‘Ăn cắp’ thời gian – một dạng tham nhũng trong bộ máy công quyền

“Ăn cắp” giờ công vụ là hành vi tham nhũng. Loại hình tham nhũng này hoàn toàn “tàng hình” và rất dễ thực hiện, không cần có chức vụ, quyền hạn cũng có thể thực hiện được.

‘Ăn cắp’ thời gian – một dạng tham nhũng trong bộ máy công quyền

Bộ máy hành chính Việt Nam xưa nay mang cái danh bất hủ “hành là chính”, bởi thủ tục nhiêu khê, rắc rối, ai không tin cứ thử đến cơ quan công quyền yêu cầu giải quyết một vài thủ tục như công chứng, cấp giấy khai sinh hay phức tạp hơn là cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… sẽ được “thưởng thức” ngay cái nhiêu khê của nó.

Không ít cán bộ đủng đỉnh uống cà phê lúc… 8h sáng!?… trong khi hồ sơ của nhân dân yêu cầu giải quyết chất đống đến mối mọt, bản thân tôi đã được “chiêm nghiệm” cái sự đủng đỉnh đó khi có nhu cầu công chứng giấy tờ, cán bộ tư pháp thích thì làm ngay, không thích thì cứ để đó, buông một câu cấm cãi “sếp bận họp chưa ai ký” đố ai biết được ông sếp đó đang họp trên “bàn tròn” hay dưới “bàn vuông”!?

Đó chỉ là một trong những vô vàn “éo le” mà người dân gặp phải khi yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính, trắng trợn hơn, như cố Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh từng nói “nhiều cán bộ hiện nay như…cá heo, cho ăn mới làm…” (trích bài nói chuyện của Bí Thư Nguyễn Bá Thanh với 4.500 cán bộ Đà Nẵng).

Không còn quá lạ với nhiều “bí kíp” khi cần giải quyết thủ tục hành chính, một người bạn làm kinh doanh thường có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính “rỉ tai” tôi cách “làm nhanh”, quả thật nó như cây đũa thần!

Sự tha hóa của không ít cán bộ, ngày càng “ăn mòn” lòng tin của người dân vào các cơ quan công quyền, bộ phận “sâu mọt” này hàng ngày, hàng giờ gặm nhấm sức dân, phần người dân vì sợ phiền hà rắc rối đã “nhắm mắt” miễn sao được việc mình, phần vì cái gọi là “đạo đức công vụ” đã trở nên quá xa xỉ đối với nhiều cán bộ hiện nay.

Trong khi thủ tục hành chính chằng chéo, vô vàn văn bản hướng dẫn trên trời dưới đất, dân ta lại “yếu” luật, thành thử một bộ phận không nhỏ cán bộ hành chính “có đất” để bày ra đủ loại các chiêu trò.

Đơn cử, số hồ sơ tồn đọng chưa được giải quyết của huyện X là 186 hồ sơ (số liệu được công bố tại cổng thông tin điện tử huyện, tỉnh), tính bình quân 713 quận, huyện, thị xã, thành phố (thuộc tỉnh) trong cả nước (ước lượng) con số đó là hơn 132.000 hồ sơ!

Với 2,8 triệu công chức hiện tại, có thể nhẩm ra ngay (khoảng) 21 công chức tham gia giải quyết 1 hồ sơ! (cả trực tiếp giải quyết và phối hợp giải quyết) vậy câu hỏi đặt ra 21 công chức này đi đâu? làm gì trong 1 năm khi không giải quyết nổi 1 hồ sơ?

Công chức sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về là chuyện đã trở nên…bình thường! theo số liệu Bộ Nội vụ đưa ra con số này là… 30%! Chỉ có 30% tại sao có đến (khoảng) 21 công chức giải quyết 1 hồ sơ không xong? Con số này chắc chắn chưa phản ánh đúng tình hình.

Giờ lao động hành chính là 8 tiếng/ngày, tuy nhiên 7h30 sáng mới thấy rải rác vài công chức vào công sở, không ít người đun nước, pha trà, cà kê dê ngỗng đến trưa, cơ quan nhà nước luôn kín cổng cao tường, chuyện người dân gặp được lãnh đạo khó hơn lên trời. Ai không tin thử đến các trụ sở xã, phường trước 8h sáng, sau 11h trưa và 4h chiều sẽ có câu trả lời.

Theo tính toán, Việt Nam là một trong những nước có năng suất lao động thấp nhất thế giới, đến 2038 năng suất lao động của chúng ta mới bằng Philippin, năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan, Malaysia có năng suất lao động gấp 6,6 lần Việt Nam hiện tại.

Ai chịu?

Không cần nói ai cũng biết trăm dâu đổ đầu… người dân, trong lúc quỹ lương đã và đang khốn đốn, nợ công liên tục tăng chóng mặt, Việt Nam đang “ghánh” 11 triệu người hưởng lương và các khoản phụ cấp từ “chiếc bánh” ngân sách, trong đó có khoảng 2,8 triệu công chức.

Thử làm một phép tính nhẩm sơ bộ, với tình trạng “ăn cắp” giờ hành chính phổ biến như hiện nay, 1 ngày chỉ làm việc khoảng 6 tiếng (giờ hành chính quy định 8 tiếng) sẽ mất đi ¼ thời gian làm việc (2 tiếng), tính trung bình lương 5 triệu đồng/1công chức, nhân với 2,8 triệu người, tính ra nhà nước (tiền thuế của dân) phải trả 140 tỉ/tháng. Con số lớn kinh khủng khi chỉ cần “lãng công” 2h mỗi ngày gây thiệt hại khoảng 35 tỉ mỗi tháng!

Vậy có thể coi “ăn cắp” giờ công vụ là hành vi tham nhũng? Câu trả lờ là hoàn toàn có thể nếu chiếu theo luật phòng chống tham nhũng năm 2005, được liệt vào hành vi “không thi hành công vụ vì vụ lợi”, thoái thác trách nhiệm, nhiệm vụ vì vụ lợi”…

Nguy hại hơn, loại hình tham nhũng này hoàn toàn “tàng hình” và rất dễ thực hiện, không cần có chức vụ, quyền hạn cũng có thể thực hiện được. Khẩu hiệu chống tham nhũng được nêu cao, giương rộng nhưng đang bỏ sót những “tiểu tiết” hàng ngày, hàng giờ đang gặm nhấm một cách kinh khủng, an tàn phá nát nền kinh tế và niềm tin dân chúng.

Đời sống người dân ngày càng khốn khó, thuế, phí liên tục sinh sôi nảy nở, bủa vây mọi ngóc nghách trong đời sống xã hội, bộ máy hành chính cồng kềnh, thiếu hiệu quả. Thực tế cho thấy, vô trách nhiệm hay thiếu hiệu quả chỉ cách tham nhũng bằng một sợi tóc!

Theo TRƯƠNG KHẮC TRÀ

Tags: ,