nước xuất khẩu dầu mỏ nhiều nhất OPEC và có tiếng nói hàng đầu trong thế giới Ả Rập, do đó không ngạc nhiên khi tới năm 1975, tất cả dầu do OPEC bán ra đều tính theo giá USD. Điều này đồng nghĩa với việc mọi quốc gia muốn mua dầu của OPEC thì trước hết phải mua USD. Giá trị của dầu do đó càng củng cố vị thế đồng tiền giá trị nhất thế giới của đồng USD, làm tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính Hoa Kỳ (do có nhiều USD được lưu thông rộng rãi) và giữ lãi suất cho vay ở mức thấp (do nhu cầu tăng cao trên toàn cầu).

Mặt khác, cố gắng gán dầu mỏ với USD nhằm gia tăng vị thế của đồng tiền càng làm nền kinh tế Hoa Kỳ thêm phụ thuộc nặng nề vào dầu mỏ. Sự phụ thuộc này được chứng minh ngay sau đó trong cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran năm 1979. Được ví như cuộc cách mạng quan trọng thứ 3 trong lịch sử nhân loại sau Cách mạng Pháp và Các mạng tháng Mười Nga, kết thúc với việc chế độ quân chủ tại Iran bị lật đổ và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản lượng khai thác dầu của Iran, nước xuất khẩu dầu mỏ lớn thứ 2 trong OPEC. OPEC đối phó bằng cách tăng sản lượng nhưng những lo ngại toàn cầu khiến giá dầu tăng gần 3 lần, làm tiền đề cho một cuộc suy thoái kéo dài 30 tháng tại Hoa Kỳ. Trên bình diện quốc tế, cuộc khủng hoảng dầu mỏ lần 2 này không để lại quá nhiều hậu quả nghiêm trọng, trái lại còn mang nhiều tác động tích cực. Nhiều quốc gia đã rút kinh nghiệm từ lần khủng hoảng trước và kịp phát triển những nguồn năng lượng thay thế, như Pháp và Nhật với những cơ sở hạt nhân quy mô lớn. Giá dầu tăng đột biến cũng mở ra cơ hội gia nhập thị trường cho các nước xuất khẩu dầu mỏ nhỏ hơn ngoài các nước OPEC, như Mexico, Trung Quốc, Brazil. Khi tình hình Trung Đông lắng dịu vài năm sau đó giúp việc sản xuất ổn định trở lại, dầu giá rẻ tràn ngập thị trường, từ mức 35 USD năm 1981 xuống dưới 10 USD một thùng năm 1986.

Nền kinh tế Mỹ phụ thuộc quá lớn vào sản lượng dầu mỏ tại Trung Đông, do đó Hoa Kỳ không chấp nhận bất kỳ bất ổn chính trị nào có nguy cơ làm giá dầu tăng vọt nữa. Năm 1990, khi Iraq tố cáo Kuwait khoan nghiêng các giếng dầu vào đất Iraq và xâm lược nước này, Hoa Kỳ ngay lập tức gửi quân can thiệp. Cuộc chiến tranh vùng vịnh kết thúc với thất bại của Saddam Hussein, và để lại gần 250.000 binh sĩ Mỹ đồn trú tại Trung Đông sau cuộc chiến. Để so sánh, vào thời điểm năm 1989 chỉ có chưa tới 700 binh sĩ Hoa Kỳ được triển khai tại đây.

Mọi nỗ lực can thiệp của bất kỳ lực lượng bên ngoài nào (ngoài Hoa Kỳ ) nhằm giành quyền kiểm soát khu vực vịnh Ba Tư sẽ được coi là một cuộc tấn công vào lợi ích thiết yếu của Hoa Kỳ. Một cuộc tấn công như vậy sẽ bị đẩy lui bằng mọi phương tiện cần thiết, bao gồm sức mạnh quân sự. Tổng thống Jimmy Carter – thông điệp liên bang 1980.
.

