Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Người nghèo gánh chịu nhiều nhất

Giữa lúc còn chưa thoát khỏi tình cảnh đói nghèo, bất bình đẳng thì những người yếu thế trong xã hội lại phải hứng chịu thêm những tác động của biến đổi khí hậu, điều mà một số nhà nghiên cứu gọi là một cuộc khủng hoảng đang rình rập. Để thoát khỏi cảnh này, một trong những chiến lược sinh tồn của họ là di cư đến những vùng đất mới.

Biến đổi khí hậu ở Việt Nam: Người nghèo gánh chịu nhiều nhất

Di cư vì môi trường

Trước khi kịch bản nước biển dâng xảy ra, dự đoán sẽ nhận chìm vùng đất của 18 triệu cư dân Đồng bằng sông Cửu Long xuống dưới mực nước biển một mét trong khoảng 50 đến 100 năm nữa, thì chúng ta đã phải chứng kiến những kỷ lục mới về hạn mặn. Điển hình là năm 2015-2016, hạn hán tồi tệ nhất trong vòng một thế kỷ đã khiến nước mặn xâm nhập sâu hơn 80 km vào đất liền và phá hủy ít nhất 160.000ha lúa. Cơn hạn này đã ảnh hưởng đến nông nghiệp toàn Việt Nam, khiến tổng sản lượng nông nghiệp cả nước giảm xuống 2,7%, theo ước tính Bloomberg thời điểm đó1. 

Những áp lực môi trường đó đã dẫn tới một hệ quả là xu hướng người dân phải rời bỏ nơi mình sinh sống, di chuyển tới nơi khác để tránh những tác động của thời tiết cực đoan ngày càng nhiều. Một công bố vào năm 2017 của Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường2, Đại học Văn Lang, TP.HCM đã ước tính sơ bộ cho thấy biến đổi khí hậu là yếu tố chi phối quyết định của 14,5% người di cư rời khỏi Đồng bằng sông Cửu Long. Dựa theo ước tính này thì mỗi năm có khoảng hai ba chục ngàn người di cư khỏi Đồng bằng sông Cửu Long vì lý do môi trường. Không chỉ cuộc khảo sát của Đại học Văn Lang trên nhóm người di cư từ Đồng Tháp và Bến Tre cho thấy tình trạng di cư vì môi trường mang tính điển hình ở hai tỉnh có người di cư tới TP. Hồ Chí Minh đông nhất hiện nay mà nghiên cứu trên quy mô cả nước cũng đã cho thấy điều đó. Công bố vào đầu năm nay của TS. Nguyễn Việt Cường, Khoa Quốc tế, ĐHQG Hà Nội3, khảo sát dữ liệu dân cư trong cả nước cũng cho thấy quyết định đi hay ở của lao động làm nông nghiệp chịu ảnh hưởng từ sức ép môi trường, khi anh chứng minh rõ mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng thời tiết cực đoan bao gồm mưa rất lớn, nóng hoặc lạnh cực đoan với xu hướng di cư. Các địa phương có lượng mưa giảm, gia tăng hạn hán, nhiệt độ tăng lên thì cũng sẽ phải hứng chịu làn sóng người lao động có kỹ năng thấp rời đi, những địa phương nào có lượng mưa tăng lên, khí hậu mát mẻ phù hợp với sản xuất nông nghiệp sẽ đón nhận người lao động có kỹ năng thấp tới để làm nông nghiệp. 

Còn đối với những người chọn cách ở lại, họ cũng có xu hướng sống phụ thuộc vào nguồn trợ cấp từ người di cư gửi về và trợ cấp xã hội. Tuy nhiên, rủi ro vẫn bủa vây. Một nghiên cứu gần đây của TS Trần Quang Tuyến và cộng sự cho thấy, cuộc sống của người ở lại không cải thiện nhiều, cụ thể là có tới 40% số hộ trong nhóm phụ thuộc vào nguồn trợ cấp từ người di cư và trợ cấp xã hội cho biết mức sống của họ không được cải thiện trong năm năm qua.4

