Về chiến lược vắt kiệt sức nước Mỹ của Trung Quốc

Trong bối cảnh thế giới, đặc biệt nước Mỹ đang quay cuồng với đại dịch COVID-19, những hành động của Trung Quốc càng chứng minh cho giả thuyết về chiến lược khiến Mỹ phải “dàn trải quá sức”.

Cường quốc “kiệt sức”

Trang phân tích Á-Âu mới đây có bài viết về cách Trung Quốc khiến Mỹ phải đau đầu với chiến lược buộc đối thủ lâm vào tình trạng “dàn trải quá sức”.

Vấn đề đặt ra là liệu người Mỹ có nhận ra chiến lược của Trung Quốc và đối phó như thế nào.

Bài viết dẫn khái niệm “dàn trải quá sức của đế quốc” của sử gia người Mỹ John Kennedy đưa ra trong cuốn sách “Sự hưng thịnh và suy vong của các cường quốc”. Điều đó có nghĩa là một đế quốc tự mở rộng đến một trạng thái không thể duy trì các cam kết của mình.

Mỹ không phải là một đế quốc giống như Đế chế La Mã hay Đế quốc Anh, nhưng vị thế lãnh đạo của Mỹ trong hệ thống quốc tế hiện hành đã biến quốc gia này giống như các đế chế trên thực tế.

Đối với người Trung Quốc, quan điểm chiến lược trong Binh pháp Tôn Tử là “thắng không cần đánh”. Điều này có vẻ hợp lý khi Trung Quốc tuyên bố không tìm cách thay thế Mỹ trong hệ thống quốc tế. Thay vì trở thành cường quốc thống trị trên mọi phương diện, cách tiếp cận của Trung Quốc nhiều khả năng là ngăn chặn bất cứ quốc gia nào giành được quyền lực như vậy.

Theo trang phân tích Á-Âu, điều này sẽ cho phép Trung Quốc khẳng định một cách có chọn lọc sức mạnh của mình để định hình các sự kiện và hệ thống có lợi mà không phải trả chi phí đắt đỏ cho việc trở thành cường quốc thống trị. Theo cách này, mục tiêu của Bắc Kinh sẽ không còn là cuộc cạnh tranh “thắng-thua” với Washington.

Giới phân tích nhận định, không tham gia vào “trò chơi có tổng bằng 0”, Trung Quốc không cần phải tài giỏi hơn Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc chỉ cần làm suy yếu sự thống trị của Mỹ. Điều này biến việc kéo Mỹ vào tình trạng “dàn trải quá sức của đế quốc” trở thành một lựa chọn hấp dẫn.

Với chiến lược trên, diện mạo bá chủ của Mỹ vẫn được duy trì song việc không có khả năng xuất hiện ở mọi lúc mọi nơi sẽ làm giảm uy tín của Mỹ, qua đó tạo ra không gian cho Trung Quốc tiến lên và giành vai trò lãnh đạo.

Trang phân tích Á-Âu chỉ ra một “chiêu” độc của Trung Quốc là tiếp tục mua trái phiếu chính phủ của Mỹ để tài trợ cho ngân sách của Mỹ – vừa đủ để cho phép Washington giữ vẻ bề ngoài mà không có quyền thống trị hữu hiệu thực tế nào.

Những dấu hiệu đầu tiên trong chiến lược của Trung Quốc khiến Mỹ phải dàn trải quá sức được lần ngược về thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Năm 2009, trong khi Mỹ và phần còn lại của thế giới đang cố gắng phục hồi từ cuộc suy thoái toàn cầu, Trung Quốc lại tích cực thúc đẩy các yêu sách ở Biển Đông, buộc Mỹ phải phản ứng và chắc chắn ảnh hưởng đến các nguồn lực phục hồi kinh tế của Washington.

Gần đây hơn, Trung Quốc đã tăng cường năng lực hải quân, bao gồm cả năng lực hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa (HADR).

Điều này khiến Mỹ phải cân nhắc tăng cường triển khai ở châu Á-Thái Bình Dương để ngăn chặn Trung Quốc trở thành quốc gia lãnh đạo khu vực trong các chiến dịch HADR, qua đó có thể khiến các quốc gia bị thảm họa trở thành con nợ của Trung Quốc.

Trong bối cảnh thế giới, đặc biệt nước Mỹ đang quay cuồng với đại dịch COVID-19, tờ phân tích Á-Âu cho rằng những hành động của Trung Quốc càng chứng minh cho giả thuyết về chiến lược khiến Mỹ phải “dàn trải quá sức”.

Mỹ trấn an đồng minh

Một đồng minh thân cận của Mỹ là Nhật Bản thời gian gần đây cũng bóng gió lo ngại về khả năng sẵn sàng tác chiến của quân đội Mỹ. Tờ Thời báo Nhật Bản dẫn số liệu cho thấy hơn 5.700 sỹ quan trong quân đội Mỹ đã được xác nhận dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện chưa rõ số liệu cụ thể về các ca lây nhiễm trong lực lượng Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong bối cảnh Bộ Quốc phòng đã yêu cầu các căn cứ và bộ chỉ hủy tác chiến giữ kín các con số do lo ngại về vấn đề an ninh.