Bên cạnh đó, rất nhiều người tin rằng một trong những lý do chính Mỹ tấn công Iraq năm 2003 là do Saddam Hussein đang cố gắng bán dầu theo đồng Euro. Và sẽ thật thú vị nếu biết mới đây Trung Quốc tuyên bố sẽ mua dầu thô bằng đồng Nhân dân tệ. Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, tiếp tục thách thức uy quyền của đồng USD và Hoa Kỳ.

Nhưng rồi, sự phụ thuộc của Hoa Kỳ vào Trung Đông thay đổi bởi một yếu tố ít ai ngờ tới: công nghệ.

Dầu đá phiến và công nghệ khai thác mới

Dầu mỏ được hình thành từ xác của các sinh vật bị chôn vùi trộn lẫn với trầm tích và các vật chất khác tạo nên các lớp bùn lắng hữu cơ, qua hàng triệu năm các lớp bùn lắng hữu cơ này ngày càng bị đè nén dưới các lớp trầm tích, tạo nên môi trường áp suất lớn và nhiệt độ cao làm phân giải các lớp bùn và hữu cơ, tạo nên dầu và khí. Nếu trong lòng đất xuất hiện những khu vực rỗng có áp suất thấp, dầu và khí sẽ dồn về đó và tạo nên các “túi” dầu thô và khí đốt khổng lồ (các túi này được gọi là các vỉa dầu), được khai thác bằng công nghệ truyền thống. Tuy nhiên, nếu không tìm được những túi áp suất thấp để dồn về thì dầu và khí sẽ len lỏi và tích tụ xen kẽ trong các lớp đá phiến, gọi là dầu đá phiến. Dầu đá phiến được phát hiện cùng thời điểm với dầu mỏ truyền thống, nhưng do tính chất phân tán và ở sâu hơn dưới lòng đất so với các túi dầu truyền thống nên việc khai thác dầu đá phiến tỏ ra không hiệu quả với trình độ khoa học công nghệ trong thế kỷ 20.

Tính từ cuộc can thiệp vào Iraq năm 2003, giá dầu bắt đầu một giai đoạn tăng giá liên tục và gây áp lực không nhỏ lên Mỹ. Trong bối cảnh đó, hai công nghệ khoan “cũ” mà “mới” đã giúp Hoa Kỳ giải bài toán phụ thuộc, đó là công nghệ nứt vỡ – hay nứt vỉa – thủy lực (hydraulic fracturing) và khoan cắt ngang tầng (horizontal drilling). Cũ vì chúng đã được sử dụng từ thế kỷ 20, nhưng chỉ khi ứng dụng vào khai thác dầu đá phiến mới thực sự tạo nên một cuộc cách mạng. Việc khai thác dầu đá phiến trở nên hiệu quả hơn, chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn nhiều (vài triệu USD cho giếng dầu đá phiến) và có thể đem lại lợi nhuận ngay-lập-tức khi so sánh với khai thác dầu truyền thống cần hàng trăm triệu USD với thời gian khai thác trên 20 năm. Không khó hiểu khi hàng loạt các doanh nghiệp tư nhân nhảy vào cuộc chơi khai thác dầu, Hoa Kỳ “bỗng dưng” nhận được chiếc chìa khóa mở cánh cửa dẫn tới những mỏ dầu đá phiến với trữ lượng khổng lồ tại North Dakota hay Texas.

Tính từ cột mốc 2008, năm mà giá dầu tụt từ mức kỷ lục 150 USD/thùng xuống 30 USD/thùng, Mỹ đã cung cấp thêm cho thị trường 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, một con số đáng chú ý khi đặt cạnh tổng sản lượng 75 triệu thùng dầu mỗi ngày trên toàn cầu. Ấn tượng hơn, từ chỗ phụ thuộc phần lớn vào dầu mỏ nhập khẩu, Mỹ trở thành nước khai thác dầu và khí tự nhiên số một thế giới, với tổng sản lượng xăng dầu và khí đốt vượt Nga năm 2012 và vượt Saudi Arabia năm 2013. Tính tới nay, Hoa Kỳ đã là nước đứng đầu về sản lượng xăng dầu và khí tự nhiên trong 5 năm liên tục.

