Các lý thuyết truyền thông chính trị và vận dụng ở Việt Nam

Những thay đổi kinh tế, xã hội dưới thời cách mạng công nghiệp ở châu Âu đã đặt ra những yêu cầu cấp thiết về thông tin cho xã hội, tạo nên sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông và những lý thuyết cơ bản. Đặc biệt, từ sau Chiến tranh thế giới thứ II đến cuối thế kỷ 20, các lý thuyết truyền thông ngày càng được nghiên cứu sâu trong khoa học xã hội và được ứng dụng trong nhiều mô hình quản lý truyền thông.

Các lý thuyết truyền thông chính trị và vận dụng ở Việt Nam

Tác giả: ThS Nguyễn Thị Thúy Hằng, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 12-2014.

1. “Bốn học thuyết truyền thông”

Công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa các hệ thống phương tiện truyền thông và đời sống chính trị quốc tế Bốn học thuyết truyền thông (Four Theories of the Press)của Siebert, Peterson, và Schramm (1956), đã chỉ ra rằng các mô hình truyền thông khác nhau bắt nguồn từ sự khác biệt của cấu trúc chính trị và kinh tế; nghiên cứu phương tiện truyền thông phải bắt đầu từ nghiên cứu về bản chất của nhà nước, hệ thống chính trị, mối quan hệ giữa lợi ích chính trị và kinh tế, và các yếu tố của cấu trúc xã hội.

Các ông đã phân thành bốn học thuyết: Thuyết Độc đoán; Thuyết Tự do; Thuyết Trách nhiệm xã hội và Thuyết Toàn trị Xôviết.

Cổ điển nhất là Thuyết Độc đoán, ra đời trong khoảng thế kỷ 16 – 17 ở nước Anh, được chấp nhận rộng rãi và ngày nay vẫn được áp dụng ở nhiều nơi. Học thuyết này ủng hộ và xúc tiến các chính sách của chính phủ về quyền lực và phục vụ nhà nước, cho rằng quyền lực tuyệt đối thuộc về nhà vua, chính phủ hoặc cả hai; chủ sở hữu phương tiện truyền thông có thể là tư nhân hoặc nhà nước; cấm kỵ các nội dung phê phán bộ máy chính trị và công chức đương nhiệm.

Thuyết Tự do được chấp nhận ở Anh sau năm 1668, sau đó mở rộng tầm ảnh hưởng tới Mỹ và các quốc gia khác. Nền tảng lý luận cho học thuyết này là các bài viết của Milton, Locke, Mill và chủ nghĩa duy lý và quyền tự nhiên; mục đích chính cung cấp thông tin, giải trí, kinh doanh nhưng chủ yếu là công cụ để kiểm tra, giám sát chính phủ; bất kỳ ai có tiềm lực kinh tế đều có thể sử dụng phương tiện truyền thông; chủ sở hữu chủ yếu là tư nhân; cấm kỵ các nội dung liên quan tới phỉ báng, khiếm nhã, khiêu dâm, xúi giục nổi loạn.

Thuyết Trách nhiệm xã hộira đời ở Mỹ vào thế kỷ 20, với nền tảng lý luận là các bài viết của W.E. Hocking, Ủy ban Tự do báo chí và các quy tắc truyền thông; mục đích chủ yếu nhằm đưa các vấn đề gây tranh cãi lên thảo luận công khai; bất kỳ ai có nhu cầu thể hiện quan điểm đều có thể sử dụng các phương tiện truyền thông; chủ sở hữu chủ yếu là tư nhân, tuy nhiên chính phủ cũng tham gia quản lý để đảm bảo lợi ích công cộng; cấm kỵ can thiệp sâu vào các quyền cá nhân được công nhận và các lợi ích cơ bản của xã hội.

Thuyết Toàn trị Xôviết được áp dụng trong đảng Cộng sản. Nền tảng lý luận cho học thuyết này là hệ thống quan điểm của Marx – Lenin – Stalin; trong đó các phương tiện truyền thông thuộc quyền quản lý của nhà nước(1[1]).

