Vì sao nhạc Pop ngày càng buồn chán?

Nhạc pop hiện đại chậm hơn và buồn hơn so với cái thời mà The Beatles và Abba đứng đầu các bảng xếp hạng. Điều gì đã khiến nhạc Pop hiện đại ngày càng buồn bã hơn?

Vì sao nhạc Pop ngày càng buồn chán?

Nếu bạn cho rằng nhạc pop bây giờ chẳng còn như xưa, có lẽ bạn đã đúng! Các nhà nghiên cứu âm nhạc của Anh sau khi phân tích hơn 1.000 bản hit trong lịch sử âm nhạc thế giới từ năm 1965 đến 2009 đã đưa ra kết luận rằng những bài hát ngày nay chậm và buồn hơn những bài hát từng một thời đình đám trong quá khứ. Sự ảm đạm đó không phải chỉ diễn ra có thời điểm, thời đoạn mà nó kéo dài lê thê trong suốt hàng chục năm qua và xu hướng này vẫn ngày càng rõ nét.

Nguyên nhân của điều này được cho là đến từ tâm lý người nghe. Trong cuộc sống hiện đại, họ bị quá nhiều áp lực và dần mất đi cảm giác vui vẻ, quên mất cách tận hưởng cuộc sống, không biết làm thế nào để hài lòng với bản thân. Vì vậy, con người hiện đại thường quá cứng nhắc và nghiêm trọng hoá trước những vấn đề gặp phải. Họ nghĩ rằng mình đa chiều, phức tạp và thích nghe những gì đau đớn, gai góc và như thế mới được cho là tinh tế, nhạy cảm, có chiều sâu.

Vậy là những bản nhạc nổi tiếng như Help! hay She Loves You của The Beatles ngày càng ít dần…

Các giáo sư của các trường đại học tại Canada và Đức cũng tham gia vào công trình nghiên cứu này. Họ phân tích nhịp độ và giai điệu của những bản hit đình đám nhất trong 60 năm qua và nhận thấy một điều rằng tốc độ nhanh và những điệu trưởng thường xuất hiện trong các bài hát vui, trong khi đó nhịp điệu chậm và điệu thứ thường diễn tả cảm xúc buồn.

Thống kê cho thấy số lượng những bài hát sử dụng điệu thứ đã tăng lên gấp đôi và đưa các giai điệu buồn lên vị trí thống trị.

Những bản nhạc pop hiện đại chậm hơn với khoảng 100 beats (nhịp)/ phút so với số lượng trung bình 116 beats/ phút của những năm 1960. Nỗi buồn đó cũng “lê thê” hơn khi thời lượng ghi âm trung bình của thập niên 60 là dưới 3 phút/ bài thì hiện nay một MV ngăn ngắn cũng phải gần 4 phút.

Nghiên cứu hợp tác giữa trường ĐH Toronto (Canada) và ĐH Berlin (Đức) cho thấy một xu hướng mới thống trị hiện nay là sự “ghép đôi” giữa điệu thứ với nhịp điệu nhanh đang dần trở nên phổ biến. Các nhà nghiên cứu cho rằng sự kết hợp này nhằm thu hút khán giả và khiến những bài hát trở nên “phức tạp, đa chiều, sâu sắc” hơn những bản nhạc buồn chậm rãi trước đây.

Sự thay đổi này trong thị hiếu nghe nhạc đã khiến những bản hit vui vẻ trong quá khứ như Waterloo của Abba dường như trở nên ngây thơ và thậm chí hơi trẻ con so với những cái tai khó chiều đương đại. Những giai điệu hiện đại, kết hợp giữa nhịp điệu nhanh và điệu trưởng như nhạc phẩm Barbie Girl của nhóm Aqua không được đón nhận nhiệt tình.

Tuy vậy, ít nhất vẫn còn một ca sĩ nổi tiếng thế giới có thể thoát ra khỏi xu hướng này, với những giai điệu nhanh, sử dụng điệu trưởng nhưng vẫn nhận được sự khen ngợi của giới phê bình và sự yêu thích của công chúng.

Viết trong tạp chí chuyên ngành Tâm lý học thẩm mỹ, sáng tạo, và nghệ thuật, các nhà nghiên cứu cho rằng: Lady Gaga bằng cách riêng của mình đã thoát khỏi lối đi chung của dòng nhạc pop đương đại.

Nhịp điệu nhanh, sử dụng điệu trưởng trong những bản hit như Born This Way hay Edge of Glory nghe rất tươi mới trong khi vẫn khiến những đôi tai “sành” nhớ về những nét cổ điển của nhạc pop những thập niên về trước.

Những nhận định này cũng đồng điệu với những nghiên cứu mới được tuyên bố đầu năm nay kết luận rằng nhạc pop hiện đại âm lượng to hơn và có phần… vô nghĩa nếu đem so sánh với những bản hit của thập niên 1950 – 1960.

Phân tích tự động của máy tính đối với 500.000 bản nhạc pop, rock và hip hop từ năm 1955 – 2010 cho thấy âm lượng đĩa hát lớn hơn bởi người xử lý âm thanh và các nhà sản xuất đều gia tăng âm lượng ngay từ khâu ghi âm trong phòng thu.

Nếu bật hai đĩa nhạc, một pop cổ điển và một pop đương đại ở cùng tần số âm thanh, trên cùng một máy phát thì những đĩa càng được sản xuất gần đây, âm lượng càng to.

Rõ ràng điều này không phải do kỹ thuật ghi âm tốt hơn mà là một nỗ lực để âm nhạc “bắt tai” hơn, thu hút sự chú ý của người nghe và có thể chơi trong những nơi ồn ào.

Nghiên cứu của các giáo sư ở Tây Ban Nha cho thấy những hợp âm và các khúc biến tấu được sử dụng trong những bài hát pop đương đại khá đơn giản khiến cho việc sản xuất âm nhạc trở nên dễ dàng, bài hát dễ nghe nhưng chứa đựng ít sự khác biệt giữa các bài hát.

Nhà nghiên cứu Martin Haro của trường ĐH Pompeu Fabra ở Barcelona cho rằng: “Sự thay đổi này liên quan tới vai trò của âm nhạc. Trong thập niên 1950 – 1960, âm nhạc mang tính nghệ thuật hơn và mỗi nhạc phẩm đều mang những thông điệp để truyền tải tới người nghe. Giờ đây âm nhạc là để nhảy múa, khiêu vũ, giải trí và các nhóm nhạc dường như quá chú trọng tính giải trí mà quên mất việc mạo hiểm với nhửng thử nghiệm mới trong nghệ thuật”.

Theo HỒ BÍCH NGỌC / DÂN TRÍ

Tags: