Xung đột Ukraina là diễn biến cuối cùng trong ‘sự tan rã kéo dài’ của Liên Xô

Khi xung đột bùng nổ giữa Ukraina và Nga – hai quốc gia từng là 2 nước cộng hòa anh em trong Liên bang Xô viết, giới nghiên cứu nhìn lại quá trình tan rã của Liên Xô trước đây và mối liên hệ của nó với diễn biến địa chính trị hiện nay ở Ukraina.

Tác giả: Tiến sĩ lịch sử Andrey Kortunov – Tổng giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế Nga (RIAC).

Ba mươi năm trước, khi Liên Xô giải thể, nhiều nhà quan sát bày tỏ ngạc nhiên trước bản chất tương đối hòa bình của quá trình tan rã nhà nước khổng lồ này. Trước đó, sự tan rã của các đế chế châu Âu (như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha) đều đi kèm với các xung đột vũ trang quy mô lớn, một số vụ còn kéo dài vài thập kỷ và gắn liền với việc hàng trăm ngàn, thậm chí hàng triệu người, trở thành nạn nhân. Không gian hậu Xô viết tất nhiên cũng có chứng kiến bạo lực quân sự và xung đột vũ trang trong thập niên 1990 (như ở Tajikistan, Nagorno-Karabakh, Abkhazia, Nam Ossetia, Transnistria, Chechnya và Dagestan) nhưng hầu hết đều có quy mô tương đối nhỏ và thời gian tương đối ngắn.

Xung đột quân sự bên trong lãnh thổ Liên Xô thường được “đóng băng” hiệu quả. Những lời tiên đoán về sự phổ biến vũ khí hạt nhân, hàng triệu người tị nạn đổ sang các nước láng giềng, thanh lọc sắc tộc diện rộng và sự gia tăng không thể ngừng của chủ nghĩa tôn giáo cực đoan, chủ nghĩa khủng bố quốc tế v.v. đã không thực sự trở thành hiện thực ngay sau khi Liên Xô tan rã.

Phải thừa nhận rằng giai đoạn đầu sau khi Liên Xô sụp đổ là rất hòa bình, thậm chí có trật tự, nhất là khi chúng ta tính đến việc không ai vạch ra từ trước kế hoạch dự phòng cho tình huống Liên Xô giải thể.

Giới phân tích đưa ra nhiều giải thích khác nhau cho đặc điểm đáng lưu ý này. Đặc biệt, họ đề cập các cựu lãnh đạo của Liên Xô đã nghiêng về cơ hội làm giàu bản thân hơn nỗ lực bảo tồn nhà nước Xô viết. Cần phải lưu ý rằng Liên Xô là một thực thể rất đặc biệt mà tại đó, khu vực trung tâm (tức Nga) không khai thác nhiều về mặt kinh tế đối với vùng ngoại vi, vì vùng lõi đã chấp nhận trợ cấp cho vùng ngoại vi, dù khi làm vậy sẽ phải hy sinh các dự án phát triển của riêng mình.

Liên Xô tan rã dần dần

Dưới đây là một cách giải thích khác – giả thuyết này không nhất thiết phải mâu thuẫn với các phương án ở trên: Liên Xô đã không thực sự sụp đổ vào cuối năm 1991 mà chỉ bước vào một quá trình tan rã dần, một quá trình dài lâu, phức tạp và đầy mâu thuẫn.

30 năm trước, lãnh đạo của các nước cộng hòa thành viên Liên Xô chỉ tuyên bố tạo ra các nhà nước độc lập trên cơ sở sự sụt lún dần dần của các thiết chế xã hội, kinh tế và chính trị của Liên Xô. Nhưng quá trình xây dựng các nhà nước mới thì lại kéo dài vài thập kỷ và vẫn tiếp diễn cho đến ngày hôm nay.