Đó là những đo lường xu hướng di cư trong quá khứ, còn các kịch bản môi trường và dự báo di cư mà giới chuyên môn đưa ra trong tương lai 30 năm tới sẽ ảm đạm hơn rất nhiều. Báo cáo Groundswell mới đây của Ngân hàng Thế giới dự báo, nếu nước biển dâng và nhiệt độ tăng lên theo kịch bản xấu nhất, ước tính từ nay đến năm 2050, Việt Nam sẽ có khoảng 3,1 triệu người (tương đương khoảng 3,1% dân số) phải di cư nội địa vì biến đổi khí hậu. Con số này chiếm tới 26% tổng số dân di cư trong nước, biến “di dân vì biến đổi khí hậu” trở thành một nhân tố quan trọng có thể làm thay đổi toàn bộ mô hình di cư và các kế hoạch phát triển ở Việt Nam. Trong kịch bản biến đổi khí hậu diễn ra theo hướng “dễ thở” và kinh tế bao trùm hơn thì Ngân hàng Thế giới vẫn dự báo sẽ có khoảng 1,9 triệu người sẽ phải di dân vì biến đổi khí hậu.

Mấy thập niên qua, các gánh nặng do thời tiết cực đoan, biến đổi khí hậu ngày càng lớn mà chúng ta đều không thể tránh được. Tới đây, khi kịch bản biến đổi khí hậu chắc chắn xảy tới, nhiều cư dân ở các vùng chịu ảnh hưởng không còn lựa chọn nào khác ngoài di cư thì Nhà nước chuẩn bị được gì cho họ? Khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới trong báo cáo Groundswell đòi hỏi những chuẩn bị mang tính hệ thống cho việc phát triển bao trùm để giảm thiệt hại cho những nhóm nghèo nhất, lập kế hoạch cho các giai đoạn di cư, nhưng trước tiên hơn cả vẫn là giải quyết những vấn đề tồn đọng lâu nay về lưới an sinh xã hội cho người di cư. Trong công bố của mình, TS. Nguyễn Việt Cường nhấn mạnh đến vấn đề làm thế nào để giảm thiểu được các cú sốc và rủi ro cho người di cư bằng các lưới phúc lợi xã hội ở nơi đến, vì thực ra người di cư vì khí hậu đều bị động trước các cú sốc do thiên tai gây ra.

Nhưng nhìn vào quá khứ, có lẽ chúng ta chưa làm gì được nhiều. 

Một trong những bằng chứng nói lên điều đó là cảnh những đoàn người lũ lượt trở về Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng duyên hải Trung Bộ trong đợt bùng phát dịch thứ tư ở TP. Hồ Chí Minh và khu vực lân cận đã cho tất cả chúng ta mường tượng thấy rõ mồn một về dòng di cư từ những vùng tới đây sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của biến đổi khí hậu. Đồng bằng sông Cửu Long, vựa gạo và tôm cá trù phú và cũng là một trong những vùng sản xuất nông nghiệp có tầm quan trọng trên thị trường lương thực toàn cầu, đã không còn đủ sức nuôi nấng tất cả những đứa con của mình. Trong khoảng một thập niên qua, có khoảng một triệu rưỡi đến một triệu bảy người di cư ra khỏi vựa lúa này, theo các ước tính khác nhau gần đây. So với các vùng khác trên cả nước, vùng châu thổ này có tỷ lệ nhập cư thấp nhất, tỷ lệ xuất cư cao nhất và là vùng duy nhất có tỷ lệ tăng dân số 0,0% trong giai đoạn 2009 – 2019. Dòng di cư của Duyên hải Nam Trung Bộ cũng không hề kém Đồng bằng sông Cửu Long, khi hai vùng này lần lượt chiếm hơn 19% và 18% tổng số người di cư của cả nước, theo Điều tra di cư quốc gia gần đây nhất công bố vào 2016.  