Tàu sân bay USS Theodore Rooselvel đang bị cách ly tại Guam đã ghi nhận hơn 1.150 ca mắc COVID-19, trong khi tàu khu trục USS Kidd buộc phải trở về căn cứ hải quân ở San Diego sau khi phát hiện các trường hợp lây nhiễm khi tàu này đang hoạt động tại Thái Bình Dương. Ngày 22/4, tờ New York Times đưa tin cho biết có tới 16 ca mắc COVID-19 trên tàu sân bay USS Reagan dù con tàu này hiện đang trong quá trình bảo dưỡng định kỳ.

Trong khi đó, Trung Quốc không ngừng phô trương sức mạnh ở 2 điểm nóng khu vực là Biển Đông và biển Hoa Đông. Hồi đầu tháng, Trung Quốc đã điều tàu chiến tới xua đuổi các tàu đánh cá trong vùng biển Nhật Bản, gần quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) ở biển Hoa Đông. Thời báo Nhật Bản thừa nhận, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm thay đổi hiện trạng khu vực thông qua các chiến thuật “vùng xám”- khiêu khích vừa đủ để tránh bùng phát đối đầu vũ trang- khiến Tokyo không khỏi lo ngại.

Tháng trước, Nhật Bản cũng đã thận trọng theo dõi các động thái của Trung Quốc khi nước này phô trương sức mạnh quân sự bằng cách triển khai tàu sân bay Liêu Ninh cùng hạm đội tấn công đi qua Eo biển Miyako, nằm giữa quần đảo Okinawa và Miyako trước khi đi qua Đài Loan.

Tại Biển Đông, Trung Quốc cũng vừa ngang ngược tuyên bố thành lập hai quận hành chính để củng cố các tuyên bố chủ quyền phi lý. Hải quân Trung Quốc cũng đã tiến hành “các cuộc tập trận giả định” và “huấn luyện bắn đạn thật”.

Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách Đông Nam Á Reed B. Werner cho biết máy bay chiến đấu Trung Quốc đã quấy nhiễu các máy bay do thám của Mỹ “ít nhất” 9 lần tại không phận Biển Đông từ giữa tháng 3 vừa qua, cùng thời điểm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cập cảng Guam. Cũng theo ông Werner, thực tế nhiều vụ đối đầu giữa quân đội hai nước không được truyền thông đưa tin.

Vấn đề là liệu người Mỹ có nhận ra chiến lược của Trung Quốc để đề ra đối sách hay không. Theo trang phân tích Á-Âu, giới hoạch định chính sách Mỹ không “mù quáng hay ngu dốt”. Mỹ sẽ làm mọi điều để tránh rơi vào tình trạng “dàn trải quá sức”.

Việc tiếp cận các đồng minh để chia sẻ gánh nặng là một cách để duy trì quyền thống trị hiệu quả và ít tốn kém hơn cho Mỹ. Những sáng kiến “liên minh ý nguyện” hợp tác với các đối tác để tiến tới một mục tiêu chung có thể mang lại hiệu quả trong ngắn hạn.

Ví dụ, ngay cả đồng minh của Mỹ như Canada cũng được cho là sẽ tiến hành các chiến dịch tự do hàng hải ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhật Bản cũng đã có lập trường chủ động hơn trong các cuộc diễn tập HADR với các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, về lâu dài, để tránh rơi vào tình trạng “dàn trải quá sức”, Mỹ sẽ cần phải tìm cách đảm bảo cam kết lâu dài của các đồng minh và các đối tác có cùng chí hướng cũng như phát triển các cơ chế để chia sẻ gánh nặng kể cả trong những thời điểm Trung Quốc hoạt động mạnh.

Chuyên gia Derek Grossman thuộc RAND khẳng định quân đội Mỹ vẫn mạnh và đảm bảo sự hiện diện trong khu vực.

Dẫn chứng được đưa ra là các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải và hàng không mà Mỹ tiến hành ở khu vực gần các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ trái phép tại Biển Đông, cũng như hành trình của tàu đổ bộ tấn công USS America mang theo máy bay chiến đấu F-35B và các máy bay trực thăng đến tập trận trong khu vực.

Ông Grossman nhấn mạnh rằng trái ngược với những lo ngại của đồng minh và đối tác, “Mỹ dường như đang tập trung hơn bao giờ hết cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Thực tế Hải quân Mỹ không thường xuyên phô trương trên truyền thông về các hoạt động và công tác huấn luyện của mình tại phía Tây Thái Bình Dương những tuần qua.

Theo ĐÔNG TRIỀU / ĐẤT VIỆT ONLINE

Tags: , ,