Vài nét về giáo lý và đặc điểm tín đồ đạo Sikh ở Ấn Độ

Đạo Sikh xuất hiện vào đầu thế kỷ 16, được xem như một tôn giáo cải cách, ra đời trên cơ sở tiếp nhận tư tưởng, giáo luật, lễ nghi của các tôn giáo đã có ở Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo.

Vài nét về giáo lý và đặc điểm tín đồ đạo Sikh ở Ấn Độ

Hoàn cảnh ra đời đạo Sikh

Dưới Vương quốc Hồi giáo Delhi (1206-1526), Ấn Độ thường xuyên bị phân liệt về lãnh thổ và chính trị bởi các thủ lĩnh Hồi giáo chia nhau cầm quyền ở các địa phương và nhiều lần bị quân Mông Cổ tấn công xâm lược, nhất là ở vùng Tây Bắc rộng lớn.

Bên cạnh đó, người Hồi giáo cai trị lại thực hiện chính sách phân biệt tôn giáo. Họ dành nhiều ưu ái, quyền lợi về chính trị, kinh tế cho tín đồ Hồi giáo cũng tức là hạn chế quyền lợi của các tôn giáo khác, trong đó có đông đảo tín đồ Ấn giáo. Cùng với những lí do khác về kinh tế, xã hội đã dẫn đến phong trào đấu tranh của các giáo phái ở Ấn Độ. Những nhà tư tưởng của các phong trào này đều phủ nhận sự phân chia đẳng cấp, đòi bình đẳng của mọi người trước thần linh và chủ trương không phân biệt biệt địa vị xã hội và tôn giáo, tín ngưỡng. Trong bối cảnh lịch sử đó, Guru Nanak đã sáng lập ra đạo Sikh vào đầu thế kỷ 16 tại bang Punjab thuộc miền Bắc Ấn Độ cùng chung sống hòa bình với các tôn giáo khác đã có ở Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Jaina giáo (Kỳ Na giáo), Phật giáo, Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo. Đạo Sikh được xem như một tôn giáo cải cách, ra đời trên cơ sở tiếp nhận tư tưởng, giáo luật, lễ nghi của các tôn giáo đã có ở Ấn Độ như Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Phật giáo.

Guru Nanak sinh năm 1469 trong một gia đình thuộc đẳng cấp thứ hai, Ksatriya (bao gồm vua chúa, quý tộc, tướng lĩnh) thuộc bộ tộc Bedi tại làng Talwandi gần Lahore. Từ nhỏ, ông đượcgiáo dục là một người theo Ấn giáo. Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ người cha, người đã từng làm việc cho ông chủ làng là người Hồi giáo (Muslim), Nanak sớm tiếp nhận và tinh thông cả Ấn giáo (Hindu) lẫn Hồi giáo (Muslim). Lúc nhỏ, ông là một đứa trẻ rất thông minh, sùng đạo và đầy triển vọng, có thể tranh luận cùng với các đạo sư của các giáo phái nhằm giải đáp mọi thắc mắc về tín ngưỡng tôn giáo nói chung. Ở tuổi 16, Nanak trở thành một quan chức chính phủ và được làm quen với thế giới Hồi giáo rộng lớn, gặp gỡ nhiều nhân vật uyên bác và huyền học nhưng vẫn không có được câu trả lời thích đáng cho vấn đề tín ngưỡng, vì thế ông vẫn tiếp tục theo đuổi tìm kiếm đạo lý riêng cho chính mình. Năm 19 tuổi, mặc dù đã tận tâm với đời sống cầu nguyện và thiền định, nhưng ông vẫn cưới vợ và có được hai người con trai. Sau khi lập gia đình, ông đã chuyển đến Sutanpur sống cùng với người anh rể một thời gian. Tại đây, ông và một nhóm người nữa, đã cùng nhau tụ họp vào mỗi buổi sáng và buổi chiều để đọc kinh cầu nguyện và thiền định, dần dần số người đi theo này càng đông tạo thành một cộng đồng lớn để rồi chính thức trở thành một cộng đồng Sikh giáo, có hệ thống tổ chức được công nhận vào năm 1521. Chính ở tại Sutalpur, Guru Nanak đã trải qua sự “thực nghiệm tâm linh”, “chứng đạt được một vài sự huyền bí”, và một trong những chứng nghiệm đó đã được Guru Nanak lấy làm nguyên tắc chỉ đạo cho đạo Sikh, khi đó ông nói: “Không có Hindu cũng không có Islam, vì thế tôi sẽ theo con đường của ai? Tôi sẽ theo con đường của Thượng đế, Chúa trời không phải Hindu giáo cũng chẳng phải Islam giáo, và con đường tôi theo là con đường của Chúa”.

