Vị trí nào dành cho nước Nga tại châu Á?

Nhiều nhà quan sát nhận xét sự xoay trục sang Châu Á của Nga chủ yếu hướng tới Trung Quốc, dù trong dài hạn Bắc Kinh có thể là một mối đe dọa đối với những lợi ích của Moskva và trên thực tế Nga cũng chỉ được Trung Quốc coi là đối tác yếu hơn. Vậy trên thực tế cho tới năm 2017, vị thế của Nga tại châu Á như thế nào?

Bài viết của tác giả Isabelle Facon, nghiên cứu viên cấp cao Quỹ Nghiên cứu Chiến lược (Pháp), chuyên gia về chính sách an ninh và quốc phòng Nga. Bài viết được đăng trên Tạp chí Ngoại giao của Pháp.

Ngoài các hiệu ứng truyền thông nhằm vào phương Tây, cho đến nay Moskva vẫn đang vất vả tìm cách gắn sự phát triển kinh tế của mình với châu Á dù coi trọng vị trí chiến lược của châu lục này. Có rất nhiều trở ngại kìm hãm chính sách hướng Đông của Nga, trong số đó 2 vấn đề nổi lên rõ ràng nhất là mối liên kết mạnh mẽ của nước này với châu Âu và sự phức tạp về địa chiến lược của châu Á-Thái Bình Dương. Đồng thời với điều mà họ thường lớn tiếng gọi là thiết lập một “trật tự thế giới hậu phương Tây”, Chính quyền Nga gần đây không ngừng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng vị thế của đất nước họ tại châu Á. Đối với nhiều nhà quan sát nước ngoài, đó chỉ đơn giản là cách mà Moskva thể hiện sau cuộc khủng hoảng quan hệ với các nước phương Tây: Nước Nga “đe dọa xoay trục sang châu Á” để khiêu khích và gây lo ngại cho phương Tây, vốn đang áp đặt lệnh trừng phạt và gạt nước này ra ngoài lề do hành động của họ ở Ukraina. Nhiều nhà quan sát nhận xét sự “xoay trục” này chủ yếu hướng tới Trung Quốc, dù trong dài hạn Bắc Kinh có thể là một mối đe dọa đối với những lợi ích của Moskva và trên thực tế Nga cũng chỉ được Trung Quốc coi là đối tác yếu hơn. Vậy trên thực tế cho tới năm 2017, vị thế của Nga tại châu Á như thế nào?

Khủng hoảng quan hệ với phương Tây

Việc Nga chuyển hướng sang châu Á chắc chắn có dấu ấn của sự xuống cấp trong quan hệ của nước này với Mỹ và châu Âu, với những nguyên nhân có từ trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng Ukraina, như đã được chứng minh trong bài diễn văn cứng rắn của Vladimir Putin tại Hội nghị an ninh Munich cách đây hơn 10 năm. Ngay từ những năm 1990, Nga đã bắt đầu tìm gắn chính sách phát triển của mình trong việc thúc đẩy quan hệ với các đối tác châu Á để chống lại xu hướng củng cố trật tự trong việc thúc đẩy đơn cực dưới sự lãnh đạo (và bảo trợ) của Mỹ: quan hệ đối tác chiến lược với Trung Quốc, tam giác chiến lược Nga-Ấn-Trung. Tiếp theo đó, và với sự nối tiếp mạch lạc hơn, đường lối và chính sách đối ngoại của Nga phát huy tiềm năng của Tổ chức hơp tác Thượng Hải (SCO) và nhóm BRICS. Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế đồng thời là Chủ tịch nhóm công tác của chính phủ về xúc tiến lợi ích của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương, Stanislav Voskresensky, đã nhấn mạnh rằng tại châu Á, Nga dễ tìm kiếm các đối tác thực tế hơn, ít nói về “những giá trị và tập trung nhiều vào năng lực cũng như các mối quan tâm cụ thể” – ám chỉ việc Nga bác bỏ xu hướng áp đặt mô hình và đưa ra những bài học cho nước khác của phương Tây.

Việc Chính quyền Nga chú trọng tái cân bằng chính sách đối ngoại sang châu Á diễn ra rõ ràng hơn sau khi các sự kiện tại Ukraina nhấn chìm quan hệ Nga-phương Tây vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc, âm ỉ từ nhiều năm.