Trong một thời gian dài, phần chính của không gian hậu Xô viết (ngoại trừ 3 nước Baltic) vẫn cơ bản là một thực thể đơn nhất xét về quan hệ kinh tế, cơ sở hạ tầng vận tải và hậu cần, tiêu chuẩn giáo dục, khoa học, văn hóa, và quan trọng nhất là nếp suy nghĩ của giới chính trị và kinh doanh nắm quyền. Phải mất ít nhất một thế hệ nữa thì “thực thể” này mới bắt đầu chìm vào quá khứ. Do vậy, sự sụp đổ thực sự của Liên Xô vẫn đang diễn ra ngày hôm nay, theo nghĩa đen ngay trước mắt chúng ta, và các nước mới xuất hiện trong không gian hậu Xô viết vẫn chưa trải qua tất cả các thách thức, rủi ro và đau đớn của quá trình tan rã kéo dài này.

Bản chất mang tính bề nổi của quá trình tan rã Liên Xô vào cuối năm 1991 đặc biệt rõ khi so sánh nó với các sự kiện khá tương đồng trong lịch sử hiện đại, như việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Gần 4 năm trôi qua từ cuộc trưng cầu dân ý về Brexit vào tháng 6/2016 đến khi chính thức chấm dứt tư cách thành viên của Anh tại Liên minh châu Âu vào ngày 1/2/2020. Các năm này tràn ngập các cuộc thương lượng sâu, các tranh chấp chính trị cả ở London và Brussels, các cuộc tham vấn không ngừng với các chuyên gia, cũng như việc tìm kiếm đầy khó khăn các thỏa hiệp về điều khoản hợp tác giữa Anh và EU. Trong 4 năm này, người ta đã phải chuẩn bị nhiều tài liệu chi tiết và nhất trí về điều hòa các quyền và nghĩa vụ của London và Brussels đối với nhau. Hơn nữa, việc làm rõ các quyền và nghĩa vụ này vẫn tiếp tục cho tới ngày nay.

Hiệp định Belovezh – tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô và việc thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG), đã được soạn thảo, nhất trí và ký kết trong vài ngày. Văn bản 14 mục này chỉ dài vỏn vẹn 2 trang. Trên thực tế, Hiệp định Belovezh chỉ thông qua tuyên bố chung nhất. Đây là bản ghi nhớ vắn tắt và rất mơ hồ, mỗi bên tham gia đều có thể giải thích theo ý riêng của mình. Tức là tương phản với rất nhiều thủ tục và thời gian cần thiết để đạt được một thỏa thuận Brexit.

Ngoài ra còn một khác biệt nữa. Brexit chỉ là sự rút lui của một nước khỏi một dự án tích hợp đa phương. Còn trong trường hợp Hiệp định Belovezh, nhiệm vụ là phá hủy một cách có trật tự đối với một nhà nước đơn nhất có lịch sử chung sống của nhiều nhóm dân tộc, tộc người và tôn giáo, có từ vài thế kỷ trước.

Ba thập kỷ trước, người ta không cho rằng tất cả các dự án dân tộc của các nước cộng hòa thành viên trong Liên Xô đều nhất thiết thành công. Họ hình thành các nghi ngờ có cơ sở về khả năng đứng vững về mặt chính trị và kinh tế, cũng như tính hiệu quả của nhiều nước trong số đó.

Tại Moskva, trong một thời gian dài, tâm lý chung vẫn là khá cao ngạo. Họ thầm nghĩ: “Bọn họ sẽ chẳng đi đâu đâu, sớm muộn gì họ sẽ quay trở lại với chúng ta”. Người ta có thể đã nghĩ về kịch bản các quốc gia hậu Xô viết dưới sự lãnh đạo của Nga sẽ hình thành một dạng hội nhập khả thi theo kiểu mô hình EU hoặc ít nhất là Cộng đồng Kinh tế châu Âu có trước cả EU.

Cơ cấu tích hợp mới

Không phải ngẫu nhiên mà trong các tài liệu chính sách đối ngoại chính thức của Nga, quan hệ với các đối tác nước ngoài ở cận kề đã nhất quán chiếm vị trí đầu tiên trong danh sách ưu tiên theo địa lý của điện Kremlin, bất chấp thực tế đường lối đối ngoại thực sự của Nga kể từ năm 1991 đã dồn sự chú ý sang hướng Tây. Trong một thời gian dài, Kremlin đã xem các cơ chế của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) không phải là công cụ “ly hôn văn minh” với các nước láng giềng của Nga thời kỳ hậu Xô viết, mà là phương tiện đầu tiên cho cơ cấu tích hợp mới.

Việc củng cố không gian hậu Xô viết được Nga coi là điều kiện tuyệt đối cần thiết để nước này lấy lại vị thế đại cường, cũng như bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững của quốc gia này.

Tuy nhiên, 30 năm kể từ đó, mục tiêu này vẫn chưa đạt được. Có nhiều lý do dẫn đến sự thất bại này. Một là kết cấu đa dạng và khác biệt của SNG, thiên về phân tán ra ngoài hơn là hội tụ với nhau về kinh tế, chính trị và văn hóa. Hai là quan điểm của phương Tây, luôn nghi ngờ bất cứ khả năng nào tái tạo lại Liên Xô dưới hình thức này hay hình thức khác.

Ngoài ra, còn có một sự bất đối xứng thấy rõ về tiềm năng kinh tế và chính trị giữa Nga và các nước láng giềng – điều này phức tạp hóa nỗ lực tìm kiếm sự cân bằng đa phương ổn định về lợi ích được tất cả các bên chấp nhận. Tất nhiên cũng phải tính đến cả hội chứng “Anh Cả” có thể ít nhiều xuất hiện trong các chính sách của Nga, khiến Moskva không sẵn lòng tính đến đầy đủ các lợi ích cụ thể của các giới lãnh đạo tại các quốc gia mới tách ra khỏi Liên Xô.

Mô hình Nga chưa thực sự thuyết phục?

Việc Nga chưa thành công trong củng cố không gian hậu Xô viết xung quanh Nga xuất phát từ không chỉ các nhân tố nêu trên. Vấn đề cơ bản cho quá trình hội nhập “Á-Âu” hậu Xô viết là trong 30 năm tồn tại độc lập vừa qua, Nga chưa tìm được mô hình phát triển xã hội và kinh tế hiệu quả có thể được xem là mô hình làm gương cho các nước láng giềng.

Từ giữa thập kỷ thứ nhất của thế kỷ 21, điện Kremlin đã bắt đầu ưu tiên các nhiệm vụ duy trì ổn định xã hội và chính trị ở mức cao hơn so với nhiệm vụ hiện đại hóa xã hội và kinh tế.

Dường như việc Nga bảo tồn các hệ thống kinh tế và xã hội cũ là lý do chính giải thích vì sao trong thời kỳ hậu Xô viết, vai trò của Nga đối với các nước trong SNG không giống như vai trò của Đức đối với Cộng đồng Kinh tế châu Âu trong thập niên 1960 và 1970.

Cụ thể, vai trò động lực kinh tế chính của Á-Âu nằm bên ngoài sức mạnh của Nga. Hơn nữa, Nga phải cạnh tranh về ảnh hưởng trong không gian Á-Âu với các đối thủ đầy tham vọng và tràn trề sức lực như EU ở phía Tây, Trung Quốc ở phía Đông, và Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Nam. Trong cuộc cạnh tranh này, Moskva dần đuối sức, từ đó góp phần làm gia tăng tâm lý bị cô lập và bất an.

Moskva đã sử dụng các công cụ gì để thúc đẩy ảnh hưởng của mình trong lãnh thổ của Liên Xô cũ trong 3 thập kỷ qua? Công cụ đầu tiên đó là Nga tự định vị mình là người đảm bảo chủ chốt (hoặc có thể là duy nhất) cho an ninh quốc gia của các nước hậu Xô viết. Nga luôn có thái độ dị ứng đối với các nỗ lực của các nước, các tổ chức bên ngoài muốn mở rộng ảnh hưởng quân sự và chính trị trong vùng lãnh thổ này, bao gồm cả các đề xuất gửi lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tới khu vực xảy ra một cuộc xung đột cụ thể nào đó. Ban lãnh đạo Nga rõ ràng không thích bất cứ phương án bảo đảm an ninh khác ở “sân sau” của mình.