Dẫu những bài toán đặt ra cho bức tranh di cư vì môi trường đang ngày càng thành hình rõ nét thì chính sách cho người di cư gần như vẫn là khoảng trống ở nước ta, khi mà hầu như người di cư không thể với tới được các chính sách an sinh xã hội và các dịch vụ công cần thiết ở nơi mình di cư đến. Khảo sát của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và Oxfam năm 2015 cho thấy 99% người lao động di cư làm việc trong khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội do không có hợp đồng lao động, hoặc chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn hay hợp đồng miệng, 76,5% chưa tham gia bảo hiểm y tế, 71% không tiếp cận được tới dịch vụ y tế công. Không chỉ người di cư chịu thiệt thòi mà con cái họ cũng không có cơ hội tiếp cận bình đẳng với các dịch vụ xã hội, khi 13,2% trẻ dưới 6 tuổi là con của người di cư không được tiếp cận với bảo hiểm y tế, có tới 21,2% trẻ di cư được khảo sát trong độ tuổi từ 6-14 không được đi học. 

Gia tăng bất bình đẳng 

Xu hướng đáng chú ý tiếp theo mà các đánh giá gần đây đã chỉ ra là biến đổi khí hậu làm trầm trọng hơn hiện trạng nghèo đói, nhất là nghèo đói cùng cực, nghèo lương thực ở các vùng thường hứng chịu thảm họa thiên tai. Trong một công bố vào năm 20155, đo lường ảnh hưởng của các hiện tượng cực đoan như lũ, bão, áp thấp nhiệt đới, triều cường, ngập lụt, hạn hán… và sử dụng số liệu của Tổng cục Thống kê về mức sống hộ gia đình trên cả nước, TS. Mohamed Arouri, TS. Nguyễn Việt Cường, TS. Adel Ben Xoussef các cộng sự đã tính toán được ảnh hưởng trực tiếp của lũ lụt và bão – làm giảm phúc lợi ngay lập tức ở các hộ gia đình ở các khu vực chịu nhiều ảnh hưởng lần lượt là 5.2% và 5.9%. 

“Biến đổi khí hậu sẽ khiến các nhóm nghèo đói, dễ tổn thương càng nghèo hơn vì so với các nhóm khác họ đã có ít nguồn vốn xã hội, kỹ năng thấp từ trước rồi”, TS. Nguyễn Việt Cường cho biết. Tác động lên của thiên tai lên các nhóm yếu thế sẽ khoét sâu vào những bất bình đẳng đã có trong xã hội. Quá khứ đã cho chúng ta một bài học rõ ràng về điều này: Công bố vào năm 2014 của TS. Bùi Anh Tuấn, GS. Mardi Dungey, TS. Nguyễn Việt Cường và TS. Phạm Thu Phương sử dụng số liệu Khảo sát Mức sống dân cư năm 2008 đã cho thấy thiên tai làm tăng tỷ lệ nghèo của những người bị ảnh hưởng lên 2.7 điểm phần trăm (từ 18.9% lên 21.6%), và làm tăng bất bình đẳng chi tiêu trong toàn bộ dân số, đo lường bằng hệ số Gini, lên 0.65%6.

Để hình dung rõ hơn về những cú sốc mới có thể khiến cho tình hình bất bình đẳng và nghèo đói ở Việt Nam trở nên trầm trọng hơn như thế nào, chúng ta cần thêm một chiếc kính soi chiếu vào những vùng vẫn còn nghèo lương thực và sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai. Trong một nghiên cứu mới đây, TS. Trần Quang Tuyến, Khoa Quốc tế, ĐHQG HN và TS. Vũ Văn Hưởng, trường Đại học Kinh tế, ĐHQH HN, sử dụng dữ liệu khảo sát 2.500 hộ gia đình sáu tỉnh Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đo lường được sự thiếu hụt thực phẩm trong 12 tháng vừa qua, đo lường sự thiếu hụt thực phẩm giàu protein trong khẩu phần ăn của các hộ gia đình trong bảy ngày gần nhất. Trong 12 tháng gần nhất, chỉ có khoảng 26% hộ gia đình người Kinh/Hoa bị thiếu đói thì tỉ lệ này ở người dân tộc thiểu số là 51%. Trung bình số ngày không có thức ăn giàu protein của người dân tộc thiểu số cao hơn gấp đôi so với người Kinh/Hoa (3,67 so với 1,53 ngày). 

