⠀
Vắng bóng Mỹ, Nhật Bản dẫn dắt thương mại tự do ở châu Á
Nhật Bản đang tìm cách lấp đầy khoảng trống trong quan hệ đối tác với các nước châu Á. Mục đích trước mắt không phải là chống lại hay kiềm chế Trung Quốc mà thay vào đó là lấp khoảng trống mà Mỹ để lại trong các điều khoản về xây dựng quy tắc và kinh tế.
Bài viết của tác giả Yoichi Funabash, Chủ tịch Viện Nghiên cứu “Sáng kiến Châu Á – Thái Bình Dương”, Tokyo. Bài viết đăng trên tờ “Washington Post”.
Vào thời điểm Nhật Bản đang nỗ lực hơn bao giờ hết để duy trì hệ thống quốc tế sau chiến tranh, điều trớ trêu của lịch sử là khu vực Đại Đông Á cùng phồn vinh của Đế quốc Nhật Bản cuối cùng cũng đã hình thành. Việc lãnh đạo Nhật Bản ngày 8/3 tới sẽ đặt bút ký vào văn bản cuối cùng của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), hay còn gọi là TPP 11, sẽ là một bước tiến lớn đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương mà không có Mỹ. Do sự vắng bóng của Mỹ, tham vọng Chiến tranh Thế giới thứ Hai của Nhật Bản về một khu vực thống nhất kinh tế và văn hóa ở châu Á mà không có sự tham gia của các cường quốc phương Tây có vẻ sắp thành hiện thực. Tuy nhiên, kế hoạch cốt lõi của Nhật Bản là luôn ủng hộ TPP, và khu vực châu Á-Thái Bình Dương bao gồm cả Mỹ cho đến khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi hiệp định này.
Kể từ Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Nhật Bản đã có ý tưởng về hợp nhất châu Á- Thái Bình Dương cùng với Mỹ. Việc từ chối tham gia những sáng kiến loại trừ Mỹ, như Hội nghị Kinh tế Đông Á (EAEC), đã được kết hợp với việc ủng hộ các khuôn khổ bao gồm Mỹ, như Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS). Nguyên tắc chỉ đạo là giữ cho Mỹ ở trong khuôn khổ châu Á. Tuy nhiên, lễ ra mắt của TPP 11 đánh dấu sự ra đời của một thuyết liên Á mới do Nhật Bản dẫn dắt.
Chính phủ Nhật Bản vẫn đang hy vọng vào một trật tự hợp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương đa phương bao gồm cả Mỹ. Hồi đầu tháng này, Phó Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso đã thổ lộ với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence rằng Nhật Bản khuyến khích Mỹ quay lại TPP. Tuy nhiên, câu trả lời của ông Pence là đưa ra thảo luận một thỏa thuận tự do thương mại song phương Mỹ-Nhật – điều mà chính quyền Trump mong muốn nhưng lại không được hoan nghênh tại Nhật Bản.
Trên thực tế, sự phản đối Mỹ trở lại TPP đang gia tăng trong các nước thành viên của CPTPP. Chính quyền Trump đã nói rõ rằng khả năng họ xem xét việc trở lại TPP dựa trên việc đàm phán lại thỏa thuận đáp ứng các lợi ích của Mỹ vượt ra ngoài hiệp định ban đầu. Điều đó sẽ buộc phải có những nhượng bộ mà các thành viên khác sẽ dứt khoát từ chối.
Nếu Mỹ tìm ra các điều khoản có thể chấp nhận được của hiệp định ban đầu và nỗ lực trở lại tham gia TPP, điều đó cũng khó khăn. CPTPP đã “treo” 22 điều khoản của TPP mà các nước đang phát triển đã miễn cưỡng chấp nhận để đổi lấy việc được tiếp cận vào thị trường Mỹ, như các cơ chế giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và nhà nước, luật về sở hữu trí tuệ và luật lao động. Có thể chính quyền Trump sẽ thúc đẩy các điều khoản bổ sung, ví dụ như liên quan đến tiền tệ, khi tham gia lại vào khuôn khổ TPP. Tuy nhiên, do sự phản đối quyết liệt của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Mỹ chắc chắn sẽ thất bại. Ngay cả khi 22 điều khoản bị “treo” được kích hoạt lại, cái giá chính trị đối với các nước đang phát triển, như Việt Nam, có thể trở nên không thể chấp nhận được so với CPTPP ít đòi hỏi hơn.