Dầu mỏ và sự khôi phục vị thế siêu cường của nước Nga

Cuối năm 1991, Liên bang Xô viết sụp đổ, nước Nga kế thừa các di sản của Liên Xô. Boris Yeltsin trở thành tổng thống đầu tiên của nước Nga hiện đại, và là chứng nhân lịch sử cho sự tuột dốc thảm hại của thời kỳ hậu Xô viết: GDP sụt giảm theo từng năm và tới năm 1998 Nga thậm chí rơi vào tình trạng vỡ nợ, vị thế nước Nga suy sụp thê thảm trên trường quốc tế. Yeltsin từ chức trong ngày cuối cùng của thiên niên kỷ thứ 2, thủ tướng Putin trở thành Tổng thống. Yeltsin nổi tiếng với tư tưởng thân phương Tây, còn Putin thì ngược lại. Một năm sau ngày nhậm chức, Putin thay đổi Quốc ca Nga dưới thời Yeltsin, sử dụng lại nền nhạc của Quốc ca Liên Xô, thể hiện rõ tham vọng khôi phục vị thế siêu cường thế giới.

8 năm đầu cầm quyền của Putin chứng kiến GDP nước Nga tăng 6 lần. Sự tăng trưởng “thần kỳ” này gắn liền với sự gia tăng phi mã của giá dầu đầu thế kỷ 21. Dầu mỏ và khí đốt chiếm hơn 60% giá trị hàng xuất khẩu và đóng góp gần 40% vào GDP Nga. Dầu mỏ còn giúp Nga áp đặt ảnh hưởng chính trị lên châu Âu khi cung cấp tới 50% nhu cầu năng lượng cho lục địa già, thông qua hệ thống đường ống dẫn dầu dày đặc. Tại những nước Đông và Trung Âu, nguồn cung dầu khí đến từ Nga thậm chí là gần 100%. Theo ước tính, nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt, nhiều nước châu Âu, như Italia, Đức, sẽ chỉ tự chủ về năng lượng được khoảng hơn 2 tuần trước khi rơi vào tình trạng khẩn cấp. Nước Nga dưới thời Putin đã không ít lần sử dụng ưu thế độc quyền về năng lượng này để đưa ra những thông điệp đầy sức nặng trên bàn cờ chính trị, ví dụ như những cuộc can thiệp và sát nhập như tại Georgia 2008 hay Krym 2014 mà chỉ nhận những phản ứng tương đối dè dặt từ châu Âu.

Những đường ống dẫn dầu và sự cứng rắn của Putin đã giúp Nga khôi phục vị thế và làm bàn đạp lan tỏa tầm ảnh hưởng địa chính trị, giữ vững vị trí thường trực với quyền phủ quyết trong Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, tăng cường ảnh hưởng văn hóa thể thao khi đăng cai Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 và World Cup 2018. Siêu cường mà Putin đã và đang xây dựng cho nước Nga, chính xác là một siêu cường dựa trên năng lượng.

Đường lối chính trị “ống dẫn dầu” của Nga không phải là không có điểm yếu. Những đường ống dẫn dầu yêu cầu chi phí lắp đặt và bảo dưỡng, bảo trì cao, với thời gian đảm bảo lợi nhuận trên 20 năm, hơn nữa còn tiềm ẩn nguy cơ trở thành mục tiêu khủng bố khi chạy qua những khu vực bất ổn về chính trị xã hội. Bên cạnh đó, công nghệ hóa lỏng khí đốt (Liquefied natural gas – LNG) giúp vận chuyển khí đốt an toàn bằng đường bộ và đường biển mà không còn phụ thuộc vào đường ống dẫn khí cũng đang để ngỏ những cơ hội trong tương lai cho các nhà cung cấp khí hóa lỏng, từ Hoa Kỳ và các nước như Brazil, Mexico…