“Chúng ta cũng cần nhớ rằng khả năng vươn lên thay đổi vận mệnh của chính mình và của con cái, ở các nhóm khác nhau có sự chênh lệch rất lớn”, TS. Trần Quang Tuyến nhấn mạnh. Cũng trong một công bố khác cách đây hai năm, TS. Trần Quang Tuyến đã tính toán cho thấy, trong cùng một điều kiện kinh tế xã hội tương đồng, thì khả năng vươn lên, chuyển đổi nghề nghiệp của người con trong gia đình có bố là lao động tay chân kém so với người có bố là lao động trí óc tới 17 lần. Nếu đặt trong bối cảnh các cú sốc thiên tai ngày càng nhiều, thì người nghèo càng ít có cơ hội vươn lên. 

Tất cả những gì mà TS. Nguyễn Việt Cường và Trần Quang Tuyến tính toán đều là trước năm 2020, khi chúng ta vẫn đang có thành quả tăng trưởng GDP đáng nể suốt từ sau thời kỳ đổi mới, cũng như trước kịch bản mà Báo cáo biến đổi khí hậu của Việt Nam (Climate change in Vietnam: Impacts and adaptation) cho Hội nghị biến đổi khí hậu (COP26) đưa ra. Báo cáo này nhận định biến đổi khí hậu sẽ là một tác nhân kéo tụt tăng trưởng của Việt Nam trong vòng 40 năm tới. Nhiệt độ tăng lên 1oC, Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 1.8% GDP, nhiệt độ tăng 1.5oC thì tổn thất 4.5% GDP, nếu không kịp chuẩn bị ứng phó. Đây cũng là lúc chúng ta hoàn toàn đóng lại giai đoạn dân số vàng, vừa không còn được hưởng động lực tăng trưởng từ nguồn lao động giá rẻ dồi dào như trước vừa tăng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe người cao tuổi lên gấp bốn lần hiện nay. 

Đối diện với biến đổi khí hậu, Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trong số vành đai biển đảo không có khả năng bẻ lái quy luật tự nhiên mà chỉ có thể tối ưu nguồn lực con người mà mình đang có để chung sống thích ứng. “Trong bối cảnh u ám ấy vẫn có thể có lối thoát”, TS. Trần Quang Tuyến nói, “vì rõ ràng, nguồn lực tự nhiên có giới hạn, nên một viễn cảnh còn phụ thuộc tự nhiên còn chịu tác động tiêu cực hơn. Phải giảm lao động trong nông nghiệp, tăng di cư là không tránh khỏi thì người di cư cần phải được chuẩn bị bằng đào tạo kỹ năng, vốn con người, vốn xã hội. Nhà nước có thể chuẩn bị những điều đó được từ bây giờ”.

————————

Chú thích:

1. https://www.businessinsider.com/vietnam-drought-economic-slowdown-2016-4
2. https://www.researchgate.net/publication/319153515_Correlation_between_Climate_Change_Impacts_and_Migration_Decisions_in_Vietnamese_Mekong_Delta
3. Nguyen Viet Cuong (2021), “Do weather extremes induce people to move? Evidence from Vietnam”, Economic Analysis and Policy. Elsevier, vol. 69(C), pages 118-141.
4. Con số này ở các nhóm lao động phi nông nghiệp và làm công ăn lương chính thức thấp hơn nhiều (tương ứng 17% và 15%). Hoang, C. V., Tran, T. Q., Nguyen, Y. H. T., & Nguyen, K. D. (2019). Is Land Ownership a Key Factor in the Choice of Livelihood in the Mekong Delta, Vietnam? Human Ecology, 47(5), 681-691. Springer.
5. Arouri, M., Nguyen, C., & Youssef, A. B. (2015). Natural disasters, household welfare, and resilience: evidence from rural Vietnam. World Development. Elsevier, vol. 70(C), pages 59-77.
6. Anh Tuan Bui, Mardi Dungey, Cuong Viet Nguyen and Thu Phuong Pham (2014). The impact of natural disasters on household income, expenditure, poverty and inequality: evidence from Vietnam, Applied Economics. 46:15, 1751-1766.

Theo THU QUỲNH / TẠP CHÍ TIA SÁNG

Tags: , ,