Bi kịch của những bà mẹ đơn thân Nhật Bản trong đại dịch COVID-19

Mất việc, thu nhập giảm và sự hỗ trợ ít ỏi từ chính phủ là một số khó khăn mà nhiều người lao động xứ Phù Tang phải đối mặt giữa dịch COVID-19, đặc biệt là các bà mẹ đơn thân.

Bi kịch của những bà mẹ đơn thân Nhật Bản trong đại dịch COVID-19

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế của các gia đình đơn thân, đặc biệt là các single mom làm công việc bình thường hoặc bán thời gian, theo Nippon.

Các doanh nghiệp Nhật Bản đang chuyển sang tái cơ cấu, cắt giảm lương và nhiều biện pháp khác nhằm đối phó với sự suy thoái kinh tế do COVID-19 gây ra. Trước tình trạng nguy cấp này, các bà mẹ đơn thân phải vật lộn để duy trì cuộc sống.

Mất việc

Đêm giao thừa năm 2020, Maeda Tomomi (không phải tên thật) – nhân viên part-time tại tiệm làm tóc ở Tokyo – xin nghỉ việc sau nhiều tháng chịu áp lực từ người chủ. Cô nhận được khoản tiền lương cuối cùng vào giữa tháng 1, không kèm trợ cấp thôi việc.

Maeda đang dốc sức tìm việc mới tại Hello Work – văn phòng hỗ trợ việc làm công cộng – ở địa phương. Nỗi lo lắng của cô thêm chồng chất khi phải nuôi dạy hai đứa con đang học cấp 2 và 3.

Nguyên nhân khiến Maeda phải thôi việc bắt nguồn từ tháng 4/2020, khi số lượng khách hàng của salon cô làm việc giảm mạnh do sự lan rộng của COVID-19.

Thời điểm đó, Maeda thúc giục ông chủ cải thiện điều kiện vệ sinh tại salon, bao gồm cung cấp khẩu trang, chất khử trùng và lắp đặt máy lọc không khí. Tuy nhiên, cô chỉ nhận lại sự chế giễu.

Tháng 9/2020, Maeda được ông chủ gọi lên văn phòng và cho biết rằng tình hình kinh doanh không khả quan đồng nghĩa công việc của cô có thể gặp rủi ro. Để làm rõ mọi chuyện, Maeda hỏi thẳng người chủ có muốn mình nghỉ việc hay không nhưng chỉ nhận được câu trả lời lấp lửng.

Đầu hàng trước áp lực, Maeda xin nghỉ. Tuy nhiên, chủ lao động từ chối ra quyết định sa thải. Cô không còn cách nào khác ngoài thừa nhận mình tự ý bỏ việc, điều này ảnh hưởng đến thời điểm cô có thể nhận hỗ trợ thất nghiệp.

Maeda nghe nói những người lao động không thường xuyên ở các chi nhánh khác cũng gặp áp lực phải nghỉ việc theo cách tương tự.

Tự tin vào kỹ năng chăm sóc lông mi với nhiều năm kinh nghiệm, Maeda nộp đơn xin vào khoảng 20 salon song đều bị từ chối. Độ tuổi ngoài 40 của bà mẹ đơn thân này là rào cản.

Tuyệt vọng, Maeda thường xuyên đến văn phòng Hello Work với hy vọng tìm được công việc trong bất kỳ ngành nghề kinh doanh nào.

Tự ý bỏ việc đồng nghĩa với chuyện Maeda phải đợi hơn 3 tháng để yêu cầu trợ cấp thất nghiệp. Trong khi đó, nếu công ty thừa nhận sa thải nhân viên, cô sẽ đủ điều kiện nhận khoản thanh toán này sau 1 tuần.

Maeda kiếm được ít hơn 100.000 yen/tháng, thậm chí cộng với 50.000 yen/tháng mà cô nhận được từ chương trình trợ cấp nuôi dạy trẻ của chính phủ cũng không đủ để trang trải cuộc sống. Nếu không sớm tìm được việc làm, cô hoàn toàn trắng tay cho đến đầu tháng 4.

Cha mẹ già yếu không thể hỗ trợ tài chính, Maeda không còn nơi nào để tìm kiếm sự giúp đỡ. Mỗi ngày trôi qua, cô càng thêm lo lắng và tuyệt vọng.

