Ấn Độ làm gì trước thách thức từ ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc?

Vành đai và Con đường (BRI) đã làm gia tăng các mối lo ngại của Ấn Độ về sự bao vây của Trung Quốc. Những mối lo ngại này đã có từ trước BRI. Chúng nổi lên từ giữa những năm 2000 trong phản ứng trước sự phát triển cơ sở cảng biển của Bắc Kinh trong IOR – điều mà nhiều nhà quan sát gọi là “chiến lược Chuỗi ngọc trai”.

Trích đăng bài viết của tác giả Daniel M. Kliman, chuyên viên nghiên cứu cao cấp của Chương trình An ninh Châu Á-Thái Bình Dương, Trung tâm An ninh Mỹ Mới (CNAS). Daniel M. Kliman nguyên là Cố vấn Cao cấp cho Chương trình Hội nhập Châu Á, Bộ Quốc phòng Mỹ. Manpreet S. Anand là giáo sư danh dự tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông và Nam Á. Manpreet S. Anand nguyên là vụ trưởng phụ trách Nam Á thời chính quyền Obama. Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. Bài viết được đăng trên The Asan Forum.

Khi BRI đã củng cố hơn nữa sự hiện diện của Trung Quốc trong IOR, các mối lo ngại của New Delhi tiếp tục gia tăng. Họ đã lần lượt tăng cường quan hệ với các nước trong IOR và xa hơn nữa, và thúc đẩy một tầm nhìn khu vực, mặc dù những nỗ lực đa dạng này vẫn chưa dẫn dến một chiến lược bao quát đối với BRI.

Quan điểm từ New Delhi

Những nỗi lo sợ của Ấn Độ về sự kìm kẹp chiến lược bằng “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc là quá sớm, nếu không muốn nói là bị thổi phồng. Như quan sát từ New Delhi, các yếu tố của BRI đã gây ra một thách thức tức thì trải rộng trên các khía cạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự.

Điều này thể hiện rõ ràng nhất qua Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) với mục đích hiện đại hóa cơ sở hạ tầng của Pakistan thông qua một loạt dự án vận tải và năng lượng trị giá hơn 60 tỷ USD. Các mối lo ngại của Ấn Độ với CPEC xuất phát từ 2 vấn đề chính. Thứ nhất, các phần của CPEC chạy qua Kashmir, phần lãnh thổ mà cả Pakistan và Ấn Độ đều tuyên bố chủ quyền, điều này có thể làm phức tạp thêm hòa bình và an ninh ở đó. Thứ hai, một trong những dự án chủ đạo của CPEC là phát triển cảng Gwadar. New Delhi vẫn lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ có được một chỗ đứng quân sự thông qua Gwadar, nơi nằm ngay phía Tây Ấn Độ Dương.

Sri Lanka là một trọng tâm khác trong các mối lo ngại của Ấn Độ về BRI. Nằm ở trung tâm Ấn Độ Dương, Sri Lanka nằm ở phía Bắc của các tuyến đường biển mà 2/3 lượng dầu của thế giới và nửa số tàu chuyên chở đi qua. Dưới chế độ Rajapaksa tham nhũng, Sri Lanka đã hoan nghênh các khoản vay với lãi suất tương đối cao từ Trung Quốc tài trợ cho việc xây dựng cảng Hambantota và sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa. Chính phủ có tư tưởng cải cách hiện nay đã phải vật lộn để thoát khỏi gánh nặng nợ nần nặng nề này với Trung Quốc. Gần như không có lựa chọn nào tốt, Colombo đã ký một hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng phía Nam Hambantota trong 99 năm, thực sự biến khoản nợ này thành một sự hoán đổi vốn cho phép Trung Quốc có được một tài sản chiến lược ở trung tâm Ấn Độ Dương.

Khả năng của Bắc Kinh thúc đẩy BRI nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của họ tại IOR thông qua can dự với các quốc đảo nhỏ hơn cũng đã gây ra lo lắng trong giới tinh hoa về chính sách đối ngoại và an ninh của New Delhi. Khi Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế với Maldives – nổi bật nhất là việc xây dựng cây cầu hữu nghị Trung Quốc-Maldives – Hải quân Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLAN) đã bắt đầu tiến hành các chuyến thăm cảng ở thủ phủ Male. Hơn nữa, Trung Quốc đã sử dụng quốc đảo nhỏ Seychelles như là một tiền đồn để tiếp nhiên liệu và tiếp tế cho PLAN.

Ấn Độ sẽ xem xét bất kỳ cuộc xâm nhập nào của Trung Quốc vào khu vực ngoại vi của họ với thái độ hoài nghi. Cùng với nhau, nhiều người ở New Delhi đã coi BRI là một phần của cuộc cạnh tranh “được mất ngang nhau” với Bắc Kinh để tranh giành quyền lực và tầm ảnh hưởng ở châu Á.

Phản ứng đang nổi lên của Ấn Độ

Thông qua một mối quan hệ đối tác chiến lược đang mở rộng với Nhật Bản, các quan hệ song phương và đa phương được tăng cường với các nước trong IOR, và việc vạch ra một tầm nhìn khu vực, Ấn Độ đã bắt đầu phản ứng với BRI. Phản ứng của họ cho đến nay phần lớn là chống đối, như được thể hiện rõ ràng nhất qua việc New Delhi từ chối tham gia Diễn đàn “Vành đai và Con đường” do Trung Quốc tổ chức vào tháng 5/2017. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Ấn Độ với BRI phần lớn vẫn còn nhiều bất cập và mang tính cơ hội hơn là chiến lược.

Một yếu tố chủ chốt trong phản ứng đang nổi lên của Ấn Độ đối với BRI là quan hệ đối tác chiến lược phát triển nhanh với Nhật Bản. Đầu năm 2017, Thủ tướng Ấn Độ Modi và Thủ tướng Nhật Bản Abe đã ký kết hơn một chục hiệp định từ hợp tác an ninh cho đến phát triển cơ sở hạ tầng để hỗ trợ cải cách của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong một hội nghị thượng đỉnh song phương gần đây, 2 vị thủ tướng đã mạnh mẽ khẳng định lại cam kết của 2 nước đối với một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở – một khái niệm vẫn chưa được xác định nhưng có tiềm năng trở thành một phương án thay thế cho BRI. Ấn Độ và Nhật Bản cũng đã phát động một sáng kiến mới để hội nhập tốt hơn nữa các nền kinh tế quanh IOR, được gọi là Hành lang tăng trưởng Á-Phi (AAGC). Nhìn chung, Ấn Độ và Nhật Bản dường như đã liên kết chặt chẽ về BRI, sự phối hợp giữa 2 nước đã vượt xa sự phối hợp giữa Ấn Độ với bất kỳ nước lớn nào khác, kể cả Mỹ.

Một phần do lo ngại về tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc như là hệ quả của BRI, Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ với các nước láng giềng Nam Á của mình. Tháng 6/2015, Ấn Độ đã ký Hiệp định về phương tiện xe gắn máy để tạo điều kiện thuận lợi cho vận tải đường bộ xuyên biên giới với Bangladesh, Bhutan và Nepal. Hơn nữa, Ấn Độ và Bangladesh đã hoàn tất một thỏa thuận ranh giới trên đất liền vào năm 2015, kết thúc nhiều năm tranh chấp lãnh thổ. Cuối cùng, Ấn Độ đã tìm cách quảng bá Sáng kiến Vịnh Bengal cho Hợp tác công nghệ và kinh tế kỹ thuật đa ngành (BIMSTEC), một tập hợp khu vực trong đó Ấn Độ giữ vai trò chi phối do đã loại trừ Pakistan.

Với Sri Lanka, Ấn Độ đã cố gắng sử dụng kết hợp áp lực và khích lệ. Áp lực đã thất bại: Chính phủ Sri Lanka ngập trong nợ nần cuối cùng cũng đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng Hambantota trong 99 năm. Tuy nhiên, New Delhi giờ đây dường như đã sẵn sàng ký kết một thỏa thuận với Colombo để nắm cổ phần lớn của sân bay quốc tế Mattala Rajapaksa gần đó, ngăn Trung Quốc sử dụng chiêu trò tương tự, và hạn chế một cách hiệu quả khả năng Hambantota trở thành một căn cứ tương lai cho PLAN.

Một phần để đối phó với BRI, New Delhi đã tìm cách đưa ra một tầm nhìn cho IOR. Modi đã tuyên bố các nguyên tắc dẫn dắt cho việc Ấn Độ can dự với khu vực này trong năm 2015 qua một số chuyến thăm nước ngoài tới một vài quốc đảo nằm rải rác trên Ấn Độ Dương. Ông cũng công bố một tầm nhìn mới cho vai trò của Ấn Độ trong lĩnh vực hàng hải, với tên gọi An ninh và Tăng trưởng cho các bên trong khu vực (SAGAR). Các nguyên tắc do Modi thúc đẩy bao gồm việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh hàng hải; tăng cường các mối quan hệ an ninh với các đối tác khu vực; mở rộng các cơ hội phát triển kinh tế trong khu vực; và quan trọng nhất là hợp tác với các nước lớn khác có lợi ích trong khu vực Ấn Độ Dương, bao gồm cả Mỹ.

Cuối cùng, khi được hỏi liệu Ấn Độ có tham dự Diễn đàn “Vành đai và Con đường” vào tháng 5/2017 hay không, Chính phủ Ấn Độ đã đưa ra một loạt nguyên tắc để đánh giá những sáng kiến kết nối mà đã tạo nên một sự chỉ trích gián tiếp – nhưng công khai – đối với BRI. Những nguyên tắc này bao gồm “quản trị tốt, sự cai trị của pháp luật, công khai, minh bạch và bình đẳng”, cũng như “trách nhiệm tài chính để tránh các dự án tạo ra gánh nặng nợ nần không bền vững” đồng thời bảo vệ môi trường và chuyển giao kỹ năng tới các cộng đồng địa phương.

Mặc dù New Delhi không đứng yên khi BRI gia tăng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong vành đai Ấn Độ Dương, tập hợp các phản ứng của Ấn Độ hiện nay đã thiếu một chiếu lược chặt chẽ. Việc phác thảo ra một chiến lược táo bạo và dứt khoát đối với BRI trong bối cảnh một tầm nhìn địa kinh tế lớn hơn cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ cho phép Ấn Độ chuyển từ một cách tiếp cận tùy tiện sang một loạt chính sách được liên kết chặt chẽ và chủ động. Cơ hội này hiện nay phục vụ tốt cho ý đồ của Ấn Độ là hợp tác với các nước lớn cùng chung tư tưởng như Mỹ, nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng cùng với các giá trị chung.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: ,