Các tranh chấp lãnh thổ nan giải và tính năng động giảm dần

Thứ nhất, trong một thời gian dài, không một nhân tố nước ngoài nào có các yêu sách an ninh căn bản đối với đường phía Nam của biên giới Liên Xô cũ, nhưng ý đồ của Nga về duy trì ảnh hưởng quân sự và chính trị ở phía Tây và Tây Nam không gian hậu Xô viết được cảm nhận rõ ràng hơn từ ít nhất là giữa thập niên 1990. Ngoài ra, trong 30 năm qua, Nga còn tích lũy một số lượng lớn vấn đề liên quan tới các lãnh thổ không được công nhận một phần hoặc hoàn toàn (như Abkhazia và Nam Ossetia, “các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk”, Transnistria, và Nagorno-Karabakh). Các vấn đề này đều ít nhất biến thành trở lực đối với Nga, cả về khía cạnh tương tác với láng giềng lẫn khía cạnh hợp tác với phương Tây.

Thứ hai, Nga có thể trợ giá giúp các nước láng giềng khi nhập khẩu dầu khí và các mặt hàng khác của Nga. Cơ chế này vận hành tương đối tốt trong bối cảnh thế giới đang tiếp tục thiếu năng lượng, nguyên liệu thô và giá các mặt hàng Nga xuất khẩu thì lại đang đồng thời tăng không ngừng. Chúng ta đừng quên rằng trong những năm đầu tiên sau khi Liên Xô sụp đổ, nền kinh tế hầu hết các nước thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập (SNG) vẫn mang tính chất Xô Viết, và do vậy vẫn tiêu thụ nhiều năng lượng và nguyên liệu – đây là nhân tố quyết định việc các nước đó phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng và nguyên liệu giá rẻ từ Nga.

Tuy nhiên, ở thập kỷ thứ 2 của thế kỷ 21, “thị trường người sản xuất” được thay thế bởi “thị trường người tiêu dùng”, và điều này làm giảm dần tầm quan trọng của khuyến mại năng lượng từ Nga đối với các nước láng giềng. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở hầu hết các nước SNG, tuy chậm chạp nhưng không tránh khỏi, cũng đóng góp vào quá trình biến đổi này. Xu hướng chuyển sang dùng năng lượng “sạch” đã bắt đầu trên khắp thế giới.

Thứ ba, Moskva tìm cách thu hút các nước láng giềng bằng cách tạo ra điều kiện ưa đãi cho họ tiếp cận thị trường hàng hóa và dịch vụ ở Nga cũng như thị trường lao động của nước này, dưới hình thức xuất khẩu lao động từ các nước SNG sang. Những ưu đãi đó có tầm quan trọng đáng kể trong bối cảnh kinh tế Nga tăng trưởng nhanh trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 còn hầu hết các nước SNG chưa sẵn lòng hoặc chưa sẵn sàng tích cực khai thác thị trường tiêu dùng và lao động ở các nước xa xôi.

Nhưng các cơ hội như trên cho nước Nga không kéo dài mãi. Kể từ khi bắt đầu thập kỷ thứ 2 của thế kỷ này, kinh tế Nga đã và đang đánh mất sự năng động trước đây, ngày càng tụt lại phía sau mức tăng trưởng chung của thế giới.

Về phần mình, các nước SNG đang ngày càng đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế đối ngoại, mở rộng hợp tác với EU, Trung Quốc, Nam Á, và Trung Đông. Xu hướng này được thúc đẩy một phần là vì các biện pháp kinh tế hạn chế mà Nga liên tục áp dụng lên các nước Gruzia, Ukraina, Moldova, và thậm chí cả Belarus. Khi ấy, các nước buộc phải tích cực chủ động phát triển các thị trường xuất khẩu thay thế. Một nhân tố nữa làm chậm hợp tác kinh tế trong không gian hậu Xô Viết sau năm 2014 là việc các đối tác của Nga lưỡng lự do lo ngại hứng chịu loạt trừng phạt thứ 2 của phương Tây.