Ý tưởng “xoay trục” sang châu Á của Moskva đã được khẳng định trong diễn văn của các quan chức và chuyên gia phân tích của cả Nga và phương Tây. Bị phương Tây trừng phạt, bị khai trừ khỏi G7, Nga khi đó rất cần chứng tỏ rằng họ không hề bị cô lập trên trường quốc tế. Thực tế, đối với vấn đề Ukraina, nước này đã nhận được hoặc là sự ủng hộ, hoặc là im lặng của một số đối tác châu Á quan trọng – Ấn Độ và Trung Quốc không tham gia bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về cuộc trưng cầu dân ý tổ chức ở Crimea tháng 3/2014 (nghị quyết 68/262), còn Hàn Quốc, trái với Nhật Bản, đã không áp đặt trừng phạt Nga. Moskva cũng đề cao tất cả các diễn đàn đa phương liên quan đến hoạt động quốc tế mà theo họ ít bị ràng buộc bởi các chuẩn mực hơn so với những tổ chức bị các cường quốc phương Tây chi phối, như Tổ chức hợp tác Thượng Hải, từ đó thúc đẩy một trật tự thế giới mới ít chịu ảnh hưởng của phương Tây. Theo tinh thần này, năm 2014 SCO đã mở rộng, kết nạp thêm Ấn Độ và Pakistan, còn BRICS cũng quyết định thành lập các thể chế tài chính độc lập với IMF và WB. Năm 2015, Nga và Trung Quốc loan báo tham vọng kết nối Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEU) với các tuyến đường thuộc sáng kiến Con đường tơ lụa mới. Trên bình diện kinh tế, lệnh trừng phạt buộc Nga phải tìm kiếm sự bù đắp từ nơi khác (thị trường, vốn, đầu tư và công nghệ). Nó đã thúc đẩy nước này đi theo con đường đã bắt đầu từ những năm 2000 nhằm củng cố vị thế của mình trong không gian “đại châu Á”, khu vực mà sự năng động kinh tế và chiến lược đã và đang thu hút sự chú ý không kém của các cường quốc khác.

Những động lực khác của chính sách tái cân bằng ngoại giao và kinh tế của Nga sang châu Á

Thực ra, khi Tổng thống Putin tuyên bố trong thông điệp trước Quốc hội ngày 1/12/2016 rằng “chính sách hướng Đông tích cực” của Moskva có động cơ không chỉ là những tính toán ngắn hạn – như cuộc khủng hoảng quan hệ với Mỹ và Liên minh châu Âu – mà có cả “những lợi ích quốc gia dài hạn và xu hướng phát triển toàn cầu”, ông đã không chỉ lặp lại một điệp khúc bất di bất dịch nhằm nói với các đối tác phương Tây rằng nước Nga có thể sống mà không cần có họ. Từ những năm 2000, nhà lãnh đạo Nga đã cho rằng trong số các “lợi ích quốc gia dài hạn” có việc phát triển phần lãnh thổ ở châu Á. Điều này đã được thể hiện qua việc thành lập Bộ Phát triển vùng Viễn Đông (Minvostokrazvitiya, được thành lập từ đầu nhiệm kỳ thứ ba của Putin). Putin cũng nhiều lần nhấn mạnh mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài, nhất là châu Á, để hỗ trợ sự phát triển của vùng Siberia và Viễn Đông.

Sự quan tâm tới vấn đề nói trên, thường được các quan chức Nga coi là có ý nghĩa chiến lược, cho thấy dụng ý của Moskva muốn tham gia một trong những “xu hướng phát triển quan trọng nhất của toàn thế giới”, đó là xu hướng dịch chuyển sự phát triển kinh tế và chiến lược năng động về phía châu Á. Theo ông Stanislav Voskresensky, việc “tăng cường thiết thực mối quan hệ với các trung tâm tăng trưởng thế giới vì lợi ích của nền kinh tế Nga và của các công dân Nga” đã trở nên quan trọng. Các trung tâm tăng trưởng ở đây là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, chiếm gần 30% GDP toàn cầu. Một quan chức Nga tóm lược rằng việc này là sử dụng “năng lương tăng trưởng tại châu Á để phục vụ cho lợi ích của chúng ta, để đa dạng hóa nền kinh tế của chúng ta”. Các mục tiêu của Kremlin xét về mặt này thường xuyên được chính phủ đề cập tới: bảo đảm cho các sản phẩm và dịch vụ của Nga tiếp cận thị trường châu Á-Thái Bình Dương, phát triển cơ sở hạ tầng cần thiết để khuyến khích sự tiếp xúc của giới doanh nghiệp và đầu tư, cố gắng dỡ bỏ các hàng rào cản trở lưu thông hàng hóa bằng cách ký kết các thỏa thuận thành lập khu vực thương mại tự do,…

Các phương tiện mà Nga đã triển khai để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Vladivostok năm 2012 đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ về sự nghiêm túc trong định hướng này của họ, thể hiện những bài học đã được giới lãnh đạo Nga rút ra từ cuộc khủng hoảng tài chính và kinh tế toàn cầu năm 2008-2009: các đối tác châu Âu dường như đã gặp rất nhiều khó khăn để hồi phục, nên Nga cần phải đa dạng hóa cơ hội để phát triển kinh tế.

