Bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng trong thời đại công nghệ số

Khi an ninh mạng đang nổi lên như một thách thức toàn cầu thì chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trở thành tâm điểm của các cuộc tranh luận.

Bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng trong thời đại công nghệ số

Tác giả: ThS Hoàng Thị Quyên, Học viện Chính trị khu vực IV.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2020.

1. Chủ quyền quốc gia trên không gian mạng – nội hàm mở rộng của khái niệm chủ quyền quốc gia trong thời đại công nghệ số

Tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế. Điều 1 Hiến chương Liên Hợp quốc ghi nhận: “Phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng và tự quyết của các dân tộc”. Khoản 1, Điều 2 Hiến chương khẳng định: “Liên Hợp quốc được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng chủ quyền của tất cả các quốc gia thành viên”(2). Theo đó tất cả các quốc gia, không tính đến quy mô lãnh thổ, dân số, chế độ chính trị – xã hội, đều có chủ quyền quốc gia. Đây là một trong những đặc trưng chính trị và pháp lý thiết yếu của một quốc gia độc lập, được thể hiện trong hoạt động của các cơ quan nhà nước và trong hệ thống pháp luật quốc gia. Trong các từ điển luật học hay các công trình nghiên cứu, “chủ quyền quốc gia là thuật ngữ dùng để chỉ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của một quốc gia độc lập được thể hiện trên mọi phương diện, chính trị, an ninh, quốc phòng, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, xã hội và được đảm bảo toàn vẹn, đầy đủ mọi mặt cả lập pháp, hành pháp lẫn tư pháp của quốc gia trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia mình”(3).

Việc đặt ra nguyên tắc và luật lệ nhằm ghi nhận và bảo vệ chủ quyền quốc gia là rất quan trọng, tuy nhiên vấn đề quan trọng hơn là làm thế nào các quốc gia có thể bảo vệ chủ quyền của mình trong bối cảnh mới. Những năm gần đây, thế giới chứng kiến việc công dân của quốc gia này hoàn toàn có thể thực hiện các hoạt động dân sự hay chính trị trên lãnh thổ của quốc gia khác mà không cần có sự hiện diện về mặt thể nhân. Thí dụ, chúng ta ở Việt Nam nhưng vẫn có thể tham gia hoạt động mua sắm hay làm việc cho các công ty ở nước Mỹ. Các công ty công nghệ mặc dù không có trụ sở, tài sản ở một quốc gia nhất định nhưng họ vẫn thực hiện các hoạt động kinh doanh, buôn bán, cung cấp dịch vụ cho người dân của các quốc gia này. Các cá nhân, tổ chức có thể sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là internet để can thiệp vào các hoạt động chính trị tại các quốc gia có chủ quyền. Gần đây Nga bị cáo buộc đã sử dụng các tài khoản Facebook, Twitter giả để can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ bằng việc định hướng tâm lý cử tri từ đó làm giảm sự ủng hộ cho ứng cử viên của Đảng Cộng hòa(4). Như vậy là các chủ thể ở bất cứ một quốc gia nào cũng có thể thực hiện các hoạt động trên không gian mạng với mục tiêu gây thiệt hại về kinh tế, chính trị cho cá nhân và tổ chức ở các quốc gia mà họ không cần hiện diện thể nhân.

