Sự ‘ly tâm’ của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc đầu thời Nguyễn

Mối quan hệ ngoại giao cơ bản giữa Việt Nam và Trung Quốc trong gần 40 năm 1802-1841 có tính nhị nguyên: Một mặt, Việt Nam với tư cách là nước “ngoại vi” của trung tâm Trung Quốc; mặt khác, Việt Nam có xu hướng ly tâm, đối đầu do sự bất cân xứng về mặt lợi ích.

Sự ‘ly tâm’ của Việt Nam trong quan hệ với Trung Quốc đầu thời Nguyễn

Tác giả: PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Hạnh.

Trong hai xu hướng ấy, xu hướng lệ thuộc chỉ mang tính chất tương đối và hình thức, xu hướng ly tâm mới là xu hướng chủ đạo. Chính xu hướng ly tâm mạnh mẽ đó đã đưa đến sự biến dịch vị trí của Việt Nam từ chỗ là nước “ngoại vi” trong quan hệ với Trung Quốc trở thành “trung tâm” trong mối quan hệ với các nước nhỏ hơn ở Đông Nam Á.

Dù được quy định nghiêm ngặt, nhưng việc cầu phong, tiến cống của các vua Việt Nam ra sao là tuỳ thuộc vào tương quan so sánh lực lượng với Trung Quốc cũng như vào tiềm lực và vị thế của bản thân hai nước chứ không nhất định tuân theo định lễ có sẵn[1].

Hơn thế, dẫu sứ thần của triều đình Việt Nam quỳ gối trước mặt hoàng đế Trung Hoa ở Bắc Kinh trong tư cách là phái viên của Việt Nam quốc vương nhưng với thần dân trong nước và những nước nhỏ hơn xung quanh thì những người đứng đầu nhà nước Việt Nam bấy giờ như Gia Long, Minh Mệnh vẫn tự xưng là Hoàng đế, là “Thiên tử” – ngang hàng với hoàng đế của “Thiên triều” ở trung tâm.

Đặc biệt, theo nghiên cứu của nhà Sử học Nhật Bản Tsuboi, triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, nhất là thời Minh Mệnh, có tư tưởng tự tôn về mặt văn hóa rất cao[2].Vì thế, nếu nhà Thanh không đối đãi tương xứng thì Minh Mệnh ngay lập tức thể hiện thái độ bất mãn rõ nét. Ví dụ: Năm 1840, Bộ Lễ báo cáo với vua Minh Mệnh về việc sứ thần đi sứ nhà Thanh năm trước đã bị nhà Thanh xếp hàng sau sứ thần các nước Cao Li (Triều Tiên), Nan Zhang (Lào), Siam (Xiêm), Liu Qiu và hỏi rằng phải đối ứng thế nào. Vua Minh Mệnh đã trả lời ngay rằng: “việc này do sơ suất của Bộ Lễ nhà Thanh, Cao Li là nước văn hiến thì đã đành, Nan Zhang là nước triều cống của chúng ta, Siam và Liu Qiu là nước Di địch (夷狄) nên không thể như vậy được. Sau này còn có chuyện như vậy, các ngươi hãy ra khỏi hàng, thà bị trách phạt còn đỡ hơn”[3].

Đáng lưu ý là, đến năm 1838, không cần thông qua nhà Thanh, vua Minh Mệnh đã quyết định đổi tên nước từ Việt Nam thành Đại Nam với ý nghĩa một nước phương Nam lớn mạnh. Từ đây, quốc hiệu được gọi là nước Đại Nam, hết thảy mọi xưng hô, văn bản, ngay cả các văn bản ngoại giao cũng đều phải theo đó tuân hành, “quyết không được nói lại hai chữ Đại Việt”[4].

Dù mềm mỏng, nhún nhường “thần phục” qua cầu phong, triều cống, lễ sính với ”trung tâm” (Trung Quốc) để duy trì quan hệ hòa hiếu giữa đôi bên, nhưng khi vận mệnh dân tộc bị đe dọa thì cũng như các triều đại trước và các đời vua sau đó, Gia Long, Minh Mệnh sẵn sàng lãnh đạo quân dân đứng lên đấu tranh bảo vệ đến cùng nền độc lập dân tộc.

Nỗ lực “ly tâm” để thay đổi vị thế đất nước của các vua Gia Long, Minh Mệnh còn được minh chứng trong việc duy trì một trung tâm mới ở phía Nam ngang hàng với trung tâm Trung Hoa ở phía Bắc, trong đó, các nước Đông Nam Á – vùng đất mà Trung Hoa ít có quan hệ, phải thừa nhận giá trị đạo lý và sự vĩ đại của Việt Nam như cái cách mà các triều đại Việt Nam “thừa nhận” “thiên triều” Trung Hoa[5].

