⠀
Vladimir Putin và 17 năm vực dậy một nước Nga hùng cường
Người Mỹ có thể nghĩ họ nhìn nhầm Tổng thống Vladimir Putin khi ông vừa đắc cử lần đầu năm 2000, nhưng người Nga từ đó đến nay vẫn không tỏ ra nuối tiếc sự lựa chọn này.
Với phương Tây, Tổng thống Nga Vladimir Putin là một chính trị gia gây tranh cãi. Từ cách ông can thiệp vào những xung đột trên thế giới đến việc ông điều hành trong nước, Putin đều gây tranh cãi. Điều duy nhất người ta có thể đồng ý nhau là rất hiếm lãnh đạo thế giới hiện đại có tầm ảnh hưởng như Putin.
Ông sống giữa những biến cố quan trọng của thời đại như sự sụp đổ của Bức tường Berlin, ông nắm quyền ở Nga qua 3 đời tổng thống Mỹ, ông đưa nước Nga trở lại vũ đài chính trị thế giới. Ông buộc thế giới phương Tây, những người tưởng đã thắng hoàn toàn trong Chiến tranh Lạnh, một lần nữa phải e dè nhìn nước Nga. Khi Putin đến Việt Nam để dự Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, ông sẽ là nhà lãnh đạo từng tham dự nhiều kỳ APEC nhất.
Ngày 31/12/1999, tổng thống đầu tiên của Nga, ông Boris Yeltsin bất ngờ tuyên bố thoái vị và trao quyền lại cho thủ tướng khi đó, Vladimir Putin, một cựu điệp viên KGB và là cái tên ít người biết đến thời bấy giờ. Trước khi kỷ nguyên của Putin bắt đầu trên nước Nga, chỉ trong 2 năm người Nga đã nhìn thấy đến 5 thủ tướng ra đi dưới sự nắm quyền của Tổng thống Yeltsin. Những cuộc “thay thủ tướng như thay áo” cùng hình ảnh ông Yeltsin mặt đỏ gay và đi lại chao đảo như biểu hiện cho một nước Nga hỗn loạn chưa thể gượng dậy được sau sự sụp đổ của Liên Xô.
Trong hơn 17 năm, Putin từ một tổng thống được Yeltsin lựa chọn để kế nhiệm trở thành người chiến thắng thuyết phục trong các cuộc bầu cử và duy trì mức tán thành cao trong dân chúng. Cũng trong 17 năm đấy, người cựu điệp viên KGB đã trở thành một trong những nhà lãnh đạo có khả năng xoay chuyển trật tự thế giới.
Trong phim tài liệu The Most Powerful Man in the World (tạm dịch: Người đàn ông quyền lực nhất thế giới) do CNN thực hiện năm 2017, Fareed Zakaria bình luận rằng Putin hiểu nước Nga, hiểu “chúng ta” (người Mỹ) và thế giới.
Với người Mỹ
Người Mỹ đã thích Putin, từ cựu tổng thống George W. Bush cho đến các “ngôi sao” Hollywood. Khi ông thay thế Boris Yeltsin để bước vào Điện Kremlin, người Mỹ đã thấy ở ông một vị tổng thống của tương lai. Một tương lai hòa hợp, theo nghĩa Mỹ sẽ gây ảnh hưởng lên Nga.
“Tôi nhìn vào mắt ông ấy. Tôi thấy một người đàn ông thẳng thắn và đáng tin”, cựu tổng thống Bush nói vào năm 2001.
Đó là giai đoạn người Mỹ tưởng rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc hoàn toàn, giai đoạn khi nước Nga vẫn chưa vực dậy được sau sự sụp đổ của Liên Xô trong khi văn hóa đại chúng Mỹ – từ McDonald’s đến Coca Cola – thống trị đời sống người Nga. Người Mỹ hẳn đã mơ về tương lai tương tự với Tổng thống Putin. Nhưng Putin thì không nghĩ vậy.
Dù thế, giai đoạn tốt đẹp trong quan hệ Mỹ – Nga kéo dài khá lâu, từ sau 2 nhiệm kỳ của ông Putin sang đến khi Dmitry Medvedev lên làm tổng thống còn Putin lui về làm thủ tướng vào tháng 5/2008. Năm 2012, khi Mitt Romney ra tranh cử tổng thống, ông nói Nga là một mối đe dọa lớn với Mỹ. Không ai tin Romney và Barack Obama đắc cử nhiệm kỳ thứ 2.
Chỉ vài năm ngắn ngủi sau đó, Putin thể hiện rõ rằng nước Nga sẽ không yên phận ở trong tầm ảnh hưởng của Mỹ. Năm 2014, nước Mỹ và cả thế giới phương Tây chứng kiến cuộc sáp nhập thần tốc của Crimea vào Nga, bất ổn ở miền Đông Ukraine với sự nổi dậy của những lực lượng thân Nga. Đến năm 2015, cuộc can thiệp của Nga vào nội chiến Syria đã đánh bại nhiều nhóm nổi dậy do Mỹ hậu thuẫn…
Năm 2014 cũng là thời điểm các lãnh đạo Nga – Mỹ thừa nhận quan hệ song phương xuống mức xấu nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Tới 2017, trong lúc Nga xây cây cầu nối liền lục địa với bán đảo Crimea, nước Mỹ đã thay tổng thống. Nhưng quan hệ 2 nước vẫn xấu. Tổng thống mới Donald Trump tiếp tục phê chuẩn lệnh trừng phạt Nga.
Gần đây, trong một cuộc thảo luận ở Sochi hồi tháng 10, Putin nói rằng sai lầm lớn nhất của các lãnh đạo Nga hậu Liên Xô là quá tin tưởng Mỹ.
“Lỗi lầm lớn nhất của chúng tôi là đã tin các bạn quá nhiều. Các bạn xem đó là điểm yếu và khai thác”.
“Không may thay, các đối tác phương Tây của chúng tôi, vốn đã chia rẽ di sản địa chính trị của Liên Xô, lại rất chắc chắn về sự chính đáng không thể chối cãi của họ khi tuyên bố mình là người thắng cuộc trong Chiến tranh Lạnh”, ông nói.
Còn người Mỹ thấy rằng hóa ra năm ấy Romney đã đúng còn họ thì đánh giá ông Putin quá thấp.
Với thế giới
“Các anh có nhận ra mình đã làm gì chưa?”, Atlantic dẫn lời tổng thống Nga chất vấn “thế giới tự do phương Tây” trước Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2015.
Đó là 5 năm sau Mùa xuân Arab, khi những cuộc bạo lực nổ ra từ phong trào dân chủ mãi chưa thể chấm dứt ở Trung Đông và Bắc Phi, khi liên minh do Mỹ dẫn đầu, sau khi hậu thuẫn các lực lượng nổi dậy, mãi vẫn không thể tìm được lối ra cho khu vực này. Từ Bức tường Berlin đến Cách mạng Màu, Putin đã không nhìn nhận thế giới theo cách mà phương Tây nhìn nhận. Thay vì ca ngợi sự sụp đổ của những chế độ độc tài, ông lên án những bất ổn phương Tây đã hậu thuẫn tạo nên.
“Tôi tin rằng”, ông nói trong bộ phim tài liệu World Order (tạm dịch: Trật Tự Thế Giới), “không ai nên áp đặt bất cứ loại giá trị nào mà hắn ta cho đúng lên người khác. Chúng ta có giá trị riêng, cách tri nhận riêng đối với công lý”.
“Tôi không nói thẳng với Obama. Nhưng tôi đã nói họ hãy hành động cẩn thận. Việc áp đặt hệ thống ý tưởng tốt xấu – trong trường hợp này là tốt và cả dân chủ – lên người khác là không đúng”.
“(Những nơi) có văn hóa khác biệt, tôn giáo khác biệt và truyền thống riêng. Nhưng nói thẳng ra không ai lắng nghe tôi, có vẻ như họ cho bản thân họ là vĩ đại và không thể sai lầm”, ông Putin nói với người dẫn chuyện Vladimir Solovyov trong World Order.
Nhà bình luận chính trị người Mỹ David Brooks từng viết rằng Vladimir Putin, cũng như nhiều nhà lãnh đạo mạnh mẽ khác, chia sẻ một quan điểm cốt lõi về thế giới rằng cuộc sống là một cuộc tranh đấu trần trụi để giành lấy sự thống trị. Có thể vì ông đã ở ngay tâm điểm của biến cố lớn nhất của nửa cuối thế kỷ 20, sự sụp đổ của Bức tường Berlin. Khi đó, ông Putin là một điệp viên trú tại văn phòng KGB ở Dresden. Vài tuần sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, một đám đông giận dữ đã lao đến tòa nhà KGB với ý định xông vào cướp phá. Khi người đứng đầu KGB ở Dresden đi vắng và “Moscow im lặng” trước những biến cố ở Đông Đức, Putin đã tự tay đốt những tài liệu mật có trong tòa nhà và bước ra ngoài để ngăn cản đám đông hỗn loạn.