Thứ tư, Nga đã từ lâu tuyên bố mình là “đại diện cho lợi ích” các quốc gia SNG trong các tổ chức quốc tế từ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho đến G8 và G20. Nhưng nhiệm vụ này ngày càng khó đạt được theo thời gian – lợi ích của Nga và các nước láng giềng gần nhất ngày càng phân ly mỗi lúc một rõ ràng hơn, việc bỏ phiếu nhất trí trong các diễn đàn quốc tế ngày càng khó đạt hơn, xung đột lợi ích ở nhiều diễn đàn đa phương trở nên càng lúc càng phổ biến. Ngay cả trong các định dạng rộng rãi như Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), quan điểm của Nga và các nước SNG cũng hay cách xa nhau đáng kể.

Bộ các công cụ mà Nga dùng để tương tác với các nước ở gần nói trên không dừng lại ở 4 phương tiện đã nêu. Còn có các cơ hội xuất khẩu giáo dục với hạn ngạch phân bổ ngân sách cho sinh viên các nước SNG, các chương trình quảng bá văn hóa và ngôn ngữ Nga, các chuỗi công nghệ song phương và đa phương .v.v. Nhưng các công cụ đó có mức độ hiệu quả không cao, đặc biệt là khi xuất hiện các đối tác thay thế từ Trung Quốc cho tới EU và khi Nga hứng chịu thêm nhiều lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây kể từ năm 2014.

Bên cạnh đó, các nỗ lực định hình bản sắc dân tộc mới ở các nước từng là cộng hòa thành viên Liên Xô lại dựa chủ yếu vào việc tối đa hóa khoảng cách với Nga, từ lịch sử, văn hóa cho đến ngôn ngữ. Tất yếu Nga rơi vào thế bị làm vật so sánh về khác biệt sắc tộc và văn hóa cho các nước ở vùng ngoại vi của đế chế Nga năm xưa trong quá trình các nước này xây dựng quốc gia của riêng mình. Do vậy, sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tộc bài Nga ở nhiều nước SNG, việc xây dựng các “lịch sử dân tộc” thay thế, và việc hình thành các câu chuyên chính trị dân tộc-tộc người, việc xét lại quá trình chung sống trong nhà nước Liên Xô đa dân tộc… là những điều khó tránh được.

Cách tiếp cận đã thay đổi đối với không gian hậu Xô viết

Hiện tại, rất khó xây dựng một bức tranh tổng thể và có sức thuyết phục về cách mà Nga tiếp cận với các nước láng giềng cận kề họ nhất. Có lẽ phải chờ đến một ngày nào đó các dữ liệu lưu trữ (mà hiện nay chưa được giải mật) sẽ cho phép phân tích toàn diện các thảo luận nóng hổi về các chủ đề như giới thân cận của ông Yeltsin và ông Putin.

Tuy nhiên, cuộc chiến ở Gruzia vào tháng 8/2008 và đặc biệt là sự công nhận sau đó của Nga đối với nền độc lập của các vùng ly khai Abkhazia và Nam Ossetia có thể được xem là kết quả của một sự chuyển đổi đáng kể trong chiến lược ban đầu của điện Kremlin đối với các đối tác của mình trong không gian hậu Xô viết.

Sau cùng, từ tận năm 2008, đã rất rõ là việc Nga công nhận 2 vùng ly khai của Gruzia tạo ra một vấn đề cơ bản dài hạn trong quan hệ giữa Moskva và Tbilisi, bởi lẽ không chính phủ Gruzia nào sẽ chịu chấp nhận việc để mất tới 1/5 lãnh thổ. Nếu thiếu sự tham gia của Gruzia, các nỗ lực tái hội nhập vùng Nam Kavkaz một cách toàn diện về kinh tế và chính trị dưới sự lãnh đạo của Nga sẽ trở nên bất khả thi kể cả trên phương diện lý thuyết.