Công nghệ ngày càng phát triển khiến cho việc thực hiện các chức năng vốn có của chính phủ như: tiến hành bầu cử, thu thuế, quản lý và kiểm soát các hoạt động của các chủ thể trên phạm vi lãnh thổ quốc gia mình ngày càng trở nên ít rõ ràng hơn. Các chính phủ đang phải hoạt động trong những khuôn khổ cực kỳ hạn chế mà Moises Naim, cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới gọi là “sự suy tàn của quyền lực”. Internet đã làm biến đổi xã hội, chính trị và cả quyền lực(5), nó cũng làm thay đổi các vấn đề liên quan đến việc thực thi chủ quyền quốc gia. Nếu như trước đây các quốc gia đã từng đổ máu để giữ vững quyền thống trị của mình thông qua việc bảo vệ các đường biên giới thì giờ đây các đường biên giới gần như đã bị dịch chuyển. Vấn đề diện tích, quy mô của vùng lãnh thổ nằm dưới quyền cai trị của một quốc gia sẽ không còn có ý nghĩa tuyệt đối đối với cuộc sống của từng cá nhân(6). Do vậy, việc bảo vệ chủ quyền quốc gia không chỉ là việc bảo vệ các đường biên giới mà được mở rộng hơn rất nhiều. Những cuộc tranh luận sôi nổi trên các diễn đàn quốc tế hiện nay phần lớn liên quan đến các quy tắc của không gian mạng và những thách thức mang tính hệ thống đối với việc quản trị toàn cầu trong không gian mạng. Các chính phủ đã nỗ lực không ngừng trong việc bảo vệ quyền vốn có của mình theo đó khái niệm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng ra đời.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực cho việc thống nhất các quan điểm thì cho đến nay, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng vẫn còn là chủ đề gây nhiều tranh cãi. Nhiều quốc gia cho rằng nguyên tắc chủ quyền quốc gia dựa trên lãnh thổ là cơ sở pháp lý hiệu quả để xây dựng các quy phạm về an ninh mạng nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Theo đó, các quốc gia có quyền quản lý và áp dụng luật pháp quốc gia về không gian mạng trong phạm vi lãnh thổ của mình theo quan điểm của luật pháp quốc tế. Do đó các công ty, tập đoàn cung cấp dịch vụ trên không gian mạng cần đặt hệ thống cơ sở hạ tầng trong phạm vi lãnh thổ của quốc gia để chính phủ có thể thực thi quyền quản lý(7). Tuy nhiên, điều này hoàn toàn bất khả thi về mặt thực tế và câu hỏi đặt ra là vậy thì các quốc gia có quyền quản lý với các hoạt động của các chủ thể nếu họ không đặt hệ thống cơ sở hạ tầng tại quốc gia đó.

Để đạt được mục đích cuối cùng là các cá nhân và tổ chức có quyền truy cập sử dụng mạng cho mục đích cá nhân của mình nhưng không làm tổn hại đến lợi ích của các chủ thể khác cũng như không vi phạm an ninh của các quốc gia có chủ quyền, nguyên tắc về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đã được hình thành. Trên phương diện hợp tác đa phương, các quốc gia đã thỏa thuận nhằm đưa ra nguyên tắc trong việc công nhận chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Theo nguyên tắc này, các quốc gia sẽ hợp tác để hỗ trợ lẫn nhau trong việc truy tìm nguốn gốc ban đầu của các cuộc tấn công mạng nhằm xác định các tác nhân cụ thể phải chịu trách nhiệm đồng thời truy tố hoặc dẫn độ những cá nhân đó(8). Từ năm 2013 đến 2017, các chuyên gia trên lĩnh vực an ninh mạng đã xây dựng quy tắc hướng dẫn sử dụng mạng. Theo quy tắc này các chủ thể không được tiến hành các hoạt động trên không gian mạng vi phạm chủ quyền của một quốc gia khác. Đồng thời, các quốc gia có quyền kiểm soát đối với việc truy cập và sử dụng không gian mạng để thực hiện các hoạt động trên phạm vi lãnh thổ của họ(9). Các quốc gia khác được yêu cầu phải tuân thủ và công nhận chủ quyền quốc gia của các quốc gia khác trên không gian mạng đồng thời có thể thực hiện một số biện pháp kiểm soát đối với không gian mạng của mình(10). Như vậy, cũng giống như khái niệm chủ quyền quốc gia trên biển, chủ quyền quốc gia trên không và chủ quyền quốc gia trong không gian vũ trụ, khái niệm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng vẫn có cơ sở từ khái niệm chủ quyền quốc gia theo nghĩa truyền thống.

