Về vấn đề ‘phân biệt chủng tộc’ ở Việt Nam

Việt Nam có tình trạng phân biệt chủng tộc hay không? Nếu không quá cầu kỳ về khái niệm học thuật, tôi sẽ trả lời rằng có.

Về vấn đề ‘phân biệt chủng tộc’ ở Việt Nam

“Chủng tộc” (race) và “sắc tộc” (ethnicity) là hai khái niệm được sử dụng rộng rãi trong việc phân biệt các nhóm người. Nôm na thì “chủng tộc” được phân biệt bằng gene của tổ tiên, ảnh hưởng đến hình dáng thể chất, màu da; “sắc tộc” là những người chia sẻ cùng văn hóa, tính ngưỡng và ngôn ngữ. Nhưng như khá nhiều khái niệm xã hội học khác, chúng không có định nghĩa thống nhất.

Hầu hết các tài liệu nghiên cứu thống nhất rằng người Kinh, người Dao, người Mông, người Jrai là các nhóm “sắc tộc”, nhưng thực chất, nhiều nhóm dân cũng có thể phân biệt bằng lịch sử di cư, hay là nguồn gốc tổ tiên, có yếu tố “chủng tộc”. Ở Việt Nam chúng ta dùng cụm từ “dân tộc” để gọi các nhóm người, lại thành một khái niệm khác.

Tôi sẽ không sa đà vào khái niệm học thuật. Khi mà nước Mỹ đang rung chuyển vì vấn đề “phân biệt chủng tộc”, tôi chỉ muốn nhân cơ hội nhắc độc giả Việt Nam rằng chúng ta cũng có vấn đề liên quan, dù bạn muốn gọi nó bằng cái tên nào. Vấn đề không gây nhiều tổn thương bằng, nhưng luôn đáng quan tâm.

Tôi là một người Tày. Trong suốt mười mấy năm đi làm chứng minh thư (vì tính tôi rất hay quên đồ), tất cả chứng minh thư của tôi đều bị tẩy xóa. Các anh chị phụ trách hộ tịch ở Hải Phòng – một thành phố duyên hải đồng bằng – đã luôn gõ chữ “Kinh” vào phần “Dân tộc” theo một phản xạ vô điều kiện.

Tôi là một người Tày vì bố tôi là người Tày. Tôi sinh ra ở Hải Phòng, và người làm giấy khai sinh có quyền chọn Kinh (theo mẹ) hoặc Tày. Mẹ tôi đã chọn Tày. “Vì hồi đấy mẹ đã nghĩ kiểu gì cũng được cộng điểm Đại học”, bà đưa ra lý do duy nhất. Sau này tôi không dùng đến hai điểm cộng ấy để đỗ đại học, và mỗi lần nhớ lại lời giải thích này lại thấy buồn cười. Ở đây có một ẩn dụ kinh khủng gì đó về tình mẫu tử và tầm nhìn của người mẹ, mà nếu sa đà ta sẽ tốn một bài viết khác.

Tôi là một người Tày nhưng sinh ra ở Hải Phòng, và không hề được chia sẻ không gian văn hóa Tày. Bà nội có dạy tôi mấy từ tiếng Tày nhưng giờ đã quên. Bà nấu cho tôi ăn xôi nhiều màu của người Tày nhưng tôi cũng chẳng biết công thức. Rừng núi với tôi hiện lên qua chuyện kể của bố. Tôi là người Tày trên giấy tờ. Tôi giữ cái định danh ấy như một kỷ niệm về quê cha, và âm thầm quan sát những biến động của các cộng đồng dân tộc thiểu số – vừa trong tâm lý của một người trong cuộc, vừa giữ trạng thái khách quan của một người ngoài cuộc.

Tôi là người ngoài cuộc vì tôi không thuộc về không gian văn hóa của nhóm thiểu số. Tôi thích nhà Pháp cổ, ăn bánh đa cua và quẩy Boney M từ bé. Nhưng tôi là người trong cuộc, vì ký ức của tôi vẫn thấp thoáng những lần bố tôi tự gọi bản thân là “thằng dân tộc” như sự bất mãn trong cơn say. Ông đã trải qua sự kỳ thị trong đời mình.

