⠀
Vì sao nhiều phụ nữ Nhật Bản cao tuổi tìm cách để được ở tù?
Cứ 5 phụ nữ Nhật đang trong tù thì có 1 người phụ nữ già. Họ thường chỉ phạm những tội rất nhỏ. Có đến 9/10 người phụ nữ già này chỉ mắc tội ăn cắp vặt.
Mỗi xã hội đang già hóa nhanh đối diện với nhiều vấn đề khác nhau. Trong trường hợp của Nhật, đất nước có tỷ lệ dân số già cao nhất thế giới (27,5% dân số Nhật trên 65 tuổi – tỷ lệ cao gấp đôi so với Mỹ), Nhật đang đối diện với một vấn đề chưa từng thấy: tội phạm tuổi già.
Những lời phàn nàn và bắt giữ liên quan đến đối tượng người già, đặc biệt phụ nữ già đang tăng nhanh hơn so với bất kỳ nhóm dân số nào khác. Cứ 5 phụ nữ Nhật đang trong tù thì có 1 người phụ nữ già. Họ thường chỉ phạm những tội rất nhỏ. Có tới 9/10 người phụ nữ già này chỉ mắc tội ăn cắp vặt.
Vậy tại sao có quá nhiều phụ nữ già người Nhật phạm tội vớ vẩn kiểu như vậy? Trước đây, trách nhiệm chăm sóc người già Nhật thuộc về gia đình và cộng đồng, thế nhưng nay điều đó đang thay đổi.
Từ năm 1980 đến năm 2015, số lượng người già Nhật sống một mình tăng đến hơn sáu lần, lên hơn 6 triệu người.
Khảo sát thực hiện năm 2017 bởi chính quyền thành phố Tokyo cho thấy hơn một nửa những người già bị bắt vì tội ăn cắp vặt hiện đang sống một mình. 40% trong số những người này thậm chí còn không có gia đình hoặc hiếm khi nói chuyện với họ hàng. Họ thường nói họ không có nơi nào để về khi họ cần.
Mỗi người phụ nữ già dù có nơi để đến nhưng họ luôn cảm giác mình không tồn tại. Quản giáo trưởng tại Iwakuni, bà Yumi Muranaka, chia sẻ: “Họ có thể có một ngôi nhà, họ có thể có gia đình. Thế nhưng điều đó không có nghĩa họ có một nơi mà họ cảm thấy thực sự ấm áp như ngôi nhà thực sự. Họ cảm giác mình không được thấu hiểu. Họ cảm giác họ chỉ được nhìn nhận như người giúp việc trong gia đình”.
Nhiều phụ nữ già thường khó khăn về kinh tế. Gần một nửa phụ nữ trên 65 tuổi hoặc già hơn sống một mình trong cảnh nghèo khó hơn so với phần đông dân số. Tỷ lệ nghèo khổ trong nhóm những người đàn ông già chỉ 29%.
Chính phủ và cả lĩnh vực tư nhân ở Nhật chưa thiết lập được một hệ thống hỗ trợ những tội phạm cao tuổi tái hòa nhập cộng đồng, trong khi đó chi phí để chăm sóc họ trong tù đang tăng chóng mặt. Chi phí liên quan đến chăm sóc sức khỏe cho người già tại các khu giam giữ đã vượt quá 6 tỷ yên tương đương hơn 50 triệu USD trong năm 2015, tăng 80% so với một thập kỷ trước.
Nhiều người trợ lý đặc biệt được tuyển dụng để giúp hỗ trợ những tội phạm cao tuổi làm vệ sinh cá nhân, còn về đêm, những người gác tù đảm nhiệm việc này.
Ở một số khu vực giam giữ, làm người quản tù nhiều khi giống như nữ y tá. Một người từng làm quản tù tại nhà tù tỉnh Tochigi, bà Satomi Kezuka, cho biết nhiều khi có những người già hay xấu hổ: “Họ xấu hổ và giấu đồ lót của mình đi. Tôi tiến gần đến và bảo họ tôi sẽ giặt nó”. Công việc quá vất vả, hơn 30% quản tù nữa nghỉ việc trong vòng ba năm làm việc đầu tiên.
Năm 2016, chính phủ Nhật đã thông qua luật để cho phép những phạm nhân cao tuổi được phép nhận hỗ trợ từ hệ thống phúc lợi và an sinh xã hội của nước này. Từ đó đến nay, các công tố viên và quản tù hợp tác chặt chẽ với các cơ quan chính phủ để đảm bảo những phạm nhân cao tuổi được tiếp cận với sự trợ giúp cần thiết.
Thế nhưng vấn đề nằm ở chỗ có quá nhiều phạm nhân nữ không muốn rời khỏi nhà tù bởi những vấn đề mà họ gặp phải vượt quá khả năng của hệ thống.
Khi được hỏi, một số người già tâm sự như sau:
“Tôi ăn cắp hơn 20 lần, chỉ toàn quần áo rẻ tiền hoặc thậm chí hàng giảm giá. Không phải tôi cần tiền. Lần đầu tôi ăn cắp, tôi nhận ra mình không bị bắt. Và sau đó tôi cảm thấy việc đó là cho vui”.
“Tôi vào tù lần đầu tiên khi tôi 70 tuổi. Khi tôi ăn cắp, tôi có tiền trong túi. Sau đó tôi nghĩ về cuộc đời, tôi không muốn về nhà và tôi cũng chẳng có nơi nào để về. Việc vào tù là cách tốt”.
“Cuộc sống trong tù của tôi dễ chịu hơn. Tôi có thể là chính mình, dù chỉ là tạm thời. Con trai tôi nói với tôi rằng tôi bị bệnh và nên đi viện tâm thần, hãy vui vẻ với điều đó đi. Nhưng tôi không nghĩ rằng tôi có bệnh, tôi nghĩ rằng chính tâm lý lo lắng đã khiến tôi đi ăn trộm”.
Mỗi người mỗi tâm sự khác nhau, nhưng có một điểm chung: Không ai muốn trở về nhà.
Theo DIỄN ĐÀN ĐẦU TƯ
Tags: Nhật Bản, Phụ nữ, Dân số, Người cao tuổi