Vua quan Đại Việt ứng xử như thế nào trước thiên tai?

Đối mặt với thiên tai, bên cạnh việc tu chỉnh đê điều, cứu giúp nạn dân, vua quan Đại Việt thường tự nhìn vào bản thân nhằm sửa đi lỗi lầm, làm thêm nhiều việc tốt cho dân chúng…

Vua quan Đại Việt ứng xử như thế nào trước thiên tai?

Một khi đất nước có thiên tai hay dị tượng, vua quan là những người đứng đầu đất nước thường tự xem xét bản thân mình có làm điều gì sai trái, từ đó mà sửa mình. Những điều này được ghi chép lại trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Năm 1447, 1448 thiên tai liên tục, hạn hán xảy ra khắp nơi. Tháng 6 năm 1448, vua Lê Nhân Tông xuống chiếu viết rằng:

Vài năm nay, tai dị liên tiếp xảy ra: lụt lội, hạn hán, sâu bệnh không năm nào không có. Có phải vì Đạo giữ nước trị dân của trẫm trên không thuận lòng trời dưới chưa thỏa chí dân mà đến nỗi thế không? Hay là các đại thần phò tá không được người xứng đáng, điều hòa trái phép, xếp đặt sai lẽ mà đến nỗi thế chăng? Hỡi các quan trong ngoài cho tới các sĩ dân, các ngươi hãy vì trẫm mạnh dạn nói ra, hãy chỉ rõ những việc làm phương hại tới nhân dân và chính sự của trẫm và các tể thần. Nếu có người hiền lương phương chính, cũng cho được tự tiến cử. Khi trình bày sự việc, cần phải đúng sự thực, không nên viện dẫn suông lời văn cổ xưa để trả lời trẫm.

Đại Việt sử ký toàn thư.

Vua Nhân Tông lúc này mới 7 tuồi, lời chiếu trên hẳn là do Thái hậu hoặc người Nhiếp chính viết, nhưng đã nói lên Đạo trị quốc của người xưa: gặp việc thì luôn xét ở bản thân mình, xem mình đã làm tốt chức phận của mình hay chưa.

Không chỉ có nhà vua, mà các quan đại thần khi xưa khi gặp việc thiên tai cũng luôn xét ở bản thân mình xem có phạm lỗi nào hay không. Năm 1449 lại xảy ra lụt lội hạn hán. Vào tháng 5 nhân việc xuất hiện dị tượng sao Kim đi qua Mặt trăng, các quan là Lê Thụ và Lê Khả dâng sớ nhận tội:

Ngày xưa, vào đời thịnh trị, nếu gặp tai biến của trời thì vua tự xét mình lại, đại thần nhận tội cùng lòng kinh sợ để mong dẹp yên tai biến của trời. Kính nghĩ khoảng năm Thuận Thiên thường được mùa luôn, cho đến các năm Thiệu Bình, Đại Bảo, điểm tốt có nhiều. Bệ hạ chưa tự mình trông coi chính sự, cũng không có lầm lỗi gì, thế mà lụt lội, hạn hán liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện. Hẳn là bọn thần không biết thể lòng thương yêu muôn dân, chăm sóc vạn vật của bệ hạ, điều hòa trái lẽ như lời chiếu đã nói. Cúi xin Thánh Từ đòi bọn thần tới Chính sự đường hỏi bọn thần về việc quân, việc nước, việc gì nên làm, việc gì nên bỏ, cốt ở thực hành, không nên chỉ chuộng hư văn.

Đại Việt sử ký toàn thư.

Vào năm 1476 thời vua Lê Thánh Tông trị vì, xảy ra thiên tai hạn hán, muôn dân vất vả, nhà vua lo lắng, tự xét mình trị quốc chưa đủ đức. Vào mùa hạ, ngày 23 tháng 4, vua viết bài biểu cầu trời xin mưa, đại ý:

Kẻ không có đức, thần Lê mỗ xin dốc hết lòng chí thành, dâng lời kêu với đức Thái thượng khai thiên chấp phù ngự lịch hàm chân thể đạo hạo thiên chí tôn ngọc hoàng thượng đế bệ hạ: Nay từ mùa đông đến mùa hạ ít mưa, nắng suốt, việc dân vất vả. Người làm thợ, đi buôn không chỗ nương nhờ, kẻ cày ruộng chăn tằm hết bề trông ngóng. Chỉ vì thần không có đức, để đến nỗi trăm họ chịu tai ương. Bọn dân ngu nhớn nhác kêu thương, cơ hồ đến hết phương sinh sống. Vì thế, thần dám đâu không gõ cửa Đế đình để giãi tỏ lòng xót thương, để tâu bày niềm kinh sợ. Cúi xin ngài tha thứ cho tội lỗi, đổi tai họa thành điềm lành, ban cho mưa móc lớn, thấu khắp đến mọi nơi. Thần kính cẩn xin tâu lời cầu khẩn.

