Xung đột Ukraina khoét sâu vào sự ‘phân hóa’ quan hệ Trung Quốc – EU

Xu hướng phân hóa giữa EU và Trung Quốc là kết quả của một quá trình thay đổi phức tạp: Sự thay đổi theo bối cảnh và chuyển dịch mô hình hợp tác kinh tế Trung Quốc – châu Âu.

Xung đột Ukraina khoét sâu và sự ‘phân hóa’ quan hệ Trung Quốc – EU

Ông Sun Chenghao, học giả tại Trung tâm Chiến lược và An ninh Quốc tế, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) bình luận trên trang web của Câu lạc bộ Valdai (Nga) ngày 2/6/2022 rằng, kể từ khi thiết lập quan hệ vào năm 1975, hợp tác Trung Quốc – EU đã phát triển sâu rộng, mở rộng từ thương mại và kinh tế đến công nghệ, quản trị toàn cầu, giáo dục, v.v. Thực tế đó đã được phản ánh tương ứng qua các giai đoạn: Năm 1998, Trung Quốc và EU thiết lập quan hệ đối tác lâu dài, ổn định và mang tính xây dựng hướng tới thế kỷ 21, tiếp theo là quan hệ đối tác toàn diện vào năm 2001 và sau đó là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2003.

Theo ông Chenghao, việc công bố Chương trình Nghị sự Hợp tác Chiến lược Trung Quốc-EU 2020 vào năm 2013 cũng thể hiện sự phát triển giữa hai bên. Năm 2014, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi hai bên xây dựng quan hệ đối tác vì hòa bình, tăng trưởng, cải cách và văn minh, theo đó công nhận tăng trưởng và phát triển là động lực của quan hệ nhưng cũng bổ sung xu hướng văn minh và toàn cầu trong quan hệ Trung Quốc-EU.

Trong suốt những thập kỷ qua, quan hệ kinh tế và thương mại vẫn là trụ cột quan trọng nhất của quan hệ Trung Quốc-EU. Mặc dù vẫn tồn tại những bất đồng, nhưng mối liên kết kinh tế và thương mại vẫn tiếp tục là cơ sở và động lực cho quan hệ song phương. So với năm 1975, khi kim ngạch thương mại hai chiều chỉ đạt 2,4 tỷ USD, thì ngày nay đã là một con số hoàn toàn khác.

Về khối lượng, thương mại giữa Trung Quốc và EU đạt mức cao kỷ lục 800 tỷ USD vào năm 2021, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của EU và EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Trung Quốc. Cơ cấu thương mại song phương tiếp tục được cải thiện, với thương mại hàng không vũ trụ, sinh học, quang điện tử, điện tử và vật liệu tăng hơn 30%.

Theo một cuộc khảo sát năm 2021 của Phòng Thương mại EU tại Trung Quốc, 60% số công ty được khảo sát có kế hoạch mở rộng hoạt động tại Trung Quốc và gần một nửa số công ty được khảo sát có lợi nhuận ở Trung Quốc cao hơn mức trung bình toàn cầu. Việc ký kết Hiệp định Toàn diện về Đầu tư (CAI) phản ánh tiềm năng to lớn cho hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU.

Tuy nhiên, song song với sự nổi bật của hợp tác kinh tế và thương mại trong tổng thể quan hệ Trung Quốc-EU, sự khác biệt về chính trị giữa hai bên cũng ngày càng tăng. Trong nhiều năm qua, hai bên đã có những bất đồng sâu sắc về các vấn đề liên quan đến Tân Cương và Hồng Kông, đi kèm với đó là những lời chỉ trích của EU về mô hình quản trị của Trung Quốc ngày càng gay gắt hơn. Tuy nhiên, việc đề ra chiến lược về Trung Quốc của EU vào năm 2019, trong đó coi Trung Quốc là “đối thủ mang tính hệ thống” đã khiến Trung Quốc ngạc nhiên.

Đại dịch COVID-19 càng khẳng định xu hướng này. Đối với người châu Âu, sự bùng nổ của đại dịch COVID-19 dường như xác nhận sự nghi ngờ của họ đối với Trung Quốc và coi viện trợ y tế của Trung Quốc “ngoại giao khẩu trang” nhằm làm suy yếu quyền lực mềm của chính họ.

