⠀
Văn học Nga và những thế hệ bạn đọc Việt Nam
Cho đến nay người Việt càng ngày càng tiếp xúc nhiều với văn hóa, văn học Nga. Tuy đến muộn nhưng trong vòng hơn nửa thế kỷ qua những ảnh hưởng của nền văn học, văn hóa Nga đối với các thế hệ người Việt là rất lớn.
Chia sẻ của dịch giả Hoàng Thúy Toàn – người được ví là người bắc cầu văn học Việt – Nga trong nhiều thập kỷ qua.
1. Cho đến nay người Việt càng ngày càng tiếp xúc nhiều với văn hóa, văn học Nga. Tuy đến muộn nhưng trong vòng hơn nửa thế kỷ qua những ảnh hưởng của nền văn học, văn hóa Nga đối với các thế hệ người Việt là rất lớn.
Sắp tới diễn ra Tuần Văn hóa Nga tại Việt Nam, trong đó có hoạt động rất tích cực là tuần lễ phim. Tôi nhớ ngay đến tuần lễ phim Nga đầu tiên ở Việt Nam. Có thể nói, cho đến nay âm hưởng của nó đối với Việt Nam vẫn còn. Thậm chí điều đó đã đi vào ca dao, hò vè của cả một thế hệ. Ví như: Đầu tiên đi tìm Lên cao/ Gặp cơn Gió mạnh thổi vào Trái tim/ Ngày mai tôi sẽ đi tìm/ Người thứ bốn mốt trong đêm giao thừa. (Lên cao, Gió, Trái tim, Người thứ bốn mốt đều là tên các bộ phim đã chiếu khi đó – PV). Tôi không thể không nói đến những sách, báo, những tác phẩm văn học Nga và văn học Liên Xô. Không cần nói thì chúng ta cũng biết văn học, văn hóa Liên Xô có ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ thanh niên Việt Nam như thế nào.
2. Tôi đã từng đi tìm, gắn bó với văn học Nga để cố gắng tìm những mạch nguồn và trong quan hệ này, tôi phát hiện ra những điều rất lý thú là văn học Nga đã vào Việt Nam ngay từ những năm 20 của thế kỷ XX. Văn học Nga được giới trí thức của chúng ta quan tâm học hỏi. Năm 1927 đã có những bài về Lev Nikolayevich Tolstoy của tác giả Phan Khôi là Quyền lực Nhà văn. Ngay từ đó nhà văn Phan Khôi đã bắt đầu dịch và giới thiệu văn học Nga trên tờ Đông Pháp về các tác giả như Vasili và một vài nhà văn khác qua tiếng Trung Quốc… Chúng ta thấy rằng các tri thức Việt Nam đã đến với văn hóa, văn học Nga bằng mọi con đường. Cho nên, ngay một nhà văn như Dostoievski mà có đến 2, 3 nhà văn Việt Nam dựa vào tác phẩm của ông để viết. Văn học miền Nam Việt Nam có ông Hồ Biểu Chánh là một nhà tiểu thuyết Việt Nam đầu tiên có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng và trong số các tác phẩm nổi tiếng của ông có nhiều tác phẩm dựa vào các cốt truyện của các nhà văn Nga. Hồ Biểu Chánh viết các tác phẩm như: Chúa tàu Kim Quy, Ngọn cỏ gió lùa… ông cũng tự nhận và khi đọc mọi người sẽ thấy ngay sự ảnh hưởng của các tác phẩm: Những người khốn khổ hay Tội ác trừng phạt…
3. Hiện nay tôi đã sưu tầm được rất nhiều tài liệu, bài thơ của các tác giả Việt viết về Liên Xô, viết về nước Nga. Từ đó tôi có thể khẳng định văn học Liên Xô, văn hóa Nga đã thấm sâu vào nhiều thế hệ người Việt. Năm 2013, tôi đã tổ chức được một cuộc gặp gỡ trao đổi với trên 50 người viết về văn học, văn hóa Nga và sáng tác những tiểu thuyết về nước Nga. Cũng mới đây, tôi và Hội Hữu nghị Việt – Nga đã tổ chức được triển lãm “Những trang tình nghĩa”, trưng bày các trang báo, bài viết về văn hóa, văn học Nga. Qua đó ta thấy được tấm lòng của các thế hệ người Việt viết về nước Nga thật ấm áp. Có cả những trang báo viết về Liên Xô của các tác giả nổi tiếng Tú Mỡ, Vân Đài… Hay những bài nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, 40 năm, 50 năm… những bài thơ của Thu Bồn, Phạm Tiến Duật, Trần Đăng Khoa… họ viết về nước Nga trên những trang báo đẹp như một bức tranh vậy. Ngược lại phía Nga cũng có nhiều bài viết hay về Việt Nam. Những trang báo Prada, những trang thơ của các nhà thơ Nga viết về nước Việt Nam… Đó là những trang chứa đầy tình nghĩa. Cho nên chúng ta rất hàm ơn văn hóa Nga.
4. Thời gian qua, nước Nga không tránh khỏi những khó khăn về xã hội, kinh tế… nhưng cần nhìn nhận trong thời gian vừa qua người Nga đã gượng dậy nhờ nền tảng và sức mạnh của văn hóa. Tôi nghĩ rằng, chúng ta không thể hiểu hết nước Nga, trí óc Nga, không thể lấy dây thước chung để đo nước Nga. Nước Nga có điều đặc biệt là chúng ta chỉ có thể đặt niềm tin vào nước Nga. Từ thế kỷ XIX một nhà thơ Nga đã viết về đất nước của mình: Ở nước Nga không bầu trời nào là không có mây/ Không có một bánh mỳ nào là không thấm mồ hôi/ Ở nước Nga không có hồ nước nào không có đầm lầy/ Ở nước Nga không có ngôn từ nào không có ẩn dụ/ Không có một ngôi nhà nào không có gia thần/ Không có một cánh rừng nào ở nước Nga không có thần rừng/ Không có một ngày hội nào ở nước Nga không quá chén/ Và không có hạnh phúc nào ở nước Nga được cho không.
Đó là một nước Nga thực sự. Nước Nga đứng dậy được và vì thế tâm hồn người Nga là tâm hồn hết sức vì dân tộc. Nó gắn bó chặt chẽ với đất nước bởi nó trải qua những đau thương, mất mát và chiến tranh. Các thế hệ người Nga luôn đi tìm hạnh phúc không phải chỉ cho riêng mình mà cho đất nước mình.
Theo ĐẠI ĐOÀN KẾT
Tags: Văn hóa Nga, Văn học