Bàn về Văn hóa dân chủ

Thuật ngữ Văn hóa dân chủ ra đời ở phương Tây và được dùng phổ biến trong đời sống chính trị vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Lý do thuật ngữ văn hóa dân chủ xuất hiện muộn là do điều kiện kinh tế – xã hội và đời sống chính trị quy định.

Bàn về Văn hóa dân chủ

Tác giả: ThS Nguyễn Thế Phúc, Đại học Khoa học – Đại học Huế.

Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị số 1-2014.

Sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển văn hóa dân chủ là năm 1987, khi UNESCO ra tuyên bố về Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Tuyên bố này đã được các nước thành viên hưởng ứng tích cực. Các nước đã từng bước đưa văn hóa xâm nhập sâu rộng vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có chính trị mà hạt nhân là dân chủ. Sự tương tác giữa “văn hóa” và “dân chủ”, đưa văn hóa vào trong hoạt động dân chủ làm cho dân chủ trở thành một giá trị văn hóa; quá trình này vừa là điều kiện, vừa là nguyên nhân hình thành văn hóa dân chủ.

Văn hóa dân chủ là một loại hình của văn hóa. Văn hóa dân chủ được biểu hiện đa dạng ở các chủ thể khác nhau, tạo nên sự đa dạng về góc độ tiếp cận.

Từ góc độ chính trị học, văn hóa dân chủ là phương pháp, nghệ thuật vận hành và thực thi quyền lực chính trị một cách thông suốt, bài bản, lành mạnh, tạo ra những giá trị tích cực tiến bộ của nhân loại hướng quyền lực thuộc về nhân dân. Trong thực thi quyền lực, văn hóa dân chủ được phản chiếu vào trong đời sống chính trị, và kết quả của những phản chiếu đó hình thành những nguyên tắc làm chuẩn mực cho hoạt động chính trị hướng đến giải phóng con người vươn tới tự do và làm chủ. Vì vậy, nhìn nhận văn hóa dân chủ là nhìn nhận ở phương diện thực thi quyền lực nhà nước, thực thi các quyền công dân và sự hiện diện của pháp quyền…Theo đó, trong một chế độ chính trị mà quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; công dân được tự do tư tưởng (có văn hóa công dân); pháp quyền được đặt ở vị trí thượng tôn (có văn hóa pháp luật)… thì ở đó có văn hóa dân chủ.

Trong hoạt động chính trị, văn hóa dân chủ được biểu hiện ở hệ tư tưởng chính trị, quan điểm, đường lối, sách lược, các quyết sách chính trị của đảng cầm quyền; phong cách, tác phong của đội ngũ hoạt động chính trị. Văn hóa dân chủ làm cho người cầm quyền hướng đến nhu cầu và nguyện vọng của dân; đồng thời, nhân dân phải biết trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với Chính phủ; văn hóa dân chủ còn góp phần làm cho các bên đối tác, các lực lượng hiểu rõ lợi ích, nhu cầu, quan điểm, chính kiến của nhau, có thái độ tôn trọng lẫn nhau để tìm ra các biện pháp giải quyết hợp lý, thỏa đáng mà các bên đều có lợi, đều có thể chấp nhận được.

Từ góc độ triết học, văn hóa dân chủ được hiểu là một giá trị trong hình thái ý thức xã hội do tồn tại xã hội tiến bộ sinh ra. Vì vậy, nghiên cứu gốc rễ của văn hóa dân chủ là nghiên cứu tồn tại xã hội sinh ra nó. Thông qua đó tìm ra những yếu tố mang tính quy luật, cũng như những thuộc tính của văn hóa dân chủ như quan điểm, tư tưởng, tình cảm, tâm trạng, truyền thống dân chủ trong chế độ dân chủ. Như vậy, trong đời sống xã hội, quyền con người được bảo đảm và tôn trọng (tự do); các thành viên xã hội được bình đẳng thì ở đó văn hóa dân chủ được xác lập.

Giữa văn hóa dân chủ với văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa công dân, văn hóa Đảng có mối quan hệ tương thích, các yếu tố này không biệt lập với nhau, khó phân biệt một cách rạch ròi khi đặt chúng trong một miền không gian và thời gian, một điều kiện lịch sử nhất định.

Chẳng hạn, trong chính trị, hoạt động chính trị dân chủ, có văn hóa, bầu cử dân chủ, tự do tư tưởng được thực hiện, công bằng, bình đẳng… là những biểu hiện của văn hóa chính trị, và đó cũng chính là một nội dung của văn hóa dân chủ.

Tương tự như vậy, giữa văn hóa dân chủ và văn hóa pháp luật cũng có điểm chung về nội dung khi xét trong một chế độ dân chủ, nó đồng thời là dân chủ cũng đồng thời là pháp luật (dân chủ và pháp luật là một thực thể chứ không phải là hai thực thể trong một chế độ dân chủ).

Về mối quan hệ giữa văn hóa dân chủ và văn hóa công dân cũng vậy. Văn hóa công dân là một nội dung quan trọng của văn hóa dân chủ. Trong một nền dân chủ, mọi công dân biết thường thức công dân, ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và tự giác chấp hành một cách nghiêm chỉnh đó là văn hóa công dân, và khi có văn hóa công dân cũng chính là một nền dân chủ có văn hóa.

Đối với văn hóa đảng (đảng cầm quyền) là những hoạt động của đảng mang những đặc trưng và giá trị của dân chủ được thể hiện trong mục tiêu, lý tưởng, đường lối, chính sách của đảng hướng tới phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Những đặc trưng này hình thành văn hóa đảng, văn hóa cầm quyền – một nội dung của văn hóa dân chủ.

Như vậy, văn hóa dân chủ là sự tổng hợp các loại hình văn hóa. Để đánh giá trình độ văn hóa dân chủ của một chế độ chính trị, cần dựa vào các yếu tố như: thái độ, nhu cầu của nhân dân tham gia vào chính trị; trách nhiệm của cán bộ đối với công việc; văn hóa chính trị; văn hóa pháp luật; văn hóa cầm quyền; văn hóa Đảng; chỉ số tham nhũng cao hay thấp (theo tiêu chí của tổ chức minh bạch thế giới)…

Như vậy, văn hóa dân chủ bao gồm ba yếu tố cấu thành: thứ nhất, là hệ thống các quan điểm, tư tưởng dân chủ; thứ hai, các nguyên tắc, thiết chế, kỹ năng và kinh nghiệm để thực thi dân chủ; thứ ba, ý thức về dân chủ, thực hành dân chủ một cách sáng tạo, lành mạnh và bài bản.

Trên cơ sở đó, chúng tôi quan niệm về văn hóa dân chủ như sau:

Văn hóa dân chủ là hệ thống các giá trị dân chủ, những truyền thống dân chủ, ý thức dân chủ cùng với những thiết chế để vận hành quyền lực và thực thi dân chủ một cách lành mạnh, tích cực, bài bản thông suốt trong đời sống xã hội. Văn hóa dân chủ còn được hiểu là một hệ giá trị dân chủ được con người tiếp nhận, lựa chọn biến nó thành nhu cầu, vũ khí và phương tiện trong việc giải phóng con người thoát khỏi chật hẹp của tự nhiên và xã hội như nghèo nàn, lạc hậu, chuyên chế độc tài, quan liêu để vươn tới tự do, bình đẳng và làm chủ.

Theo TẠP CHÍ LÝ LUẬN CHÍNH TRỊ

Tags: