Anh xem biệt thự của tôi, gỗ quý nào chẳng có

Đáng tiếc ở nước ta thấy cái cây to trên phố nhiều người nghĩ ngay đến giá trị tiền bạc! Rừng, tài nguyên thậm chí cát, sỏi… đều được quy thành tiền cho tiện bề đút túi!

Giai đoạn kinh tế khủng hoảng hơn 10 năm trước giá nhà đất ế, rẻ… bạn tôi có mua lô đất ở một quận khu Đông thành phố tính để xây nhà ở. Thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua, anh ghé đứng nhòm lô đất vài phút, mường tượng về ngôi nhà có cái vườn nhỏ và cây xanh…

Lần ghé cách nay hơn một năm anh thấy lô đất bên cạnh đang xây biệt thự, họ quây hàng rào lô đất của anh làm xưởng gia công đồ mộc và làm nơi ở tạm cho công nhân. Rất nhiều khúc gỗ lớn bé, máy móc dụng cụ làm mộc kê đầy khu đất diện tích hơn 150m2.

Dường như thấy áy náy vì sử dụng lô đất của bạn tôi mà không hỏi ý kiến trước, chủ căn biệt thự chạy ra xởi lởi mời anh vào uống nước, dẫn tham quan căn nhà đang hoàn thiện, giới thiệu dàn đồ gỗ. Những bộ cửa gỗ gõ dày 5 phân, đôi độc bình chạm bằng gỗ Cẩm lai cao quá đầu người đường kính hơn 1 người ôm, bếp giường tủ bàn ghế bằng gỗ Pơ-mu và nhiều mặt hàng khác nguyên liệu gỗ đang thi công… tất cả đều được gia công tại chỗ rồi đem vô lắp ráp.

Hình như muốn lấy le với anh, chủ nhân ngôi biệt thự không quên “hé lộ” địa vị của mình là phó sếp kiểm lâm ở một tỉnh miền Trung. Bạn tôi hỏi: “Anh làm đồ gỗ như cái xưởng gia công tại đây chắc gặp khó khăn thủ tục giấy tờ”… thì được trả lời rằng sếp công an ở đây với anh ta là chỗ quen biết, còn nguồn gỗ của anh ấy muốn hóa đơn tới đâu thì có tới đó. Còn nói sau này bạn tôi xây nhà cần đồ gỗ… cứ bảo!

Kẻ ngoại đạo như bạn tôi khó cân đo đong đếm được nguồn gốc, giá trị, đường đi lối lại, tính hợp pháp… của dàn đồ gỗ trong nhà này. Nhưng anh thừa hiểu một người dân bình thường muốn “đào” ra được những thớt gỗ quý đem khoe cho thiên hạ “lé mắt chơi” không phải chuyện đơn giản.

Hồi ở nước ngoài mới về vì nhớ bạn cũ nên anh siêng đi họp lớp. Một lần gặp mấy ông bạn khoe quen ông này bà nọ được mời tới nhà uống rượu ngâm nhung nai, cao hổ, rồi nhà thì treo ngà voi, sừng hươu…, không kiềm chế được, bạn tôi “phang”: tụi bây đồ “trưởng giả học làm sang” hay ho gì mà khoe!

Là gia đình mấy đời theo Phật nhưng một hôm đi lễ ở ngôi chùa to mới tậu đâu về cái bàn “khủng” bằng gỗ gõ nguyên thớt dài đến hơn chục mét, dày cỡ vài chục phân trưng trong phòng họp, anh “bái bai” ngôi chùa đó luôn.

Bạn tôi thường tâm sự, sức mạnh nội lực của một quốc gia phần nào được phản chiếu qua độ che phủ của mảng xanh các công trình kiến trúc và tính đa dạng sinh học của những khu rừng. Đi du lịch hay công tác đến một nước lạ, khi máy bay sắp hạ cánh anh rất thích quan sát những cánh rừng của địa phương anh đến. Khi xe vào thành phố thì điều anh quan tâm đầu tiên là mật độ cây xanh che phủ thành phố đậm nhạt ra sao.

Một đô thị được phủ bóng cây xanh cho thấy tiềm năng con người và tính nhân văn trong quy hoạch và phát triển. Ở Nhật Bản chạy xe ra khỏi thành phố chưa đầy 10 cây số đã thấy nhà chức trách treo bảng cảnh báo lái xe “đề phòng thú hoang chạy băng ngang đường”. Còn Singapore được mệnh danh là “đô thị trong công viên”, đường xe chạy, người đi… trên đầu luôn phủ dày một màu xanh.

Không phải gỗ độc, mật Gấu, ngà voi, thịt heo rừng… mà thiên nhiên mới chính là người mẹ chở che đời sống con người khỏi thiên tai và nhân tai, bảo đảm cân bằng sinh thái và xã hội phát triển bền vững! Điều đáng tiếc là ở nước ta thấy cái cây to trên phố nhiều người nghĩ ngay đến giá trị tiền bạc nếu đem bán chúng! Rừng, tài nguyên thậm chí cát, sỏi… đều được quy thành tiền cho tiện bề đút túi!

Mỗi năm hàng chục cơn bão, lũ tràn về gây chết chóc hàng trăm nhân mạng, biến cả ngàn nhà cửa, chục ngàn héc-ta mùa màng của nông dân thành bình địa… Một trong những nguyên nhân chính là có một số “lâm tặc có giấy phép” núp bóng dưới mỹ danh “lực lượng kiểm lâm” lại được giao trọng trách bảo vệ rừng. Chỉ một bộ phận nhỏ kiểm lâm tiếp tay cho lâm tặc cũng đủ làm công sức của toàn ngành thành công cốc, tài nguyên đất nước “tiêu tùng”!

Chẳng mấy lâu nữa mùa mưa bão sẽ tới, tài nguyên rừng vẫn từng ngày đang bị đốn hạ, như “máu của những người tử tế đổ xuống”, những “con voi tiếp tục chui qua lỗ kim” mang hàng ngàn khối gỗ khủng nơi rừng xanh về phố hội…

Việc một số tướng cộm cán ngành Công An bảo kê tội phạm trong chính lĩnh vực họ được phân công quản lý đã bị pháp luật “sờ gáy” ít nhiều phục hồi niềm tin trong dư luận xã hội về kỷ cương phép nước. Liệu có những vụ án tương tự trong lĩnh vực bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bắt những con sâu bự lâm tặc thời gian tới hay không? Việc đó còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như hồ sơ chứng cứ, quyết tâm chính trị… Mong lắm thay một thanh bảo kiếm!

Theo TRÚC NGUYỄN / VIETNAMNET 

Tags: ,