Bài học từ loài mèo trong các tác phẩm văn chương, triết học

Trái ngược với vẻ ngoài thờ ơ, loài mèo thường mang đến những bài học về tình yêu thương, sự chân thành và cả những triết lý sống.

Bài học từ loài mèo trong các tác phẩm văn chương, triết học

Lối sống của loài mèo thường khác hẳn với những gì chúng ta được dạy. Chúng thờ ơ, ít quan tâm, thích làm theo ý mình và dường như chẳng mấy quan tâm đến quy tắc hay ý chí của những người xung quanh. Nhưng bằng cách đó, chúng có được sự tự do, thanh thản và cả tình yêu thương một cách tự nhiên. Như nhà văn Francesc Miralles từng viết: “Chúng không đòi hỏi tình cảm và vì thế chúng có được tình cảm mà không cần yêu cầu”.

Sẽ ra sao nếu những con mèo có thể nói với chúng ta về cách sống của chúng, như những người thân, người bạn, hay như một triết gia?

Có trách nhiệm và yêu thương ai đó khác mình

Trong tác phẩm Chuyện con mèo dạy hải âu bay của Luis Sepúlveda, chú mèo Zorba đã hứa với một con chim hải âu đang hấp hối: không ăn quả trứng cô vừa sinh ra, chăm sóc cho tới khi nó nở, dạy cho con hải âu bay.

Không chỉ mèo Zorba mà tất cả con mèo trên bến cảng đều đã giữ lời hứa, dẫu có vô số rắc rối khi loài mèo phải chăm sóc, dạy dỗ một con chim non. Không chỉ là một câu chuyện hài hước, vui nhộn về loài mèo, tác phẩm mà còn cho thấy sự nghĩa khí và tình yêu thương vượt qua ranh giới của sự khác biệt.

Loài mèo không chỉ thường xuyên bày ra bộ dáng thờ ơ, chúng còn sẵn sàng phá bỏ những quy tắc hay lý lẽ thông thường miễn là chúng có lý do để làm điều đó. Chính vì chúng luôn tự làm theo ý mình, tình yêu của chúng cũng đến một cách tự nhiên mà không hề tuân theo bất kỳ khuôn mẫu hay lẽ thường nào.

“Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thực sự rất khó, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó”, Zorba nói trong Chuyện con mèo dạy hải âu bay.

Sự gắn kết từ cảm xúc

Trong tác phẩm  hai con mèo ngồi bên cửa sổ, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã xây dựng thành công tình yêu của những loài vật nhỏ bé và tình bạn giữa hai loài khác biệt – Mèo Gấu và chuột Tí Hon.

Mèo Gấu là một con mèo được chuộc về từ cửa hàng bán thịt nhưng đã hai tuần vẫn chưa bắt được con chuột nào mà cả ngày chỉ nhớ đến cô bạn gái mèo đã mất tích và làm thơ. Trong khi đó, chuột Tí Hon là một con chuột sáng dạ, giàu cảm xúc, và vì thế trong một lần bênh vực cho loài mèo mà nó bị giáo sư chuột đánh què một chân.

Cả hai gặp nhau nhưng đó không phải là rượt đuổi giữa hai loài vốn thù địch, mà là câu chuyện về sự đồng điệu trong tâm hồn. Cả hai đều có người mình yêu thương, đều mang lý tưởng chung sống hòa bình và có những sở thích như làm thơ và hội họa. Dưới ngòi bút của Nguyễn Nhật Ánh, tình yêu của loài mèo, loài chuột hay con người không có sự khác biệt nào lớn. Chính sự đa cảm nơi những con vật cũng có thể trở thành bài học cho chúng ta.

“Tình yêu có gì?
Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ
Một con ngồi yên một con đổi chỗ…”

Tự do và bình thản trong tâm trí

Là hiện thân của một thứ tự do và hạnh phúc tự thân, tâm trí của loài mèo dường như luôn là một bí ẩn với chúng ta. Loài mèo từng được xem như những vị thần ở Ai Cập cổ đại, nó cũng bị xem như điềm xấu ở một số khu vực khác. Nhưng dù được gán với hình ảnh gì, tự bản thân loài mèo đã mang trong mình một loại sức mạnh kỳ lạ.

