Bàn về nghệ thuật diễn xuất sân khấu

Khái niệm Nghệ thuật diễn xuất, hay nghệ thuật trình diễn, nghệ thuật biểu diễn… được dùng chỉ một nghệ thuật vốn tồn tại bằng phương thức “diễn” trên sàn diễn bởi con người (performance). Trong nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, cách tiếp cận performance nghĩa là nghiên cứu một hành động, một sự kiện, một thể loại hay hình thức từ mọi góc độ để thấy đối tượng thực thi ra sao, bằng cách thức nào, trong bối cảnh nào, ai là người thực hiện, ai là người tham gia.

Bàn về nghệ thuật diễn xuất sân khấu

Nghệ thuật diễn xuất sân khấu với nghĩa hẹp chỉ nghệ thuật diễn của người diễn viên trên sân khấu nhằm khắc họa nhân vật của một vở kịch bằng hành động sân khấu, hàm chứa trong nó không chỉ hành động thể hiện nhân vật trong vở diễn, mà cả khả năng, cách thức, sự phản ứng… thông qua hành động sân khấu.

Sân khấu là nghệ thuật mang tính tổng hợp cao. Trong một tác phẩm sân khấu hội tụ giá trị văn học, diễn xuất, hội họa, âm nhạc, múa… Nói một cách hình tượng, thì sân khấu như một cái lò luyện nên hợp kim, từ những nguyên liệu khác nhau song liên kết với nhau bởi một số thuộc tính cần.

Thuộc tính sân khấu là một từ trường mạnh để chi phối, hút những thành tố nghệ thuật cần để tạo nên ngôn ngữ sân khấu. Vũ đạo trong một tác phẩm sân khấu là vũ đạo sân khấu; hội họa, kiến trúc trên sân khấu trở thành nghệ thuật của không gian sân khấu – không phải không gian thuần túy; nghệ thuật biểu diễn không còn mang nghĩa chung của sự trình diễn, biểu diễn, mà sẽ phải là nghệ thuật diễn xuất sân khấu của diễn viên trong sự thể hiện nhân vật; kịch bản văn học phải trở thành kịch bản sân khấu. Tất cả các thành tố nghệ thuật tham gia, tạo nên nghệ thuật sân khấu, đã được mang một màu sắc khác – không còn là nguyên nó khi tồn tại độc lập, mà chịu sự chi phối của một dòng lực – thuộc tính sân khấu.

Dù kịch nói phương Tây hay kịch hát truyền thống Việt Nam, những thành tố cơ bản đầu tiên của sân khấu là kịch bản (tích), diễn xuất (trò) và công chúng. Trong hành trình phát triển, nghệ thuật sân khấu bổ sung cho mình những thành tố mới: kỹ xảo điện ảnh, âm thanh, ánh sáng hiện đại, sự tạo dựng một “sân khấu hình ảnh” có khả năng diễn đạt một cách ấn tượng những thay đổi, những biểu hiện của xúc cảm nhân vật trên sân khấu.v.v…

Dù có sự gia nhập của những yếu tố nghệ thuật hiện đại nào chăng nữa, song nói tới sân khấu, người ta nhấn mạnh nghệ thuật diễn xuất của diễn viên. Sân khấu kịch nói phương Tây, với những thăng trầm trên hai mươi thế kỷ, dù bị chi phối bởi biết bao quan niệm, trường phái, dù ngôn ngữ kịch được đa dạng hóa, thì ngôn ngữ – người diễn viên vẫn luôn ở vị trí trung tâm và không gì thay thế được. Thế kỷ XX, trong xu thế sân khấu không muốn là “cái bóng” của văn học, khi nghệ thuật đạo diễn “lên ngôi”, thì nghệ thuật diễn xuất càng khẳng định vị trí “ông hoàng, bà chúa” của nó. Heghen cho rằng “diễn xuất là hòn đá thử vàng thực sự”(1). Nghệ thuật diễn xuất bao giờ cũng là linh hồn, là trung tâm, là thành tố chính yếu nhất để tạo nên sân khấu. Thiếu kịch bản chi tiết, người diễn có thể diễn cương. Thiếu trang trí, người diễn viên kịch hát truyền thống phương Đông có thể tạo ra trang trí, tạo nên không gian, thời gian bằng chính động tác, diễn xuất của mình. Thiếu nghệ thuật diễn viên -bất thành sân khấu. Stanixlawxki gọi diễn viên là “ông hoàng, bà chúa” của sân khấu. Nghệ thuật diễn xuất đóng vai trò quyết định, vai trò “hạt nhân” liên kết, tập hợp các thành tố nghệ thuật khác xoay quanh nó, phụ trợ cho nó.