Mâu thuẫn trong nội bộ OPEC

Từ chỗ đỉnh điểm năm giữ 60% sản lượng khai thác dầu thô thế giới, tới năm 2014 OPEC đã mất 1/3 thị trường và chỉ còn nắm trong tay 40% thị phần. Vị thế suy giảm, trong nội bộ các nước cũng nảy sinh mâu thuẫn. Trong cuộc họp tại Vienna tháng 11/2014, thời điểm mà giá dầu giảm sâu từ mức trên 100 USD hồi đầu năm xuống còn dưới 50 USD/thùng, một vài nước như Venezuela hay Iran muốn cắt giảm sản lượng để đẩy giá dầu lên lại. Trong khi Saudi Arabia muốn duy trì sản lượng do lo ngại tình trạng cắt giảm sản lượng nhưng không ngăn được đà giảm của giá dầu như những năm 1980. Bên cạnh đó, Saudi Arabia hi vọng giá dầu giảm trong một thời gian nhất định sẽ gây sức ép lên các công ty khai thác tư nhân ở Mỹ phải cắt giảm sản lượng, qua đó đẩy giá dầu tăng trở lại mà không cần cắt giảm sản lượng của OPEC.

Mâu thuẫn quan điểm giữa 2 nước xuất khẩu đứng đầu OPEC là Saudi Arabia và Iran thực ra đã âm ỉ từ trước đó do mối thâm thù lịch sử giữa những người Hồi giáo Shia (hay Shiite) và Sunni. Mọi chuyện bắt đầu vào năm 632 sau khi người sáng lập ra Hồi giáo là nhà tiên tri Muhammad qua đời mà không chỉ định người kế vị. Cuộc tranh chấp quyền thừa kế chia cộng đồng Hồi giáo thành hai phe: những người Sunni ủng hộ Abu Bakr, phụ tá và là cha vợ của nhà tiên trị; còn những người Shia ủng hộ người anh họ đồng thời là con rể nhà tiên tri là Muhammad Ali. Cả Abu Bakr, Muhammad Ali và con trai Ali sau này đều bị ám sát chỉ sau vài tháng trở thành lãnh tụ. Hai giáo phái bắt đầu chia rẽ sâu sắc, người Sunni luôn cáo buộc người Shia tôn thờ dị giáo do quan điểm tin vào các thủ lĩnh của họ là hiện thân của Đấng tối cao, còn người Shia thì tố cáo sự giáo điều cứng nhắc của dòng Sunni đã hình thành nên các giáo phái cực đoan và khủng bố.
Những người Sunni chiếm đa số trong cộng đồng Hồi giáo (80%) và cũng chiếm đa số tại Trung Đông, trong đó Saudi Arabia được xem như “lãnh đạo” của cộng đồng này. Trong khi đó, sau cuộc Cách mạng Hồi giáo tại Iran 1979, những người Shia lên nắm quyền tại đây và luôn cố gắng mở rộng ảnh hưởng của mình tại Trung Đông. Mâu thuẫn giữa hai quốc gia có tiềm lực kinh tế, quân sự và ảnh hưởng chính trị mạnh nhất khu vực vốn đã âm ỉ nay lại càng thêm gay gắt do những bất đồng kể trên trong việc điều chỉnh sản lượng khai thác dầu. Thời gian gần đây, căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran thậm chí còn để ngỏ khả năng cho một cuộc chiến tranh giữa hai nước mà theo đó có thể khiến giá dầu cán mốc 200 USD/thùng.

