Về nhu cấu cấp thiết của việc sắp xếp lại bộ máy ngành y

Bộ máy ngành y ở cấp trung ương quá ôm đồm. Nhân sự bị cuốn vào sự vụ, chiếm nhiều thời gian đáng lẽ nên dành cho các việc chính sách thuộc tầm vĩ mô.

Tác giả: Quan Thế Dân, Bác sĩ, Tiến sĩ Y học.

Vừa qua, Sở Y tế TP HCM công bố điểm chất lượng của 115 bệnh viện trên địa bàn. Tôi vào tìm điểm của Bệnh viện Chợ Rẫy, vì nói đến bệnh viện ở TP HCM, tôi luôn nghĩ đến bệnh viện này trước tiên.

Nhưng danh sách không có tên Chợ Rẫy. Phải mất mấy giây tôi mới nhớ ra, Chợ Rẫy là bệnh viện thuộc Bộ Y tế quản lý, nên Sở Y tế TP HCM không kiểm tra được.

Khoảnh khắc nhầm lẫn gợi lại trong tôi nỗi niềm của người ngành y về bệnh viện trung ương, bệnh viện địa phương. Theo lẽ thường, bệnh viện trung ương to hơn, hiện đại hơn bệnh viện địa phương. Bác sĩ tuyến trung ương giỏi hơn tuyến địa phương. Thực tế không sai. Vì thế người bệnh từ khắp nơi dồn về bệnh viện trung ương. Bệnh viện trung ương quá tải, còn bệnh viện nhiều địa phương không có mấy bệnh nhân. Khoảng cách giữa bệnh viện tuyến trung ương và địa phương ngày càng xa hơn, dễ gây ra bất bình đẳng về chăm sóc y tế.

Mô hình phân chia bệnh viện trung ương và địa phương có hoàn cảnh lịch sử của nó. Sau năm 1954, khi chính quyền mới tiếp quản hệ thống y tế, số lượng bác sĩ cả nước rất ít. Số bác sĩ tiền bối chỉ đủ hình thành nên cái khung cho Bộ Y tế của chính quyền mới. Các thầy vừa làm ở bệnh viện, vừa làm trên Bộ. Nên một cách tự nhiên, các bệnh viện lớn của Hà Nội khi đó như Bạch Mai, Phủ Doãn… do Bộ Y tế quản lý luôn. Những bệnh viện chuyên ngành được xây mới tiếp theo như: sản, ung thư, tai mũi họng, răng hàm mặt… cũng thuộc Bộ.

Từ đó đến nay đã 70 năm nhưng cơ chế bộ chủ quản không thay đổi. Từ một vài bệnh viện ban đầu, nay Bộ Y tế trực tiếp quản lý 73 đơn vị, trong đó có 34 bệnh viện; phê duyệt nhiều vấn đề về nhân sự, ngân sách, dự án, kiểm tra đánh giá thi đua cuối năm…

Theo niên giám y tế Việt Nam năm 2020, ngân sách nhà nước cho ngành y là 125.755 tỷ đồng, thu nhập từ BHYT và viện phí là 147.540 tỷ đồng, thì ngân sách do Bộ Y tế trực tiếp quản lý chỉ 10.594 tỷ đồng chiếm chưa đến 4%. Khi mà nguồn lực hoạt động chủ yếu đến từ tự chủ tài chính của bệnh viện và một phần bù đắp của ngân sách nhà nước, thì sự phát triển của mỗi đơn vị phụ thuộc vào sự năng động và uy tín chuyên môn của đơn vị đó. Lúc này cơ chế bộ chủ quản không giúp gì nhiều cho phát triển của đơn vị nếu không muốn nói là thêm nhiều tầng nấc quản lý gây nguy cơ quan liêu, trở ngại cho sự phát triển.

Ngoài vấn đề tài chính, cơ chế hiện tại còn dẫn tới sự bao sân về chuyên môn. Các bệnh viện toàn quốc phải theo Hướng dẫn điều trị bệnh do Bộ Y tế ban hành. Điều này do ảnh hưởng của lịch sử, do trước kia cán bộ y tế thiếu, Bộ phải chỉ đạo chi tiết từng hoạt động chuyên môn cho tuyến dưới. Nhưng 70 năm đã qua, ngành y đã lớn mạnh, từng chuyên ngành đã có nhiều nhà khoa học dày dặn kinh nghiệm, các hội chuyên ngành đã có và hoạt động hiệu quả như Hội Tim Mạch, Hội Nội tiết, Hội Gan Mật…

Nền y tế các quốc gia tiên tiến trên thế giới vận hành theo nguyên tắc, các hội chuyên ngành là nơi có tiếng nói cao nhất về chuyên môn. Ví dụ ở Mỹ điều trị tăng huyết áp thì theo hướng dẫn của Hội tim mạch (AHA), điều trị đái tháo đường thì theo hướng dẫn của Hội đái tháo đường (ADA)… Các hướng dẫn này có uy tín trên toàn thế giới do chất lượng chuyên môn của các hội chuyên ngành, chứ không do con dấu của bộ chủ quản. Và chuyên gia của hội chuyên ngành chính là các thầy thuốc đang trực tiếp làm việc tại các bệnh viện.