Thu nhập giảm

Theo cuộc khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, tính đến đầu tháng 1, hơn 80.000 người lao động đã xin nghỉ hoặc bị cho thôi việc do đại dịch.

Moyai – tổ chức phi chính phủ hỗ trợ những người có nhu cầu – báo cáo rằng kể từ mùa xuân năm ngoái, họ nhận được gấp đôi yêu cầu hỗ trợ thông thường. Dịp năm mới, họ đã dựng gian hàng tại Tòa nhà chính phủ Tokyo ở Shinjuku và phân phát đồ ăn cho hơn 200 người nghèo.

Tổ chức cho biết họ đang nhận thấy sự gia tăng trong số lời kêu gọi trợ giúp từ các nhóm thường không dựa vào dịch vụ của họ, bao gồm thanh niên và mẹ đơn thân đột ngột mất việc làm. Điểm chung của họ là những người lao động không thường xuyên.

Chủ tịch Moyai Ōnishi Ren cho biết: “Một số công ty đang chống lại áp lực buộc phải cho nhân viên nghỉ việc. Nhưng khi tình hình kinh doanh tiếp tục xấu đi, họ ưu tiên giữ lại nhân viên toàn thời gian hơn là part-time”.

Ngay cả khi không bị sa thải, nhiều người lao động vẫn thấy số giờ làm và thu nhập của họ giảm mạnh.

Diễn đàn Bà mẹ đơn thân – tổ chức phi chính phủ ở Nhật Bản – đã khảo sát tác động của đại dịch đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương về kinh tế.

Họ nhận thấy 59% bà mẹ đơn thân bị giảm thu nhập. Đối với nhiều người vốn đang phải vật lộn để kiếm sống, tác động kinh tế của COVID-19 đẩy họ vào cảnh nghèo đói tồi tệ hơn.

Nishida Rin (không phải tên thật) – cựu nhân viên hợp đồng tại một công ty nhập khẩu đồ thể thao – bị giảm lương đột ngột vào tháng 2/2020 và không có thu nhập vào tháng 3, 4.

Hầu hết sản phẩm của công ty cô đến từ Italy và Trung Quốc. Nhưng đại dịch đã cắt giảm các lô hàng từ cả 2 quốc gia. Khách hàng hủy đơn đặt hàng khiến công ty phải vật lộn với vấn đề dòng tiền ngày càng tồi tệ.

Nhận thấy mình sẽ cạn kiệt tiền tiết kiệm nếu ở lại, Nishida xin nghỉ vào tháng 5/2020 và bắt đầu tìm việc làm khác.

Vốn có khả năng tiếng Anh, được rèn giũa khi học đại học tại Mỹ, Nishida tìm được công việc dịch giả tự do. Tuy nhiên, thay đổi công việc khiến cô trả giá đắt.

Tại công ty nhập khẩu, Nishida từng kiếm được tới 170.000 yen/tháng sau thuế. Công việc không ổn định ở hiện khiến thu nhập của cô chỉ còn 40.000-100.000 yen/tháng.

Dù có khoản tiết kiệm, Nishida nói rằng số tiền này không đủ để duy trì cuộc sống nếu tình hình kinh tế của cô có chiều hướng xấu đi. Cô cắt giảm chi tiêu bằng cách nhận thức ăn từ tổ chức phi chính phủ. Tuy nhiên, chi phí nuôi dạy con cái và phụng dưỡng cha mẹ đã khiến ngân sách của cô cạn kiệt.

Nippon trích dữ liệu khảo sát về tác động COVID-19 trên Diễn đàn Bà mẹ đơn thân cho thấy một số cách nhóm single mom đối phó với khó khăn gồm bỏ bữa để nhường cho con cái hoặc giảm số bữa ăn trong ngày; tiết kiệm lương thực, ví như nấu cháo thay vì cơm; mua hàng giảm giá tại siêu thị; tiết kiệm chi phí sinh hoạt bằng cách dùng vòi nước tại công viên và nhà vệ sinh công cộng; tìm kiếm trực tuyến thay vì mua tài liệu học tập; rao bán đồ dùng không dùng đến trên mạng.

Khó khăn chồng chất

Tác động của đại dịch cũng thể hiện trong lĩnh vực giáo dục. Trường tiểu học ở cùng quận với ngôi trường của con trai Nishida chứng kiến ​​các vấn đề về kỷ luật, bạo lực học đường với tần suất ngày càng tăng.