Siebert, Peterson, và Schramm nhận định: “Để nhìn nhận sự khác biệt của hệ thống truyền thông giữa các nước một cách toàn diện nhất, phải nhìn vào hệ thống xã hội mà chúng đang hoạt động. Để xem xét hệ thống xã hội trong mối quan hệ với báo chí, phải xem xét những niềm tin và quan niệm cơ bản của xã hội đó: đặc tính của con người, xã hội, đất nước, mối quan hệ của con người đối với đất nước đó, của tri thức và sự thật. Vì thế, những khác biệt của các hệ thống truyền thông là sự khác biệt của các hệ thống học thuyết”(2[1]).

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu phê phán quan điểm của công trình Bốn học thuyết truyền thônglà đã tập trung quá nhiều vào “triết lý” (“philosophies”) hay “hệ tư tưởng” (“ideologies”) của truyền thông mà thiếu phân tích thực tiễn mối quan hệ giữa các hệ thống phương tiện truyền thông và hệ thống xã hội; chưa chỉ ra được sự đa dạng của hệ thống truyền thông thế giới. Trong các dẫn chứng về nguồn gốc của bốn học thuyết, hầu như chỉ tham khảo ba quốc gia: Hoa Kỳ, Anh và Xôviết.

Hai nhà nghiên cứu Hallin và Mancini cho rằng, những nhận định trong Bốn học thuyếttruyền thông về thực tiễn truyền thông chính trị châu Âu còn hạn chế. Các nước Tây Âu đã kết hợp cả mô hình của Thuyết Tự do,Thuyết Trách nhiệm xã hộivà Thuyết Độc đoán;bất kỳ một hệ thống truyền thông nào cũng kết hợp các yếu tố này theo cách thức và mức độ nhất định.

2. Lý thuyết “Dòng chảy tự do của thông tin” (Free flow of information)

Khái niệm “dòng chảy tự do” phản ánh quan điểm truyền thông ở phương Tây, đặc biệt là Mỹ, nhằm hạn chế việc quản lý và kiểm duyệt của nhà nước đối với truyền thông cũng như sử dụng truyền thông cho mục đích tuyên truyền. Lý thuyết “dòng chảy tự do” là một phần cơ bản của học thuyết tự do, kinh tế thị trường, đấu tranh cho quyền của các chủ sở hữu phương tiện truyền thông, tạo điều kiện cho họ cung cấp mọi thông tin đến nơi mà họ muốn, thúc đẩy vai trò của khu vực tư nhân trong quá trình truyền thông. Khái niệm “dòng chảy tự do” vì vậy phục vụ cho cả mục tiêu kinh tế và chính trị. Quan điểm này dựa trên lý thuyết về dân chủ, quyền tự do ngôn luận và coi truyền thông như “cơ quan giám sát công cộng”.

Với các chính phủ phương Tây, “dòng chảy tự do” giúp bảo đảm sự ảnh hưởng liên tục, thông suốt của truyền thông, là công cụ mạnh mẽ và hữu hiệu trong việc truyền bá hệ tư tưởng phương Tây, đặc biệt là các quan điểm của chính phủ Mỹ đối với toàn cầu([1]3).

3. Lý thuyết bá quyền (Hegemony)

Lý thuyết này khởi đầu từ những quan điểm của Herman và Chomsky về vai trò của hệ tư tưởng và quyền lực nhà nước trong xã hội tư bản. Những phân tích này được tiếp nối bởi một nhà mácxít người Pháp là Louis Althusser, người đã coi phương tiện truyền thông như “công cụ tư tưởng của nhà nước”, và đặc biệt, chịu ảnh hưởng từ tư tưởng của nhà mácxít Italia Antonio Gramsci (1891 – 1937), qua tác phẩm nổi tiếng Selections from the Prison Notebooks (Tập hợp những ghi chép ở trong tù). Lý thuyết bá quyền bắt nguồn từ quan niệm: trong một xã hội, nhóm chiếm ưu thế có khả năng định hướng về mặt tri thức và đạo đức đối với xã hội đó và xây dựng một hệ thống liên kết xã hội để phục vụ cho những mục tiêu của nó. Gramsci cho rằng, quân sự không phải là công cụ duy nhất để bảo đảm quyền lực của giai cấp cầm quyền, còn nhiều cách thức hiệu quả hơn trong xây dựng sự đồng thuận xã hội, như thông qua việc kiểm soát quá trình sản xuất và phân phối các sản phẩm văn hóa, hay quản lý các tổ chức của xã hội như trường học, tôn giáo và các phương tiện truyền thông đại chúng.

