Vì sao các tư tưởng của Karl Marx vẫn quan trọng với chúng ta?

Hai thế kỷ sau ngày Karl Marx ra đời, chủ nghĩa tư bản toàn cầu đang trượt ngã từ khủng hoảng này sang khủng hoảng khác. Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, sự quan tâm đến các ý tưởng của Marx một lần nữa lại nở rộ.

Nguồn: Why Marx Still Matters; Tribune; 5/5/2023.

Biên dịch: Đoàn Hiểu Linh / Redsvn.net.

Điều này không có gì đáng ngạc nhiên: Tư tưởng của Karl Marx vẫn rất quan trọng để hiểu rõ không chỉ động lực của chính chủ nghĩa tư bản mà cả cách thức chủ nghĩa tư bản tạo thành thế giới hiện đại của chúng ta.

Trong cuộc phỏng vấn dưới đây, nhà địa lý kinh tế học Marxist người Anh David Harvey trao đổi với nhà báo Daniel Denvir về tác phẩm của Marx, sự hiểu biết Marx ông về những mâu thuẫn của chủ nghĩa tư bản và lý do tại sao những ý tưởng của Marx tồn tại rất lâu sau thời đại của ông.

David Harvey là một trong những học giả hàng đầu thế giới về Marx. Khóa học của ông về ba tập Tư bản gắn liền sự tái xuất hiện của tư tưởng Marx trong những năm gần đây và đã được hàng triệu người xem trực tuyến. Khóa học này được cô đọng trong cuốn “Marx, Tư bản và sự điên rồ của tư duy kinh tế” (Marx, Capital and the Madness of Economic Reason) xuất bản năm 2017, một tác phẩm được coi như người bạn đồng hành với kiệt tác “Tư Bản” của Marx, trình bày sự liên quan của chủ nghĩa Marx với thời đại ngày nay.

Daniel Denvir: Ông đã giảng dạy tác phẩm Tư bản trong một thời gian khá dài. Ông có thể trình bày tổng quan ngắn gọn về từng tập trong ba tập được không?

David Harvey: Marx rất chi tiết, và đôi khi rất khó để hiểu chính xác toàn bộ khái niệm Tư bản là gì. Nhưng thật ra nó rất đơn giản. Các nhà tư bản bắt đầu ngày mới với một số tiền nhất định, đưa tiền ra thị trường và mua các mặt hàng như phương tiện sản xuất và sức lao động, và đưa chúng vào làm việc trong quá trình lao động tạo ra một mặt hàng mới. Hàng hóa đó được bán lấy tiền, cộng với một khoản lợi nhuận. Sau đó, lợi nhuận được phân phối lại theo nhiều cách khác nhau, dưới hình thức tiền thuê nhà và lãi, luân chuyển trở lại thành tiền, bắt đầu chu kỳ sản xuất một lần nữa.

Đó là một quá trình tuần hoàn. Và ba tập Tư bản giải quyết các khía cạnh khác nhau của quá trình này. Tập đầu là về sản xuất. Tập thứ hai về sự luân chuyển và những gì mà chúng ta gọi là “sự nhận thức” – cách thức hàng hóa được chuyển đổi trở lại thành tiền. Và tập ba về phân phối – bao nhiêu tiền đi vào túi chủ đất, bao nhiêu tiền đi vào túi các nhà tư bản, bao nhiêu tiền đi vào túi nhà buôn trước khi tất cả được quay vòng và gửi ngược trở lại quá trình lưu thông.

Đó là những gì tôi cố gắng dạy để mọi người hiểu mối quan hệ giữa ba tập Tư bản và không bị lạc lối hoàn toàn trong bất kỳ tập nào hoặc bất kỳ phần nào của chúng.

Ông khác với các học giả Marx khác ở chỗ ngoài tập một thì ông chú ý nhiều đến tập hai và ba. Tại sao vậy?