2. Mối quan hệ giữa bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng và việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người

Khái niệm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng đóng vai trò quan trọng trong việc thiết lập các quy tắc quốc tế về không gian mạng(11). Tuy nhiên, việc này đang là chủ đề có nhiều quan điểm khác biệt. Internet và các mạng viễn thông là thành tựu của cuộc cách mạng khoa học, công nghệ cho phép kết nối không giới hạn. Vào giữa thế kỷ XX, các học giả như Herbert McLuhan đã xem công nghệ và sự kết nối thông qua các phương tiện truyền thông là một phương tiện để tạo ra “ngôi làng toàn cầu”. Một số học giả còn tin rằng công nghệ sẽ thúc đẩy một sự tiến hóa trong tâm thức con người; công nghệ sẽ giúp thay thế thời đại công nghiệp; thúc đẩy khả năng cạnh tranh. Do đó càng nhiều thông tin được chia sẻ, xã hội càng tự do, càng có nhiều tiềm năng hợp tác, hợp tác hoàn hảo gặt hái kết quả tương tự như cạnh tranh hoàn hảo và không có người thua cuộc(12). Theo đó, nhiều học giả cho rằng chính phủ và các tập đoàn không nên kiểm soát sự phát triển của công nghệ, thông tin. Người ta tin rằng bất cứ ai kiểm soát hệ thống thông tin hoặc truyền thông cũng kiểm soát tin nhắn, điều đó là vi phạm các quyền tự do cơ bản của con người đã được ghi nhận trong hệ thống luật nhân quyền quốc tế. Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế khẳng định: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và bày tỏ quan điểm; quyền này bao gồm việc bảo lưu ý kiến không phụ thuộc vào bất cứ sự can thiệp nào, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận, truyền bá thông tin và quan điểm thông qua bất cứ phương tiện đại chúng nào không giới hạn về biên giới”(13). Vậy nếu nhà nước can thiệp vào các tên miền trên không gian mạng và kiểm soát các luồng thông tin được lan truyền trên không gian mạng cũng như sử dụng các bức tường lửa hay các phương tiện kỹ thuật khác nhằm hạn chế việc người dân truy cập, tìm kiếm, lan truyền thông tin, là đi ngược lại với tinh thần của Điều 19 Tuyên ngôn Nhân quyền toàn cầu.

Tại Việt Nam trước và sau khi Luật An ninh mạng được thông qua và chính thức có hiệu lực từ năm 2019, có rất nhiều quan điểm trái chiều được đưa ra như: “người dân có quyền truy cập vào bất cứ trang mạng nào họ muốn”; nhà nước sẽ vi phạm quyền tự do thông tin của người dân nếu sử dụng các phương tiện kỹ thuật để yêu cầu các tổ chức, cá nhân phải gỡ bỏ hay ngăn chặn không cho người dân truy cập vào các trang mạng. Đài Châu Á Tự do xuyên tạc về Luật An ninh mạng của nước ta, khi cho rằng đó là biện pháp để chính quyền xâm phạm quyền tự do riêng tư, quyền tự do ngôn luận của người dân. Họ đặt ra các dòng tiêu đề như sau: “Luật An ninh mạng: chỗ nào bảo vệ riêng tư cho người dân? Những người quyền cao chức trọng cần phải tuyệt đối rõ ràng minh bạch lại được quyền ẩn danh hèn nhát, còn người dân thấp cổ bé họng lại sắp bị tước đi cả cái quyền lẩn mình vào đám đông để tự vệ trước cường quyền”(14).

Một số đối tượng cũng chỉ trích về vai trò của quân đội trong bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng. Theo Điều 30, Luật An ninh mạng năm 2019 của nước ta: “Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng được bố trí tại Bộ Công an, Bộ Quốc phòng”, họ coi đó là việc làm “vi hiến”, và cho rằng: “Quân đội chỉ để chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, nhân dân mà thôi”(15).

Bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là nguyên tắc đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, theo đó các chính phủ có quyền kiểm soát đối với các hoạt động trên không gian mạng. Điều này xuất phát từ những lý do cơ bản như sau:

Một là, chúng ta phải kiểm soát không gian mạng để nó có thể tồn tại và hoạt động theo các chức năng của mình. Bởi các không gian mạng luôn có một cấu trúc vật lý được đặt trên mặt đất gắn liền với những địa danh cụ thể, nếu không có cấu trúc vật lý này chúng ta không có quyền truy cập thông tin trên không gian ảo. Các cấu trúc vật lý này luôn đòi hỏi phải có người giám sát và vận hành để nó hoạt động và phát triển, người ta phải gắn tên miền và địa chỉ cho các đường truyền trên không gian mạng.