Mỹ thuật, hội họa, ca, múa, nhạc, văn học…, tất cả các loại hình nghệ thuật, đều lấy hiện thực cuộc sống làm đối tượng phản ánh. Phản ánh hiện thực như thế nào, bằng cách nào do phương tiện nghệ thuật và thẩm mỹ từng loại hình qui định. Mỗi nghệ thuật đều có phương tiện ngôn ngữ biểu đạt riêng của mình. Phương tiện nghệ thuật loại hình luôn là điểm tựa để người tiếp nhận, hay nghiên cứu nghệ thuật nhận thức được bản chất vấn đề đang tiếp cận. Phương tiện nghệ thuật quyết định đặc tính loại hình nghệ thuật.

Với sân khấu, hành động là phương tiện nghệ thuật.

Hành động là phương tiện nghệ thuật của sân khấu nói chung. Nghệ thuật sân khấu tồn tại dưới hai dạng: kịch bản văn học và vở diễn trên sân khấu. Theo Aristote thì hành động kịch là đối tượng (nội dung) bắt chước của kịch với nghĩa là một hệ thống việc làm nhằm thay đổi một tình huống này sang một tình huống khác, còn hành động sân khấu là phương thức bắt chước để thể hiện nội dung của hành động.

Kịch bản bao hàm một hành động kịch; diễn viên thể hiện nhân vật là nhờ thông qua hành động sân khấu; đạo diễn chỉ đạo diễn viên thực hiện hành động cho chính xác và hiệu quả.

Xét về mặt nội dung: kịch là nghệ thuật hành động. Xét về mặt biểu hiện thì diễn xuất là nghệ thuật của hành động sân khấu. Hành động vừa là đối tượng mô tả, vừa là phương tiện miêu tả. Hành động toàn vở diễn được hình thành từ hàng loạt hành động nhỏ. Là ngôn ngữ nghệ thuật của sân khấu, hành động sân khấu được chuyển tải bằng hệ thống động tác diễn xuất của người diễn viên như một hệ thống tín hiệu trong một không gian – thời gian sân khấu. Vì vậy, nghệ thuật diễn xuất là thành phần trung tâm sự biểu đạt của sân khấu.

Một kịch bản trở nên sống động, được khắc họa vào không gian – thời gian bằng đời sống tâm hồn, bằng trái tim nóng với nhịp đập đời sống tươi mới của những con người chỉ có thể dựa vào nghệ thuật diễn xuất của diễn viên trên sân khấu. Một ý tưởng, một hình tượng nghệ thuật trong cấu tứ của tác giả và đạo diễn cũng chỉ có thể được thể hiện và biểu đạt bằng nghệ thuật diễn xuất của người diễn viên.

Nghệ thuật diễn xuất của người diễn viên sân khấu được biểu đạt bằng hành động sân khấu trong một không gian – thời gian sân khấu. “Nghệ thuật biểu diễn là nghệ thuật của hành động. Hành động sân khấu chính là cơ sở sáng tạo, là phương tiện nghệ thuật của người diễn viên”(2). Cuộc sống sân khấu là quá trình hành động của các nhân vật, từ sự khởi đầu cho đến kết thúc. Sân khấu phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua hành động, bằng diễn xuất của người diễn viên.