Một trong những chức năng quan trọng nhất của nhà nước, theo Gramsci, “là để nâng cao nhận thức của quảng đại quần chúng đến một trình độ văn hóa và đạo đức nhất định, một trình độ (hoặc dạng thức) tương ứng với… mong muốn của giai cấp cầm quyền. Trường học, toà án, và vô số sáng kiến và hoạt động… hình thành bộ máy lãnh đạo về chính trị và văn hóa của giai cấp cầm quyền”([1]4). Trong truyền thông quốc tế, lý thuyết bá quyền đã được sử dụng rộng rãi để giải thích chức năng chính trị của truyền thông đại chúng trong việc tuyên truyền và duy trì hệ tư tưởng thống trị. Vì vậy, lý thuyết này cho rằng mặc dù truyền thông ở các nước phương Tây về lý thuyết là thoát khỏi sự kiểm soát trực tiếp của chính phủ, tuy vậy chúng cũng hoạt động như là những bộ máy trung gian chính thức hóa hệ tư tưởng thống trị(5[1]).

Ngày nay, lý thuyết này đã bộc lộ những hạn chế nhất định: Bản chất của truyền thông hiện đạilà thuyết phục (Persuade), chứ không dựa hoàn toàn vào tuyên truyền (Propaganda); phương pháp truyền thông của Lý thuyết bá quyềnchỉ có thể thành công trong xã hội đóng kín.

4. Lý thuyết phê phán (Critical theory)

Lý thuyết phê phán được dẫn dắt bởi các nhà khoa học của trường phái Frankfurt với những tên tuổi như Max Horkheimer (1895 -1973), Theodor Adorno (1903 – 1969) và Herbert
Marcue (1898 – 1979).

Khái niệm “culture industry” (công nghiệp văn hoá) được đưa ra lần đầu tiên bởi Adorno và Horkheimer trong cuốn sách có nhan đề Dialetic of Enlightenment(Biện chứng của sự giác ngộ), được viết năm 1944 và xuất bản năm 1947, đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của thế giới. Qua phân tích các quá trình sản xuất công nghiệp các sản phẩm văn hóa (như phim ảnh, chương trình phát thanh, âm nhạc, sách báo, tạp chí…), các nhà nghiên cứu đã nhận diện xu hướng sản xuất văn hóa như một thứ hàng hóa(6[1]) trong xã hội tư bản; các sản phẩm văn hóa thể hiện những phương thức quản lý, trình độ công nghệ và phương án tổ chức. Sản xuất công nghiệp dẫn đến việc tiêu chuẩn hóa, và kết quả là một nền văn hóa đại chúng được tạo nên từ những sản phẩm hàng loạt mang đậm dấu ấn của nền công nghiệp văn hóa, dẫn tới sự suy giảm về vai trò triết học của văn hóa, làm hạn chế tầm nhìn và khả năng phản kháng của các tầng lớp xã hội với các mục tiêu chính trị và kinh tế trong hệ thống TBCN. Lý thuyết phê phán cho rằng, sự phát triển của “công nghiệp văn hóa” và khả năng truyền bá ý thức hệ của nó có thể truyền tải những thông điệp chống lại những tư tưởng XHCN mang lại lợi ích cho giai cấp cầm quyền.

5. Lý thuyết xã hội thông tin (Theories of the information society)

Sự đổi mới nhanh chóng trong lĩnh vực thông tin và công nghệ truyền thông, cùng với quá trình toàn cầu hóa đã dẫn đến việc hình thành xã hội thông tin, hay còn được coi là “nền kinh tế tri thức”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến phản đối quan điểm này, cho rằng những thay đổi này là thuần tuý về mặt kỹ thuật và bỏ qua các yếu tố xã hội, kinh tế và chính trị của những đổi mới công nghệ(7[1]).

