⠀
Về chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa trong văn học
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được những người luận chứng cho nó xem như một hệ thống nghệ thuật mới, mang tính cách tân.
Trích từ cuốn: 150 thuật ngữ văn học, Lại Nguyên Ân biên soạn, Hà Nội: Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 1999, tr. 86-91; in lần thứ hai, 2002, tr. 86-90; in lần thứ ba, 2004, tr. 89-93.
Thuật ngữ được dùng với hai hàm nghĩa chính: 1) để gọi tên những nền văn học dân tộc (quốc gia) tồn tại với tư cách là văn học chính thống dưới chính thể mà đảng cộng sản là lực lượng duy nhất cầm quyền; cũng dùng để gọi tên những bộ phận (“dòng”, “khuynh hướng”,…) gắn với hệ ý thức chủ nghĩa cộng sản ở các nền văn học dân tộc khác; trong hàm nghĩa này còn có một thuật ngữ tương đương: văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa ; 2) để gọi phương pháp sáng tác của những nền văn học hoặc bộ phận văn học nói trên.
Thuật ngữ xuất hiện lần đầu tiên trên báo chí Liên Xô (Literaturnaya gazeta, Moskva, 23.5.1932), trong quá trình giải thể các tổ chức, nhóm phái văn nghệ khác biệt và đối lập nhau, nhằm thống nhất lập ra một tổ chức nhà văn duy nhất trên toàn lãnh thổ Liên Xô, trực tiếp đặt dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản cầm quyền. Nhiều nhà văn (Gorki, Maiakovski, A. Tolstoi, Fadeev…) và nhà phê bình (A. Lunacharski, Voronski…) nêu ra một loạt định thức nhằm xác định khuynh hướng cơ bản của văn học Xô-viết như: “chủ nghĩa hiện thực vô sản”, “chủ nghĩa hiện thực có khuynh hướng”, “chủ nghĩa hiện thực lãng mạn”, “chủ nghĩa hiện thực xã hội”, v.v…
Trong diễn văn đọc tại đại hội I hội nhà văn Liên Xô (1934), Gorki dùng thuật ngữ này với hàm nghĩa như một phương pháp, một cương lĩnh sáng tác nhằm thực hiện tư tưởng nhân đạo cách mạng: “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa khẳng định tồn tại như là sự hoạt động, sự sáng tạo mà mục đích là liên tục phát triển những năng lực quý giá của cá nhân con người, vì thắng lợi của nó đối với các lực lượng của tự nhiên, vì sức khỏe và tuổi thọ, vì cái hạnh phúc lớn nhất là được sống trên trái đất”.
Điều lệ hội nhà văn Liên Xô thông qua tại đại hội I xác định chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phương pháp sáng tác chủ đạo của văn học Xô-viết; nội dung của phương pháp này được xác định như là yêu cầu miêu tả cuộc sống một cách chân thật, cụ thể lịch sử, trong sự phát triển cách mạng của nó. Sau khi được chính thức hóa, thuật ngữ “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa” trở nên thông dụng ở Liên Xô, và từ 1945 dần dần trở nên thông dụng ở tất cả các nước thuộc Cộng đồng xã hội chủ nghĩa thế giới (1945 – 1991). Nó được vận dụng trong các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, được luận chứng về mặt lý thuyết, được sử dụng như một loại thước đo, một loại tiêu chuẩn mang tính pháp quy để điều chỉnh sự phát triển của văn học nghệ thuật.
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được những người luận chứng cho nó xem như một hệ thống nghệ thuật mới, mang tính cách tân: trong khi kế tục truyền thống nhân đạo chủ nghĩa của nghệ thuật quá khứ, nó đồng thời kết hợp truyền thống ấy với nội dung xã hội chủ nghĩa, − một nội dung được xem là hoàn toàn mới, là đóng góp mà chủ nghĩa Mác đem vào triết học duy vật − khẳng định vai trò của hoạt động cải tạo cách mạng nhằm thay đổi hiện thực.
Những ý kiến rút từ toàn bộ trứ tác của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác liên quan đến văn học nghệ thuật được xem là những nguyên tắc quan trọng nhất của hệ thống nghệ thuật mới này. Người ta xác định cơ sở triết học của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thế giới quan của chủ nghĩa Mác – Lênin; xác định nguyên lý tính đảng vô sản do V. I. Lenin đề xuất (1905) là nguyên tắc chỉ đạo. Ngọn nguồn của nền văn học nghệ thuật kiểu mới này được xem là bắt đầu từ thơ ca công xã Paris (1871), đặc biệt là bài Quốc tế ca (1871) của E. Pottier (1816 – 1887). Những sáng tác của Gorki như Người mẹ, Những kẻ thù (1906), của Anderson Nexoe như Pelle – người chinh phục (1906 – 1910), Ditte – con của người đời (1917 – 1921)… được coi như những mốc khởi đầu và mẫu mực đầu tiên của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Miêu tả hiện thực chiến đấu và xây dựng một thế giới mới, xã hội chủ nghĩa; xây dựng nhân vật tích cực (chính diện), hình tượng con người mới − người chiến sĩ và người sáng tạo thế giới mới của chủ nghĩa xã hội − được xem là nội dung chủ yếu của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa lạc quan lịch sử – được xác định như âm hưởng chủ đạo của văn học kiểu mới này, như là tính chất mới mẻ về lý tưởng thẩm mỹ của chủ nghĩa hiện thực xã hội chu nghĩa.