Trên sân khấu, người diễn viên chỉ có thể thể hiện được nhân vật của mình thông qua hành động sân khấu. Diễn viên trường phái Biểu hiện đã từng chỉ chú trọng diễn xuất ngoại hình nhân vật, khi họ cảm thấy nội tâm nhân vật đã tìm được vẻ bề ngoài chân xác để biểu hiện. Diễn viên trường phái Thể nghiệm thuần túy lại chỉ coi trọng “hành động nội tâm”, coi nhẹ hình thể. Thực chất, hành động với tư cách là phương tiện phải là “hành động hữu cơ” (Stanixlawski), là sự kết hợp giữa nội tâm và hình thể – một sự biểu đạt cả hồn và xác.

Hành động và động tác có mối quan hệ chặt chẽ với nhau: hành động chi phối, điều hành động tác, động tác biểu hiện hành động. Sân khấu là nghệ thuật miêu tả hành động của con người bằng động tác.

Hệ thống hành động sân khấu được coi là hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật diễn xuất, biểu hiện ngữ nghĩa của sân khấu. Hệ thống hành động bao gồm hành động hình thể, hành động ngôn ngữ và hành động tâm lý v.v. của người diễn viên sân khấu. Hành động hình thể gồm những động tác tạo nên từ hình thể người diễn viên. Hành động ngôn ngữ là đối thoại, độc thọai, lời nói riêng. Hành động tâm lý chỉ những trạng thái có thể ngừng lặng về ngôn từ của diễn viên, song cũng là lúc diễn viên hoàn toàn dùng hành động biểu đạt thể hiện trạng thái sóng gió trong nội tâm nhân vật.

Nếu sân khấu là sự phản ánh đời sống bằng hành động sân khấu qua ngôn ngữ – người diễn viên, thì nghệ thuật diễn xuất của diễn viên chính là sự khám phá, nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo nên những hình thức hành động, những động tác cụ thể, tạo nên hệ thống ngôn ngữ biểu đạt, tạo nên ngữ nghĩa cho một tác phẩm sân khấu.

Nghiên cứu vấn đề nghệ thuật diễn xuất của diễn viên chính là nghiên cứu vùng đặc tính nhạy cảm, sống động và đặc trưng của sân khấu, tiền đề quan trọng nhất tạo nên cái độc đáo của nghệ thuật sân khấu.

Tuồng và Chèo – hai thể loại sân khấu truyền thống của cộng đồng dân cư Việt, đã trở thành tinh túy nghệ thuật của kịch hát Việt Nam. Do sự chi phối của đặc trưng lịch sử, xã hội, văn hóa dân tộc, nên giá trị nghệ thuật Tuồng, Chèo là sự biểu hiện đầy đủ và sống động của một “nền văn hóa không gian”(3), khác với nền văn hóa thiên về văn bản như phương Tây.

Nghệ thuật diễn xuất kịch hát Việt Nam mang nét đặc trưng chung của nghệ thuật diễn xuất sân khấu và mang nét đặc trưng kịch chủng riêng của sân khấu kịch hát truyền thống dân tộc.

Người diễn viên kịch hát cũng như kịch nói đều vừa là chủ thể vừa là phương tiện sáng tạo nghệ thuật. Cùng ở vai trò phương tiện biểu đạt, song hình thức biểu đạt của người diễn viên kịch hát truyền thống khác hình thức biểu đạt của người diễn viên kịch nói drame phương Tây.

Hành động là ngôn ngữ của sân khấu, song ở Tuồng, Chèo hành động không diễn ra dưới dạng thường nhật gần với hình thái tự nhiên như ở kịch nói. Hành động sân khấu trong diễn xuất kịch hát truyền thống diễn ra dưới dạng: hát, nói lối, động tác được vũ đạo hóa và múa, được tiết tấu hóa.

