⠀
Bóng đá Liên Xô – một thời để nhớ
Thế hệ của chúng tôi, vào những năm 1980, được xem bóng đá phát lại trên tivi đen trắng với những ngôi sao Liên Xô mang dòng chữ CCCP nổi tiếng trên ngực áo đã là một đặc ân.
Bài viết của nhà văn – dịch giả Đăng Bẩy.
Nhưng còn hơn thế, tôi – một trong những sinh viên kiêm “cầu thủ” của “Trường Rừng”, Học viện Kỹ thuật Lâm nghiệp Leningrad – may mắn được trực tiếp xem các cầu thủ Liên Xô bằng xương bằng thịt thi đấu ngay tại xứ Bạch dương. Đó còn hơn cả một giấc mơ…
Hồi đầu thập niên 1970, khi Mỹ thả những chiếc máy bay gầm gào trên đầu và thủy lôi lập lờ quanh cảng Hải Phòng, chúng tôi được chọn ra nước bạn làm lưu học sinh. Đó thực sự là sự kiện đổi đời với mỗi người.
Sức đang trẻ, ở nhà chỉ khoai sắn bo bo… nhưng sang đây được ăn ngon mặc ấm, nên sau những giờ học hành căng óc, bọn mình rủ nhau chơi thể thao: người năng nổ đã nhanh chóng làm quen với môn trượt băng, người hiền lành thì chơi bóng bàn, bóng chuyền trong nhà, khi sạch băng tuyết rồi thì nhất thiết kéo nhau ra chơi bóng đá. Những học sinh một thời sơ tán quen đá nhữnag quả bưởi hoặc cầu lá vì không có bóng cao su và ghi bàn vào giữa hai cột gôn là hai… hòn đất, nay cảm thấy mình sắp trở thành tuyển thủ khi được tập luyện trên sân bãi bằng phẳng có đủ khung thành.
Nhưng ấn tượng hơn cả là được xem bóng đá đỉnh cao. Ở Nga hồi bọn mình mới sang, trong ký túc xá sinh viên thường dành một chỗ (hoặc cả phòng) để làm “Góc Đỏ” cho nhu cầu tụ họp, giải trí, tại đó có một chiếc tivi, trắng – đen thôi, nhưng đấy là phương tiện nghe nhìn đầu đời của những thanh niên Việt Nam vừa tạm lánh xa cuộc chiến.
Ngây ngất làm sao khi ngồi đó được chiêm ngưỡng trận cầu giao hữu giữa đội tuyển Liên Xô với đội tuyển Brazil! Cũng qua màn hình trắng – đen, tại Leningrad tức Saint-Petersburg bây giờ, bọn mình theo dõi Mundial 1974 diễn ra tại Tây Đức qua lời tường thuật của hai nhà bình luận trứ danh: Nikolai Ozerov – nhà vô địch bóng bàn kiêm diễn viên kịch và Vladimir Maslachenko – cựu thủ môn đội tuyển Liên Xô.
Đội tuyển Hà Lan với lối đá tổng lực bốc lên những cơn lốc màu da cam và chân sút điêu luyện Johan Cruyff thắng như chẻ tre, cho đến trận chung kết mới chịu thất thủ trước đội chủ nhà. Trận ấy, mình đặc biệt ấn tượng vì lần đầu tiên được xem tivi màu. Ấy là vì mình đi dọc hành lang ký túc xá thì bất chợt được một sinh viên châu Phi mời vào phòng xem đội Hà Lan thi đấu – những lưu học sinh từ châu Phi ở Liên Xô thường được chu cấp rất tinh tươm, họ sắm riêng tivi màu để xem World Cup.
Nói gì thì nói, cảm xúc của người xem bóng đá không thể tách biệt với định hướng chính trị. Các trận tranh World Cup ở Tây Đức cho bọn mình thấy tính ưu việt của khối Xã hội chủ nghĩa. Liên Xô – nơi chúng tôi ở và coi như quê hương thứ hai – thì không được tham dự, vì e ngại xáo trộn chính trị ở Chile nên bỏ trận lượt về, bị tính thua chung cuộc ở vòng loại, nhưng vẫn bao cấp tiền mua bản quyền cho khán giả của mình được xem hết các trận vòng chung kết.
Còn Ba Lan thì cử sang một đội tuyển trẻ trung, tài hoa, đáng nhớ nhất là đội trưởng Kazimierz Deyna và hai cầu thủ có mái tóc đặc biệt. Đó là Grzegorz Lato thì hói nửa mái đầu nhưng xứng danh “trung phong sát thủ”, Jan Tomaszewski thì tóc dày chấm vai trấn giữ khung thành. Thật là xuýt xoa thòm thèm khi đội tuyển Ba Lan chỉ giành được HCĐ lần ấy.