Và tôi nhìn thấy sự phân biệt đối xử ở nhiều nơi. Nhiều độc giả lớn tuổi hẳn vẫn nhớ rằng truyền thông Việt Nam đã mất hàng thập kỷ để sửa thói quen ngôn ngữ. Ngày trước, các dân tộc thiểu số bị gọi là “người dân tộc”. Trông có vẻ vô hại nhưng mang sắc thái phân biệt khá rõ ràng (thế hóa ra người Kinh là người Không dân tộc?). Sau này, chúng ta nhận ra cú pháp “Vùng này nhiều người dân tộc” hay “Cậu ấy là người dân tộc” rất xấu xí, nên đã đổi thành “đồng bào”.

Nhưng sửa tư duy thì không đơn giản. Nếu theo dõi sát sự kiện George Floyd và các biến động liên quan đến phân biệt chủng tộc tại Mỹ, bạn sẽ nhận ra rằng nó hình thành dựa trên các ý niệm khá đơn giản: nhóm dân này thấp kém hơn nhóm dân kia về mặt bản chất. Người da đen hay phạm tội, nghèo đói hoặc lười lao động, vì đơn giản họ là da đen. Bạn sẽ bắt gặp các luận điểm như vậy những ngày này. Và tư duy tương tự cũng xuất hiện trong trong những cái đầu Việt Nam.

“Người Mông lười” là một ý niệm phổ biến tới mức, tôi bắt gặp nó ngay ở những cán bộ địa phương nhiều nơi đã đi qua. Những người chịu trách nhiệm chăm sóc đời sống của đồng bào, tuyên bố như một sự bỏ cuộc. Họ bực bội vì đồng bào làm theo nếp nghĩ và nếp sống cũ, thay vì tiếp nhận những điều “hiển nhiên đúng”, những phương pháp canh tác và lối sống “văn minh”. Hỗ trợ con giống nhưng “chúng nó” không chịu xây chuồng. Và “chúng nó” uống rượu quá nhiều. Ý niệm này rộng rãi đến mức, tôi sợ rằng ngay dưới bài viết này cũng có bình luận phản bác: “Nhưng người Mông lười thật mà!”.

Các không gian văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc đã được xây đắp nhiều thế kỷ. “Văn minh” là một khái niệm mù mờ. Ở đây có kịch bản một nhóm người du nhập khoa học kỹ thuật phương Tây về, đào núi làm xi măng, xây nhà khắp nơi, sinh đẻ cật lực, sau đó nhân danh quyền lực số đông bắt các nhóm kia phải sản xuất theo lối của họ, đo chất lượng sống theo chuẩn của họ. Nói một cách công bằng, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ra đời rất lâu sau các tập tục về rừng của đồng bào người Mông, Dao hay Lô Lô.

Tất nhiên, việc đồng bào tiến lên những mô hình kinh tế phù hợp với thời đại là không thể cưỡng lại vì lợi ích chung của cộng đồng lớn. Vì rừng sắp hết (không biết ai phá) nên đề nghị đồng bào không bẫy thú chặt cây, du canh du cư nữa, hãy nuôi đàn gia súc tập trung, trồng rừng và làm homestay đi thôi. Hầu hết các đề xuất kiểu này không cần bàn cãi về tính hợp thời. Nhưng trong lịch sử phát triển, việc các nhóm dân di chuyển về một hướng theo tốc độ khác nhau là điều bình thường.

Sự khác biệt này có thể đến từ điều kiện tự nhiên. Khi nền kinh tế trở nên phụ thuộc vào hoạt động thương mại thì các cộng đồng sống ở nơi địa hình khó khăn sẽ đi chậm hơn, vì không có đường mà “logistic”.

Sự khác biệt này có thể đến từ chính sách. Các đại đô thị Việt Nam đã hình thành nhờ vị trí địa lý của chúng, sau đó trở thành các trung tâm ban hành chính sách. Các chính sách sẽ buộc phải ưu tiên các trung tâm này – ví dụ như xây đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông hoặc làm dự án chống ngập. Trong khi các cuộc đầu tư này lại sử dụng tài nguyên từ các vùng nhóm thiểu số sinh sống.

Nhưng nếu bạn nói rằng tốc độ di chuyển khác nhau đến từ bản chất tộc người, đến từ đâu đó trong định dạng gene của họ, thì xin thưa, nó gọi là “phân biệt chủng tộc”.