– Rõ ràng là trong suy nghĩ của Marx đã có một ý tưởng về toàn bộ quá trình lưu thông của tư bản. Kế hoạch của ông là chia nó thành ba phần trong ba tập. Vì vậy, tôi chỉ làm theo những gì Marx nói rằng ông đang làm. Bây giờ, tất nhiên vấn đề là tập hai và ba chưa bao giờ hoàn thành, và chúng không thỏa mãn như tập một, một kiệt tác kinh tế học. Vì vậy tôi có thể hiểu tại sao, nếu mọi người muốn đọc Marx với một cảm giác vui vẻ và thú vị nhất định, họ sẽ gắn bó với tập một. Nhưng tôi đang nói, “Không, nếu bạn thực sự muốn hiểu quan niệm của ông ấy về tư bản là gì, thì bạn không thể hiểu nó chỉ là về sản xuất. Đó là về lưu thông. Về việc đưa nó ra thị trường và bán nó, sau đó là về việc phân phối lợi nhuận.”

Một lý do quan trọng là chúng ta cần điều đó để hiểu sự năng động của việc mở rộng liên tục đã thúc đẩy chủ nghĩa tư bản.

– Bạn có ý niệm “xấu vô hạn” này trong tập một. Hệ thống phải mở rộng bởi vì nó luôn luôn là về lợi nhuận, tạo ra cái mà Marx gọi là “giá trị thặng dư”, và giá trị thặng dư sau đó được tái đầu tư vào việc tạo ra nhiều giá trị thặng dư hơn. Vì vậy, vốn là về việc mở rộng liên tục.

Và những gì sự mở rộng liên tục làm được là: Nếu bạn tăng trưởng ở mức 3% một năm, mãi mãi, thì bạn sẽ đạt đến điểm mà lượng mở rộng cần thiết là khổng lồ tuyệt đối. Vào thời của Marx, có rất nhiều khu vực có thể mở rộng trên thế giới, trong khi ngay bây giờ chúng ta đang nói về tỷ lệ tăng trưởng kép 3% trên mọi thứ đang diễn ra ở Trung Quốc, Nam Á và Mỹ Latinh. Vấn đề nảy sinh là: bạn sẽ mở rộng đi đâu? Đó là sự vô hạn tồi tệ đang trở thành hiện thực.

Trong tập ba, Marx nói có lẽ cách duy nhất để có thể mở rộng là mở rộng tiền tệ. Bởi vì với tiền thì không có giới hạn. Nếu chúng ta đang nói về việc sử dụng xi măng hoặc một cái gì đó tương tự, có một giới hạn vật lý đối với số lượng bạn có thể sản xuất. Nhưng với tiền, bạn có thể chỉ cần thêm những con số không vào nguồn cung tiền toàn cầu.

Nếu bạn nhìn vào những gì chúng ta đã làm sau cuộc khủng hoảng năm 2008, chúng ta đã thêm những con số không vào cung tiền bằng một thứ gọi là “nới lỏng định lượng”. Số tiền đó sau đó chảy ngược lại vào thị trường chứng khoán, và sau đó là bong bóng tài sản, đặc biệt là trên các thị trường bất động sản. Bây giờ chúng ta có một tình huống kỳ lạ, ở mọi khu vực đô thị trên thế giới mà tôi đã đến thăm, xây dựng và giá tài sản có một sự bùng nổ lớn – tất cả đều được thúc đẩy bởi thực tế là tiền đang được tạo ra và nó không biết đi đâu, ngoại trừ đầu cơ và giá trị tài sản.

Ông được đào tạo làm một nhà địa lý, và đối với ông, về cơ bản chủ nghĩa tư bản của Marx giải quyết các vấn đề không gian và thời gian. Tại sao hai trục không gian và thời gian này lại quan trọng như vậy?

– Ví dụ, lãi suất là chiết khấu trong tương lai. Và vay mượn là về việc tịch thu tài sản trong tương lai. Nợ là một yêu cầu đối với sản xuất trong tương lai. Vì vậy, tương lai bị tước đoạt, bởi vì chúng ta phải trả các khoản nợ của mình. Hãy hỏi bất kỳ sinh viên nào nợ 200.000 USD: tương lai của họ bị tước đoạt, bởi vì họ phải trả hết khoản nợ đó. Việc tịch thu tài sản thế chấp trong tương lai là một phần cực kỳ quan trọng trong nội dung của Tư bản.