Nhưng dĩ nhiên, một chỉ dấu rõ ràng hơn về việc xét lại thái độ trước đây là cách ứng xử của Kremlin trong cuộc khủng hoảng Ukraina năm 2014 – rất khác với phản ứng của Nga trước cuộc “Cách mạng Cam” ở Kiev một thập kỷ trước đó. Chiến dịch nhanh chóng ở Ukraina, sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho các nước cộng hòa tự xưng ở Donetsk và Lugansk (miền Đông Ukraina), và các lời lẽ gay gắt chính thức nhằm vào ban lãnh đạo mới của Ukraina – tất cả đều chứng tỏ Kremlin đã sẵn sàng chấp nhập tình trạng thù địch dài lâu của Ukraina đối với Nga như một tất yếu lịch sử. Theo đó, các sự kiện năm 2014 đã chấm dứt bất cứ kế hoạch tái tích hợp toàn diện nào đối với không gian hậu Xô viết quanh Nga.

Từ giờ trở đi, quá trình Nga chuyển đổi quan hệ với các nước hậu Xô Viết theo hướng tự lập trở nên đặc biệt dễ nhận thấy, bao gồm việc Nga giảm dần trợ cấp kinh tế trực tiếp hoặc gián tiếp cho các nước láng giềng của mình, bảo vệ một cách cứng rắn các lợi ích trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, tích cực cạnh tranh với các nước láng giềng tại các thị trường của các nước thứ 3.v.v.

Tất nhiên các dự án kinh tế đa phương tiếp diễn. Năm 2015, Liên ninh Kinh tế Á-Âu (EAEU) bắt đầu hoạt động. Tuy nhiên, tầm quan trọng của EAEU đối với Nga vẫn rất hạn chế. Các nước thành viên trong tổ chức này chiếm chưa tới 10% tổng ngoại thương của nước Nga (trong khi đó, EU chiếm tới gần 60% ngoại thương nước Đức).

Mặc dù EAEU vẫn là một cơ chế quan trọng thúc đẩy lợi ích kinh tế của Nga, phong trào hướng tới một không gian kinh tế đơn nhất bằng cấu trúc này là rất chậm chạp (nhất là khi so sánh với quá trình hội nhập ở các khu vực khác trên thế giới). Hiện các nỗ lực của Nga nhằm mang lại cho EAEU một chiều sâu chính trị đã không nhận được sự ủng hộ thấy rõ từ các nước thành viên và chưa mang lại kết quả cụ thể nào.

Việc Nga mở một “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraina rõ ràng là một ngoại lệ đối với xu hướng tiến tới cách tiếp cận hợp lý và thực dụng hơn đối với không gian hậu Xô viết. Dường như trong mắt giới lãnh đạo Kremlin, một Ukraina hướng về phương Tây và hợp tác chặt chẽ với NATO tạo ra một thách thức đáng sợ đối với không chỉ các lợi ích an ninh của Nga mà còn cả sự tồn tại của chính Nga. Lựa chọn phương án này có những sự mạo hiểm nhất định, khiến nhiều người cho rằng đây chính là hành động cuối cùng trong chuỗi 30 năm trời Nga cố gắng gìn giữ di sản từ thời Liên Xô.

Kết quả chính thống của chính sách đối ngoại Nga trong 30 năm qua là đất nước này đã có thể trở thành một cường quốc toàn cầu rất năng động nhưng lại chưa trở thành một lãnh tụ khu vực. Hơn nữa, chủ nghĩa toàn cầu của Nga trong những năm gần đây có thể xem là một dạng bù trừ chính trị cho nhiều thất bại của Moskva trong việc xây dựng các mối quan hệ tích cực và ổn định với nhiều nước láng giềng cận kề. Sớm muộn, việc xây dựng các mối quan hệ đó kiểu gì cũng trở lại thành ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Moskva. Nhưng bây giờ sẽ khó hơn cả hồi năm 1991. Không xử lý được vấn đề quan trọng này, bất cứ thành công nào trong các lĩnh vực đối ngoại khác của Nga đều bị giảm giá trị.

Theo VOV / RIAC, RT

Tags: , , , , ,