Về chiến thuật biển người trong thế kỷ 20

Trong chiến tranh Triều Tiên, Trung Quốc sử dụng chiến thuật biển người cải biên, có giãn cách đội hình tốt, cơ động biến hóa nhưng vẫn giữ lợi thế quân số áp đảo khiến lính Mỹ liên tục phải rút lui do không thể khắc chế.

Về chiến thuật biển người trong thế kỷ 20

Theo nhiều từ điển quân sự, ” Chiến thuật biển người” là cách sử dụng một lượng lớn bộ binh, tập trung với mật độ dày đặc trong một khu vực hạn chế, tấn công ào ạt bất chấp thương vong để tiếp cận được tuyến phòng thủ của đối phương sau đó tiến hành đánh giáp lá cà và chiến thắng nhờ áp đảo bằng quân số.

Vì yếu tố “đánh giáp lá cà” nên có thể coi mọi cuộc tấn công trong lịch sử nhân loại – trước khi súng bộ binh ra đời – đều là biển người. Đây là một chiến thuật rất đơn giản, dễ sử dụng, sĩ quan chỉ huy không cần trình độ quá cao cũng có thể áp dụng chiến thuật này, miễn nắm trong tay quân số đông đảo.

Trong những năm đầu thế kỷ 20 cho tới Chiến tranh Thế giới thứ nhất, chiến thuật biển người vẫn được nhiều cường quốc sử dụng nhưng có những cải tiến và thay đổi đáng kể. Ví dụ như sử dụng “tiền pháo hậu xung” hay “áp chế hỏa lực” hoặc sử dụng thiết kỵ, xe tăng hay cơ giới bọc thép đi trước làm lá chắn cho bộ binh theo sau.

Về cơ bản, chiến thuật biển người cũng có thể coi là một cách phô trương lực lượng, đánh đòn tâm lý mạnh vào đối phương khiến đối phương vốn quân số ít hơn – sẽ sớm bị shock tâm lý dẫn đến tan rã, bỏ chạy hoặc đầu hàng.

Khi áp sát được vào phòng tuyến đối phương, những pha cận chiến sẽ san bằng khoảng cách chênh lệch về trang bị và vũ khí. Khi này, vũ khí lợi hại nhất sẽ là lưỡi lê, kiếm, dao găm, báng súng thậm chí là gạch đá.

Tuy nhiên sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất, chiến thuật biển người dần ít được sử dụng và được cải biên thành các chiến thuật xung phong cơ động, phân tán mỏng thay vì tập trung dày đặc khi pháo và súng máy có độ chính xác cũng như tốc độ bắn được cải thiện cao hơn.

Quân đội Mỹ có vẻ như là lực lượng có cách khắc chế chiến thuật biển người tốt nhất khi họ phải đối mặt với những đợt tấn công cảm tử thời Chiến tranh Thế giới thứ hai của bộ binh Nhật Bản với chỉ kiếm và lưỡi lê.

Tới chiến tranh Triều Tiên, quân đội Trung Quốc cũng sử dụng lối đánh tràn ngập tiền tuyến nhưng lại là kiểu biển người cải biên, có giãn cách đội hình tốt, cơ động biến hóa nhưng vẫn giữ lợi thế quân số áp đảo khiến lính Mỹ bó tay và liên tục phải rút lui do không khắc chế được chiến thuật kiểu mới này.

Có thể coi chiến thuật biển người đúng nghĩa đã kết thúc và vĩnh viễn không còn được bất cứ một quốc gia nào sử dụng ở quy mô lớn kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai.

Tuy nhiên trong cuộc chiến tranh Iran-Iraq diễn ra vào năm 1988, nhiều chuyên gia cho rằng chiến thuật biển người vẫn được cả hai quốc gia này sử dụng với nhiều cải tiến khá tốt giống như Trung Quốc từng thực hiện, tuy nhiên hiệu quả lại không cao do lính Iran và Iraq có tinh thần chiến đấu khá kém.

Bước sang thế kỷ 21, các học thuyết về chiến tranh bất đối xứng kèm theo sự ứng dụng khoa học kỹ thuật vượt trội vào quân sự đã chính thức đặt dấu chấm hết cho chiến thuật này. Tuy vậy, cho tới trước khi bị khai tử, chiến thuật biển người đã từng làm mưa làm gió suốt lịch sử chiến tranh thế giới khiến rất rất nhiều người thiệt mạng.

Theo KIẾN THỨC

Tags: ,