Giáo lý cơ bản của đạo Sikh

Trong số các tôn giáo lớn trên thế giới, Đạo Sikh thuộc vào hàng sinh sau đẻ muộn nhất. Có người nhầm đạo Sikh với đạo Hindu. Quan điểm cho rằng đạo Sikh là một nhánh của đạo Hindu là sai lầm, thậm chí đó còn là một điều xúc phạm đến những tín đồ đạo Sikh.

Trong tiếng puljab, “Sikh” có nghĩa là “học trò”, hoặc “môn đệ”, còn những người Sikh là “học trò của các Guru”. Đạo Sikh không có các giáo chức, nhưng trong các gurdwaras (đền thờ của đạo Sikh) thường có những người có khả năng đọc được Sách kinh, gọi là Granthi, đứng ra trông coi việc đạo. Tuy nhiên, họ không phải là chức sắc tôn giáo.

Sánh kinh cơ bản của đạo Sikh là Adi Granth, thường được gọi là Guru Granth Sahib.

Giáo lý của đạo Sikh dựa trên những tín điều mà Guru Khải tổ Nanak và 9 vị Guru Thế tổ khác truyền lại. Nội dung chủ yếu gồm: Đạo Sikh là một đơn thần giáo, nghĩa là chỉ thờ duy nhất một vị thần, đó là Chúa Trời. Chúa Trời tạo ra vũ trụ, sự tồn tại của vũ trụ phụ thuộc vào ý chí của Chúa Trời. Chúa Trời đã, đang và sẽ tồn tại mãi. Chúa Trời không có hình thù, không có giới tinh, chưa bao giờ và sẽ không bao giờ mang hình dáng con người trên Trái đất. Cốt lõi cuả Chúa Trời là sự thật, Chúa Trời không hận thù, không sợ hãi, Chúa Trời đến với nhân loại trên toàn thế gian thông qua lời nói được phát ra bởi các Guru – người Thày cả, được thể hiện dưới hình thức các shabads. Đạo Sikh nhấn mạnh sự bình đẳng về xã hội và giới tính, nhấn mạnh tới việc làm điều thiện hơn là thực hành các nghi lễ. Các tín đồ đạo Sikh tin rằng, muốn đạt tới cuộc sống tốt đẹp thì cần phải luôn luôn giữ đức tin trong trái tim, khối óc, phải làm việc chăm chỉ và trung thực, phải đối xử bình đẳng với tất cả mọi người, phải có lòng hảo tâm trước những người kém may mắn hơn và phải phục vụ mọi người.

Điều cốt lõi nhất của đạo Sikh là trạng thái tôn giáo tại tâm của các cá nhân. Tín đồ đạo Sikh tránh các hành vi mê tín, không hành hương, không thờ tượng, ít xây các điện thờ và thực hành các nghi lễ “mù quáng”. Họ cho rằng, cần tu thân ngay trong cuộc sống hiện tại và vượt lên những vất vả khó khăn trong cuộc sống hàng ngày. Họ không chấp nhận phương thức sống thụ động, thoát tục, trở thành tu sĩ hoặc chọn lối sống ẩn dật để trốn tránh cuộc sống thực tại.

