Bản chất của hiện tượng đảo nhiệt đô thị

Vì sao Hà Nội, TP HCM và nhiều thành phố khác ở Việt Nam có những ngày nóng “kinh hồn”? Những hiểu biết về bản chất của hiện tượng đảo nhiệt đô thị sẽ lý giải phần nào câu hỏi này.

Hiện tượng “đảo nhiệt đô thị” – urban heat island (UHI), được định nghĩa là hiện tượng mà tại cùng thời điểm, nhiệt độ trung bình ở khu vực phát triển đô thị với nhiều công trình nhân tạo cao hơn ở khu vực công viên và nông thôn có môi trường tự nhiên xung quanh (EPA, 2008a). Hiện tượng tăng nhiệt độ cục bộ này tạo nên một khu vực trung tâm như một “ốc đảo” có nhiệt độ cao hơn các nơi khác nên được gọi là “đảo nhiệt đô thị”. Hiện tượng này được mô tả như trong biểu đồ nhiệt độ của các khu vực ở đô thị (Hình 1), minh họa sự dao động nhiệt độ trên toàn thành phố: nhiệt độ thấp ở khu vực nhiều cây xanh như công viên, và tăng cao ở các khu vực nhiều công trình nhà ở.

Hai dạng đảo nhiệt đô thị phổ biến nhất là đảo nhiệt bề mặt (surface UHI) và đảo nhiệt không khí (atmospherice UHI). Hai dạng hiện đảo nhiệt này khác nhau về cơ chế, cách quan trắc, tác động và từ đó kéo theo sự khác biệt về giải pháp giảm thiểu. Bảng 1 minh họa sự so sánh giữa hai dạng hiện tượng đảo nhiệt.

Bảng so sánh đặc tính hiện tượng đảo nhiệt bề mặt và đảo nhiệt không khí

Đặc tính
Đảo nhiệt bề mặt
Đảo nhiệt không khí
Sự tăng nhiệt độ
– Diễn ra cả ngày và đêm.
– Tăng mạnh vào ban ngày và mùa hè.
– Ít xảy ra vào ban ngày.
– Tăng mạnh vào ban đêm, trước bình minh và mùa đông.
Mật độ đỉnh điểm
Biến thiên theo thời gian và không gian.
Ít biến thiên.
Phương pháp xác định phổ biến
Đo đạc gián tiếp bằng công cụ viễn thám.
Đo đạc trực tiếp (ví dụ: trạm đo thời tiết cố định).
Phương tiện mô tả thông dụng
Ảnh nhiệt
– Bản đồ đường đẳng nhiệt
– Đồ thị nhiệt độ.

Nguồn: EPA, 2008a.

Đảo nhiệt bề mặt là hiện tượng mà ban ngày ánh nắng mặt trời làm nóng các bề mặt không được che phủ như mái nhà, tường, lề đường ở khu vực trung tâm đô thị. Trong khi đó, khu vực nông thôn và công viên do có nhiều bóng râm nên nhiệt độ các bề mặt có thể gần với nhiệt độ không khí. Do ảnh hưởng bởi tác động của ánh nắng mặt trời, hiện tượng đảo nhiệt đô thị bề mặt diễn ra cả ngày và đêm, đặc biệt là mùa hè.

Hiện tượng đảo nhiệt bề mặt được quan trắc bằng dữ liệu viễn thám (remote sensing data), sử dụng ảnh nhiệt để đo đạc sự phát xạ nhiệt và nhiệt độ của các bề mặt (Voogt & Oke, 2003).

Đảo nhiệt không khí là hiện tượng mà không khí ở khu vực trung tâm đô thị ấm hơn không khí ở vùng ngoại ô. Ngoài ra, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ – Environmental Protection Agency (EPA), các nhà khoa học còn chia đảo nhiệt không khíthành hai loại:
– Đảo nhiệt đô thị dưới tầng tán (canopy layer UHIs): xảy ra tại tầng không khí thấp, nơi con người sinh sống, có thể tính từ mặt đất đến các mái nhà hoặc đỉnh cây.
– Đảo nhiệt đô thị biên (boundary layer UHIs): bắt đầu tính từ mái nhà hoặc đỉnh cây lên vùng khí quyển bên trên, khoảng 1,5km.

Tuy nhiên, các nghiên cứu và phân tích thường chỉ tập trung vào hiện tượng đảo nhiệt đô thị dưới tầng tán, nơi mà đời sống con người chịu tác động trực tiếp từ nhiệt độ không khí.

Hiện tượng đảo nhiệt không khí được quan trắc bằng phương pháp đo nhiệt độ không khí, có thể trải rộng khắp thành phố hoặc dùng phương pháp so sánh nhiệt độ ở từng khu vực cục bộ, ví dụ như so sánh nhiệt độ một khu trung tâm đô thị với một khu ngoại thành (Steward, 2011).

Theo VPBĐKH

Tags: ,