Các công cụ không gian xuất hiện bởi vì khi bạn bắt đầu mở rộng, luôn có khả năng là nếu bạn không thể mở rộng trong một không gian nhất định, bạn sẽ lấy lại vốn tư bản của mình và đi vào một không gian khác. Ví dụ, nước Anh đã sản xuất nhiều tư bản thặng dư trong thế kỷ 19, vì vậy nhiều tư bản trong số đó đã chảy vào Bắc Mỹ, một số thông qua Mỹ Latinh, một số đến Nam Phi. Do đó việc này có một khía cạnh địa lý.

Việc mở rộng hệ thống là để có được cái mà tôi gọi là “sửa chữa không gian”. Bạn có một vấn đề: Bạn có tư bản thặng dư. Bạn sẽ làm gì với nó? Vâng, bạn có một giải pháp sửa chữa không gian, có nghĩa là bạn đi ra ngoài và xây dựng một cái gì đó ở một nơi khác trên thế giới. Nếu bạn có một lục địa “bất ổn” như Bắc Mỹ vào thế kỷ 19, thì bạn có thể mở rộng vào rất nhiều không gian khác. Nhưng bây giờ Bắc Mỹ đã được bao phủ khá nhiều.

Việc tổ chức lại không gian không chỉ đơn giản là mở rộng. Đó cũng là về việc tái thiết. Chúng tôi tiến hành phi công nghiệp hóa ở Mỹ và Châu Âu, và sau đó tái cấu trúc một khu vực thông qua tái phát triển đô thị, để các nhà máy bông ở Massachusetts trở thành nhà chung cư.

Hiện tại, chúng ta đang thiếu cả không gian và thời gian. Đó là một trong những vấn đề lớn của chủ nghĩa tư bản đương đại.

Bàn về tất cả những điều này, các nhà kinh tế học chính thống đã bỏ qua điều gì?

– Họ ghét mâu thuẫn. Chúng không phù hợp với thế giới quan của họ. Các nhà kinh tế thích đối mặt với những gì họ gọi là các vấn đề, và các vấn đề có các giải pháp. Mâu thuẫn thì không. Chúng tồn tại với bạn mọi lúc, và do đó bạn phải quản lý chúng.

Chúng được nâng lên thành cái mà Marx gọi là “mâu thuẫn tuyệt đối”. Làm thế nào mà các nhà kinh tế đối phó với thực tế là trong cuộc khủng hoảng những năm 1930 hoặc 1970 hoặc gần đây hơn, tư bản thặng dư và lao động dư thừa ngồi cạnh nhau, và dường như không ai có manh mối làm thế nào đưa chúng cùng nhau quay lại để chúng có thể làm việc cho các mục đích sản xuất xã hội?

Keynes đã cố gắng làm điều gì đó về điều này. Nhưng nhìn chung, các nhà kinh tế không biết làm thế nào để đối phó với những mâu thuẫn này. Trong khi đó, Marx nói rằng mâu thuẫn này nằm trong bản chất của tích lũy tư bản. Và sự mâu thuẫn này sau đó tạo ra những cuộc khủng hoảng theo định kỳ, giết chết nhiều người và tạo ra sự khốn khổ.

Nói về mâu thuẫn đó, ông đã mô tả trong cuốn sách của ông “tư  bản thặng dư và lao động dư thừa tồn tại bên cạnh nhau mà dường như không có cách nào để đưa chúng cùng nhau quay trở lại”. Chủ nghĩa tư bản đã cố gắng giải quyết vấn đề này như thế nào?

– Phản ứng đối với cuộc khủng hoảng 2007-2008 là, hầu hết các nơi trên thế giới – ngoại trừ Trung Quốc – gia tăng các biện pháp thắt lưng buộc bụng tân tự do lên gấp đôi. Điều gì khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn? Kể từ đó, chúng ta đã cắt giảm nhiều hơn. Điều đó không hoạt động tốt lắm. Dần dần, tỷ lệ thất nghiệp đã giảm ở Mỹ, nhưng tất nhiên nó đã tăng vọt ở những nơi như Brazil và Argentina.