Như thế hát, múa, nói lối, động tác được vũ đạo hóa… chính là sự thể hiện hành động. ở đây, chúng không còn là những nghệ thuật tồn tại độc lập, mà nằm trong sự chi phối của hành động. Nếu diễn xuất sân khấu là sự khắc họa hình tượng nghệ thuật thông qua hành động, thì hát, múa, nói lối, vũ đạo… là những hình thức của hành động, là diễn xuất -lối diễn của kịch hát.

Hành động sân khấu trong Tuồng, Chèo truyền thống được thể hiện dưới hình thức hát, múa, nói lối, động tác được vũ đạo hóa, song ở từng vở hoặc từng lớp kịch cụ thể, sự đậm, nhạt của từng yếu tố không bằng nhau. Có vở, có trích đoạn nặng về hát, có vở nặng về động tác cách điệu, hoặc đánh võ, múa.v.v… Tuy nhiên, yếu tố hát thường nổi trội.

Hát trong kịch hát chủ yếu sử dụng bài bản ông cha sáng tạo và phát triển từ vốn dân ca dân tộc. Tính đa dạng trong sắc thái tình cảm và hành động đòi hỏi sự đa dạng hình thức ngôn ngữ thể hiện. Vốn bài bản ca hát trong kịch hát khá phong phú, để đáp ứng đòi hỏi đó của kịch hát. Chèo có hát sử, cấm giá, bình thảo, sa lệch v.v Tuồng có hát khách (khách hồn, độc thoại, tẩu mã), hát nam (nam ai, nam xuân).v.v… Bên cạnh bài bản, còn có các làn điệu. Chèo có làn thảm, sắp chợt, sắp chờ, oán, thán, ngâm, Tuồng có bạch xướng, oán, thán, ngâm.v.v… Nếu bài bản bị qui định chặt chẽ với tính hệ thống hoàn chỉnh, thì làn điệu lại đặc biệt linh động cho diễn viên “bẻ làn, nắn điệu”, trong sự vận dụng lòng bản sáng tạo bài ca mới nhằm thể hiện các trạng thái hành động.

Khi đã là hình thức của hành động, thì hát, múa, nói lối, động tác vũ đạo hóa, phải phục vụ cho hành động kịch tính, dù có trường hợp chúng được dùng để xử lý không gian, thời gian sân khấu, mang tính hành động, theo qui luật nội tại của sân khấu. Tính sân khấu, tính hành động là đặc tính của sân khấu. Với Tuồng, Chèo đặc tính ấy như một qui luật chi phối toàn bộ các hình thức hát, nói lối, động tác, múa.v.v… trong diễn xuất sân khấu.

Là ngôn ngữ của diễn xuất, nếu hành động sân khấu của kịch hát truyền thống được thể hiện ở dạng thái hành động đậm chất ước lệ và cách điệu, thì ở sân khấu kịch nói dạng thái hành động được thể hiện gần với đời sống. Nếu so sánh ngôn ngữ diễn xuất kịch nói với kịch hát truyền thống Việt Nam thì hình thức hành động kịch nói gần dạng thái tự nhiên, chưa đạt đến độ ước lệ, cách điệu và biểu trưng cao như diễn xuất kịch hát truyền thống Tuồng và Chèo.

Đó cũng chính là nét chung và riêng của ngôn ngữ nghệ thuật diễn xuất kịch hát truyền thống Việt Nam và kịch nói.

————————–

Chú thích:

1. Heghen, Mỹ học, Bản dịch Phan Ngọc, Nxb Văn học, 1999, tr.48, T.1.
2. Đình Quang, Nghệ thuật biểu diễn hiện thực tâm lý, Nxb Văn hóa, tái bản 1999, tr.18.
3. Từ dùng của A.Artaurd khi nói về văn hóa phương Đông truyền thống.
4. Lessin, Nghệ thuật kịch Hăm buốc, Nxb Matxcơva, 1936.

Theo ĐỐ HƯƠNG / CAILUONGTHEATRE.VN

Tags: ,