Trong đạo Sikh, người phụ nữ rất được coi trọng, và quan niệm của họ về người phụ nữ có phần nào đồng tình với quan niệm đa thê của Hồi giáo “Chúng ta được sinh ra từ người phụ nữ, Người phụ nữ đã mang thai chúng ta, chúng ta đính hôn và kết hôn với phụ nữ. Chúng ta làm bạn với người phụ nữ, và nhờ người phụ nữ nòi giống mới được nối dõi. Khi một người phụ nữ chết, chúng ta lại kết hôn với người khác, chúng ta ràng buộc với thế giới qua người phụ nữ. Vậy tại sao chúng ta lại nói điều không tốt về người phụ nữ, những người đã sinh ra các vị Vua chúa? Người phụ nữ do chính người phụ nữ sinh ra, chẳng có một ai được sinh ra mà không có người phụ nữ. Duy nhất Chúa trời là không phải do người phụ nữ sinh ra” (Guru Nanak, Var Asa). Đạo Sikh nhấn mạnh sự bình đẳng về xã hội và giới tính, cho rằng nam và nữ đều được coi trọng như nhau, phản đối tục giết bé gái sơ sinh hoặc tục thiêu sống người vợ cùng với người chồng đã chết, trái lại cho phép người góa phụ tái hôn. Các tín đồ đạo Sikh tin rằng, muốn đạt tới cuộc sống tốt đẹp thì cần phải luôn giữ đức tin trong trái tim, khối óc, phải làm việc chăm chỉ và trung thực, phải có lòng hảo tâm bố thí cho tất cả mọi người. Sống biết chia sẻ với mọi người cũng là một trách nhiệm xã hội mà những người theo đạo Sikh cần phải biết, mỗi một cá nhân cần nên giúp đỡ những người có nhu cầu thông qua công việc từ thiện.

Hiện đạo Sikh có khoảng hơn 23 triệu tín đồ, đa số sống ở bang Punjab, Ấn Độ. Tại Anh quốc có khoảng nửa triệu tín đồ đạo Sikh. Tại Canada có 225.000 tín đồ và tại Mỹ có 100.000 tín đồ. Đạo Sikh không chú trọng đến việc tiếp nhận thêm tín đồ, nhưng nếu ai muốn cải đạo Sikh cũng sẽ được hoan nghênh.

Một số điểm đặc trưng của tín đồ đạo Sikh

Phần lớn giáo tục của đạo Sikh đều liên quan đến Khalsa. Khalsa chỉ là một nhóm thiểu số trong các tín đồ đạo Sikh, nhưng quan điểm và những dấu hiệu của họ có tầm ảnh hưởng quyết định tới toàn bộ cộng đồng. Những Khalsa luôn chứng tỏ sự trung thành với giáo lý của Đạo Sikh bằng việc mang trên mình 5 dấu hiệu tôn giáo đặc trưng nhất. Các dấu hiệu đó đều bắt đầu bằng chữ cái K nên được gọi là Ngũ K, gồm Kesh (không cắt tóc), Kara (vòng kim loại), Kanga (lược gỗ), Kaccha (đồ lót bằng bông) và Kirpan (kiếm). Chiếc khăn trùm đầu không phải là một trong Ngũ K, nhưng các nam tín đồ đạo Sikh thường đội để che bộ tóc không bao giờ cắt của họ. Chính vì thế, những người đàn ông theo đạo Sikh thường rất dễ nhận ra trong đám đông bởi chiếc khăn trùm đầu và bộ râu quai nón ấn tượng của họ. Nhưng không phải ai đội khăn trùm đầu và để râu quai nón cũng đều là Khalsa. Các Khalsa phải tuân theo giới luật riêng, trong đó có những điều cấm kỵ như hút thuốc, ăn thịt các con vật được đem hiến tế, ngoại tình. Họ phải đọc kinh và cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối.

Họ tên của các nam tín đồ đạo Sikh bao giờ cũng có thành tố Singh (có nghĩa là Sư tử) đứng ở cuối. Thành tố đó đối với nữ giới là Kaur (Công chúa). Vì thế khi xưng hô với một người theo đạo Sikh thì phải dùng họ hoặc chức danh của người đó chứ không thể gọi trống không là ông Singh.

Nơi thờ tự của đạo Sikh gọi là Gurdwara, theo tiếng punjab có nghĩa là “cổng vào guru”. Đạo Sikh sử dụng lịch riêng gọi là Lịch Nanakshahi, dựa trên Dương lịch. Năm sinh của guru Khai tổ Nanakh (1469) được lấy làm mốc năm 1 của Lịch này.

Đạo Sikh hiện là một trong những tôn giáo có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và tư tưởng của người dân Ấn Độ. Mặc dù dân số theo Sikh giáo không bằng dân số theo Ấn Độ giáo nhưng họ là một cộng đồng gắn bó và thịnh vượng với sự liên kết văn hoá, tôn giáo mạnh mẽ, có khuynh hướng vươn tới một nhà nước Sikh độc lập tự chủ như vẫn dung hoà, với một bản sắc riêng biệt của đạo Sikh.

Theo BTGCP.GOV.VN

Tags: , , ,