Viễn cảnh đó không thể làm vui lòng những người Trung Quốc, khi 3/4 lượng dầu tiêu thụ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này tới từ OPEC. Chưa thể biết trước Trung Quốc sẽ hành động như thế nào để ngăn chặn mọi nguy cơ chiến tranh tại Trung Đông, nhưng không loại trừ khả năng cho một sự hiện diện về quân sự tại khu vực vốn vẫn luôn là điểm nóng của thế giới trong vài thập kỷ gần đây. Nhưng những sự hiện diện nếu có vẫn sẽ chỉ biến Trung Quốc thành kẻ tới sau, Saudi Arabia từ lâu đã là đồng minh số một của Hoa Kỳ, còn Iran luôn nhận được sự ủng hộ của Nga. Cũng không phải ngẫu nhiên mà cuộc chiến chống IS tại Syria lại thu hút nhiều sự chú ý từ các cường quốc tới vậy. Syria không có nhiều dầu, nhưng nằm ở khu vực nhạy cảm số một thế giới, nơi bất kỳ một sự bất ổn nào về chính trị xã hội cũng có khả năng gây ảnh hưởng to lớn tới an ninh năng lượng quốc tế.

Câu chuyện Venezuela

Dầu mỏ đã mang lại sự thịnh vượng và tầm ảnh hưởng cho các nước có trữ lượng dồi dào như Trung Đông, Nga, Hoa Kỳ… nhưng nó không phải là tấm lệnh bài đảm bảo cho sợ thành công. Đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất thế giới, Venezuela, có 95% doanh thu xuất khẩu tới từ dầu mỏ. Giá dầu tăng cao trong những năm đầu thế kỷ 21 đã che mờ mắt những nhà quản lý đất nước về một nền kinh tế chỉ biết trông chờ duy nhất vào dầu mỏ. Và khi giá dầu lao dốc, kinh tế Venezuela nhanh chóng sụp đổ. Lạm phát phi mã hàng chục nghìn %, tiền mặt trở thành vô nghĩa, hàng hóa cạn kiệt, khung cảnh tại Venezuela chỉ còn lại một đống hoang tàn.

Với Nigeria, nước có trữ lượng dầu mỏ thứ 10 thế giới, lại là một câu chuyện khác. Trong thời kỳ tăng trưởng thần tốc của giá dầu thập niên 70, Nigeria đã vay những khoản tiền khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng khai thác dầu. Nhưng sang thập niên 1980, giá dầu xuống thấp kỷ lục, Nigeria vật lộn trong nợ nần và các khoản trả lãi. Hiện nay Nigeria đã thu xếp được một phần các khoản nợ, nhưng nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu dầu mỏ và vô cùng nhạy cảm với những biến động của thị trường.

Kết

Không quá khi nói rằng các nguồn năng lượng đã làm xoay chuyển bánh xe lịch sử hiện đại. Và sau hơn 1 thế kỷ, tới nay dầu mỏ và khí đốt vẫn đang năm giữ ngôi vua của các nguồn năng lượng. Trong chiến tranh, dầu đã trao vương miện chiến thắng cho người kiểm soát được mình, tạo nên những hiệp định và những đồng minh quân sự hoàn toàn dựa trên lợi ích dầu mỏ, đồng thời xác định tiềm năng và phần nào đó quyết định sự tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Có lẽ xuyên suốt lịch sử nhân loại cho tới nay, chưa có yếu tố vật chất nào có thể gây ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều sự kiện quốc tế đến như vậy, và có lẽ trong tương lai, không mặt hàng nào khác có thể thay thế được sự ảnh hưởng đó.

Lịch sử luôn để lại những bài học kinh nghiệm, sau hơn một thế kỷ dầu mỏ, chân lý đã được tạo nên “ai kiểm soát năng lượng, người đó sẽ kiểm soát cả thế giới”!

———————–

Tài liệu tham khảo:

How Oil Came to Control the World
How does the price of oil affect Russia’s economy
Just an Oil Company? The True Extent of Russia’s Dependency on Oil and Gas
Oil prices keep plummeting as OPEC starts a price war with the US
Crude Oil Prices – 70 Year Historical Chart

Theo SPIDERUM.COM

Tags: ,