“Mèo không lên kế hoạch cho cuộc đời; mà sống cuộc sống xảy đến với chúng”, GS John Gray kết luận trong tác phẩm Mèo và triết lý nhân sinh. Trong khi đó, ông cho rằng con người luôn tìm cách lên kế hoạch cho cuộc đời mình nhưng chẳng thể nào kiểm soát được những gì sẽ xảy đến. Do vậy, một cách tình cờ, hành trình theo đuổi triết học, đi tìm hạnh phúc và sự thanh thản của con người đến cuối cùng lại dẫn đến lối sống như những chú mèo. Có lẽ đây là lý do chính mà nhiều người trong số chúng ta yêu loài mèo.

Tưởng tượng nếu loài mèo là những triết gia, chúng sẽ cho chúng ta lời khuyên gì? Tất nhiên chúng sẽ chẳng bận tâm đến việc loài người sống như thế nào, nhưng bằng cách nghiên cứu loài mèo, GS John Gray đưa ra nhiều gợi ý. Chẳng hạn, “thà thờ ơ với người khác còn hơn là cảm thấy mình phải yêu họ”, “hãy quên việc theo đuổi hạnh phúc đi rồi bạn sẽ tìm thấy nó”, hay “hãy ngủ đơn giản vì niềm vui khi ngủ”…

Buông bỏ quá khứ và sống cho thực tại

Một trong những cặp nổi tiếng trong cộng đồng những người yêu mèo là James và Bob. James Bowen là một nghệ sĩ từng có thời gian phải cai nghiện và đi hát rong để có tiền sống qua ngày. Vào năm 2007, James gặp được định mệnh thay đổi cuộc đời mình – một con mèo hoang đang bị thương.

James là người đã cưu mang và chăm sóc cho Bob ngay cả khi anh cũng đang chật vật kiếm sống, nhưng trong mắt anh, chính chú mèo Bob mới là ánh sáng trên con đường trở về thực tại của mình.

Cũng như James, Bob là một chú mèo hoang cô độc nhưng với một dáng vẻ thoải mái và “ánh mắt điềm tĩnh, tò mò và thông minh”. Với bản tính đặc trưng của loài mèo, Bob có cách riêng của mình để quan tâm James. Quá trình lang thang cùng Bob không chỉ cho James thấy lại được tình yêu thương, mà còn đã giúp James dần học được cách buông bỏ những tổn thương trong quá khứ và bắt đầu cuộc sống mới.

“Bob là người bạn tốt nhất của tôi và là người đã dẫn tôi đến một lối sống khác, tốt đẹp hơn. Đổi lại, hắn không đòi hỏi điều gì phức tạp hay phi thực tế. Hắn chỉ cần tôi chăm sóc hắn. Và tôi làm điều đó”, James kể lại. Cuốn tự truyện mang tên Bob – Chú mèo đường phố do chính James Bowen viết đã được xuất bản lần đầu năm 2012, nhanh chóng trở thành câu chuyện nổi tiếng về mối quan hệ giữa anh và Bob.

Sự khác biệt không phải là vấn đề

Trong tác phẩm Kafka bên bờ biển, song song với cuộc hành trình của cậu bé Kafka Tamura, một chàng mọt sách 15 tuổi bỏ nhà ra đi, là câu chuyện của Satoru Nakata, một ông già biết nói chuyện với mèo. Trong một lần bị tai nạn từ thủa bé, Nakata trở nên không biết viết, cũng không đọc được. Kể từ đó ông bị mọi người xung quanh coi là đần độn.

Chính trong những cuộc hội thoại giữa Nakata và những con mèo, Haruki Murakami đã khéo léo cho độc giả thấy được sự khác biệt trong cách chúng ta nhìn nhận thế giới so với loài mèo. Loài mèo chưa bao giờ xem thường Nakata. Những điều mà con người xem là một vấn đề lớn, trong mắt loài mèo lại hóa bình thường.

Những cuộc hội thoại của Nakata và loài mèo thường dí dỏm và cũng mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. “Nakata này không thực sự biết thế, nhưng từ dạo bé, người ta cứ không ngừng bảo: mày là thằng đần, mày là thằng đần, nên lão đoán mình đúng là vậy”, ông nói. Có lẽ, sự thân thiện mà loài mèo dành cho Nakata, cách chúng luôn đối xử với ông như một người bình thường cũng gợi cho độc giả nhiều bài học về giáo dục.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN 

Tags: , ,