Tôi điểm qua như vậy để thấy bộ máy ngành y ở cấp trung ương quá ôm đồm. Nhân sự bị cuốn vào sự vụ, chiếm nhiều thời gian đáng lẽ nên dành cho các việc chính sách thuộc tầm vĩ mô. Sắp xếp lại bộ máy ngành y là một trong những điều kiện cần thiết để cải cách y tế thành công. Theo tôi, có thể tham khảo cách làm của các nước. Mỹ là một ví dụ.

Bộ Y tế Mỹ tên đầy đủ là Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ (United States Department of Health and Human Services – HHS) có chức năng thanh, kiểm tra các hoạt động y tế, trợ giúp về y tế cộng đồng và dịch vụ nhân sinh. Các cơ quan thành viên của HHS nổi tiếng về sự nghiêm khắc cũng như chất lượng hoạt động mẫu mực. Xin kể ra đây ba cơ quan: Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC), Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm (FDA), Viện Y tế quốc gia (NIH).

Đại dịch Covid 19 cho thấy vai trò của CDC Mỹ trong phòng chống dịch – mô hình mà Việt Nam đã học hỏi và thành lập mạng lưới CDC từ tỉnh xuống các huyện. Uy tín của FDA là điều dễ nhìn thấy. Thuốc nào được FDA công nhận (FDA Approved) có giá trị bảo chứng toàn cầu. Viện Y tế quốc gia Mỹ, với các viện thành viên, dẫn đầu các mũi nhọn của y sinh thế giới. 153 nhà khoa học đoạt giải Nobel từng cộng tác với NIH.

Từ những bất cập dễ thấy, cộng với tham khảo kinh nghiệm thế giới, tôi thấy có thể cân nhắc giải pháp thay đổi, tinh gọn bộ máy. Việc đầu tiên là cởi bỏ dần cơ chế quản lý mọi mặt đối với các đơn vị y tế trung ương, chỉ nên bao cấp các viện nghiên cứu về dịch tễ, bệnh truyền nhiễm, bệnh lao động vì chức năng phục vụ cộng đồng. Còn lại, các bệnh viện tự chủ nên được hoạt động theo luật khám chữa bệnh, các trường đại học y hoạt động theo luật giáo dục, các công ty dược hoạt động theo luật dược, luật doanh nghiệp. Bộ Y tế quản lý gián tiếp các đơn vị đó theo hướng kiến tạo chính sách và thanh, kiểm tra.

Việc thứ hai là hoạt động chuyên môn cụ thể. Bộ không nhất thiết đưa ra các “phác đồ điều trị” cụ thể. Phác đồ sẽ do các hội chuyên ngành cung cấp và có giá trị pháp lý cao nhất nếu xảy ra tranh cãi chuyên môn. Tổng hội y học sẽ là nơi cấp chứng chỉ hành nghề cho nhân viên y tế. Như vậy, chất lượng chuyên môn sâu của các chuyên gia được phát huy.

Sau khi buông các đơn vị chủ quản, buông phác đồ điều trị cụ thể, tự nhiên bộ máy của Bộ được thu gọn đáng kể. Được giảm tải công việc hàng ngày, Bộ sẽ có điều kiện nghiên cứu về những chính sách lớn, các hướng phát triển lâu dài. Buông các đơn vị y tế cụ thể cũng giúp tránh tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi. Khi đó thanh tra Bộ mới kiểm tra giám sát khách quan được các hoạt động y tế.

Như vậy hình dung tổng thể của tôi về cải cách ngành y gồm ba việc lớn, liên quan khăng khít với nhau. Một là cổ phần hóa các bệnh viện lớn, y tế công chỉ giữ lại y tế cơ sở ở huyện xã, y tế dự phòng và các bệnh viện bệnh xã hội, bệnh chuyên ngành và một số bệnh viện của công an, quân đội. Hai là đầu tư mạnh cho y tế cơ sở mà trọng điểm là bệnh viện huyện. Thứ ba là tinh gọn bộ máy của Bộ Y tế. Bộ sẽ làm chính sách, thanh tra kiểm tra và đặt hàng nghiên cứu các vấn đề lớn của y khoa nước nhà.

Những ý kiến cân nhắc đưa các bệnh viện tuyến trung ương về địa phương quản lý là một tín hiệu cải cách tích cực. Tuy nhiên, nếu vẫn duy trì cách quản lý cũ mà lại giao cho cấp Sở thì công việc có thể càng rối hơn. Các cơ sở y tế phải được tự chủ toàn diện và tự chịu trách nhiệm về sự phát triển của mình thì cải cách mới chuyển biến thực chất. Địa phương có quản lý hay không chỉ nên dừng ở mặt hành chính, quản lý địa bàn.

Theo VNEXPRESS

Tags: