Văn hóa Sukeban: Sự phản kháng của phụ nữ Nhật Bản thế kỷ 20

Vào thập niên 60-70, Nhật Bản xuất hiện các băng đảng chỉ có nữ, được gọi là Sukeban, tồn tại song hành cùng thế lực Yakuza của cánh mày râu.

Văn hóa Sukeban: Cuộc phản kháng của phụ nữ Nhật Bản thế kỷ 20

Cuối thập niên 60, văn hóa Sukeban – hay còn gọi là “girl boss” trong tiếng Anh – xuất hiện ở Nhật Bản và nhanh chóng phổ biến. Thuật ngữ này được sử dụng để chỉ những băng đảng đường phố do nữ giới lãnh đạo và chỉ thu nhận thành viên nữ. Không được nhận vào các nhóm Yakuza vì giới tính của mình, các nữ yanki (tạm dịch: thanh niên nổi loạn) đã tự thành lập băng đảng dành riêng cho chị em, đưa Sukeban trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều cánh mày râu xứ Phù Tang.

Các “đại tỷ đường phố” Sukeban thường xuyên góp mặt trong các cuộc tranh giành địa bàn, trộm cắp tài sản, đua xe và đánh nhau bạo lực. Vì thế, xã hội Nhật Bản thời bấy giờ xem họ như một mối đe dọa đến an ninh xã hội, tương tự Yakuza. Ở thời kỳ đỉnh cao, ước tính số thành viên của những nhóm này có thể lên tới 10.000 người. Điển hình là băng đảng Sukeban khét tiếng mang tên “Liên minh Nữ tội phạm vùng Kanto” với 20.000 hội viên.

Thay vì đồng phục kiểu thủy thủ, các nữ yanki lựa chọn những chiếc váy dài lạ thường, phối với giày thể thao Converse và khăn quàng cổ. Để rũ bỏ hoàn toàn vẻ ngoài “ngây thơ, hiền thục” và tăng tính nổi loạn, nhiều người thậm chí còn cắt ngắn áo đồng phục, khoe trọn vòng eo của mình. Khi hành động, thành viên của các băng đảng Sukeban thường tự trang bị lưỡi lam, dao cạo và dây xích giấu dưới chân váy.

Trào lưu Sukeban thịnh hành vào thập niên 70 ở Nhật Bản là sự khẳng định cho xu hướng nữ quyền, thể hiện thái độ bất bình trước định kiến xã hội về hình ảnh của người con gái. Mặc dù có phần phản cảm, cách ăn mặc táo bạo và việc sử dụng vũ khí của các nữ yanki vừa là cách bảo vệ bản thân, vừa là lời tuyên bố “phụ nữ không phải món đồ để đàn ông chơi đùa, sở hữu”, theo Japan Times.

Tương tự các băng đảng Yakuza, Sukeban hoạt động theo một hệ thống phân cấp, lấy lòng trung thành làm nguyên tắc cốt lõi và duy trì sự công bằng giữa các thành viên. Mỗi thành viên phạm lỗi đều được đưa ra xử phạt thích đáng. Ví dụ, đối với các vi phạm nhỏ như cướp bạn trai hay không tôn trọng hội viên khác, nữ thủ lĩnh sẽ sử dụng hình thức dùng điếu thuốc lá đang cháy để đốt da thịt người phạm lỗi. Còn với những vụ việc nghiêm trọng, băng đảng sẽ áp dụng cách thức tử hình.

Sự phát triển mạnh mẽ của các băng nhóm Sukeban đã thu hút sự chú ý của dư luận Nhật Bản những năm 60-70, thậm chí được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh. Nổi tiếng trong số đó là series “Pinky Violence”, được sản xuất bởi công ty Toei vào đầu thập niên 70. Nối tiếp theo đó là một loạt dự án khác như “Chị Đại Sukeban” của đạo diễn Norifumi Suzuki và “Nỗi khiếp sợ của nữ sinh trung học”. Bất ngờ thay, những bộ phim tái hiện cuộc sống của các “đại tỷ đường phố” này lại được công chúng đón nhận như “một hoạt động chống lại bất bình đẳng giới”.

Sau này, các băng đảng Sukeban đã bị những trào lưu văn hóa khác như Gyaru, Ganguro hay Kogyaru lấn át. Hình ảnh những chị đại đời đầu trong chiếc váy dài dần bị thay thế bằng những cô gái đường phố với lối trang điểm đậm và chân váy ngắn. Dù ảnh hưởng của xu hướng Sukeban vẫn còn tồn tại trong văn hóa manga, anime và truyền hình Nhật Bản, sức lay động của Sukeban khó có thể so sánh với thời kỳ đỉnh cao.

Theo TRI THỨC TRỰC TUYẾN

Tags: , , ,