Nguyên nhân là yêu cầu hạn chế tương tác xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 khiến trẻ khó vui chơi bên ngoài, gây căng thẳng. Các trường học phải vật lộn để đối phó với hàng loạt sự cố.

Đến khi con trai bị một đứa trẻ khác đánh, Nishida phải ngừng đưa cậu bé đến trường.

Đại dịch cũng đẩy một số lượng đáng lo ngại bà mẹ đơn thân làm việc tại nhà đến bờ vực. Yahagi Madoka (không phải tên thật) làm việc trong ngành hậu cần và kho bãi ở Tokyo. Mùa xuân năm 2020, cô bị ốm và được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vài tháng sau đó.

Yahagi phải làm việc quá nhiều giờ kể từ tháng 3 và tự hỏi liệu đó có phải là yếu tố gây nên bệnh tật của mình. Cô nghỉ việc từ tháng 7 và tiến hành phẫu thuật 1 tháng sau đó.

Trong 3 tháng Yahagi nằm viện, một người bạn giúp cô chăm sóc con gái nhỏ. Họ không thể đến thăm cô do các biện pháp phòng chống COVID-19 của bệnh viện.

Cuối năm 2020, Yahagi rời khỏi căn hộ của mình và đang sống trong khu tạm trú miễn phí cho phụ nữ có con. Dù vẫn còn quá yếu để trở lại làm việc, cô cố gắng giữ tinh thần lạc quan. “Tôi không thể bỏ cuộc bây giờ. Tôi còn phải chăm sóc con”.

Số người chết vì COVID-19 của Nhật Bản đã lên tới 6.000, khi đất nước này phải vật lộn với làn sóng dịch thứ ba.

Ngày 7/1, chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp thứ hai, ban đầu chỉ áp dụng cho Tokyo và các tỉnh xung quanh. Sau đó, các nhà chức trách đã mở rộng ra cả vùng Kansai và các khu đô thị lớn khác trên khắp đất nước.

Kobayashi Keiichirō – Giám đốc nghiên cứu tại Quỹ Nghiên cứu Chính sách Tokyo kiêm thành viên của Tiểu ban Kiểm soát dịch COVID-19 của chính phủ – tin rằng điều quan trọng là phải gạt bỏ những lo lắng về kinh tế và tập trung vào việc giảm sự lây lan của virus.

Kobayashi nhận định phản ứng muộn sẽ dẫn đến việc trả giá đắt. Theo ông, chính phủ buộc phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế số ca mắc COVID-19, đồng thời triển khai hỗ trợ kinh tế quy mô lớn và đưa ra cho công chúng những thông điệp rõ ràng.

Như một phần của tình trạng khẩn cấp, chính phủ yêu cầu các quán bar và nhà hàng đóng cửa trước 20h để ngăn chặn sự lây lan của virus. Tuy nhiên, điều này đã vô tình làm tăng tình trạng đông đúc vào giờ ăn trưa. Kobayashi chỉ trích thông điệp của chính phủ bị thiếu sót.

Bất chấp lời kêu gọi thực hiện chế độ “work from home”, số lượng người đi làm vẫn chưa giảm. Với hệ thống y tế quá tải, Kobayashi nghi ngờ tình trạng khẩn cấp, vốn được kéo dài thêm 1 tháng, sẽ sớm kết thúc.

Lần giãn cách xã hội thứ ba có thể làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về tác động kinh tế.

Maeda từng tưởng mình luôn có thể tìm được việc nhưng giờ đây, cô lo lắng mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn.

Trợ cấp điều chỉnh việc làm của chính phủ thường không mang lại lợi ích cho người lao động không thường xuyên.

Các nhà chức trách đã phê chuẩn khoản hỗ trợ 50.000 yen cho các bậc cha mẹ đơn thân vào cuối năm 2020. Tuy nhiên, Kobayashi tin rằng chính quyền nên cung cấp các khoản thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt trong thời gian nhất định, tập trung vào các hộ gia đình có thu nhập thấp.

Chủ tịch tổ chức Moyai – Moyai Ōnishi – tin rằng chờ đợi kinh tế phục hồi không phải là lựa chọn. “Người dân cần hỗ trợ tài chính ngay bây giờ. Họ gần như đang ở điểm phá sản”, ông nói.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,