20 năm qua, tương quan vị thế Mỹ – Trung Quốc đã thay đổi thế nào?

Ông Tập quyết tâm phá bỏ sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ và xây dựng một siêu cường ngang hàng. Trung Quốc mà Biden phải đối mặt không còn là Trung Quốc mà ông từng biết.

Tác giả: Tetsushi Takahashi là trưởng văn phòng Nikkei ở Trung Quốc.

Nguồn: Tetsushi Takahashi, Beijing Diary, Nikkei Asian Review, 11/2020.

Biên dịch: Đỗ Đặng Nhật Huy.

Gần đây tôi bắt gặp một bức ảnh cũ chụp Joe Biden đang bắt tay với chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ, Giang Trạch Dân. Nó được đăng trên trang nhất của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chính xác là vào ngày 9/8/2001. Tất nhiên, cả hai người đều trông trẻ hơn bây giờ nhiều.

Biden, hiện là tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, mới 58 tuổi khi ông đến thăm Trung Quốc trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và gặp ông Giang tại khu nghỉ mát ven biển Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc.

Giang, khi ấy 74 tuổi, nói người Trung Quốc luôn có tình cảm thân thiện với người Mỹ, theo bản tin về cuộc gặp. Dĩ nhiên bản tin nói Biden đã trả lời rằng Hoa Kỳ muốn Trung Quốc phát triển lớn mạnh, vì điều này có lợi cho cả hai nước.

Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ có sức mạnh vượt trội với vị thế siêu cường duy nhất trên thế giới sau khi giành phần thắng trong Chiến tranh Lạnh. Biden hẳn vẫn chưa coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh. Tất nhiên, ông không thể biết rằng chỉ một tháng sau đó, các cuộc tấn công ngày 11/9 sẽ làm lung lay quyền lực tối cao của nước Mỹ.

Gần 20 năm trôi qua, Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã tìm cách chặn đà tiến của Trung Quốc bằng cách tiến hành một cuộc chiến thương mại. Biden, người sắp trở thành tổng thống Mỹ cao tuổi nhất, nhậm chức ở tuổi 78, chắc chắn đã có quan điểm khác về Trung Quốc và chế độ độc đảng của nước này.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 67 tuổi, đã đến thăm tỉnh Giang Tô vào thứ Năm và thứ Sáu tuần trước (12-13/11/2020). Ông ghé qua Dương Châu, nơi được biết đến với con kênh đào Đại Vận Hà xây dựng từ thế kỷ thứ bảy.

“Đại Vận Hà đã mang lại lợi ích to lớn cho thành phố và người dân trong suốt hàng nghìn năm qua”, ông Tập nói, nhấn mạnh lịch sử lâu đời của Trung Quốc là một nguồn sức mạnh cho nước này. Rõ ràng ông muốn tiến hành một cuộc đấu tranh chống lại Hoa Kỳ, một quốc gia chỉ mới được thành lập cách đây chưa đầy 250 năm, dưới lá cờ “cuộc tái thiết vĩ đại của nhân dân Trung Hoa.”

Dương Châu cũng là quê hương của ông Giang, người dù đã 94 tuổi vẫn được coi là một nhân vật có ảnh hưởng. Trong bối cảnh ông Tập muốn củng cố quyền lực cho đến tận những năm 2030, chuyến thăm quê nhà của ông Giang có ý nghĩa chính trị lớn.

Mối liên hệ của Tập với Giang khiến người ta nhớ tới Bệnh viện Đa khoa Quân đội, hay Bệnh viện 301 ở phía tây Bắc Kinh. Trên mái tòa nhà là một tấm biển đề tên bệnh viện bằng nét chữ của ông Giang. Đặng Tiểu Bình, người chủ trì “cải cách và khai phóng” của Trung Quốc, qua đời ở bệnh viện này vào năm 1997, để lại cho ông Giang tiếp tục thực hiện chính sách này.

Nhưng nếu đi bộ trong sân bệnh viện, giờ đây người ta lại thấy một bức chân dung của ông Tập và một tấm biển lớn đề khẩu hiệu, “Hãy làm theo mệnh lệnh của đảng, giành chiến thắng và đạt thành tích tốt.”

Ông Tập quyết tâm phá bỏ sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Mỹ và xây dựng một siêu cường ngang hàng. Trung Quốc mà Biden sắp phải đối mặt không còn là Trung Quốc mà ông từng biết.

Theo NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ 

Tags: , , ,