Nhưng căng thẳng vô cùng là cuộc đấu ở vòng bảng giữa đội tuyển CHDC Đức và đội tuyển CHLB Đức khi giữa đất nước vẫn sừng sững bức tường Berlin. Và oanh liệt thay: đội Đông thắng đội Tây ngay trên sân nhà của họ, sự kiện tưng bừng cứ như thể phe xã hội đã chiến thắng phe tư bản trên chính trường quốc tế!
Ở xứ sở Bạch Dương, tất nhiên bọn mình coi đội tuyển Liên Xô và các CLB thuộc Liên Xô là đội nhà trong các trận đấu quốc tế. Thời đó, bóng đá thực sự muôn hoa đua nở: Thủ đô Moskva có Spartak, Dinamo, Lokomotiv; cố đô Leningrad có Zenit, Dinamo; các nước Cộng hòa thì Gruzia có Dinamo, Armenia có Ararat, Uzbekistan có Pakhtakor, Ukraina có Sakhtyor và Dinamo… thường xuyên tranh tài tại giải ngoại hạng và góp cầu thủ cho đội tuyển quốc gia.
Bóng đá Leningrad hồi ấy còn thường thường bậc trung, nên bọn mình “bolet” (vui buồn) cùng một đội ở địa phương khác: Dinamo Kiev. Đấy là “triều đại” của HLV trưởng Valery Lobanovsky, biết dùng phương pháp khoa học (hồi ấy ông đã được trang bị máy vi tính) để chọn đúng điểm rơi phong độ cầu thủ vào những thời điểm quan trọng của CLB, cũng như đội tuyển quốc gia. Chức vô địch hay cúp trong nước là chuyện bình thường, Dinamo Kiev còn thi đấu ngang ngửa với các “ông kẹ” bóng đá châu Âu.
Sau khi sở hữu cúp các đội đoạt Cúp châu Âu (C2), Dinamo Kiev vào tranh Siêu Cúp với Bayern Munich chủ Cúp C1. Những cú phạt góc căng xoáy của Volodimir Veremeyev thường tìm đến đúng đầu của thủ quân Viktor Kolotov, những đường chuyền xa “như đặt” của Pavlo Yakovenko, Leonid Buryak để “chú sóc” Oleg Blokhin bứt tốc.
Ôi mê ly bàn thắng của Blokhin sau khi vượt trùng vây của dàn hậu vệ người Đức! Trong cả hai lượt đi và về, một mình tiền đạo chạy nhanh như quán quân điền kinh này ghi cả 3 bàn (một tại sân khách, hai tại sân nhà), khiến Bayern chịu thua trắng. Lại một chiến thắng không thể nào quên nữa của phe “xã hội chủ nghĩa” trước kình địch “tư bản”!
Ủng hộ là thế, song cũng có một kỷ niệm khá đặc biệt là bọn chúng tôi – những người cộng sản “xịn” nhất – đã có một lần chống lại phe XHCN của “chủ nhà” Liên Xô. Nói đúng hơn thì lần đó chúng tôi bắt buộc phải coi Dinamo Leningrad là đối thủ, vì hôm đó họ đá giao hữu với Dinamo Hà Nội (tên tiếng Nga của đội Công an Hà Nội) sang Liên Xô tập huấn.
Lũ lưu học sinh bọn mình kéo đàn kéo lũ ra sân vận động Kirov (về sau xây lại thành sân Saint Petersburg) để cổ vũ các cầu thủ đồng hương. Trời hôm ấy nắng nhẹ nên khỏi cần mũ mão, nhìn lên khán đài, thấy rõ từng tốp từng tốp “đầu đen” của lưu học sinh và thợ học nghề người Việt. Trận ấy, quân ta – Công an Hà Nội thua to nhưng mãi mãi sẽ là kỷ niệm không thể nào quên!
“Máu” bóng đá như thế, nên khi tốt nghiệp về nước, mình quyết khuân về chiếc tivi Rekord. Khi lắp đặt xong ăngten thì cũng vừa khai mạc World Cup tại Argentina và sướng làm sao: cái sân gạch nhà mình ở chốn thôn quê đông đủ láng giềng hàng xóm: trẻ có, già có, lại có cả các bà mặc váy nâu bùn cũng đến thưởng thức môn thể thao vua!
Theo BÓNG ĐÁ PLUS
Tags: Liên Xô, Hoài niệm, Thể thao