Đại Việt sử ký toàn thư.

Năm 1497, vua Lê Hiến Tông mới lên ngôi, nước có hạn hán lớn. Trực Nguyên dâng thư xin vua sửa đức để cứu muôn dân. Như vậy có thể thấy người xưa quan niệm: vận mệnh tốt xấu của một đất nước có quan hệ mật thiết với tư cách đạo đức của người đứng đầu đất nước. Vì thế mà không chỉ vua tự vấn, nhắc nhở người dưới, mà các đại thần có thể nhắc nhở vua tu sửa đức khi có thiên tai.

Mùa thu tháng 8 năm 1611, nước lên gây lụt lớn. Các quan Thiêm đô ngự sử Phương Tuyền Bá, Nguyễn Duy Thì và Giám sát ngự sử 13 đạo là Phạm Trân tự xét việc thấy rằng bản thân mình có lỗi nên dâng biểu lên nhận tội. Biểu tấu này cũng nêu bật đạo trị quốc cũng như nguyên nhân dẫn đến thiên tai của người xưa:

Dân là gốc của nước, đạo trị nước là yêu quý dân mà thôi. Trời và dân theo một lẽ, lòng dân vui thích tức là được ý của trời. Vì thế, người giỏi trị nước phải yêu dân như cha mẹ yêu con, thấy dân đói rét thì thương, thấy dân khổ sở thì xót. Cấm sự hà khắc bạo ngược, ngăn sự đánh thuế bừa bãi, để cho dân được dễ sống, mà không có tiếng oán than. Thế mới là biết đạo trị nước.

Nay Thánh Thượng để ý đến dân, một chính sự thi hành ra cũng cốt nuôi dân, một mệnh lệnh ban bố ra cũng ngăn sự nhiễu dân. Lòng yêu quý dân ấy thực là độ lượng của trời đất, cha mẹ vậy.

Chỉ vì kẻ thừa hành chưa biết thể theo đức ý người trên, làm sự hà khắc bạo ngược, đua đòi xa xỉ. Coi một huyện thì làm khổ dân một huyện, coi một xã thì làm khổ dân một xã. Phàm những việc nhiễu lạm, không việc gì là không làm, khiến cho dân trong nước, đàn ông không còn áo mặc, đàn bà không còn váy đeo. Tiệc hát xướng không còn, lễ cưới xin không đủ. Nuôi người sống, đưa người chết, chẳng đâu cho. Ăn uống chỉ dùng hàng ngày, chẳng đâu cấp. Dân mọn nghèo nàn cho đến côn trùng thảo mộc đều không được thoả. Vì thế, cảm động đến trời đất, đến nỗi lòng trời ở trên chưa thuận, tai hoạ lũ lụt quá mức thường, chắc là có quan hệ với chính sự hiện nay, há chẳng nên sợ hãi tu tỉnh, nghĩ đến cái lỗi làm nên thế sao? Tất phải làm chính sách giữ dân, thì dưới thuận lòng dân, trên hợp ý trời, mà chuyển tai biến làm điềm lành; thóc lúa được mùa, người người no đủ; trong nước thái bình, cơ nghiệp ức muôn năm của nước nhà cũng nhờ đó mà bền vững lâu dài vậy?

Đại Việt sử ký toàn thư.

Năm 1618 xảy ra nhiều dị tượng, Đại Việt sử ký toàn thư mô tả rằng:

Mùa thu, tháng 8, mưa ra vàng như hạt gạo vàng. Lại mưa ra gạo như nếp đen; lại mưa rượu như rượu ngọt.

Tháng 9 hạ tuần, có khí trắng như hình cái búa đứng thẳng, mỗi đêm canh năm thường hiện ra ở phương đông nam dài hơn một trượng, đến thượng tuần tháng 10 mới mất.

Lưu Đình Chất dâng khải nói rằng:

Trộm nghe trời giáng tai dị hay điềm lành là do sự có đức hay không. Làm thiện thì trời hiện ra điềm lành, làm ác thì trời răn bằng tai dị. Song nhận thấy tai dị mà sửa đức thì không có hại, cho nên người xưa lấy trời để mà tự xử và rất cẩn thận đối với mệnh trời. Hán Văn Đế khéo thuận lòng trời mà tai biến tiêu đi hết. Tống Cảnh công có một câu nói thiện mà sao xấu lùi đi.

Nhà nước ta từ khi khôi phục đến nay, trời đất chưa ứng, điềm lành chưa đến, mà tai dị chồng chất. Mùa thu năm nay, trời mưa xuống than đen, thế mà lúc ấy kiêng nói tai dị, lại gọi là mưa gạo. Có phải là mang đến khí hoà như thời Hoàng Đế mà trời mưa ra thóc đâu. Trời mưa ra cát vàng, mà thuật sĩ thích nói điềm lành, bảo là mưa vàng. Có phải vận được hanh thông như đời Hạ Vũ mà trời mưa ra vàng đâu! Hoặc là trời đã tỏ sự răn bảo mà chưa biết tỉnh ngộ, cho nên hạ tuần tháng 9, qua [thượng] tuần tháng này, sao lại hiện ở phương đông nam, ai trông thấy cũng phải sợ hãi.