Năm 2021 chứng kiến những bước thụt lùi bất thường trong quan hệ song phương giữa EU và Trung Quốc. Việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào nhau vào đầu năm 2021 không chỉ khiến CAI, một văn bản mà cả hai bên đều muốn và cần, tạm bị đình chỉ mà còn tạo ra cảm giác bất an kéo dài trong quan hệ song phương. Các biện pháp đối phó của Trung Quốc với Litva với cáo buộc nước này vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc” của Bắc Kinh, được coi là “cưỡng bức kinh tế” nhằm vào EU.

Xu hướng phân hóa trên là kết quả của một quá trình thay đổi phức tạp. Đầu tiên là sự thay đổi theo bối cảnh. Kể từ năm 2016, các chính quyền Mỹ có xu hướng biến sự cạnh tranh Washington-Bắc Kinh trở thành một chủ đề thống trị trên thế giới, do đó dịch chuyển cạnh tranh địa chính trị khỏi châu Âu. Châu Âu có thể kết luận rằng họ nên tận dụng bất cứ công cụ nào họ có để không bị đứng ngoài cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc.

Thứ hai là chuyển dịch mô hình hợp tác kinh tế Trung Quốc và châu Âu. Châu Âu từ lâu đã coi Trung Quốc là thị trường và là một phần của chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ quan điểm của châu Âu, thị trường rộng lớn, lao động rẻ và môi trường đầu tư thuận lợi của Trung Quốc, kết hợp với nguồn vốn, công nghệ và mô hình quản lý của châu Âu, là các lĩnh vực thu hút Trung Quốc và nước ngoài.

Tuy nhiên, khi Trung Quốc tích lũy nguồn lực để đầu tư ra nước ngoài, đồng thời thể hiện khả năng cạnh tranh và tham vọng dẫn đầu trong một số lĩnh vực nhất định, mô hình hợp tác kinh tế Trung Quốc-EU đang thay đổi. Hoạt động mua bán và sáp nhập của Trung Quốc ở châu Âu làm dấy lên nỗi sợ hãi, và người châu Âu nhấn mạnh vấn đề về một “sân chơi bình đẳng” ở Trung Quốc.

Mối quan tâm của châu Âu là mặc dù các doanh nghiệp châu Âu vẫn có lợi nhuận ở Trung Quốc, nhưng họ sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các doanh nghiệp Trung Quốc với “lợi thế không công bằng”. Đây là lý do khiến mối liên kết kinh tế và thương mại ngày nay, mặc dù to lớn và quan trọng, đang gặp khó khăn.

Thật không may, cuộc xung đột Ukraina lại thúc đẩy xu hướng này. Xung đột có thể khiến EU tăng cường khía cạnh “đối thủ chiến lược” về Trung Quốc. Trong khi Trung Quốc trung lập về cuộc xung đột ở Ukraina, EU dường như đã củng cố quan điểm của họ về một đối thủ đang nổi lên về “tính khác biệt” và “tính cạnh tranh” của Trung Quốc.

Xung đột Ukraina đã gây ra biến động thị trường toàn cầu và tạo ra nhiều thách thức kinh tế hơn cho Trung Quốc và châu Âu. Thời gian tới, hợp tác kinh tế có thể sẽ trở nên quan trọng hơn đối với hai bên trong bối cảnh kinh tế còn nhiều bất ổn.

Tuy nhiên, liên kết kinh tế không thể giải quyết các vấn đề về lòng tin chính trị và có nguy cơ bị chính trị hóa nhiều hơn trong tương lai. Cuộc xung đột đã cho thấy sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga, nguy cơ thúc đẩy EU xem xét lại các liên kết kinh tế của mình với Trung Quốc cũng như phát triển hơn nữa hộp công cụ để tăng “khả năng phục hồi”. Do đó, cuộc xung đột có thể sẽ dẫn đến một cách tiếp cận thận trọng hơn và có chọn lọc hơn của EU trong hợp tác kinh tế với Trung Quốc.

Theo BÁO TIN TỨC / VALDAI CLUB

Tags: , ,