Khác với Trung Hoa, Việt Nam luôn phát huy “nhu đạo” và tinh thần hòa mục để “chinh phục” những nước nhỏ yếu hơn ở xung quanh, khiến họ “thần phục” mà nương nhờ sự bảo hộ, che chở. Đặc biệt, thời Gia Long, Minh Mệnh đi theo đường lối đối ngoại “nhu viễn” rất rõ[6]. Chính đường lối đối ngoại “nhu viễn” ấy mà trong rất nhiều trường hợp, nhà Nguyễn đã dành nhiều sự ưu ái cho các nước chư hầu. Ví như: Đối với Vạn Tượng, sau lễ cống năm 1824, do tình hình Vạn Tượng có chiến tranh nên vua Minh Mệnh đã miễn cho tất cả các lễ cống. Thậm chí, không ít lần vì thông cảm với hành trình đi sứ xa xôi, vất vả, hoàn cảnh khó khăn về nhiều mặt của các nước “chư hầu” mà Minh Mệnh đã miễn cho sứ đoàn các nước vào Kinh đô dâng tiến. Ví dụ, vào năm 1832, khi sứ thần nước Chân Lạp đến tỉnh Gia Định, Minh Mệnh sắc cho miễn vào Kinh, ban thưởng rồi cho về[7]. Đây là những hành động mà chúng ta hầu như không bắt gặp trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam.

Nước lớn Việt Nam đã tương trợ, giúp đỡ, thậm chí là “bảo hộ” cho các nước nhỏ trong bối cảnh thường xuyên phải chịu sự uy hiếp, thôn tính. Ví dụ vào năm 1833, Chân Lạp gặp phải tai họa giặc Xiêm La, Phiên vương Chân Lạp đã phải dắt díu vợ con chạy vào nội địa nước Việt Nam ẩn náu. Minh Mệnh đã cho cấp phát tiền gạo, sai phái quân binh góp sức với Chân Lạp đuổi giặc Xiêm La, hộ tống Phiên vương Chân Lạp về nước[8]. Đây là nghĩa cử thể hiện tinh thần “nhu viễn” của vua quan triều Nguyễn thời bấy giờ, mặt khác cũng tỏ rõ trọng trách mà bậc “thượng quốc” Việt Nam cần làm với “chư hầu” của mình khi “chư hầu” lâm nguy.

Trong vai trò trung tâm, Trung Quốc và Việt Nam lúc này có những hành xử không giống nhau với các nước ngoại vi – chư hầu của mình. Nếu như Việt Nam mềm mỏng hơn trong ứng xử, sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm, giúp đỡ các nước ngoại vi những lúc gặp bất trắc, nguy nan; thì Trung Quốc lại có phần khắt khe hơn, chặt chẽ hơn trong yêu cầu tiến cống, lễ sính, cầu phong từ phía chư hầu. Từ đây, nó kéo theo một hệ quả tất yếu là, tính hình thức, “giả vờ” trong hoạt động tiến cống, cầu phong Trung Hoa của Việt Nam đậm nét hơn so với các nước Đông Nam Á. Theo đó, xu hướng ly tâm của Việt Nam nhằm vượt thoát ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của trung tâm Trung Quốc diễn ra cũng mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhiều so với các nước “chư hầu” của Việt Nam thời bấy giờ. Và sự ra đời của “trật tự” mới lấy Việt Nam làm trung tâm, tồn tại song hành với trật tự cũ lấy Trung Hoa làm trung tâm, chính là một hệ quả tất yếu cho xu hướng ly tâm mạnh mẽ ấy.

———————–

Chú thích:

[1] Nguyễn Thị Mỹ Hạnh (2010), Vấn đề “sách phong” trong quan hệ bang giao giữa các triều đại phong kiến Việt Nam với Trung Quốc, Tạp chí Nghiên cứu Quốc tế, số 3(82), tr.25 – 40.
[2] Yoshiharu Tsuboi (1992), Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa 1847 – 1885. Hội Sử học Việt Nam, Hà Nội, tr.134.
[3] Đại Nam thực lục, tập VI, Tlđd, tr.872;
[4] Đại Nam thực lục, tập VI, Tlđd, tr.277.
[5] Xem thêm hoạt động triều cống, cầu phong triều Nguyễn của các nước phía Tây Nam như: Chân Lạp – Cao Miên, Vạn Tượng (là một phần Trung Lào hiện nay, giáp giới bắc Nghệ An), Nam Chưởng (gần châu Ninh Biên thuộc Hưng Hóa, ở phía tây tỉnh Hòa Bình và phía bắc tỉnh Thanh Hóa ngày nay), Thủy Xá (thuộc phía tây tỉnh Phú Yên ngày nay), Hỏa Xá (một bộ tộc ở phía tây của Thủy Xá, cũng thuộc phía Tây tỉnh Phú Yên ngày nay) được phản ảnh chi tiết trong: Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, Nxb Giáo dục, xuất bản trong các năm 2002, 2004, 2007, từ tập 1 đến tập 7.
[6] Lấy ý từ câu trong Kinh Thượng Thư, thiên Thuấn Điển: Nhu viễn năng cận nghĩa là có mềm dẻo khéo léo chinh phục được dân phương xa mới thu phục được dân vùng gần. Xem trong phần trích dẫn của: Quốc sử quán triều Nguyễn (1994), Minh Mệnh chính yếu, tập III, quyển 18 – quyển 25, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.355.
[7] Đại Nam thực lục, tập 3, Tlđd, tr.315.
[8] Minh Mệnh chính yếu, quyển XXV, Tlđd, tr.1775.

Theo ARCHIVES.ORG.VN

Tags: , ,