Mỹ rất khó để sớm trở lại TPP dưới thời chính quyền Trump, và thậm chí là cả trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, thế giới sẽ không dừng lại đơn giản chỉ vì sự rút lui của Mỹ. Các nước tham gia CPTPP dự kiến phê chuẩn hiệp định này vào năm 2019. Sau khi đạt được một thỏa thuận về nguyên tắc hồi năm ngoái, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đang hướng tới Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) có hiệu lực vào đầu năm 2019. Sau đó, Nhật Bản chắc chắn sẽ tập trung trở lại vào Hiệp định Đối tắc Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại tự do giữa các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Nhiệm vụ của Nhật Bản là kết nối Ấn Độ vào quá trình tự do hóa thương mại ở châu Á thông qua RECEP.
Nếu thành công, lợi ích kinh tế của cả CPTPP và RCEP sẽ đáng kể. Tuy nhiên, giá trị thực sự của các hiệp định này là đưa ra các khuôn khổ để duy trì trật tự quốc tế tự do và thực hiện một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mở và tự do. Xây dựng hệ thống luật, pháp quyền, chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế là những yếu tố sống còn để hỗ trợ hai tầm nhìn đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường, và ngược lại vô hiệu hóa các thông lệ thương mại bóp méo thị trường và chủ nghĩa tư bản nhà nước.
Nắm quyền lãnh đạo khu vực liên Á độc lập là một nhiệm vụ khó khăn về mặt địa chính trị đối với Nhật Bản thời hậu chiến. Sáng kiến của họ về thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi cuối thập kỷ 90 của thế kỷ trước đã bị Mỹ và sau đó là Trung Quốc trì hoãn. Tuy nhiên với CPTPP, Nhật Bản đã thành công trong việc giũ bỏ những nỗ lực thất bại của họ trước đây để giành quyền lãnh đạo độc lập ở châu Á. Cho đến nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều không phản đối vai trò lãnh đạo của Nhật Bản.
Tuy nhiên, nỗi lo sợ không nói ra của Nhật Bản là chủ nghĩa liên Á không bao gồm Mỹ có thể đẩy nước Mỹ trở nên hướng nội hơn. Cam kết sâu rộng hơn của Mỹ ở châu Á là điều không thể thiếu để cân bằng với Trung Quốc. TPP rất cần thị trường Mỹ để trở nên có ý nghĩa về mặt chiến lược. Tokyo hiện bị chia rẽ ý kiến về việc liệu Mỹ có nên được gắn với TPP bằng bất cứ phương tiện nào hay không – thậm chí là một thỏa thuận song phương với Nhật Bản hoặc đặt tên khác cho TPP nhằm xoa dịu ông Trump như một phần của “Kế hoạch bình định của Trump”.
Sự hỗn loạn liên quan đến sự tham gia của Mỹ đủ để Chính phủ Nhật Bản tìm kiếm các biện pháp phòng thủ. Trong bối cảnh leo thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ông Abe đã đẩy mạnh cải thiện quan hệ với Trung Quốc. Sự tập trung quyền lực của Tập Cận Bình ở Trung Quốc bất ngờ tạo điều kiện cho Bắc Kinh chấp nhận thân thiện với Nhật Bản. Sự ổn định của các mối quan hệ Trung-Nhật đang mở đường cho các chuyến thăm của lãnh đạo hai nước, điều không thể hình dung được trong năm 2010.
Tổng quát lại là sự nổi lên của một trật tự khu vực mới mà không có Mỹ. Nhật Bản đang tìm cách lấp đầy khoảng trống trong quan hệ đối tác với các nước châu Á. Mục đích trước mắt không phải là chống lại hay kiềm chế Trung Quốc mà thay vào đó là lấp khoảng trống mà Mỹ để lại trong các điều khoản về xây dựng quy tắc và kinh tế. Điều trở nên ít rõ ràng hơn trong chủ nghĩa liên Á đang nổi lên là vấn đề an ninh. Đông Á đã trở thành khu vực tiềm ẩn nguy cơ bất ổn định địa chính trị lớn nhất. Do mối đe dọa liên quan đến Bán đảo Triều Tiên và một Trung Quốc tự tin, quyết đoán, Nhật Bản có nhu cầu mạnh mẽ hơn về đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, tầm nhìn của Nhật Bản ở đây đã và vẫn được gắn liền với sự hợp nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương thông qua liên minh Mỹ-Nhật. Do kinh tế và an ninh không thể được phân chia một cách rõ ràng, sự cam kết kinh tế sâu rộng của Mỹ vào khu vực là điều cần thiết. Hiện nay, vai trò lãnh đạo quốc tế độc lập của Nhật Bản là một bước tiến chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, với khả năng hình thành một liên kết toàn bộ khu vực ở Đông Á.
Theo NGHIÊN CỨU BIỂN ĐÔNG
Tags: Kinh tế thế giới, Hiệp định CPTPP, Thương mại, Nhật Bản, Châu Á