⠀
Dân chủ – giá trị căn bản và độc đáo của cuộc Cách mạng Tháng Tám
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam là thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh. Nhận thức về ý nghĩa thắng lợi và tính chất của cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đã bàn nhiều, viết nhiều, có sự thống nhất cao về tính dân tộc, giá trị giành độc lập dân tộc, song khía cạnh tính chất và giá trị dân chủ, ý nghĩa nhân văn của cuộc cách mạng đó cần được nhận thức sâu sắc và nhấn mạnh đầy đủ hơn, nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Tác giả: PGS.TS Ngô Đăng Tri – Khoa Lịch sử, Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQGHN.
1. Vấn đề dân chủ trong Cách mạng Việt Nam thời kỳ 1930-1945
Vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội là đập tan bộ mày chính quyền cũ, đánh đổ giai cấp thống trị cũ, lập nên nhà nước mới, do giai cấp mới cầm quyền nhằm xây dựng chế độ xã hội mới tiến bộ hơn.
Cách mạng tư sản là cuộc cách mạng do giai cấp tư sản lãnh đạo, có mục tiêu, nhiệm vụ đập tan nhà nước quân chủ phong kiến, lập nên nhà nước dân chủ tư sản, do giai cấp tư sản cầm quyền để xây dựng chế độ tư bản chủ nghĩa. Đó là cuộc cách mạng tư sản thông thường.
Cách mạng tư sản dân quyền (cách mạng tư sản kiểu mới) hay cách mạng giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp vô sản lãnh đạo, một cuộc cách mạng không ngừng, có mục đích “kép”: cứu nước và cứu dân. Cuộc cách mạng đó vừa có nhiệm vụ chống đế quốc, giành độc lập cho dân tộc vừa có nhiệm vụ chống phong kiến, xóa bỏ chế độ quan chủ do giai cấp phong kiến cầm quyền, dựng nên chế độ dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo để tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Mục đích của Nguyễn Ái Quốc khi đi ra nước ngoài năm 1911 là tìm đường cứu nước, cứu dân. Tức là tìm một con đường thỏa mẵn được hai mục tiêu: vừa giải phóng được dân tộc khỏi ách thống trị nước ngoài, vừa cứu được nhân dân khỏi ách áp bức bóc lột. Nguyễn Ái Quốc đã khảo sát nhiều cuộc cách mạng lớn trên thế giới, như cách mạng Mỹ, cách mạng Pháp và cho rằng các cuộc cách mạng đó “chưa đến nơi”, vì sau đó nhân dân vẫn bị áp bức bóc lột, “lại muốn làm một cuộc cách mạng nữa”. Người cho rằng chỉ có cách mạng Nga do V.I Lênin và Đảng Bônsêvích lãnh đạo là cuộc cách mạng chân chính, cách mạng “đến nơi” vì sau đó đã “đưa chính quyền cho số đông chớ không giao chính quyền cho một số ít người”, nghĩa là cuộc cách mạng đã đưa công nông nước Nga lên cầm quyền.
Với nhận thức như vậy và để thực hiện mục đích “kép”: cứu nước gắn liền với cứu dân, Nguyễn Ái Quốc đã quyết định phát động cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản như cách mạng Nga và Người đã làm tất cả để tuyên truyền, thức tỉnh dân tộc, hướng các phong trào dân tộc, dân chủ nước ta đi theo con đường cách mạng vô sản do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Trong Chánh cương vắn tắt và Sách lược vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng (2-1930) và trong Luận cương chánh trị của Đảng (10- 1930), Đảng chủ trương “đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến”, “dựng nên chính phủ công nông binh”, “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để tiến tới xã hội cộng sản”([1]).
Đấu tranh giải phóng dân tộc (theo nghĩa hẹp) mà không có sự thay đổi giai cấp cầm quyền thì không được gọi là cuộc cách mạng xã hội, đó chỉ là cuộc khới nghĩa chống ngoại xâm, như khởi nghĩa Lam Sơn (thế kỷ XV), khởi nghĩa Tây Sơn (thế kỷ XVIII). Đấu tranh giải phóng dân tộc vừa có mục đích giành độc lập dân tộc vừa nhằm thay đổi giai cấp cầm quyền từ địa chủ phong kiến sang sự cầm quyền của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động thì được gọi là cuộc cách mạng xã hội. Vì lẽ đó cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản được coi là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc (cách mạng xã hội).
Cách mạng là sáng tạo. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng đã luôn kiện định mục tiêu đã xác định, ra sức thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân để tiến tới chủ nghĩa xã hội, với những giải pháp và sự chỉ đạo hết sức linh hoạt, sáng tạo.
