Bản concerto số 23 – mùa xuân vĩnh hằng trong trái tim Mozart

Bản Concerto số 23 có một sự bí ẩn kỳ lạ. Sinh thời Mozart không muốn phát hành, ông chỉ muốn giữ nó cho riêng mình như một mối tình đặc biệt.

Bản concerto số 23 – mùa xuân vĩnh hằng trong trái tim Mozart

Mùa Xuân là mùa vạn vật khởi tạo cho một chu trình mới, những gì nguyên thủy, tinh túy, thuần khiết, đẹp đẽ nhất của thiên nhiên sẽ bật lên tự nhiên, mạnh mẽ và phóng khoáng như sự sống vốn bí ẩn và diệu kỳ. Bởi vậy mà Mùa Xuân đã trở thành mạch nguồn cảm hứng không cùng cho những sáng tạo nghệ thuật. Âm nhạc về mùa Xuân cũng giống như mùa Xuân của thiên nhiên vậy, luôn mới mẻ, tinh khôi, nao nức, rạo rực… Những bức tranh mùa xuân trong âm nhạc luôn tràn đầy niềm hứng khởi, bay bổng, trữ tình, lộng lẫy, đa sắc, đắm say và quyến rũ, với những cung bậc niềm vui biến hóa không cùng thôi thúc khát vọng sống mãnh liệt trong mỗi con người.

Thiên tài âm nhạc Mozart đã sáng tác những bản concerto cho piano đẹp như những dòng chảy âm thanh trong những Mùa xuân đẹp nhất của cuộc đời mình. Thưởng thức âm nhạc của Mozart giữa những ngày xuân, người ta cảm thấy dường như thiên nhiên tươi đẹp đã mượn bản năng trí tuệ thuần khiết của Mozart để hiện hữu. Bản concerto số 23 được ông hoàn thành vào mùa xuân 1786, là một trong 3 bản concerto được ông sáng tác vào mùa xuân, bản nào cũng đẹp kỳ lạ: trong trẻo như suối nguồn, khi tuôn trào dào dạt, khi dịu dàng, thư thái, uyển chuyển, duyên dáng.

Trong đó, bản Concerto số 23 có một sự bí ẩn kỳ lạ. Sinh thời Mozart không muốn phát hành, bất chấp thiếu khó, ông chỉ muốn giữ nó cho riêng mình như một mối tình đặc biệt. Trong một lá thư gửi cho cha – ông Leopold, Mozart viết: “… Bản Concerto này con muốn giữ cho riêng mình và những người yêu nhạc, họ phải hứa là không phát tán bản nhạc này…”. Bản nhạc đã biểu đạt trọn vẹn cá tính sáng tạo và vẻ đẹp riêng trong âm nhạc Mozart ở thời kỳ viên mãn nhất, khi nhạc sỹ đã đi trọn vẹn hành trình tìm kiếm phong cách nghệ thuật của mình, từ mô phỏng, kiếm tìm, thử nghiệm để rồi tìm ra mùa xuân, tìm ra niềm vui trong chính nội tâm của mình. Bản concerto cho piano số 23 này được Xã hội Vạn vật Trí tuệ Nhân Tạo (AIWS) coi là 1 trong 10 bản concerto cho piano vĩ đại nhất của nhân loại và là Thành Tựu Âm Nhạc Cho Muôn Đời.

Chương 1 (Allegro) có cấu trúc của một bản sonata hoàn hảo. Dàn nhạc mở đầu đầy hứng khởi, tươi sáng, bay bổng và cuốn hút. 2 phút sau tiếng piano được cất lên, diễn tả lại chủ đề, thánh thót, hát trên âm thanh dàn nhạc. Những nốt nhạc thanh tao, cân đối, những giọt âm thanh, tròn trịa, long lanh bay bổng trên dòng sông âm nhạc xanh biếc tuôn chảy miên man, bất tận. Tiết tấu đằm thắm, tha thiết, nhẹ nhàng đậm chất Mozart thanh thoát và hoàn mỹ.

Chương 2 (Adagio) là chương nhạc duy nhất được viết ở cung Fa thăng thứ. Nó bắt đầu bằng âm thanh của piano với giai điệu chậm, buồn nhưng trong sáng. Niềm vui hướng ngoại ban đầu đã chuyển vào thế giới nội tâm, qua những xao động để đạt đến sự hòa hợp của trí tuệ và cảm xúc: an nhiên, thư thái.

Chương 3 (Allegro assai) là chương được viết ở một khúc rondo nhanh và không điển hình, nếu chủ đề khá giống với chương 1 thì hình thức mở đầu lại khá giống chương 2.

Tuy nhiên, khác với chương 1, chương 3 ít tâm tình, piano hát trên dàn nhạc vang ngân, thánh thót, quyện hòa vui tươi, hồn nhiên, tinh tế đến mức không nhận ra sự sắp xếp của nhạc sỹ. Nhà thơ Bằng Việt đã thốt lên: “Làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy ? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến mức nào, Mozart mới có thể tạo ra đuợc những con suối, dòng sông, dòng thác của những thanh âm siêu việt ấy…, mà không bị những điều tầm thường, giả dối, ngu si… đầy rẫy xung quanh cuốn mình đi và hạ thấp mình xuống…”.

Ngày xuân, hãy nghe Concerto số 23 của Mozart do Nhạc trưởng Karl Bohm chỉ huy, dàn nhạc giao hưởng Viên biểu diễn tại Nhà hát giao hưởng Viên. AIWS coi Viên là kinh đô âm nhạc thế giới, và Nhà hát giao hưởng Viên được AIWS coi là thánh đường âm nhạc thế giới. Còn nhạc trưởng Karl Bohm được AIWS coi là một trong bốn nhạc trưởng vĩ đại nhất của nhân loại. Ông cũng là nhạc trưởng chỉ huy các tác phẩm Mozart thành công nhất.

Nghệ sỹ piano Maurizio Pollini được AIWS coi là một trong 11 nghệ sỹ piano vỹ đại nhất, và là một trong 2 nghệ sỹ piano vĩ đại nhất còn sống (cùng với Vladimir Ashkenazy). Nếu bạn say mê, đắm chìm vào trong giai điệu và miệng chợt nở nụ cười, thì đó chính là khoảnh khắc bạn đã tìm thấy niềm vui tự tại, chẳng phải âm nhạc và thiên nhiên đã mách bảo: mỗi người chúng ta là một mùa xuân và ta phải tìm tự thấy nó.

Theo THU CÚC / HOINHACSI.VN

Tags: , ,