⠀
Biến đổi khí hậu: Hiểm họa lũ đô thị đe dọa Việt Nam
Nghịch lý của quy hoạch còn nhiều nhưng thách thức nổi bật ở Châu Á và Việt Nam sẽ là lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu và đặc biệt, sau những bản quy hoạch bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô.
Trích đăng bài viết của PGS.TS Nguyễn Hổng Thục, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Định cư và con người trên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam.
Giới đô thị học không thể quên những trận lũ kinh hoàng cuốn trôi hàng chục thành phố và làng mạc ở Hàn Quốc thập niên 60 khiến hơn 20.000 người chết sau khi phá trụi rừng già và cống hóa các dòng sông. Rồi trận lũ lụt trên diện rộng năm 2011 đã gần như nhấn chìm Bangkok làm hàng chục triệu người không nhà và gần 500 người chết, chính phủ Thái Lan phải cứu trợ khẩn cấp 4 tỷ USD.
TPHCM dự tính phải cần hơn 100.000 tỉ đồng đối phó lụt lội chưa biết tìm đâu ra, trong khi dân nghèo còn chưa có sinh kế, nhà ở tối thiểu, mặc dù là đô thị nằm bên hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn hiền hòa nhất Đông Dương và đã thụ hưởng những cuộc quy hoạch quy mô nhất. Những con số biết nói làm chúng ta day dứt trước bài toán phát triển đô thị đang bị bỏ ngỏ, cần những đầu óc kinh bang tế thế, tuyệt đối không phải của những bộ não đô thị xây nhà bán kiếm lời.
Lũ lụt đô thị đã trở thành thường niên và con người nai lưng đi làm để trả nợ tự nhiên bằng các chi phí đắt đỏ chống ngập lụt với con số hàng tỷ, chục tỷ USD. Nghịch lý của quy hoạch còn nhiều nhưng thách thức nổi bật ở Châu Á và Việt Nam sẽ là lũ lụt đô thị ngày càng tăng cao do biến đổi khí hậu và đặc biệt, sau những bản quy hoạch bê tông hóa đô thị bằng cách xóa bỏ hệ sinh thái nước và vùng ven đô.
Ai sẽ lý giải sự liên hệ giữa lở núi trong lũ năm 2017 của vùng Hòa Bình đang bị san núi lấy đá, nung vôi với hình ảnh các đô thị cao tầng tăng chóng mặt ở Hà Nội và vùng lân cận? Ai chứng kiến nỗi đau của từng khu dân cư ven sông lâu đời tụt xuống nước trong chớp mắt, khi lòng sông xói lở do bị khai thác cát đến kiệt cùng? TPHCM đã thành siêu đô thị kẹt cứng vì mưa to, lụt lội, triều cường không còn theo mùa mà thất thường trong cả năm, khi đô thị phát triển tràn lan sang phía Nam và Đông Nam chẹn đường thông lưu của nước?
Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, rủi ro thiên tai là khôn lường và khó chống nếu xảy ra. Các nhà nghiên cứu về đô thị hiện nay đang quan tâm nhiều đến việc làm thế nào một đô thị có khả năng tự điều chỉnh (cả hệ thống) để có thể duy trì hoạt động và “đứng dậy” một cách nhanh chóng sau sự “tấn công” và tiếp tục phát triển; hơn là làm thế nào để đô thị không bị tác động hay không chịu sự ảnh hưởng của thiên tai.
Quan điểm này bắt đầu khởi nguồn từ khoảng thập niên 70, với những người tiên phong như Holling C.S chú trọng vào hệ sinh thái tự nhiên. Sau đó nhiều tác giả khác đã mở rộng, nghiên cứu chuyên sâu các vấn đề Dịch vụ hệ sinh thái liên quan đến các lĩnh vực của đô thị như không gian xanh, kinh tế, hạ tầng kỹ thuật, cộng đồng, chính quyền.
Cách quản lý đô thị cũng nên theo xu hướng phân cấp cho Chính quyền đô thị (Việt Nam đang muốn đẩy nhanh) để tiến trình phát triển đô thị thực tiễn hơn. Trách nhiệm quản lý phát triển và tăng quyền hạn tài chính đang được trao cho địa phương để tạo ra các chương trình bền vững và lồng ghép các mục tiêu chung có sự tham dự cơ bản từ nguồn lực của đa số dân cư.
Theo TẠP CHÍ KIẾN TRÚC
Tags: Biến đổi khí hậu, Thiên tai, Đô thị