Lập luận tân tự do có tính chính đáng cao như là có tính giải phóng theo một cách nào đó trong những năm 1980 và 1990. Nhưng không còn ai tin vào điều đó nữa. Mọi người đều nhận ra đó là một công việc lừa đảo, trong đó người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo trở nên nghèo hơn.

Nhưng bây giờ chúng ta đang thấy sự xuất hiện của chủ nghĩa bảo hộ – tự cung tự cấp theo kiểu chủ nghĩa dân tộc – tộc người, đó là một mô hình khác. Điều đó không phù hợp với lý tưởng tân tự do. Chúng ta có thể hướng đến một cái gì đó ít dễ chịu hơn nhiều so với chủ nghĩa tân tự do, sự phân chia thế giới thành các phe phái chiến tranh và bảo hộ đang chiến đấu với nhau về thương mại và mọi thứ khác.

Lập luận của một người như Steve Bannon là chúng ta cần bảo vệ người lao động Mỹ khỏi sự cạnh tranh trên thị trường việc làm bằng cách hạn chế nhập cư. Thay vì đổ lỗi cho tư bản, bạn đổ lỗi cho những người nhập cư. Điều thứ hai cần nói là, chúng ta cũng có thể nhận được sự hỗ trợ từ nhóm dân số đó bằng cách áp đặt thuế quan và đổ lỗi cho sự cạnh tranh của Trung Quốc. Trên thực tế, bạn đã có một nền chính trị cánh hữu đang thu thập được rất nhiều sự ủng hộ bằng cách chống người nhập cư và chống thuê các cơ sở sản xuất ở nước ngoài.

Ông nổi tiếng với công việc học thuật của mình, nhưng có lẽ ông được biết đến nhiều hơn với tư cách là một giáo viên về Marx. Ông nghĩ tại sao điều quan trọng đối với những người cánh tả bên ngoài học viện là quan tâm đến các tác phẩm của Marx?

– Khi bạn tham gia vào hoạt động chính trị, bạn thường có một số mục tiêu rất cụ thể. Giả sử, nhiễm độc sơn chì trong nội thành. Bạn đang tổ chức xung quanh việc phải làm gì với thực tế là 20 phần trăm trẻ em trong nội thành Baltimore bị ngộ độc sơn chì. Bạn đang tham gia vào một cuộc chiến pháp lý, và chiến đấu với bộ máy vận động hành lang của giới chủ tư bản và với tất cả các loại đối thủ. Hầu hết những người tôi biết tham gia vào các hình thức hoạt động thuộc loại đó đều bị chi phối bởi những chi tiết về những gì họ đang làm đến nỗi họ thường quên mất họ đang ở đâu trong bức tranh tổng thể – về những cuộc đấu tranh trong một thành phố, chứ đừng nói đến thế giới.

Bạn thường thấy rằng mọi người cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Thứ sơn chì đó dễ xử lý hơn nhiều nếu bạn có tất cả những người tham gia vào hệ thống giáo dục, những người thấy trẻ em ở trường có vấn đề với ngộ độc sơn chì. Bạn bắt đầu xây dựng liên minh. Và bạn càng có thể xây dựng nhiều liên minh bao nhiêu, phong trào của bạn càng mạnh bấy nhiêu.

Tôi cố gắng không giảng dạy mọi người về những gì họ nên nghĩ, mà cố gắng tạo ra một khuôn khổ suy nghĩ, để mọi người có thể thấy họ đang ở đâu trong toàn bộ các mối quan hệ phức tạp tạo nên xã hội đương đại. Sau đó, mọi người có thể hình thành các liên minh xung quanh các vấn đề mà họ quan tâm, đồng thời huy động sức mạnh của chính họ để giúp đỡ những người khác trong liên minh của họ.

Tôi quan tâm đến việc xây dựng các liên minh. Để xây dựng liên minh, bạn phải có một bức tranh toàn cảnh về một xã hội tư bản chủ nghĩa. Tôi nghĩ rằng nó rất hữu ích ở mức độ mà bạn có thể nhận được một phần trong bức tranh đó từ việc nghiên cứu Marx.

REDSVN.NET

Tags: ,