Tiếc là chúng ta vẫn gặp nhiều lối nghĩ, cách nói khái quát kiểu đó. Tâm lý khinh “người dân tộc” là có thật. Có lẽ nó đến từ việc nhiều người tin rằng cách họ đang sống là “hiển nhiên đúng”, ai không làm theo hẳn nhóm đó có sai lệch về nhận thức. Họ không hiểu rằng nếu một nhóm đa số quyết lựa chọn hướng đi cho xã hội, thì họ có trách nhiệm thỏa thuận với các nhóm thiểu số khác. Thỏa thuận, chứ không phải áp đặt.

“Phân biệt chủng tộc” kiểu Việt Nam có thể không tạo ra những chấn động như nước Mỹ. Nhưng chính vì sự âm thầm, nó có thể tạo ra những vết cắt ngọt và sâu vào khoảng cách xã hội. Khi tin rằng mình tốt hơn, thuộc về một nhóm nhận thức hiển nhiên cao hơn, người ta có thể hành xử rất ích kỷ.

Tôi đã nhìn thấy nhiều dạng bắt nạt. Một cậu thanh niên Mông xuống Hà Nội làm thuê, bị quỵt tiền công trắng trợn vì cậu không nói sõi tiếng Kinh. Một bản người Lô Lô trên núi bị “lạc” mất bốn con bò cứu trợ mà không biết khiếu kiện đâu. Một đại gia cà phê ở Đăk Lăk, cười khanh khách mô tả “bọn M’Nông” là loại lao động không cải tạo nổi – tất nhiên không trông chờ kiểu chủ lao động này đóng bảo hiểm cho nhân sự được. Những cán bộ miền núi khái quát đặc tính dân tộc của những người mình phụ trách – họ rồi cũng sẽ áp đặt bằng mệnh lệnh chứ không làm việc căn cứ trên lợi ích người dân (xấu hơn nữa, họ có thể lấy bốn con bò kể trên).

Và tôi cũng nghi ngờ nhiều chính sách về quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn văn hóa áp lên các nhóm thiểu số, có phải là một dạng bắt nạt hay không. Vì chúng không giống sự thỏa thuận, mà đơn giản chỉ là cố gắng quy về một cái chuẩn sinh ra tại Hà Nội thôi. Ví dụ như việc bắt người Mông xây nhà văn hóa có sân tập cầu lông.

Tôi thú nhận rằng mình đã nhiều lần choáng, mang cảm giác rõ ràng về việc “mình” và “họ” khác nhau quá. Ở Cao Bằng, tôi giở một quyển sổ theo dõi tử vong ra và phát hiện 1/3 số người chết ở cái xã đó từ đầu năm có phần lý do tử vong là “ăn lá ngón”. Tôi không thể tiếp nhận nổi. Tôi thú nhận rằng đã có lúc tôi bất lực trong những cuộc đối thoại ở miền cao, và suýt nữa cũng mang cảm giác rằng cái “sắc tộc” này khác mình về bản chất.

May sao, tôi là một ông Tày lai. Trong cuộc phân biệt chớm hình thành trong não, tôi là nửa này và nửa kia. Tôi tự giải thoát bản thân khỏi định kiến ấu trĩ của một cậu Hải Phòng “văn minh”, và tự nhủ, không, không có sự khác nhau nào cả. Khác nhau về mặt bằng kinh tế và không gian văn hóa thì đi từ Cầu Giấy ra Sóc Sơn đã khác rồi.

Ngày làm giấy khai sinh cho Hoàng Anh, tôi cũng viết vào phần dân tộc của con là “Tày”. Tất nhiên, lần này không phải vì hai điểm cộng đại học. Chỉ vì tôi thấy trân trọng những gì ý niệm ấy đã mang lại cho tôi. Có thể điều này sẽ khiến nó không thực sự thuộc về nhóm người nào, nhưng lại thuộc về tất cả – một cái định danh giúp nó nhìn thấy nhiều tầng nghĩa của việc định danh. Và điều này có thể quan trọng với con tôi khi bước ra thế giới.

Theo ĐỨC HOÀNG / VNEXPRESS

Tags: , , ,