Về việc Việt Nam đệ trình đơn xin gia nhập BRICS

Ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về nâng cấp quan hệ, với việc nộp đơn xin gia nhập BRICS, tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng hơn, Việt Nam có thể “mặc cả” nhiều hơn và đạt nhiều lợi ích hơn.

Mới đây, tại cuộc họp báo về Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS sẽ diễn ra ngày 22-24/8/2023 tại Johannesburg, Nam Phi dưới sự chủ trì của nước này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác Nam Phi Naledi Pandor tuyên bố, đơn xin gia nhập khối BRICS (bao gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) chính thức được 23 quốc gia đệ trình và vấn đề mở rộng hiệp hội sẽ được thảo luận tại hội nghị cấp cao sắp tới của BRICS.

Trong danh sách 23 quốc gia mà bà Ngoại trưởng Nam Phi đề cập tới có Việt Nam. Thông tin này thật sự gây bất ngờ lớn đối với cả giới chuyên gia và cộng đồng mạng.

Trong cuộc phỏng vấn chuyên gia quan hệ quốc tế, Tiến sỹ Hoàng Giang, Sputnik đã xoay quanh đề tài đang nóng này.

Trong danh sách 23 quốc gia đệ trình đơn có Việt Nam

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Hoàng Giang, báo chí Nga đã nêu tên 23 quốc gia đệ trình đơn xin gia nhập Nhóm BRICS, trong đó có Việt Nam. Bà có bình luận gì về thông tin này?

TS Hoàng Giang: Tại cuộc họp báo về Hội nghị thượng đỉnh BRICS sẽ diễn ra ngày 22-24/8/2023 tại Johannesburg, Ngoại trưởng Nam Phi đã công bố danh sách các quốc gia chính thức nộp đơn xin trở thành thành viên của BRICS. Đó là Algeria, Argentina, Bangladesh, Bahrain, Belarus, Bolivia, Venezuela, Việt Nam, Cuba, Honduras, Ai Cập, Indonesia, Iran, Kazakhstan, Kuwait, Morocco, Nigeria, Nhà nước Palestine, Ả Rập Saudi, Senegal, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Ethiopia.

Trong số này, 3 nước Algeria, Argentina và Iran đã nộp đơn xin tham gia BRICS năm 2022. Còn trong năm 2023, chúng ta đã được biết về việc 4 nước khác là Ai Cập, Bangladesh, Ethiopia và Venezuela cũng đã trình đơn. Trong danh sách bà Naledi Pandor công bố có Việt Nam và những nước khác trước đó chưa được nêu tên.

Việc Việt Nam có trong danh sách này thực sự rất bất ngờ đối với nhiều người, ngay trong cả giới chuyên gia. Nhiều chuyên gia trước thời điểm này cho rằng, Việt Nam chắc sẽ không gia nhập khối BRICS để giữ thế trung lập, bởi vì về chính trị thì chưa thấy có lợi ích rõ ràng, về kinh tế cũng vậy, và để không bị cuốn vào vòng xoáy tranh chấp. Chính tôi cũng đã từng nhận định như vậy. Nhưng có lẽ thời thế đã thay đổi, đã khiến Việt Nam ra quyết định này. Chắc Việt Nam đã thấy cái lợi về chính trị cũng như kinh tế, nhất là về kinh tế. Việc ở trong BRICS cho phép Việt Nam tiếp cận được với nhiều thị trường mới, đang nổi, đang phát triển.

>> Việt Nam có nên gia nhập khối BRICS hay không?

Chúng ta không thể phủ nhận một điều là tình hình địa chính trị thế giới thay đổi chóng mặt. Và tôi cho rằng, quyết định gia nhập BRICS được đưa ra trong năm nay, có điều không phải chỉ mới đây và nó đã được các bên thỏa thuận giữ kín cho đến thời điểm này, khi mà không còn cần thiết để giữ bí mật nữa.

Truyền thông Việt Nam im lặng trước thông tin, có thể nói, là “giật gân” này. Theo bà thì vì sao? Có người còn cho rằng thông tin này cần kiểm chứng, thậm chí là thông tin giả…

– Không nên bỏ qua sự việc là chính Ngoại trưởng Nam Phi đã đọc danh sách tên 23 nước đệ trình chính thức đơn xin tham gia BRICS. Và thông tin đã được các cơ quan thông tấn nhà nước lớn nhất của Nga như TASS, Ria Novosti đưa tin… Truyền thông Việt Nam im lặng, chắc vì Việt Nam không muốn phô trương điều này. Đặc biệt, Việt Nam không hề bác bỏ thông tin này.