Moskva chấp nhận rằng tiến triển của chính sách hướng sang châu Á của Nga diễn ra chậm chạp. Một nguyên nhân quan trọng là theo truyền thống, chính sách đối ngoại của Nga, kể cả liên quan đến kinh tế, thường hướng sang không gian châu Âu-Đại Tây Dương. Điều đó đã tạo ra lối mòn và gây khó khăn, một cách khách quan, cho chính sách tái cân bằng sang châu Á, nơi mà Nga có hình ảnh tương đối nhạt nhòa và lộn xộn.

Giới tinh hoa và kỹ trị Nga đã triển khai khá chậm, ít nhiều mang tính cố tình, “mong muốn châu Á” mà Putin đưa ra. Các chuyên gia giải thích điều đó có nguyên nhân là Nga thiếu kinh nghiệm về châu Á, và khiếm khuyết này đã trở nên trầm trọng hơn sau khi Liên Xô tan rã. Về quan hệ kinh doanh, các nhà quan sát nhận định rằng những trở ngại chính do chế độ quan liêu, sự lạc hậu của các cơ chế luật pháp và hành chính, thiếu khả năng dự đoán thị trường trong dài hạn gây ra cũng khá nặng nề, chưa kể thực trạng nền kinh tế yếu kém của Nga trong những năm gần đây không hấp dẫn các nước châu Á.

Điện Kremlin dường như đã xác định được những vấn đề này. Theo một thông lệ quen thuộc trong hệ thống quyền lực của Nga, một nhân vật có ảnh hưởng sẽ được chỉ định nắm vai trò điều phối viên chính cho chính sách châu Á. Người đó là Igor Shuvalov, Phó Thủ tướng thứ nhất, người từ trước năm 2014 đã chủ trì nhiều ủy ban liên chính phủ với Nhật Bản, Singapore, Việt Nam, vốn là những đối tác thương mại quan trọng của Nga tại châu Á. Ông cũng là đồng chủ tịch một ủy ban liên chính phủ mới giữa Nga và Trung Quốc về các dự án đầu tư ưu tiên. Một trong những thuộc cấp cũ của ông là Thứ trưởng Bộ Phát triển kinh tế Stanislav Voskressensky, người đã lãnh đạo nhóm công tác về xúc tiến các lợi ích kinh tế của Nga tại châu Á-Thái Bình Dương từ tháng 8/2014. Theo một số nhà phân tích, sự tham gia trực tiếp của các quan chức hàng đầu kích thích sự ganh đua và gieo rắc sự hỗn loạn, nhưng nó cũng cho thấy tầm quan trọng của vấn đề này đối với cấp cao nhất của nhà nước. Một nhân vật thân cận với Putin, Gennady Timchenko (đang bị phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt), đã được trao chức chủ tịch Hội đồng thương mại Nga-Trung năm 2014, một trong những dấu hiệu cho thấy tầm quan trọng ngày càng cao của Trung Quốc trong những tính toán và chính sách của Nga.

Chính sách xoay trục của Nga không chỉ tập trung vào Trung Quốc?

Không phải không có căn cứ khi nhiều nhà quan sát lưu ý rằng chính sách xoay trục của Nga sang châu Á dường như chỉ tập trung xích lại gần với Trung Quốc. Trên thực tế, cuộc khủng hoảng Ukraina đã thắt chặt quan hệ giữa 2 nước, nhưng nó đồng thời cũng gây khó khăn cho việc Nga quay sang châu Á vì quan hệ Nga-Trung thân mật gây lo ngại cho những nước có tranh chấp với Bắc Kinh. Nhưng nỗ lực can dự vào châu Á của Nga cũng bị tác động bởi việc từ những năm 2000 Moskva đã không muốn bị hút vào và phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, quan hệ song phương giữa 2 nước đã thay đổi theo chiều hướng hoàn toàn bất lợi cho Nga. Năm 2014, Nga và Trung Quốc đã ký kết các thỏa thuận lớn trong lĩnh vực năng lượng, vốn được đàm phán từ rất lâu nhưng với những điều kiện ít thuận lợi hơn so với tính toán từ trước của Moskva. Nga cũng buộc phải chấp nhận bán cho Trung Quốc các công nghệ quân sự mà họ không hề muốn (SU-35, S-400). Tại Biển Đông, Nga cũng phải từ bỏ thái độ thận trọng thường thấy, tham gia các cuộc tập trận với hải quân Trung Quốc năm 2016 và ủng hộ Bắc Kinh bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay.

Tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình vào tháng 5/2015 về mong muốn 2 nước kết nối EAEU (gồm một số nước thuộc Liên Xô trước đây là Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Armenia, Belarus) với Con đường tơ lụa mới đã gây bất ngờ cho cộng đồng quốc tế. Trước đó ít lâu, Nga đã thể hiện mối quan ngại công khai đối với các dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc xây dựng tại khu vực Á-Âu, cho rằng chúng gây ra những tác động địa chính trị lớn đối với khu vực Trung Á, vốn là một phần của không gian hậu Xôviết mà tại đó Nga từ trước đến nay vẫn chống lại bất cứ ảnh hưởng nào của các cường quốc bên ngoài. Những diễn biến này gợi lên nhiều câu hỏi trong giới nghiên cứu về khả năng Nga duy trì được sự độc lập của mình trong những điều kiện như vậy.

Quá trình hai bên xích lại gần nhau đã được ghi nhận từ năm 2014, sức nặng gia tăng của Bắc Kinh trong chính sách châu Á của Moskva được thể hiện qua nhiều biến số. Trước hết, đó là kết quả của lựa chọn chiến lược mà Nga đã đưa ra trong những năm 1990: Trong chính sách đối ngoại, Nga từ bỏ việc theo đuổi nhiều ưu tiên cùng một lúc, mà tập trung nhiều hơn vào châu Á; cải thiện và sau đó là phát triển quan hệ với Trung Quốc, cường quốc mới về kinh tế, tài chính của thế giới. Nước Nga đã muốn tìm kiếm đối tác kinh tế và tài chính phải quan tâm tới điều này. Các nước khác, như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng được giới lãnh đạo Điện Kremlin coi là đối tác quan trọng tiềm tàng, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, do những nước này có khả năng chuyển giao vốn và công nghệ, hay giúp Nga đa dạng hóa quan hệ chiến lược tại châu Á. Về phần mình, 2 nước trên cũng muốn tranh thủ Nga để đối trọng với Trung Quốc hoặc đóng góp tích cực hơn vào tiến trình ngoại giao giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực để gia tăng động lực cho quan hệ với Nga, trong đó có các dự án chung trên quần đảo Kurin/Vùng lãnh thổ phương Bắc, bất chấp việc Nga gần đây tăng cường sự hiện diện quân sự tại vùng đất tranh chấp này. Tuy vậy, hạn chế của các mối quan hệ đó nằm ở quan hệ an ninh giữa 2 nước này với Mỹ, cho nên Moskva, vốn vẫn tiếp tục chờ đợi diện mạo chính sách mới của Chính quyền Trump trở nên rõ ràng hơn, tiếp tục giữ thái độ thận trọng, chưa muốn mở rộng quan hệ. Xét về góc độ này, việc Mỹ triển khai lá chắn chống tên lửa tại Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn là điểm gây bất đồng lớn.

Ở phương Tây, một số nhà quan sát cho rằng mối quan hệ Nga-Trung ngày càng sâu sắc có thể đe dọa thế giới phương Tây, do nó hình thành nên một trục thù địch. Một số khác nhận định trong mô hình này, Nga sẽ bị đẩy xuống thành đối tác thứ yếu. Moskva nhận thức được điều này. Thế nhưng sự hồi phục của cỗ máy quân sự và tầm quan trọng của Nga trên trường quốc tế, sự năng động trong ngoại giao ở Trung Đông và ở những nơi khác, đã phần nào trấn an nước này trước sự năng động về kinh tế và chiến lược của Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc đang tái định hình mô hình kinh tế và dường như cũng quyết tâm tập trung sức mạnh chiến lược vào các vấn đề của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngược lại, quan hệ Nga-Trung được củng cố cũng có thể góp phần hạn chế ảnh hưởng của Nga tại “Đại châu Á”. Một số nhà phân tích Nga cho rằng phần lớn các nước ASEAN đã phản ứng một cách lo ngại về việc Nga ủng hộ lập trường của Trung Quốc đối với phán quyết của Tòa Trọng tài về Biển Đông, và đã kêu gọi Nga nên giữ thái độ cảnh giác với chủ đề này. Trong một nghiên cứu mới đây, Timofei Bordachev, giám đốc dự án của Valdai Fondation, cho rằng: “Trong tương lai, Nga cần có cách tiếp cận cân bằng hơn và chú ý tới các tác nhân khu vực vừa và nhỏ. Cho tới nay Nga vẫn theo đuổi đường lối cân bằng để không ảnh hưởng tới bất cứ đối tác nào. Chẳng hạn, Nga là nước cung cấp vũ khí chính cho Việt Nam, cũng là nước mà họ có các chương trình hợp tác trong lĩnh vực năng lượng. Đề xuất chung của Nga với Trung Quốc về một cơ cấu an ninh tại châu Á có thể phản ánh nỗ lực của 2 nước nhằm khẳng định mình là nhân tố gây ổn định. Nhưng Nga cũng phải thuyết phục được các nước về giá trị chiến lược của mình đối với khu vực, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục chính sách quyết đoán. Trong tình huống nào đi nữa, khả năng duy trì một chính sách độc lập, tự chủ chiến lược tại châu Á của Moskva là một biến số then chốt mà các nước châu Á khác theo dõi sát”.