Qua cao trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao là Xô viết Nghệ- Tĩnh bị tổn thất lớn (1932- 1935), Đảng đã tìm cách khôi phục phong trào và khi có điều kiện thuận lợi, liền điều chỉnh, chuyển hướng chỉ đạo cách mạng Việt Nam, tạm gác khẩu hiệu độc lập dân tộc và người cày có ruộng, phát động cuộc vận động dân chủ sôi nổi (1936- 1939), đưa cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên. Tuy không trực tiếp đấu tranh thực hiện khẩu hiệu độc lập dân tộc và người cày có ruộng, song cuộc vận động dân chủ 1936-1939 vẫn thuộc chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Hình thức nhà nước mới được Đảng lựa chọn thay cho nhà nước công nông binh là cộng hòa dân chủ (Cộng hòa dân chủ Đông Dương).
Từ cuối 1939, do cuộc Đại chiến thế giới thứ hai nổ ra và tác động mạnh mẽ tới Đông Dương, Đảng đã từng bước chuyển cách mạng sang thời kỳ mới, nêu cao mục tiêu giải phóng dân tộc, chuẩn bị điều kiện giành chính quyền về tay nhân dân, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa. Trong nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng họp tháng 5-1941 tại Pắc Bó, Cao Bằng có đoạn: “cuộc cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền, cuộc cách mạng phải giải quyết hai vấn đề: phản đế và điền địa nữa, mà là cuộc cách mạng chỉ giải quyết một vấn đề cần kíp “dân tộc giải phóng”, vậy “cuộc cách mạng Đông Dương trong giai đoạn hiện tại là một cuộc cách mạng dân tộc giải phóng”([2]).
Kiên quyết nêu cao mục tiêu, nhiệm vụ giải phóng dân tộc, song để tránh việc cán bộ, đảng viên hiểu không đúng về mối quan hệ giữa mục tiêu chiến lược và mục tiêu cần kíp, giữa nhiệm vụ lâu dài và nhiệm vụ hiện tại của cách mạng tư sản dân quyền, Nghị quyết lưu ý: “Nói như thế không phải Đảng ta thủ tiêu vấn đề giai cấp đấu tranh trong cách mạng Đông Dương. Không! Vấn đề giai cấp đấu tranh vẫn tồn tại mãi”([3]). Rằng “Không phải giai cấp vô sản Đông Dương bỏ mất nhiệm vụ điền địa đi đâu, cũng không phải đi lùi lại một bước, mà chỉ bước một bước ngắn hơn để có sức mà bước một bước dài hơn”([4]).
Nghĩa là Hội nghị chủ trương thay đổi khẩu hiệu đấu tranh để đạt mục tiêu trước mắt trong hoàn cảnh mới, là chủ trương giành thắng lợi từng bước tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Mục tiêu “Người cày có ruộng” không phải không làm mà vẫn làm một phần là “Tịch thu ruộng đất của đế quốc, việt gian chia cho dân cày”.
Điểm cần lưu ý là vấn đề dân chủ không chỉ là vấn đề ruộng đất, càng không được đồng nhất với vấn đề ruộng đất. Vấn đề dân chủ rộng lớn, sâu sắc và lâu dài hơn vấn đề ruộng đất rất nhiều, như tư do bầu cử ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, tự do đi lại, tự do biểu tình, tự do tín ngưỡng, nam nữ bình quyền,… tức là các vấn đề về nhân quyền, dân quyền, là tất cả những gì đối lập với chế độ quân chủ chuyên chế. Theo đó, tạm gác một phần khẩu hiệu “Người cày có ruộng” không hẳn là không thực hiện mục tiêu dân chủ, từ bỏ cuộc cách mạng dân chủ.
Như vậy có thể hiểu nội dung của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ VIII (5-1941) không có sự mâu thuẫn với đường lối chiến lược của Đảng và Nguyễn Ái Quốc trước đó, mà chỉ là chủ trương có tính “trước mắt”, cho giai đoạn “hiện tại”, “không thủ tiêu giai cấp đấu tranh”, không từ bỏ mục tiêu dân chủ, mà chỉ là “ bước một bước ngắn đề có sức mà bước một bước dài hơn”. Sự thay đổi đó về cơ bản không thay đổi bản chất lý tưởng cách mạng của Đảng và Hồ Chí Minh, mà chỉ là thay đổi cách thức, bước đi trong giai đoạn “hiện thời”, “trước mắt”.Còn mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược vẫn là tiến hành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ đế quốc và phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân, xây dựng chế độ dân chủ công hòa.