Với việc nộp đơn xin gia nhập BRICS, Việt Nam có thể “mặc cả” tốt hơn

Việc cái tên Việt Nam xuất hiện lần này trong danh sách các nước muốn tham gia BRICS thực sự bất ngờ. Theo bà, Việt Nam cần điều này với mục đích gì?

– Hôm 9/8/2023, trên các trang tin tức của Việt Nam đã xuất hiện một thông tin rất đáng chú ý: Dịp kỷ niệm 10 năm ngày thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Mỹ (2013-2023), có 1/4 thành viên nội các Mỹ đã đến thăm Việt Nam thời gian qua. Rồi đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất từ trước tới nay cũng đã tới Việt Nam. Phía Mỹ đã hứa hẹn đầu tư rất nhiều tỷ vào nền kinh tế Việt Nam. Tiếp theo là thông tin về việc Bộ Ngoại giao Việt Nam và Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam phối hợp thực hiện khóa tập huấn kỹ năng truyền thông hiện đại và thông tin đối ngoại cho người phát ngôn 63 tỉnh, thành phố. Tất cả những điều này cho thấy Washington đang rất coi trọng mối quan hệ với Việt Nam. Và Việt Nam cũng vậy.

Mỹ nhiều lần muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam lên đối tác chiến lược. Phía Mỹ đã đề cập tới vấn đề này nhiều lần từ chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris vào năm 2011.

Tại một cuộc gặp hồi tháng 4/2023, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã bày tỏ mong muốn thắt chặt hợp tác song phương Việt – Mỹ khi Washington tìm cách củng cố quan hệ với các đối tác châu Á. Ngoại trưởng Blinken bày tỏ hy vọng rằng, quá trình nâng cấp quan hệ Hà Nội – Washington có thể xảy ra “trong những tuần và tháng tiếp theo”.

Hôm 28/7, Tổng thống Mỹ J. Biden cho biết, ông đã nhận được một cuộc gọi từ “người đứng đầu Việt Nam”, bày tỏ “rất muốn gặp khi tới G20”, đề cập đến kế hoạch tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, sẽ được tổ chức tại New Delhi, Ấn Độ vào tháng 9 năm nay. Biden cũng hé lộ rằng, đại diện Việt Nam bày tỏ mong muốn thảo luận về khả năng nâng cấp quan hệ song phương Việt Nam – Mỹ lên tầm đối tác chiến lược.

Ngày 8/8/2023, phát biểu tại buổi gây quỹ chính trị ở New Mexico, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông sẽ đến Việt Nam “trong thời gian sắp tới”.

Như vậy, có thể thấy, khả năng Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược trong năm nay là hoàn toàn có thể xảy ra. Và như thế, ngồi vào bàn đàm phán, với việc nộp đơn xin gia nhập BRICS, tiếng nói của Việt Nam có trọng lượng hơn, Việt Nam có thể “mặc cả” và đạt nhiều lợi ích hơn từ cuộc thương lượng với phía Mỹ.

Còn sớm để nói Việt Nam có thể được kết nạp vào BRICS hay không

Khả năng Việt Nam được kết nạp như thế nào, theo bà?

– Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor tại cuộc họp báo đã nhấn mạnh rằng, tại Hội nghị thượng đỉnh vào 22-24/8 một báo cáo về các nguyên tắc mở rộng liên minh và danh sách các quốc gia muốn tham gia sẽ được trình bày cho các nhà lãnh đạo các nước BRICS.

Hiện tại, BRICS chưa có các nguyên tắc chung về mở rộng khối, nên thật khó nói nước nào sẽ được kết nạp, nước nào không. Có điều, chắc BRICS sẽ cẩn trọng, sẽ không mở rộng không kiểm soát.

BRICS là một tổ chức chính trị, quốc tế hàng đầu của các nền kinh tế mới nổi. Năm nước nhóm BRICScó dân số là 42% dân số thế giới, với GDP khoảng 15 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 25% GDP toàn cầu, và có khoảng 4 nghìn tỷ USD trong dự trữ ngoại tệ. Về kinh tế thì Trung Quốc là quốc gia có tiềm lực mạnh nhất, về quân sự thì Nga là quốc gia có tiềm lực mạnh nhất. Về ngoại giao thì cả Nga và Trung Quốc đều là Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. BRICS càng ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn trên trường địa chính trị thế giới, nó đại diện cho một thế giới công bằng hơn. Đã có hơn 40 nước bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Và bây giờ đã có danh sách 23 quốc gia đã chính thức nộp đơn.

Việc mở rộng khối đến mức nào là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới. BRICS hoàn toàn có khả năng trở thành khối mạnh nhất của thế giới đang phát triển.

Chân thành cảm ơn TS Hoàng Giang vì cuộc trả lời phỏng vấn cho Sputnik.

Theo SPUTNIK

Tags: , ,