Can dự thực sự vào châu Á, nhưng chậm và từng bước

Sự dịch chuyển sang châu Á, diễn ra một cách nghiêm túc do ý chí của Tổng thống Putin, đã tạo ra một số kết quả. Năm 2010, Trung Quốc đã thay thế Đức để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Trao đổi thương mại của Nga với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước ASEAN đã gia tăng, đạt gần 170 tỷ USD năm 2015. Theo Chiến lược năng lượng đến năm 2030 của Chính phủ Nga, tiến trình đa dạng hóa thị trường xuất khẩu khí đốt đã bắt đầu diễn ra. Năm 2016, đầu tư của Nga vào Việt Nam tăng 186%, vào Ấn Độ tăng hơn 300%. Cuộc khủng hoảng Ukraina đã gây khó khăn cho dự án xây dựng Không gian kinh tế Á-Âu, phỏng theo mô hình của EAEU, một chương trình nghị sự đối ngoại đã được huy động hết mức trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 3 của Putin. Điện Kremlin có vẻ như đang cố gắng để tìm cách thúc đẩy chính sách hướng Đông, với những kế hoạch cụ thể: kết nối EAEU với các tuyến đường trong dự án Con đường tơ lụa mới của Trung Quốc, khu vực thương mại tự do Việt Nam-EAEU (2015), xem xét khả năng lôi kéo Pakistan, Ấn Độ, Iran vào EAEU, đề xuất thiết lập một thỏa thuận thương mại tự do ASEAN-EAEU (Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nga đã diễn ra tại Sochi năm 2016).

Các tiến triển đó diễn ra khá chậm và sẽ tiếp tục chậm như vậy trong những năm tới, ngoại trừ trong quan hệ với Trung Quốc. Trọng lượng của “quan hệ đối tác chiến lược” Trung-Nga cũng làm phức tạp sự phát triển quan hệ giữa Moskva với các nước châu Á khác. Tuy vậy, khó khăn lớn nhất của Chính phủ Nga trong việc kích thích sự phát triển của các vùng lãnh thổ của Nga tại châu Á lại nằm ở chỗ khác. Mối quan ngại của cùng các cường quốc khu vực trước chính sách bất định của Mỹ tại châu Á – dưới thời Obama cũng như dưới thời Trump, với những lý do khác nhau – đã làm cho một số nước quan tâm tới những đóng góp chiến lược của Moskva. Nhưng không gian vận động của Nga tương đối hạn chế cả do nước này từ lâu đã vắng bóng trong thế cờ địa chính trị khu vực rất năng động. Đầu tư của Nga vào lĩnh vực này cũng diễn ra một cách thận trọng và có chừng mực, đồng thời Nga vẫn không có cảm giác họ gắn bó với châu Á chặt chẽ hơn trước đây. Bản sắc, cũng như lợi ích kinh tế và quan ngại chiến lược, vẫn gắn liền Nga với thế giới châu Âu-Đại Tây Dương, nơi vẫn hấp thụ một phần lớn năng lượng ngoại giao của họ.

Khái niệm xoay trục gợi lên một giả thuyết về sự thay đổi cơ bản định hướng địa chính trị và tầm vóc chiến lược. Xét theo nghĩa này thì Nga chưa “xoay trục”. Các quan chức Nga, như Stanislav Voskresensky, không ngần ngại tuyên bố “không có bất cứ sự xoay trục nào sang phía Đông”. Thế nhưng, phủ nhận việc Nga muốn can dự mạnh mẽ hơn vào khu vực “đại châu Á”, một diễn biến bền bỉ và thực tế, sẽ là một thiếu sót chiến lược nếu xét đến những tác động rất đa dạng – cả tích cực và tiêu cực – mà nó có thể gây ra cho châu Âu.

Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG

Tags: , ,