Hai là, các quốc gia phải có các biện pháp quản lý nhà nước về an ninh mạng vì các hoạt động trên không gian mạng luôn gắn với chủ quyền của các chủ thể cụ thể được xác lập thông qua các mối quan hệ tài chính được bảo vệ bởi hệ thống pháp luật của các quốc gia. Do đó, nếu các quốc gia không thiết lập chủ quyền quốc gia trên không gian mạng thì các quan hệ tài chính đó rất khó được vận hành hoặc sẽ là rất nguy hiểm nếu nó vận hành mà không có sự điều tiết, quản lý bởi hệ thống pháp luật. Thực tế là, các hoạt động kinh doanh đều dựa trên nền tảng của pháp luật.

Ba là, các hoạt động trên không gian ảo nhưng lại có tác động mạnh mẽ đến thế giới thực. Chúng ta vẫn tin rằng internet và các mạng truyền thông ra đời như một phương tiện hợp tác để cải thiện cuộc sống của con người, do đó chúng ta có thể không quan tâm đến việc lạm dụng mạng. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều sử dụng internet cho những mục tiêu tốt đẹp. Có những người coi internet là phương tiện để khai thác những mối lợi từ các cá nhân khác thông qua việc tạo ra sự hỗn loạn, giành lợi thế so với đối thủ cạnh tranh hoặc phổ biến thông điệp gây thù hằn sắc tộc, tôn giáo, khuyến khích chiến tranh, khủng bố. Do đó, cũng giống như trong thế giới thực, nhà nước cần phải thực hiện các hoạt động để kiểm soát và điều chỉnh hành vi của các nhóm chủ thể. Hầu hết các quốc gia đã có quy định pháp luật nhằm ngăn chặn các dòng thông tin xấu có thể làm ảnh hưởng đến sự an toàn đối với cuộc sống của công dân nước mình như việc ngăn chặn các dòng thông tin về khiêu dâm, về khủng bố, kỳ thị chủng tộc, tôn giáo… Chính những dòng thông tin độc hại này đang làm sói mòn đạo đức, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sự an toàn của con người, nên các quốc gia có nghĩa vụ hợp pháp là kiểm soát đối với những gì đang được lan truyền, đang diễn ra thông qua không gian ảo.

Bốn là, những vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia. Hiện nay, nhiều quốc gia khai thác không gian mạng như một phương tiện nhằm đạt được lợi thế chiến lược và quân sự so với các quốc gia khác. Do đó, các quốc gia phải kiểm soát hoạt động này như một vấn đề an ninh quốc tế.

Vì khả năng gây hại trong không gian ảo là có thật và vẫn đang tiếp tục gây ra những tác hại nghiêm trọng do đó các quốc gia không thể bỏ qua việc kiểm soát các hoạt động và luồng thông tin được lan truyền trên không gian mạng. Chính vì thế cần phải khẳng định mạnh mẽ, việc các chính phủ trong đó có Chính phủ Việt Nam triển khai các hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về an ninh mạng không đi ngược lại tinh thần bảo vệ các quyền cơ bản của con người đã được nghi nhận trong hệ thống luật nhân quyền quốc tế, trong Hiến pháp, pháp luật quốc gia. Luật An ninh mạng được Quốc hội thông qua thể hiện nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc tạo ra công cụ pháp lý nhằm bảo đảm cho mọi cá nhân và tổ chức được bảo vệ quyền truy cập, sử dụng mạng cho mục đích cá nhân của mình mà không bị làm hại hay gây hại cho chủ thể khác.

Trả lời câu hỏi liệu quân đội tham gia các hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có là “vi hiến”, thì cần khẳng định không vì quân đội bảo vệ chủ quyền quốc gia trong thời đại công nghệ số không chỉ là bảo vệ vùng biển, vùng trời, các đường biên giới mà còn là bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng. Nếu như các thế lực thù địch đã thay đổi phương thức, phương tiện để hoạt động chống phá, nếu tội phạm đã mở rộng phạm vi, phương thức hoạt động thì việc quân đội phải thay đổi phương thức tác chiến, tham gia làm sạch môi trường mạng, giữ vững chủ quyền quốc gia là điều hiển nhiên, làm sao có thể gọi là “vi hiến”?

3. Những thách thức đối với việc bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

Nhìn lại tiến trình phát triển nhận thức cũng như hoạt động mà các quốc gia đã triển khai nhằm bảo vệ chủ quyền của mình trên không gian mạng, có thể thấy một số thách thức cơ bản như sau:

Thứ nhất, những thách thức do thiếu cơ sở pháp lý cũng như các cơ chế hợp tác quốc tế để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Thế giới đã đi đến nhiều đồng thuận trong việc cần phải bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất để có thể xây dựng, thiết lập các nguyên tắc pháp lý mang tính quốc tế đối với các hoạt động này. Năm 2011, Nga đưa ra sáng kiến về việc Liên Hợp quốc nên xây dựng công ước về bảo đảm an ninh thông tin quốc tế trong đó đề cập đến các tiêu chuẩn điều phối hoạt động trên internet, trong đó có các hoạt động liên quan đến chủ nghĩa khủng bố, hình sự, chính trị và quân sự. Tuy nhiên, sáng kiến này của Nga không được các quốc gia chấp thuận. Đến năm 2015, một nỗ lực để đạt được các thỏa thuận quốc tế nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng tiếp tục được đưa ra. Các chuyên gia của Liên Hợp quốc đã đi đến một thỏa thuận với bốn nguyên tắc nhằm bảo đảm hòa bình trong không gian mạng. Tuy nhiên, các quốc gia như Nga và Trung Quốc lại có những cách tiếp cận khác nhau đối với việc xây dựng các quy chuẩn chung này. Cho đến nay, thế giới mới chỉ có các thỏa thuận riêng lẻ giữa các quốc gia trong từng khu vực liên quan đến đảm bảo an ninh mạng mà chưa có các quy chuẩn pháp lý mang tính quốc tế để điều chỉnh các hoạt động trên lĩnh vực này. Liên minh châu Âu có Công ước Budapest năm 2001 nhằm thiết lập khuôn khổ pháp lý chung cho các quốc gia châu Âu trong công tác phòng chống tội phạm mạng. Đến nay công ước đã được đàm phán và mở rộng cho các quốc gia thành viên ở châu Á như: Nhật Bản, Philippines. Tuy nhiên, Nga, Trung Quốc và Brasil lại cho rằng để công ước này trở thành công ước chung cho toàn thế giới cần phải đàm phán để xây dựng lại công ước này bởi bản thân công ước được xây dựng dựa trên những đặc thù của khu vực nên không phản ánh hết các điều kiện và nhu cầu của tất cả các quốc gia trên thế giới(16). Việc thiếu cơ sở pháp lý mang tính quốc tế khiến cho việc thực hiện các hoạt động bảo vệ chủ quyền trên không gian mạng của quốc gia gặp nhiều khó khăn, cũng như các hoạt động hợp tác, phối hợp trong bảo vệ chủ quyền của các quốc gia sẽ không được thúc đẩy trên thực tế.

Thứ hai, liên quan đến năng lực thực thi của các quốc gia. Việc triển khai các hoạt động phòng, chống các cuộc tấn công trên không gian mạng, ngăn chặn tin tặc hay tội phạm công nghệ cao luôn gặp phải những giới hạn liên quan đến nguồn lực như năng lực thực thi của các cơ quan công quyền, hạn chế trong hệ thống hạ tầng công nghệ. Pháp luật của các quốc gia đôi khi lạc hậu hơn so với sự phát triển và thay đổi nhanh chóng của các hoạt động tội phạm dựa trên công nghệ số. Chính vì thế mà nhiều quốc gia như Trung Quốc đã thiết lập không gian mạng riêng đáp ứng nhu cầu sử dụng mạng của người dân nước mình. Tại nước ta, nhiều người cũng đặt ra câu hỏi là: liệu Việt Nam có nên thiết lập một hệ thống mạng riêng cho người Việt giống như những gì mà Trung Quốc đang thực hiện? Tuy nhiên cần phải thấy rằng, việc làm này đi ngược lại với tinh thần và nền tảng của cuộc cách mạng công nghệ số là kết nối vạn vật, không giới hạn không gian và thời gian(17). Điều đó chỉ chứng tỏ sự hạn chế hay sự bất lực của nhà nước trong việc kiểm soát các hoạt động trên không gian mạng. Phương án này cũng được cho là bất khả thi với các quốc gia có dân số không quá lớn. Do đó, các quốc gia cần phải tìm ra các phương thức hoàn hảo hơn trong việc quản lý và kiểm soát các hoạt động trên không gian mạng nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định, bảo đảm các quyền cơ bản của con người mà không làm mất đi đặc tính ưu việt của công nghệ là kết nối vạn vật.