Mỹ học hiện thực xã hội chủ nghĩa xem trọng những thành tựu nghệ thuật của chủ nghĩa hiện thực cổ điển (thế kỷ XIX); nó tự xác định phương thức nghệ thuật chủ yếu là sự miêu tả “giống như thực”, “trong những dạng thức của bản thân đời sống”. Sự trung thành của văn nghệ sĩ với nguyên tắc tính đảng được xem là đảm bảo cho tính chân thực của sáng tác. Sự thể hiện kiểu lãng mạn cũng được thừa nhận trong chừng mực nó gắn với cảm hứng anh hùng trong lao động và đấu tranh vì lý tưởng xã hội chủ nghĩa, vì chế độ xã hội chủ nghĩa. Các thử nghiệm và phát hiện về nghệ thuật của các trào lưu chủ nghĩa tiền phong, chủ nghĩa hiện đại đều bị coi là xa lạ, có hại đối với văn học nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Được xem như thành tựu của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là thực tiễn sáng tác của các nền văn học dân tộc thuộc Liên bang Xô-viết (1922 – 1991) mà những đại diện thường được nêu là: Gorki, Maiakovski, Fadeev, A. Tolstoi, M. Sholokhov, Tch. Aitmatov, A. Bykov, v.v…; là thực tiễn sáng tác của các nền văn học dân tộc khác trong Cộng đồng xã hội chủ nghĩa (Anbani, Bungari, Ba Lan, Cu Ba, CHDC Đức, Hungari, Mông Cổ, Nam Tư, Trung Quốc, Tiệp Khắc, CHDCND Triều Tiên, Việt Nam); là thực tiễn sáng tác của bộ phận văn học gồm những nhà văn thuộc phái tả (cộng sản hoặc gần cộng sản) ở các nước phương Tây mà những đại diện thường được nêu là: L. Aragon, P. Éluard, P. Neruda, N. Hikmet, v.v… Với tư cách một hiện tượng quốc tế, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được mô tả như một phong trào nghệ thuật thống nhất, một hệ thống nghệ thuật thế giới ở thế kỷ XX, đối lập với hệ thống các khuynh hướng văn học nghệ thuật ở xã hội phương Tây, được xem như là bao gồm: chủ nghĩa hiện đại, văn nghệ xu thời và văn nghệ thương mại. Ý tưởng về cuộc đấu tranh giữa hai hệ thống nghệ thuật đối lập ở quy mô quốc tế này tương ứng với cục diện hai hệ thống thế giới đối đầu nhau của thời chiến tranh lạnh (1945 – 1990). Sau khi chế độ xã hội chủ nghĩa sụp đổ ở Đông Âu và Liên Xô (1989 – 1991), chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ còn giữ vai trò cương lĩnh sáng tác chính thống ở một vài nền văn học dân tộc (Trung Quốc, Việt Nam…) tuy sự khẳng định cương lĩnh này không còn mạnh mẽ như trước.
Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là hiện tượng đặc thù trong văn hóa nghệ thuật nhân loại thế kỷ XX: đây là lần đầu tiên một số nguyên tắc về khuynh hướng nghệ thuật được đề lên như những chuẩn mực mang tính pháp quy, được coi là độc tôn trong toàn bộ đời sống của các nền văn học dân tộc. Chủ nghĩa hện thực xã hội chủ nghĩa là một trong những nhân tố bề sâu để cấu thành một thiết chế văn học đặc biệt, mang tính nhà nước hóa rõ rệt: trên lãnh thổ mỗi quốc gia xã hội chủ nghĩa chỉ có một tổ chức nhà văn duy nhất; cương lĩnh sáng tác được chính thống hóa, trở thành tiêu chuẩn và phương tiện quản lý văn học. Với chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, các nền văn học dân tộc trở nên chính trị hóa rõ rệt, nội dung văn học được ưu tiên cho việc diễn đạt đường lối chính trị của đảng cộng sản cầm quyền.
Về nghệ thuật, khuynh hướng văn học này chỉ tiếp tục khai thác các phương thức “giống như thật” của chủ nghĩa hiện thực cổ điển thế kỷ XIX, do vậy hạn chế sự đóng góp của các nhà văn thuộc khuynh hướng này trong việc phát hiện, thử nghiệm các phương tiện nghệ thuật mới. Những cuộc tranh luận trong giới học thuật Xô-viết những năm 1970 xung quanh đề xuất coi chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa như “một hệ thống thẩm mỹ mở”, phần nhiều bị sa vào hướng trừu tượng, kinh viện. Bên cạnh trường hợp Sholokhov, một trong số những đại diện hiếm hoi của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa được tặng giải Nobel về văn học (1965) với tác phẩm chính Sông Đông êm đềm mà về đặc điểm nghệ thuật được nhận xét là “thể hiện nội dung của thế kỷ XX bằng những phương tiện mượn của thế kỷ XIX” (C. Prevost), “xây dựng thế kỷ XXI trên phông màn của thế kỷ XIX” (P. Courtade), thì việc Maiakovski cách tân phương tiện của thơ ca, việc Brecht sáng tạo ra “sân khấu tự sự” – có thể là những đóng góp đáng kể nhất của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa vào nghệ thuật thế kỷ XX.
S.T
Tags: Chủ nghĩa xã hội, Văn học, Trào lưu nghệ thuật, Lý luận nghệ thuật, Liên Xô