Đó không phải điềm lạ nhỏ bé, có lẽ là bởi đức chưa sửa lại, chính sự còn thiếu sót mà đưa đến như vậy chăng? Nay chính sự thi hành không bằng năm trước. Mệnh lệnh ban bố mà các tướng đều không theo ý khoan hồng của người trên, chỉ chăm lo điều tàn ngược, vét hết tài sản của dân. Những tiếng than sầu khổ cũng đủ để cảm động đến trời, mà trời răn bảo bằng điềm lạ, người làm Chúa trông thấy thế phải nên tự xét. Kính xin kính cẩn sự răn bảo của trời, thương nuôi dân mọn, phàm một tí gì tiện lợi cho dân thì đều làm, một chút gì có hại cho dân thì đều bỏ. Lại càng phải thi hành nhân chính cho dân. Dân phố phường kinh thành là đáng thương xót, nên truyền lệnh các tướng cấm cướp đoạt. Dân Thanh Hoa và tứ chính là đáng thương xót, nên nhắc bảo các tướng không được quấy nhiễu. Như thế thì người ở gần được đội ơn trạch, người ở xa nghe tiếng mà đến. Thế là được lòng dân. Lòng người vui ở dưới, thì đạo trời ứng ở trên, sẽ thấy sao tai dị chuyển thành sao sáng lành; mưa tai dị chuyển thành mưa ngọt lành. Các thứ phúc đều đến hết, thế là vương đạo lại thành vậy.

Đại Việt sử ký toàn thư.

Sau Lưu Đình Chất, các Đại thần khác trong Triều cũng dâng sớ tâu, đại lược rằng:

Quan hệ giữa trời với người là đáng sợ lắm. Việc của người không sửa, thì trời lấy tai dị để răn. Hạ tuần tháng 9 năm nay cho đến thượng tuần tháng này, mỗi đêm vào trống canh năm, sao tai dị hiện ra ở phương Đông Nam, hình như mây trắng, hình như dải lụa, như cái thoi nhọn, như cái mũi dáo đầu đuôi nhỏ và nhọn, trông thấy dễ sợ. Lại có mưa vàng, mưa gạo, mưa rượu, tiếng sấm động trái thì, tai dị hiện ra luôn. Biến cố ấy không phải vô cớ mà sinh ra. Hoặc giả bên trong có lỗi đức, bên ngoài có lỗi chính, kỷ cương buông lỏng, pháp lệnh trễ nải, quan lại hà khắc, dân chúng lao động, việc người có nhiều sự mất hoà mà đến thế chăng? Kính xét trong sách Chu thư có nói: “Vua thì xét ở sao Tuế, các khanh sĩ thì xem ở mặt trăng, thứ dân thì xem ở các sao” là nói việc người có đúng có sai, điềm tốt xấu theo loại mà ứng hiện. Năm nay ban đêm hiển hiện sao tai dị, tai biến xảy ra luôn; đó là trời tỏ răn bảo, chính là lúc phải sự hãi chăm lo. Thấy lòng trời nhân ái, luôn ngụ ở sự trách bảo, xin sửa đức để trừ đi là được. Xưa Tống Cảnh công nói ra một lời thiện mà sao tai dị phải lùi chỗ; Tống Thái Tông mở đàn trai nhưng mà sao chổi tự nhiên mất đi. Xem các việc đời trước đã làm, có thể chứng nghiệm. Bọn thần cúi xin đức lớn cao sáng thấy có tai biến mà lo sợ, trách mình sửa nết, đặt đàn cầu trời, trai giới mật đảo, may ra lòng thành cảm cách, hiện tượng huyền vi cũng ứng theo, sao dữ lùi chỗ, khí hoà sinh điềm lành; âm dương điều hoà mà mưa gió phải thì; quần sinh hoà hợp mà muôn vật nảy nở, nhân dân được vui chiếu chăn yên ấm, nhà nước bền vững như bàn thạch Thái Sơn. Cơ nghiệp truyền nối, từ nay được dài lâu, để cho phúc của tôn miếu xã tắc được dài mãi đến ức muôn năm…

Đại Việt sử ký toàn thư.

Đối mặt với thiên tai, bên cạnh việc tu chỉnh đê điều, cứu giúp nạn dân, người xưa còn phải tự nhìn vào bản thân nhằm sửa đi lỗi lầm, làm thêm nhiều việc tốt cho dân chúng... Với cổ nhân, đây mới chính là cách tốt nhất để trị tận gốc thiên tai.

Theo TRẦN HƯNG / TRI THỨC

Tags: , ,