Thứ ba, thách thức trong việc xác định ranh giới giữa hoạt động bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng với các hoạt động được coi là vi phạm quyền tự do cơ bản của con người. Rõ ràng, để bảo vệ an ninh mạng, bảo vệ chủ quyền quốc gia thì các loại hoạt động tội phạm mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng… là các hoạt động bị cấm. Tuy nhiên, một thách thức đặt ra cho các cơ quan chức năng là, làm thế nào để xác định đâu là các hoạt động mạng gây thiệt hại cho an ninh quốc gia, trật tự công cộng, an toàn tài sản và tính mạng của người dân. Vẫn có những hoạt động đứng giữa lằn ranh của hai thái cực(18) và những xung đột giữa việc bảo vệ quyền kiểm soát của chính phủ với việc bảo vệ các quyền tự do cơ bản của người dân. Chính phủ Pháp đã từng có nhiều nỗ lực nhằm ngăn chặn các cá nhân tìm cách tải các phim hay nhạc bất hợp pháp trên internet nhưng lại gặp phải sự phản đối của người dân và điều này chỉ được thông qua gần đây sau những sự phản đối của các ca sĩ. Hay việc Liên minh châu Âu “yêu cầu tất cả các nhà cung cấp dịch vụ internet lưu giữ thông tin về lưu lượng email, truy cập vào các trang web và các cuộc gọi điện thoại qua internet trong 12 tháng”. Yêu cầu này đã dẫn đến những phản ứng của một số nhóm. Do vậy, việc các quốc gia áp đặt chủ quyền trên không gian mạng thông qua việc yêu cầu xác định rõ hơn các tác nhân không gian mạng không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận hay ủng hộ từ phía người dân(19), bởi rất khó để xác định ranh giới của các hoạt động bảo vệ an ninh mạng với các hoạt động vi phạm quyền tự do cơ bản của con người.

———————————-

Chú thích:

(1), (11), (17) Hao Yeli (2017): “A Three-Perspective Theory of Cyber Sovereignty”, https://cco.ndu.edu/PRISM-7-2/Article/1401954/a-three-perspective-theory-of-cyber-sovereignty.
(2) Hiến chương Liên Hợp quốc, https://thuvienphapluat.vn/van-ban/van-hoa-xa-hoi/Hien-Chuong-Lien-hop-quoc-1945-229045.aspx.
(3) Phan Văn Rân, Nguyễn Hoàng Giáp: Chủ quyền quốc gia dân tộc trong xu thế toàn cầu hóa và vấn đề đặt ra với Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr.201.
(4), (7), (16) Nguyễn Việt Lâm: Chính sách an ninh mạng trong quan hệ quốc tế hiện nay và đối sách của Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.31, 43, 40-41.
(5) Moises Naim: Sự suy tàn của quyền lực, Nxb Hồng Đức, 2017, tr.29.
(6) Ludwig Von Mies: Chủ nghĩa tự do truyền thống, Nxb Tri thức, 201­3, tr.294.
(8), (10), (12) Sovereignty in Cyberspace, https://www.law.upenn.edu/live/files/3473franzese-p-sovereignty-in-cyberspace-can-it-exist.
(9), (18), (19) Michael Schmitt (2018): In Defense of Sovereignty in Cyberspace, https://www.justsecurity.org/55876/defense-sovereignty-cyberspace.
(13) Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền năm 1948 của Liên Hợp quốc, https://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2009/05/03/2808.
(14) Luật An ninh mạng chỗ nào bảo vệ riêng tư cho người dân,https://www.rfa.org/vietnamese/cybersecurity-law.
(15) Viết Sung: Quân đội tham gia bảo vệ tổ quốc trên không gian mạng – yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay, http://hvlq.vn/tin-tuc/quoc-phong-an-ninh/quan-doi-tham-gia-bao-ve-to-quoc-tren-khong-gian-mang-yeu-ca.html.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: ,