Nhà lý thuyết truyền thông Canađa Marshall McLuhan (1911-1980) là một trong những người đầu tiên phân tích tác động xã hội của kỹ thuật truyền thông. Với quan niệm “phương tiện là thông điệp” (the medium is the message), ông cho rằng, nhìn từ bối cảnh lịch sử, kỹ thuật truyền thông có tác động xã hội lớn hơn so với bản thân nội dung của phương tiện truyền thông(8[1]). Cụ thể, McLuhan chứng minh rằng kỹ thuật in ấn có đóng góp lớn đối với sự hình thành chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa công nghiệp và phổ cập chữ viết trên thế giới. Mặc dù ở thời điểm đó, phương tiện truyền thông điện tử, đặc biệt là truyền hình mới phát triển chủ yếu ở một số quốc gia Bắc Mỹ, McLuhan đã dự đoán tác động của truyền hình, những kỹ thuật truyền thông và thông tin mới sẽ tạo nên “ngôi làng toàn cầu” (global village). Những thay đổi nhanh chóng của truyền thông thế giới, sự mở rộng của việc truyền sóng trực tiếp qua vệ tinh vào những năm 80 và sự mở rộng hoạt động của internet từ sau những năm 90 thế kỷ 20 đã hiện thực hóa khái niệm “ngôi làng toàn cầu” của McLuhan.

Thuật ngữ xã hội thông tin bắt nguồn từ Nhật Bản, sau đó nhanh chóng lan rộng và phổ biến ở Hoa Kỳ từ những năm 1960. Những thay đổi trong việc sản xuất công nghiệp và ảnh hưởng của nó đến xã hội phương Tây là bối cảnh cho công trình nghiên cứu The Coming of Post Industrial Society(Sự xuất hiện của xã hội hậu công nghiệp) của nhà xã hội học Daniel Bell; trong đó cho rằng xã hội Mỹ đã chuyển từ giai đoạn công nghiệp sang hậu công nghiệp, với đặc trưng là sự thống lĩnh của thông tin và những ngành công nghiệp liên quan đến thông tin. Tư tưởng của Bell tiếp tục được nhiều học giả nghiên cứu mở rộng. Alvin Toffler đã đưa ra khái niệm “làn sóng thứ ba”, với đặc trưng là sự gia tăng liên kết lẫn nhau, góp phần vào “sự phát triển của một hệ thống liên kết toàn cầu về phát thanh, truyền hình và truyền thông văn bản điện tử”, nhằm thúc đẩy sự đa dạng tri thức và kiểm soát cá nhân đối với truyền thông.

Cùng với quá trình thương mại hóa, thông tin ngày càng đóng vai trò trung tâm, như chìa khóa chiến lược trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong các khâu phân phối, tiếp thị, điều hành, quản lý,… Sự phát triển của thương mại điện tử đã tạo ra giai đoạn CNTB mới – CNTB số hóa (digital capitalism)(9[1]). Nhà lý thuyết Tây Ban Nha Manuel Castells đã xuất bản công trình The Information Age: economy, society and culture(Kỷ nguyên thông tin: kinh tế, xã hội và văn hoá) năm 2004, trong đó cho rằng CNTB thông tin là việc gia tăng hoạt động dựa trên những nền tảng toàn cầu, thông qua sự trao đổi giữa những mạng điện tử kết nối các hệ thống thông tin quốc tế. Mạng lưới thông tin dần vượt qua quyền lực của từng nhà nước riêng lẻ để tạo ra những sức mạnh mang tính khu vực và siêu quốc gia.

Những lý thuyết truyền thông chính trị trong thế kỷ 20 như vậy vẫn đang có ảnh hưởng nhất định trong nền truyền thông toàn cầu. Còn ở Việt Nam, có thể nhận thấy sự giao thoa, kết hợp của nhiều lý thuyết khác nhau cùng nhằm phục vụ cho công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, phát triển con người.

————————-

Chú thích:

(1), (2) Fred S.Siebert, Theodore Peterson, Wilbur Schramm: Bốn học thuyết truyền thông, (người dịch: Lê Ngọc Sơn), Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013, tr.24-25, 16.
(3), (5) Daya K. Thussu: International communication – Continuity and Change, Bloomsbury Academic, 2010, tr.42, 53.
(4) Antonio Gramsci: Selections from the prison notebooks, Lawrence and Wishart, London, 1971, tr.258-259.
(6) Theodor Adorno: The cultural industry: Selected essays on mass culture, London: Routledge, 1991.
(7) Frank Webster: Theories of the information society; Webster, F.(ed.): The information society reader, Routledge, London, 1995.
(8) Marshall McLuhan: Understanding media, Methuen, London, 1964.
(9) Dan Schiller: Digital capitalism: networking the global market system, Cambridge, MA: MIT Press, 2000.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: , ,