Với nước Nga
Mặc cho lời chỉ trích từ phương Tây và những người đối lập trong nước, những người ủng hộ ca ngợi Putin là người đã đứng lên trước phương Tây để bảo vệ nước Nga. Và tỷ lệ người ủng hộ ông trong nước thường đạt mức trên 80%, ngay cả trong những cuộc thăm dò dư luận do các hãng phương Tây tiến hành. Trong thời gian kinh tế Nga khủng hoảng vì những lệnh trừng phạt của phương Tây, tỷ lệ ủng hộ đối với ông ở mức đáng ghen tỵ cho bất cứ chính trị gia phương Tây nào. Có lẽ vì sau những năm tháng hỗn loạn hậu Liên Xô, Putin đã đưa nước Nga trở lại với người Nga, một nước Nga hùng mạnh như trước khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Dưới thời Putin, người Nga đã sống dưới một nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn, một giai đoạn mà người ta cuối cùng đã chịu sinh con đẻ cái lại. Quan trọng nhất, họ tìm thấy một nhà lãnh đạo có thể đại diện cho đất nước trước thế giới, một người có thể đưa Nga khỏi cái bóng của phương Tây và khôi phục lòng tự hào trong người Nga về cường quốc của họ. Từ hình tượng cá nhân đến cách ứng xử trong đối ngoại, từ những trận đấu judo đến chiến dịch can thiệp vào Syria, Putin đều là người lãnh đạo mạnh mẽ mà người Nga chờ đợi.
Năm 2014, bằng việc thách thức trật tự thế giới được thiết lập từ sau Chiến tranh Lạnh, Putin đã đưa nước Nga trở lại bản đồ chính trị thế giới. Mặc cho những chỉ trích của dư luận thế giới, cuộc sáp nhập Crimea là sự phản ứng mạnh mẽ nhất của ông Putin đối với việc NATO tiến dần về phía đông, điều ông xem là sự đe dọa đối với Nga.
“Quá trình mở rộng NATO không liên quan gì việc hiện đại hóa liên minh… Chúng tôi có quyền thắc mắc: ‘Sự mở rộng này nhằm chống lại ai?'”, Tổng thống Putin nói vào năm 2014.
Cuối năm 2015, khi Nga tuyên bố ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến Syria và hỗ trợ lực lượng chính phủ Syria không kích các lực lượng nổi dậy và khủng bố, Putin đã lần đầu tiên đưa quân Nga thực hiện sứ mệnh viễn chinh kể năm 1979. Sự kiện này đầy tính biểu tượng, đánh dấu sự trở lại của Nga trên vũ đài thế giới và từ chối cho phương Tây quyền can thiệp vào nội bộ bất cứ nước nào họ muốn. Và cũng tương tự cuộc sáp nhập Crimea, Putin khiến cả thế giới ngỡ ngàng với sự dứt khoát và tính toán chuẩn xác của ông.
Gần đây, khi được các em học sinh hỏi về sự kiện đã để lại ảnh hưởng lớn nhất trong đời mình, Putin nói rằng đó là sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991. Trước đó, ông cũng gọi sự kiện này là “thảm kịch địa chính trị khủng khiếp nhất thế kỷ 20”.
Cuối cùng, ngay cả những người ghét Putin cũng phải thừa nhận trong 17 năm kể từ khi Putin lên nắm quyền lần đầu tiên ở Nga, nước Nga đã tiến một bước dài so với sự hỗn loạn của thời đại Boris Yeltsin. Người Mỹ có thể nghĩ rằng họ nhìn nhầm Putin, nhưng người Nga quả thật đã có vị tổng thống của tương lai.
Tổng thống Putin vẫn chưa xác nhận việc ông có ra tái tranh cử tổng thống vào mùa xuân năm tới hay không. Quyết định này của ông sẽ ảnh hưởng đến cục diện thế giới trong nhiều năm nữa.
Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN
Tags: Nga, Vladimir Putin