2. Dân chủ – Giá trị căn bản, độc đáo của Cuộc Cách mạng tháng 8
Chân lý là cụ thể. Khi được tin nước Nhật bị Đồng Minh đánh bại, quân Nhật ở Đông Dương bị tê liệt, chính quyền Trần Trọng Kim hoang mang cực độ, với sự chủ động, sáng suốt, Đảng và Hồ Chí Minh đã lập tức tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảngvà Quốc dân đại hội ở Tân Trào (Tuyên Quang). Các hội nghị đã quyết định phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước với nguyên tắc “tập trung, thống nhất, kịp thời”. Theo chủ trương của Đảng và Mặt trận Việt Minh, cả dân tộc ta đã vùng lên giành độc lập, giành chính quyền. Ngày 19-8-1945, khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội, ngày 23-8 thắng lợi ở Huế, ngày 25-8 thắng lợi ở Sài Gòn. Ngày 30-8 vua Bảo Đại thoái vị, chính thức kết thúc chế độ quân chủ ở Việt Nam. Ngày 2-9-1945 lễ quốc khánh được tổ chức ở Thủ đô Hà Nội, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra mắt quốc dân, thể chế chính trị dân chủ cộng hòa được xác lập.
Thực tiễn của cuộc cách mạng Tháng Tám 1945 đã thể hiện nó không chỉ đã giành độc lập dân tộc cho Việt Nam mà còn thủ tiêu chế độ quân chủ, lập nên chế độ dân chủ cộng hòa Việt Nam. Tuyên ngôn của cuộc cách mạng Tháng Tám là Tuyên ngôn độc lập song chính thể được xác lập lại là dân chủ cộng hòa, dân chủ nhân dân, chứ không phải là chế độ quân chủ như khi kết thúc các cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm trong lịch sử Việt Nam trước đó.
Nhấn mạnh chủ trương nêu cao mục tiêu giải phóng dân tộc của Đảng và Hồ Chí Minh giai đoạn 1939-1945, đề cao giá trị độc lập dân tộc của cách mạng Tháng Tám 1945 là đúng đắn, không thể phủ nhận. Song tuyệt đối hóa nó, không nhấn mạnh, đề cao đúng mức giá trị dân chủ, ý nghĩa lịch sử của việc đập tan nhà nước quân chủ triều Nguyễn, dựng nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là mới làm rõ và đề cao một phần đường lối của Đảng và một phần thắng lợi của cách mạng Tháng Tám là chưa phân biệt được sự khác nhau về chất của cuộc khởi nghĩa Tháng Tám 1945 với các cuộc khởi nghĩa khác trong lịch sử Việt Nam.
Việc đánh đổ chế độ phong kiến quân chủ dựng nên chế độ dân chủ cộng hòa trong cuộc tổng khởi nghĩa Thánh Tám 1945 không phải vấn đề phụ, mục tiêu thứ yếu, là sự “tiện tay dắt dê” mà là một mục tiêu chiến lược của cách mạng Việt Nam đã được xác định rõ ràng khi quyết định giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản của Nguyễn Ái Quốc và trong các Cương lĩnh cách mạng của Đảng năm 1930 và cả trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ VIII, tháng 5-941.
Vả lại, vấn đề cơ bản của mọi cuộc cách mạng xã hội là vấn đề chính quyền nhà nước. Cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 nếu chỉ đánh đuổi đế quốc, giống như các cuộc khởi nghĩa, kháng chiến chống ngoại xâm trước đây trong lịch sử Việt Nam, thì chưa hẳn là cuộc cách mạng. Nó được coi là cuộc cách mạng vì đã xóa bỏ triều đình phong kiến Nhà Nguyễn, lập nên chính quyền Việt Nam dân chủ cộng hòa, do giai cấp công nhân, thông qua chính đảng của nó là Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Khiở Tân Trào, tại Hội nghị Toàn quốc của Đảng (13-8-1945) và Quốc dân Đại hội (16-8-1945), Đảng và Hồ Chí Minh chủ trương lập Chính phủ lâm thời có tên là Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, nhưng khi về Hà Nội lại đổi thành Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Trong Tuyên ngôn Độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình chiều 2/9/1945, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh hai vấn đề căn cốt của nó là tự do và độc lập, bằng cách nhắc tới hai giá trị bất hủ trong hai bản tuyên ngôn: Tuyên ngôn Độc lập của cách mạng Mỹ và Tuyên ngôn Nhân quyền của cách mạng Pháp, hai bản tuyên ngôn nói về hai vấn đề lớn là độc lập dân tộc và nhân quyền, dân chủ, tự do. Đó là sự điều chỉnh chiến lược nhạy bén, mau lẹ của Đảng và Hồ Chí Minh làm cho cuộc Tổng khởi nghĩa đổi mới về chất, thành một cuộc cách mạng xã hội với đầy đủ ý nghĩa của nó.
Ngay sau ngày Quốc khánh, Đảng, Nhà nước và Hồ Chí Minh đã bắt tay ngay vào lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện hàng loạt công việc to lớn, cấp bách để xây dựng chế độ dân chủ cộng hòa Việt Nam. Như triệt để xóa bỏ bộ máy chính quyền cũ; tổ chức tổng tuyển cử phổ thông, dân chủ bầu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp; ban hành Hiến pháp dân chủ nhân dân; phát động phong trào cứu đói, xóa nạn mù chữ, xây dựng đời sống mới; chủ trương đối ngoại hữu nghị với tất cả các nước trên thế giới… Đảng và Hồ Chí Minh cho rằng mục đích của cách mạng giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản là vừa cứu nước, vừa cứu dân, là kiên quyết giành độc lập để có tự do, có tự do để có hạnh phúc. Hạnh phúc cho nhân dân là mục đích tối thượng của cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo. Hồ Chí Minh khẳng định “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”, nhưng cũng chính Người đã tuyên bố: “Nếu nước độc lập mà dân không được hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa gì”([5]).
Giải phóng dân tộc, giành độc lập cho nước Việt Nam là công việc to lớn, là thắng lợi nổi bật, vĩ đại của Cách mạnh tháng Tám. Nhưng suy cho cùng, giải phóng dân tộc thì thời nào dân tộc ta cũng làm được. Còn lật đổ chế độ quân chủ, giành chính quyền về tay nhân dân, dựng lên chế độ dân chủ cộng hòa, đưa nhân dân lao động từ nô lệ lên làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, với chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, chính thể tiến bộ nhất ở Đông Nam Á lúc bấy giờ, thì chỉ có Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh, chỉ có cách mạng Tháng Tám năm 1945b mới làm được.
Đó chính là cái vĩ đại riêng có của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, là công lao lịch sử không thể phủ nhận của Đảng Cộng sản và Hồ Chí Minh. Theo đó dân tộc là giá trị thông lệ, phổ biến còn dân chủ là giá trị căn bản, độc đáo của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 khi đặt nó trong chiều dài lịch sử Việt Nam và trong bình diện khu vực cũng như thế giới lúc bấy giờ.
Với những giá trị như vậy, nhất là giá trị dân chủ độc đáo riêng có, cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam, với bản Tuyên ngôn độc lập, lập nên Nhà nước Dân chủ Cộng hòa đã chứng minh rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có công lao to lớn không chỉ trong việc đấu tranh giành độc lập cho dân tộc Việt Nam mà còn cả trong việc kiến lập nền dân chủ cộng hòa cho nhân dân Việt Nam, rằng Hồ Chí Minh không chỉ là Anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là Nhà dân chủ kiệt xuất, danh nhân Văn hóa lớn của Việt Nam và thế giới.
Điều đó còn có ý nghĩa khẳng định thành quả của tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 không chỉ là thắng lợi của phong trào dân tộc mà còn là kết quả của phong trào dân chủ, của cuộc cách mạng dân chủ. Đó cũng là sự khẳng định Đảng và Hồ Chí Minh không chỉ đã giương cao ngọn cơ dân tộc mà còn đã giương cao ngọn cờ tự do dân chủ trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập và ngay trong cuộc cách mạng Tháng Tám giành chính quyền năm 1945.
Tôn vinh mọi giá trị vốn có của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, mà trong giai đoạn cách mạng hiện nay, rất cần đặc biệt nhấn mạnh các giá trị căn bản, độc đáo riêng có: nhân bản,nhân quyền, nhân văn, dân chủ, ra sức thực hiện lý tưởng cao đẹp: xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc là sự nhận thức đúng đắn nhất,là hành động thiết thực nhất ý nghĩa lịch sử 70 năm cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám và ngày Quốc khánh nước Việt Nam (2-9-1945—2-9-2015).
————————–
Chú thích:
[1]- Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 2 (1930), Nxb CTQG, Hà Nội, 1998, trang2.
[2]- Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 7, 1940- 1945, Nxb CTQH, Hà Nội, tr 119.
[3]- Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 7, Sđd, tr 113.
[4]- Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng, toàn tập, tập 7, Sđd, tr 119.
[5] .Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4, 2000. Nxb CTQG, Hà Nội, trang 56.
Theo USH.VNU.EDU.VN
Tags: Cách mạng Tháng Tám, Dân chủ